Nghĩa đồng bào…

Thứ Sáu, 24/09/2021 12:08

|

(CATP) Những món quà hôm nay dẫu không nhiều, nhưng ai nấy đều mừng vì thấy được sự quan tâm, nghĩa tình của người với người trong lúc hoạn nạn, gian nguy. Bên này gọi nhau, bên kia í ới đáp lại, nghĩa cử cứ thế được gửi trao.


Chương trình "Mùa yêu thương" năm thứ 8 của Báo Công an TPHCM (CATP) vẫn tiếp tục cuộc hành trình nhân văn giữa lúc bộn bề khốn khó. Đó là sự nỗ lực rất lớn của chúng tôi và cả những tấm lòng thơm thảo, họ có trái tim ấm áp đến vô ngần!

Xóm nhỏ, rộng lòng người

Chiều muộn, chiếc ba gác chất đầy gạo, sữa, bánh Trung thu, chở theo phóng viên Báo CATP, nặng nhọc chạy vào xóm nhỏ. Chiếc xe xộc xệch, không thôi giằng xóc, làm chúng tôi một phen "ê ẩm". Tính tới mùa Trung thu năm nay, đã là năm thứ 8 "Mùa yêu thương" mang niềm vui đến với trẻ em nghèo trên khắp mọi miền đất nước. Mỗi nơi để lại một kỷ niệm, một dấu ấn nhưng mùa trăng này có lẽ là một câu chuyện hoàn toàn khác.

Ấp 5, xã Bình Hưng (huyện Bình Chánh), nơi có trên 400 hộ dân đang xác xơ vì dịch. Đã 2 tháng rồi, bà con ở đây chỉ biết lủi thủi trong các con hẻm ở xóm nghèo. Họ sống trong cảnh bị động, đến đồ ăn thức uống còn eo hẹp, nhờ chính quyền hỗ trợ thì làm sao dám nghĩ đến một chiếc bánh Trung thu ngon lành? Những tưởng với diễn biến khó lường của dịch bệnh, chương trình "Mùa yêu thương" sẽ phải tạm nghỉ một đoạn đường, sau 7 năm rong ruổi không ngừng.

Nhưng xúc động thay, trong lúc sắp sửa đưa ra quyết định khó khăn nhất, chúng tôi nhận được cuộc gọi của chị Mỹ Lan (đại tá Nguyễn Thị Mỹ Lan - nguyên Trưởng phòng Tổ chức cán bộ Công an TPHCM), ngỏ lời phối hợp, mong làm sao mang đến cho bà con một niềm vui nho nhỏ. Người phụ nữ ấy luôn là thế, nhiệt huyết với ngành và nặng nợ với đời. Từ lúc còn là một cán bộ quản lý địa bàn, đến khi lên lãnh đạo phòng và cả cho tới lúc về hưu, biết bao năm chị hăng say làm việc nghĩa, không ngừng đóng góp, che chở, dựng xây cho những mảnh đời khốn khó. Nhưng tất cả chỉ trong sự âm thầm, lặng lẽ...

Các lãnh đạo, cán bộ, chiến sĩ Phòng 8, Cục Hậu cần (Bộ Công an) trên đường vào trận tuyến chống dịch cam go tại TPHCM

Những gì xảy đến với người dân thành phố trong mấy tháng qua, làm chị trăn trở khá nhiều. "Trung thu là dịp để đoàn viên, để quây quần bên hạnh phúc. Nhưng năm nay đau thương quá! Một chiếc bánh, một túi gạo được gửi trao lúc này, là nguồn động viên lớn lắm cho bà con mình. Mấy đứa ráng làm một chương trình ý nghĩa, chị sẽ tiếp sức" - chị gợi mở.

Thế là tình người được chắp cánh bay cao. Rất chóng vánh, sau tài trợ của chị Mỹ Lan, chúng tôi được thêm sự "hà hơi tiếp sức" của anh Nguyễn Chánh Trung - Phó tổng giám đốc Tập đoàn Tân Long và anh Trần Bình Trọng, anh Nguyễn Hoàng Xuân Bảo - lãnh đạo Công ty CPĐT Xây dựng Ánh Sao. Vậy là nhờ những tấm lòng thơm thảo, "Mùa yêu thương" năm thứ 8 có đủ thực lực để tiếp tục cuộc hành trình.

Xe chở quà men theo con đường độc đạo, vào sâu bên trong ấp. Trận mưa lớn đêm qua lộ ra những vũng sình lỗ chỗ, nhem nhuốc. Nắng xế chiếu xuống mặt nước đen ngòm, hắt lên những phận đời yếu thế trong khu ổ chuột. Mắt người chạm nhau, buồn thỉu buồn thiu. Vậy mà con người ở đây chất phác đến lạ kỳ.

Thấy đoàn đến, chẳng ai bảo ai, họ thay nhau khuân vác hàng, rồi trật tự giãn cách chờ tới lượt. Thảo Ngân, cô gái có dáng người nhỏ thó, nhưng là thành viên tích cực nhất của "Mùa yêu thương" suốt bao năm nay. Miệng nói, tay làm, cô nhanh nhảu đọc tên từng người một. Những món quà hôm nay của chúng tôi không nhiều nhặn gì và cũng chẳng thể đủ đầy trong bối cảnh khó khăn này, nhưng ai nấy cũng mừng rơn trong bụng. Mừng, vì thấy được sự quan tâm, thấy được nghĩa tình của người với người trong cơn hoạn nạn.

