Chiều 28/7, tại Trung tâm Báo chí TP, Ban chỉ đạo phòng, chống COVID-19 TPHCM tổ chức họp báo trực tuyến cung cấp thông tin, tuyên truyền về tình hình dịch bệnh trên địa bàn.
Chủ trì tại điểm cầu Thành uỷ có Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành uỷ Phan Văn Mãi. Chủ trì tại điểm cầu Trung tâm Báo chí TPHCM có Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Trưởng Ban Tuyên Thành ủy Phan Nguyễn Như Khuê; Thành ủy viên, Phó Chủ tịch UBND TP Dương Anh Đức.
Quang cảnh buổi họp báo. Ảnh: Huyền Mai
Việc hạn chế tối đa người ra đường sau 18 giờ đã được thực hiện nghiêm
Thông tin nhanh tại cuộc họp, Phó chủ tịch UBND TP Dương Anh Đức cho biết, ngay sau khi UBND TP ban hành văn bản số 2468/UBND-VX ngày 23/7 về việc tăng cường các biện pháp thực hiện giãn cách xã hội theo tinh thần Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ và triển khai Chỉ thị số 12/CT/TU của Ban Thường vụ Thành ủy, TP đã có một loạt văn bản hướng dẫn và cụ thể hóa các quy định của văn bản 2468/UBND-VX.
Cụ thể, TP đã ra văn bản số 2490/UBND-VX về tăng cường biện pháp giảm mật độ giao thông trên đường; văn bản số 2491/UBND-ĐT về tăng cường quản lý hoạt động xe mô tô ứng dụng công nghệ phục vụ vận chuyển hàng hóa thiết yếu trong thời gian TP thực hiện giãn cách xã hội theo tinh thần Chỉ thị 16; văn bản số 2496/UBND-VX về tăng cường các biện pháp quản lý các khu phong tỏa trên địa bàn thành phố; văn bản số 2510/UBND-VX về phương thức làm việc của cơ quan, đơn vị Nhà nước trong thời gian thực hiện Chỉ thị 16.
Theo Phó Chủ tịch UBND TP Dương Anh Đức, đến nay, việc hạn chế tối đa người ra đường sau 18 giờ đã được thực hiện nghiêm. Tuy nhiên, trong khoảng thời gian từ 6 giờ - 18 giờ, nhiều người dân vẫn còn ra đường với lý do không cần thiết. “TP đã và đang và sẽ tiếp tục thực hiện nghiêm việc kiểm tra giám sát trong thực hiện các quy định của đợt cao điểm này”, Phó Chủ tịch Dương Anh Đức nhấn mạnh.
Về tình hình dịch bệnh trong những ngày qua, Phó Chủ tịch Dương Anh Đức cho biết, dịch COVID-19 tại TPHCM tiếp tục có những diễn biến phức tạp. Do đó, nếu không quyết tâm thực hiện các giải pháp đề ra sẽ khó kéo giảm số ca mắc và hạn chế những thiệt hại do dịch bệnh.
Trước tình hình các ca F0, số ca chuyển biến nặng không ngừng tăng, TP đã huy động nguồn lực mở rộng thêm các khu bệnh viện theo mô hình tháp 5 tầng điều trị để đảm bảo công tác điều trị, chăm sóc cho người bệnh. Cùng với đó, để phù hợp với tình hình mới, với những F0 không có triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ, TP đã ban hành các hướng dẫn để người bệnh có thể cách ly tại các cơ sở cách ly quận - huyện hoặc tự cách ly tại nhà.
TP cũng đang nỗ lực tìm kiếm các phương thức tăng sức đề kháng, tạo điều kiện và hướng dẫn cho người dân tự chăm sóc, nâng cao sức khỏe.
Khắc phục tình trạng nghẽn mạng khi gọi vào Tổng đài 115
Về công tác tiếp nhận phản ánh của người dân qua tổng đài 1022 và 115, theo Giám đốc Sở Thông tin - Truyền thông Lâm Đình Thắng, nhằm kịp thời hỗ trợ cho người dân gặp khó khăn, Sở Thông tin - Truyền thông đã phối hợp với Sở Y tế triển khai vận hành Tổng đài 1022 từ ngày 22/7/2021. Hiện tại, Sở bố trí mỗi ngày 3 ca 4 kíp, mỗi ca trực có khoảng 20 - 30 tổng đài viên, mỗi ngày có 120 tổng đài viên trực 24/7.
