(CAO) TPHCM đang điều trị 39.114 bệnh nhân dương tính, trong đó có 744 bệnh nhân nặng thở máy và 13 bệnh nhân can thiệp ECMO. Tính cộng dồn đến nay có 815 bệnh nhân tử vong.
Thông tin về tình hình dịch bệnh COVID-19, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TPHCM cho biết, TP đang chuyển dần chiến lược điều trị để hạn chế số ca tử vong, siết chặt việc thực hiện Chỉ thị 16...
Tính hết ngày 27/7, có 73.911 trường hợp mắc bệnh phát hiện tại TPHCM được Bộ Y tế công bố (chưa tính số ca nhiễm đã công bố sáng ngày 28/7); trong đó: 73.303 trường hợp nhiễm trong cộng đồng, 304 trường hợp nhập cảnh.
Các bệnh nhân nặng được Bệnh viện Hồi sức COVID-19 chữa khỏi, xuất viện
Trong ngày 27/7, có thêm 4.353 bệnh nhân xuất viện, tổng số ca điều trị khỏi tính từ khi dịch bệnh bắt đầu là 21.338. Hiện đang điều trị 39.114 bệnh nhân dương tính (bao gồm bệnh nhân có kết quả xét nghiệm PCR xét nghiệm nhanh dương tính) trong đó có 744 bệnh nhân nặng đang thở máy và 13 bệnh nhân can thiệp ECMO. Tính cộng dồn đến nay có 815 bệnh nhân tử vong.
36 chuỗi lây nhiễm đang diễn tiến ở TP đã được khoanh vùng, giám sát chặt. Trong ngày không phát hiện thêm chuỗi lây nhiễm mới.
Từ 26/5 đến ngày 27/7/2021 TP đã lấy 2.513.749 mẫu xét nghiệm (tại các khu cách ly, khu phong tỏa, các tòa nhà, khu dân cư, khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao...), trong đó 2.429.484 mẫu có kết quả, 112.485 mẫu chờ kết quả.
Tổng số người hiện đang thực hiện cách ly tại TPHCM là 44.699 trong đó 6.805 người cách ly tập trung, 37.894 trường hợp cách ly tại nhà/nơi lưu trú. TP tổ chức thực hiện cách ly F1, F0 không triệu chứng đủ điều kiện xuất viện tại nơi cư trú. Tổ chức khu cách ly tập trung cho các trường hợp F0 không triệu chứng tại các quận huyện và TP. Thủ Đức.
Tăng cường quản lý khu phong tỏa, hạn chế ca nhiễm
Trước tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, đa số ca nhiễm mới tại các khu phong tỏa, UBND TP đã có văn bản hướng dẫn về việc tăng cường một số biện pháp quản lý các khu phong tỏa.
Theo đó, các địa phương cần xác định phạm vi phong tỏa phù hợp, không quá hẹp để bỏ sót trường hợp F0, F1, nhưng cũng không quá rộng ảnh hưởng đến cuộc sống và sinh hoạt của người dân.
Việc xác định phạm vi phong tỏa sẽ dựa vào số F0 được phát hiện ngay trước lúc phong tỏa và vị trí sinh sống cùng với mức độ giao lưu tiếp xúc của F0 này, môi trường sống, tình trạng nhà ở, mức độ tập trung và giao tiếp của người dân trong khu vực, …
Một khu vực phong tỏa được gỡ bỏ
Nhanh chóng “làm sạch, làm xanh” khu phong tỏa bằng xét nghiệm (test nhanh trước, PCR sau) ngay sau khi xác định phạm vi phong tỏa và đưa những người có nguy cơ cao (F0, F1 phát hiện thêm) đến các cơ sở cách ly tập trung hoặc cách ly tại nhà nếu đảm bảo các yêu cầu và quy định. Đẩy mạnh tiếp nhận thông tin từ khu phong tỏa để kịp thời lấy mẫu cho người dân có triệu chứng, bệnh lý nền hoặc yếu tố dịch tễ tiếp xúc F0.
Thu thập thông tin, đánh giá nguy cơ, tiến hành xét nghiệm để tiến tới giải tỏa khu phong tỏa theo nguyên tắc từng phần, từ khu vực ít nguy cơ đến nguy cơ vừa và sau cùng là nguy cơ rất cao. Khu vực được giải tỏa nhưng các hộ gia đình thuộc diện giám sát (có F1 cách ly tại nhà, F0 điều trị tại nhà, …) vẫn tiếp tục thực hiện giám sát theo quy định.
Các địa phương cần phổ biến, cung cấp đầy đủ thông tin theo hướng dẫn của TP và các số điện thoại liên hệ khi cần hỗ trợ đến từng hộ gia đình. Thành lập Tổ quản lý để tiếp nhận thông tin, tình hình sức khỏe, ý kiến phản ánh của người dân và báo cho Ban chỉ đạo phòng chống dịch địa phương, Tổ phản ứng nhanh tại địa phương để xem xét, giải quyết, hỗ trợ kịp thời.
Tổ chức “đi chợ thay”, tiếp nhận nhu yếu phẩm thiết yếu được hỗ trợ và chuyển đến các hộ gia đình, tuyệt đối không để người dân ra ngoài nhận trực tiếp...