(CATP) Một mùa khô khắc nghiệt nữa đang diễn ra ở vùng Đồng bằng Sông Cửu Long. Thậm chí, mức độ khắc nghiệt năm nay được ghi nhận còn cao hơn nhiều so với các năm trước: thời gian không mưa kéo dài bất thường, xâm nhập mặn sâu, nắng nóng đặc biệt gay gắt… Người dân Miền Tây vật vã trong cảnh mất điện do quá tải đường dây, thiếu nước ngọt do các nguồn nước bị nhiễm mặn. Vùng đất được biết đến trong nhiều thế kỷ như là nơi mưa thuận gió hòa, đầy ắp sản vật do thiên nhiên ban tặng, nay trở thành nơi thách thức khả năng chịu đựng của con người đối với những hiện tượng thời tiết cực đoan do biến đổi khí hậu gây ra.
Rất nhiều nguyên nhân được chỉ ra, trong đó nguyên nhân chính được cho là hiện tượng El Nino đặc trưng của thời đại biến đổi khí hậu. Nhưng có một nguyên nhân được các chuyên gia khẳng định có tính cốt lõi, đó là thái độ chủ quan, lơ là của con người trong việc chủ động xây dựng và quản lý nguồn nước và việc điều chỉnh mô hình ứng xử trong bối cảnh thiên nhiên và xã hội đương đại diễn biến phức tạp.
Từ mấy trăm năm nay, người dân Đồng bằng Sông Cửu Long sống lệ thuộc hẳn vào nguồn lợi tự nhiên của sông Mê Kông. Dòng sông không chỉ cho thật nhiều nước mà còn thật nhiều phù sa và tôm cá. Bởi vậy người ta nói ở Miền Tây chỉ cần đưa tay ra là có cái ăn, không cần làm lụng nhiều vẫn sống khỏe. Con người được ông trời ưu đãi, cưng chiều, cứ thả mình sống vô tư, không bận tâm chuyện xa xôi.
Trong khi đó, khung cảnh lưu vực sông Mê Kông đang biến đổi ngày càng nhanh. Trước áp lực dân số gia tăng và biến đổi khí hậu theo hướng ngày càng xấu và khó lường, các nước có xu hướng xây dựng, hoàn thiện hệ thống quản trị dòng sông trước hết nhằm phục vụ lợi ích của nước mình. Hàng loạt công trình đã và đang được triển khai: nước này xây đập thủy điện, nước kia đào kênh nắn dòng chảy...
Trong bối cảnh xâm nhập mặn và hạn hán buộc vùng Đồng bằng Sông Cửu Long phải chuyển đổi mô hình sản xuất, ứng dụng khoa học công nghệ để thích ứng. Trong ảnh là mô hình nuôi tôm công nghệ cao ở Sóc Trăng
Từ mấy năm nay, người Miền Tây không còn có điều kiện trải nghiệm mùa nước nổi trứ danh vốn được coi là đặc sản của vùng đất này. Thay vào đó là những đợt lũ nghèo được hình dung như những chiếc xuồng ốm yếu, chở ít bùn đất không đủ để bù lại những đoạn bờ sông biến mất do sạt lở, ít tôm cá không đủ cho bữa ăn của dân chài, chứ đừng nói để làm sôi động các làng nghề chuyên làm ngư cụ và các phiên chợ mùa nước nổi như ngày xưa.
Cuộc sống đương đại chứa đựng những thách thức rất mới, đòi hỏi thái độ ứng phó, thích nghi của con người phải thay đổi, được điều chỉnh cho phù hợp. Phải mạnh dạn từ bỏ cách nghĩ, cách làm đã quen từ bao đời, ỷ lại vào thiên nhiên, thụ động chờ đợi được phân vai theo kịch bản sống do ông trời dàn dựng, để đối mặt thử thách và chủ động suy nghĩ tìm kiếm giải pháp cho bài toán sinh kế bền vững.
Điều chắc chắn là không thể xây dựng kế hoạch làm ăn trong dài hạn bằng cách dựa hẳn hoặc chủ yếu vào lòng tốt, lời cam kết của những người được cho là bạn bè, về việc quản lý, khai thác và sử dụng nguồn tài nguyên chung. Mỗi quốc gia, mỗi dân tộc có lợi ích để theo đuổi và trong chừng mực tôn trọng lợi ích của quốc gia, dân tộc khác, họ có quyền ưu tiên hành động để bảo vệ lợi ích của quốc gia, dân tộc mình.
Ngay cả trong trường hợp đạt được thỏa thuận mang tính ràng buộc pháp lý giữa các Nhà nước về việc ứng xử trong quản lý, khai thác nguồn tài nguyên chung, thì vẫn phải có phương án dự phòng cho tình huống bên thỏa thuận không tôn trọng cam kết, dẫn đến đảo lộn kế hoạch đã được vạch ra.