Tính đến 0 giờ ngày 28/7/2021, có hơn 217.700 cuộc gọi của người dân; các tổng đài viên đã tiếp nhận và xử lý hơn 12.100 cuộc. Trong đó, các Sở - ngành, quận huyện đã xử lý hơn 70% nội dung các cuộc gọi.
Tuy đã bố trí tổng đài viên trực 24/7 nhưng tại một số thời điểm, số lượng cuộc gọi quá lớn dẫn đến tình trạng nghẽn mạng, người dân không kết nối được với tổng đài viên. Để khắc phục tình trạng trên, Sở đang phối hợp với Bộ Khoa học Công nghệ, Bộ Thông tin - Truyền thông triển khai các giải pháp công nghệ, kết nối tổng đài quốc gia để hỗ trợ và tăng lực lượng tình nguyện viên, tổng đài viên để tiếp nhận cuộc gọi. Bên cạnh đó, giới thiệu thêm các đường dây nóng của các Sở - ngành, quận - huyện để người dân có thể phản ánh kịp thời.
Dự kiến trong vài ngày tới, Sở sẽ triển khai ứng dụng Callbot có sử dụng trí tuệ nhân tạo. Với Callbot, trong 1 giờ có thể tiếp nhận thêm 3.600 cuộc gọi của người dân.
Thông tin về công tác tiếp nhận phản ánh qua tổng đài 115, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Lâm Đình Thắng cho biết, hiện tại, tổng đài có 14 đường truyền; tổng số cuộc gọi nhận được là 5.000 cuộc/ngày. Tuy nhiên, thời gian qua, do lượng cuộc gọi nhận được rất lớn nên đã xảy ra tình trạng nghẽn mạng tại một số thời điểm. Vì vậy, UBND TP đã chỉ đạo mở thêm Tổng đài dã chiến tại Công viên phần mềm Quang Trung với số đường truyền là 40 (có thể tăng lên tối đa 100 đường truyền) và tăng cường thêm lực lượng tổng đài viên, tình nguyện viên từ các trường đào tạo ngành y để tiếp nhận đầy đủ các cuộc gọi.
Về công tác xử lý tin giả, tin sai sự thật liên quan đến dịch COVID-19, Phó Giám đốc Sở Thông tin - Truyền thông Từ Lương cho hay, tính từ ngày 28/5/2021 - 27/7/2021, Sở Thông tin - Truyền thông đã trực tiếp xử lý 4 trường hợp vi phạm gồm 1 cá nhân và 3 tổ chức với tổng số tiền 67,5 triệu.
Theo đánh giá của Sở Thông tin - Truyền thông, các hành vi vi phạm tập trung chủ yếu vào 3 nội dung: đặt tiêu đề, tít tựa khiến người đọc hiểu sai nội dung thông tin; cung cấp, chia sẻ thông tin gây hoang mang cho người dân; thông tin sai sự thật gây hậu quả nghiêm trọng.
Ngoài ra, Sở cũng phối hợp chặt chẽ với Công an TPHCM phát hiện xử lý, giám định tài liệu, chuyển Công an quận Bình Thạnh để khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam 1 đối tượng có hành vi lợi dụng quyền tự do dân chủ, xâm phạm lợi ích của nhà nước, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân. Trong thời gian tới, Sở sẽ tiếp tục kiến nghị, xử lý các tài khoản xã hội có hành vi đưa thông tin sai sự thật gây hoang mang dư luận.
Huy động các bệnh viện tư nhân tham gia vào công tác điều trị người nhiễm COVID-19
Theo Phó Giám đốc Sở Y tế Nguyễn Hoài Nam, khi số lượng ca F0 tăng cao, ngành y tế đã xin ý kiến Bộ Y tế triển khai phương án phòng chống dịch trong giai đoạn mới, tập trung tầm soát, cách ly, điều trị F0.
Định hướng hiện nay của TP là chú trọng công tác điều trị, áp dụng điều trị theo mô hình tháp 5 tầng. Cụ thể, tầng 1 là các cơ sở cách ly tập trung ở quận, huyện nhằm cho người F1 không có triệu chứng; tầng 2 là các bệnh viện dã chiến có nhiệm vụ thu dung và điều trị các trường hợp F0 có triệu chứng nhẹ và bệnh nền ổn định; tầng 3 là các bệnh viện điều trị COVID-19 có triệu chứng trung bình và nặng; tầng 4 là các bệnh viện điều trị các bệnh lý nền hoặc bệnh lý nặng; tầng 5 là bệnh viện hồi sức.
Để thực hiện, TP cần bổ sung cơ sở hạ tầng, trang thiết bị nhân lực, tập huấn tuân thủ phác đồ điều trị, đặc biệt thuốc chuyên biệt điều trị COVID-19 một cách thành thạo, nhất là vấn đề cấp cứu. TP cũng đang huy động các bệnh viện tư nhân tham gia vào công tác điều trị người nhiễm COVID-19, chăm sóc sức khỏe cho người bệnh, chủ yếu ở tầng 3 đến tầng 4 trong tháp 5 tầng điều trị bệnh nhân COVID-19 ở TPHCM.
Về công tác chăm sóc F0, đối với một số trường hợp không triệu chứng, gia đình đủ điều kiện có thể theo dõi, chăm sóc bệnh nhân tại nhà. Bệnh nhân và gia đình sẽ được cung cấp số điện thoại của nhân viên y tế để được tư vấn. Sở cũng thành lập nhóm bác sĩ, giáo sư đầu ngành tham gia tư vấn việc kết hợp đông và tây y trong điều trị các bệnh nhân triệu chứng nhẹ.
Liên quan đến việc sử dụng thuốc Xuyên Tâm Liên trong điều trị COVID-19, hiện nay, Sở Y tế đã giao cho Viện Y học Cổ truyền rà soát, chịu trách nhiệm việc sản xuất, điều phối các loại thuốc y học cổ truyền cho điều trị người nhiễm COVID-19 nhẹ, các F0 không triệu chứng để nâng cao sức khỏe cho người bệnh.
Theo Phó Giám đốc Sở Y tế Nguyễn Hoài Nam, về việc ưu tiên tiêm vắc xin cho người dân ở khu vực phong tỏa, công tác này vẫn được tuyên truyền và có phương án tổ chức phù hợp. Đảm bảo đẩy nhanh tiêm vắc xin nhưng không tụ tập đông người theo sự hướng dẫn của ngành Y tế.
Hiện tại, chiến dịch tiêm vắc xin đợt 5 vẫn đang được tiếp tục, tính đến 16 giờ chiều ngày 27/7, có khoảng hơn 30.000 người trên 65 tuổi đã được tiêm; các đối tượng khác trong cộng đồng khoảng 243.000; các đối tượng ưu tiên khác khoảng 21.000 (riêng ngày 27/7, khoảng 70.000 người dân được tiêm).
Thực hiện nghiêm việc cán bộ, công chức, viên chức làm việc tại nhà
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Phan Văn Mãi đánh giá, 2 ngày đầu thực hiện, việc hạn chế ra đường sau 18 giờ đã nhận được sự ủng hộ, đồng tình và thực hiện nghiêm từ người dân.
Tuy nhiên, thực tế cho thấy, lượng người ra đường vẫn còn đông từ 6 giờ sáng - 18 giờ. Do đó, TP yêu cầu người dân nghiêm túc thực hiện giãn cách, hạn chế tối đa việc tiếp xúc, chỉ ra ngoài khi cần thiết. Đồng thời, thực hiện giám sát và phản ánh lực lượng chức năng thông qua cổng thông tin của TP để các cơ quan chức năng kịp thời xử lý các trường hợp sai phạm.
Mong người dân hạn chế việc ra đường trong thời gian 6 - 18 giờ và tiếp tục thực hiện việc giãn cách xã hội tốt hơn trong thời gian còn lại. Ý thức từng người dân là phòng tuyến đầu tiên, quan trọng và không thể thay thế. Đây là yếu tố quyết định việc thực hiện giãn cách có triệt để hay không”, Phó Bí thư nhấn mạnh.
Phó Bí thư Thường trực Thành uỷ Phan Văn Mãi phát biểu tại họp báo. Ảnh: Việt Dũng
Bên cạnh đó, Phó bí thư Thường trực Thành ủy Phan Văn Mãi đề nghị các cơ quan nhà nước, trung ương thực hiện nghiêm việc tổ chức cán bộ công chức viên chức làm việc tại nhà, giảm thiểu tối đa số lượng người đi làm để hạn chế việc ra đường. Ban Chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 các cấp, lực lượng chức năng sẽ có các cuộc kiểm tra đến từng quận, huyện, cơ sở để kịp thời chấn chỉnh, uốn nắn và xử lý vi phạm với những cơ quan chưa thực hiện nghiêm việc thực hiện quy định này.