Khai thác các lợi thế nhằm phát triển tốt du lịch sinh thái ở Đồng bằng Sông Cửu Long
Rõ hơn, cả nước nói chung và vùng Đồng bằng Sông Cửu Long nói riêng cần chủ động xây dựng và triển khai những giải pháp cho phép thúc đẩy sự phát triển bền vững của vùng đất này dựa chủ yếu vào sự phát huy nội lực của quốc gia, của các địa phương liên quan.
Trước hết, cần chủ động quy hoạch hệ thống sông ngòi và kênh rạch trong phạm vi lãnh thổ quốc gia và trên phạm vi Đồng bằng Sông Cửu Long. Trên cơ sở hệ thống sông ngòi tự nhiên và kênh rạch hiện hữu, quy hoạch ghi nhận việc xây dựng kênh đào nhằm tạo mạng lưới dòng chảy có tác dụng điều hòa nguồn nước ngọt một cách hợp lý giữa các vùng, miền có thời gian mưa không giống nhau.
Cần nghiên cứu xây dựng hệ thống hồ chứa nước ngọt trên lãnh thổ quốc gia và ở vùng Đồng bằng Sông Cửu Long với dung tích đủ bảo đảm nguồn nước ngọt cho sản xuất và sinh hoạt bình thường trong mùa khô.
Nhằm tạo sự chủ động trong việc kiểm soát nguồn nước sạch phục vụ cuộc sống của con người, không để con người quá lệ thuộc vào nguồn nước ngọt thiên nhiên, cần nghiên cứu sản xuất nước ngọt bằng phương pháp khoa học trên quy mô công nghiệp. Về phương diện này, nên học tập để vận dụng kinh nghiêm hay của Singapore. Cách đây 50 năm, đất nước này đã từng phải áp dụng chính sách giới hạn mức nước ngọt được sử dụng trên đầu người. Ngày nay, điều kiện thiên nhiên không thay đổi, thậm chí còn khắc nghiệt hơn, nhưng người Singapore đã chủ động được nguồn nước ngọt cho sản xuất và sinh hoạt. Tất cả nhờ việc ứng dụng kết quả nghiên cứu về khả năng xử lý, chế biến nước biển, thậm chí tái chế nước thải thành nước ngọt sử dụng được.
Đồng bằng Sông Cửu Long, nơi giàu tiềm năng về tài nguyên và năng lượng tái tạo. Trong ảnh là cánh đồng điện gió ở Bạc Liêu
Sản xuất nông nghiệp theo cách truyền thống, ngoài những nhược điểm về năng suất thấp, chất lượng kém và tác động tiêu cực đối với môi trường, còn tỏ ra không phù hợp với khung cảnh hiện đại do tiêu thụ quá nhiều nước. Cần nghiên cứu cải tiến phương thức sản xuất nông nghiệp theo hướng giảm bớt chi phí, tăng năng suất, giảm bớt hệ lụy xấu đối với môi trường và đặc biệt là tiết kiệm nước. Nên học hỏi để vận dụng mô hình sản xuất nông nghiệp của Israel.
Cũng cần mạnh dạn từ bỏ suy nghĩ đã thành nếp từ bao đời nay, theo đó, vùng Đồng bằng Sông Cửu Long là vùng đất chủ yếu làm nông nghiệp. Trong chừng mực bảo đảm an ninh lương thực của quốc gia, vùng đất này có nhiều, thậm chí rất nhiều dư địa để triển khai các hoạt động kinh tế khác. Cần nghiêm túc cân nhắc việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế đặc trưng bởi sự thống trị của nông nghiệp sang sự bảo đảm cân đối giữa nông nghiệp, công nghiệp và dịch vụ. Chú trọng đẩy mạnh phát triển du lịch.
Quan trọng hơn hết, muốn vùng đất này phát triển bền vững, cần quan tâm đến việc cải thiện chất lượng nguồn lực con người. Lâu nay, cứ nhắc đến Đồng bằng Sông Cửu Long, thì người ta liên tưởng đến vùng đất có mặt bằng dân trí thuộc loại thấp nhất cả nước. Nhiều ý kiến cho rằng, trình độ dân trí thấp là do con người không chí thú học tập và tính lười học có nguyên nhân chính là vì con người được thiên nhiên ưu đãi: không cần học nhiều, làm nhiều vẫn có ăn, có mặc; vậy thì học nhiều, làm nhiều chi cho mệt. Thật ra, dân trí thấp có nhiều nguyên nhân. Tuy nhiên, điều chắc chắn là vùng đất này không còn được thiên nhiên ưu đãi như mấy thập kỷ, thế kỷ trước. Bởi vậy, phải tuyên truyền, nhắc nhở người dân, đặc biệt là phải giáo dục thế hệ trẻ về những thách thức mà vùng Đồng bằng Sông Cửu Long đang đối mặt. Phải tạo áp lực về nhu cầu sinh tồn của người bản địa trong bối cảnh điều kiện thiên nhiên không thuận lợi, từ đó kích thích sự ham học để tìm kiếm, mở ra con đường sống sót và đi lên.
Viện sĩ, PGS.TS NGUYỄN NGỌC ĐIỆN