Từ thực tế hiện nay với 70-80% F0 không có triệu chứng hoặc tự khỏi sau một thời gian, cùng với nhận định các chuyên gia về y tế cho thấy, những nơi có số lượng F0 lớn nếu cách ly tập trung sẽ dẫn đến quả tải. Do đó, nhằm giảm áp lực thu dung cho các bệnh viện, việc tổ chức F1, F0 cách ly tại nhà, gắn với giám sát y tế, tư vấn y tế, sơ cấp cứu nhanh sẽ được TP tập trung thực hiện trong thời gian tới. Bên cạnh đó, TP hình thành mạng lưới cộng đồng bác sĩ tư vấn online, giữ liên lạc, thăm hỏi, xử lý tình huống y tế khi có yêu cầu, đảm bảo mọi F0 được tư vấn online, chăm sóc sức khoẻ đầy đủ.
Theo Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Phan Văn Mãi, công tác điều trị là nhiệm vụ hàng đầu hiện nay. Vì vậy, TP đã chuyển chiến lược sang tiếp nhận và điều trị các trường hợp triệu chứng nặng, có bệnh nền. Các trường hợp trở nặng, rất nặng sẽ được điều trị ở các cơ sở điều trị chuyên sâu. Để tăng năng lực điều trị, TP cũng yêu cầu bệnh viện quận tăng cường tổ chức, trang thiết bị, phân chia năng lực để thực hiện bệnh viện chia đôi.
Bên cạnh đó, UBND TP đã có chủ trương huy động cơ sở y tế, bệnh viện tư nhân tham gia chăm sóc, điều trị bệnh nhân COVID-19. Lập thêm bệnh viện dã chiến tham gia tầng 3 và 4 trong tuần tới với một số chức năng nâng cao hơn để đảm bảo khâu điều trị. Tổ chức lại, liên thông tầng 3,4,5 để chăm sóc, vận chuyển bệnh nhân tốt hơn. Bệnh viện công suất 1.000 giường phục vụ cho tầng 5 tháp điều trị cũng đang được hoàn thiện, TP đang huy động thêm bệnh viện lớn, có năng lực để tham gia điều trị tầng này.
Theo Phó Bí thư Phan Văn Mãi, hiện nay áp lực y tế rất lớn, do đó TPHCM phải cố gắng rà soát, sắp xếp để các tầng được bố trí khoa học và phối hợp nhuần nhuyễn để giảm áp lực; nâng cao năng lực điều trị để tiếp nhận bệnh nhân COVID-19 nặng.
Về vấn đề cung ứng hàng hóa, Phó Bí thư Phan Văn Mãi cho rằng, thông qua tổng đài 1022, TP nhận thấy việc cung ứng hàng hoá được quan tâm. Sau nhiều biện pháp được thực hiện, TP đã đáp ứng được tương đối nhu cầu hàng hóa của người dân. Hiện tại, TP đang tổ chức đưa hàng về từng xã, phường, thị trấn để đảm bảo nhu cầu mua hàng của người dân với nhiều phương thức. Từ đó, đảm bảo cung ứng cơ bản, tối thiểu hàng hoá thiết yếu trên địa bàn.
Với những đối tượng cần hỗ trợ, TP đã chỉ đạo các địa phương tổ chức rà soát số lượng người khó khăn để có biện pháp giúp đỡ kịp thời. Bên cạnh đó, hình thành Trung tâm tiếp nhận điều phối hàng cứu trợ đến từng xã, phường, thị trấn.
Về việc tiêm vắc xin, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Phan Văn Mãi cho biết, TP xác định phải đẩy nhanh tiêm vắc xin. Do đó, TP đã kiến nghị Bộ Y tế tăng thêm lượng vắc xin cho TP và đơn giản hoá quy trình và đội hình để tiêm được nhiều người. Thời gian tới, TP sẽ tổ chức tiêm vắc xin từ 18 giờ - 6 giờ trên địa bàn phường, quận với số lượng, người cụ thể, có quy định, nhận diện cụ thể để người dân có thể ra đường sau 18 giờ.