Mùa trăng của những yêu thương

Má Tám (70 tuổi - ngụ tại ấp) nhận quà rồi nhưng chẳng hiểu sao nấn ná mãi. Hỏi ra mới biết, kế bên nhà má có 2 cháu nhỏ. Dịch đến, ba mẹ đi làm ở xí nghiệp nên phải "3 tại chỗ", sinh hoạt ngay nơi làm việc, 2 tháng rồi chưa được về nhà thăm con. Cùng cảnh khó nên "bầu bí thương nhau"! Thấy tội nghiệp, má nhận nuôi giùm luôn cháu của... "người dưng". "Cho má thêm phần bánh để làm quà Trung thu cho sắp nhỏ ở nhà, được không con?" - má rụt rè ngỏ ý.

Nguyện vọng quá đỗi thân thương được chúng tôi thực hiện ngay. Má cầm chiếc bánh trên tay mà lòng mừng hơn ai cho vàng bạc. "Thời buổi dịch bệnh mà bây mua bánh Trung thu ở đâu hay vậy con? Rồi lặn lội vào tận trong này, ngồi xe vậy mệt chết" - má Tám ghé tai Thảo Ngân, nói. "Dạ. Miễn má vui là tụi con khỏe re hà” - cô gái đáp lại, tít mắt cười tươi. Nghĩa cử cứ thế được gửi trao, hòa quyện cùng lời chúc bình an. Ấm áp đến vô ngần!

Trăng xua bóng tối, trăng nối yêu thương

Ráng chiều đổ vội, đoàn chúng tôi tức tốc quay xe chạy về Bệnh viện Dã chiến Phước Lộc (huyện Nhà Bè) tặng quà Trung thu cho các y, bác sĩ và cán bộ, nhân viên hậu cần đang trực chiến tại đây. Gần 200 nhân lực thuộc các đơn vị khác nhau của Bộ Công an đã được tăng cường vào TPHCM tiếp viện cho cuộc chiến chưa từng có tiền lệ với dịch bệnh.

Để tri ân nghĩa cử lớn, trước đó 2 ngày, chị Mỹ Lan và chương trình "Tiếp sức tuyến đầu chống dịch" của Báo CATP cũng đã vận hành một "chuyến xe yêu thương" khác, hỗ trợ 5 thùng khẩu trang y tế N95 (3.000 cái) cùng nhu yếu phẩm khác cho tất cả "chiến binh" ở đây, nguyện tiếp thêm ngọn lửa tinh thần để họ vững tâm xông pha chiến đấu.

"Các đồng chí đã vì sự bình yên của thành phố nghĩa tình này mà lăn xả, chấp nhận đối đầu với một kẻ thù vô hình và rất nguy hiểm. Bởi thế, ngày hôm nay, bằng tất cả tấm lòng biết ơn, chúng tôi đến đây mong được gửi đến một thông điệp tri ân. Đó chính là nghĩa đồng bào!" - chị Mỹ Lan gửi gắm.

Phóng viên Báo CATP vào xóm nghèo trao nghĩa cử

Thượng tá Lê Thị Quỳnh Giang (Trưởng phòng 8 Cục Hậu cần) kể, tháng trước, chị và trung tá Nguyễn Thị Hải Linh (Phó trưởng Phòng 8 kiêm Giám đốc Nhà khách Bộ Công an, thuộc Cục Hậu cần - hiện đang phụ trách bếp ăn của Bệnh viện Dã chiến Phước Lộc) nhận nhiệm vụ vào TPHCM chống dịch, theo tiếng gọi của đồng bào miền Nam. Mấy ngày đầu mới xa gia đình, lại đứng trước áp lực kinh khủng khi những ca F0 lên đỉnh điểm, lực lượng tiếp viện từ Hà Nội hầu như bị "sốc toàn tập".

Nhưng bằng tất cả sự nỗ lực và sự đoàn kết của một tập thể, họ đã nắm tay nhau vượt qua giới hạn của... chính họ! "Giờ thì tụi mình vào guồng rồi, chiến đấu mạnh mẽ lắm. Cứ ngày nào thấy bệnh nhân xuất viện nhiều là mừng tới quên ăn" - trung tá Hải Linh bộc bạch rồi tâm sự cho phóng viên nghe thêm rất nhiều về gia đình nhỏ của mình, nơi luôn là niềm tin, động lực để chị an tâm hoàn thành trọng trách mà đất nước giao phó. Nhưng tự lúc nào, mắt chị đỏ hoe không hay biết (!). Có lẽ, không chỉ mỗi thượng tá Quỳnh Giang hay trung tá Hải Linh mà hầu như, tất cả những con người ở đây đều chung một "nỗi niềm riêng" như thế.

Hỏi bác sĩ Nguyễn Thị Hiền (Phó trưởng Khoa Tiết chế Dinh dưỡng thuộc BV 198, Bộ Công an) về cảm xúc của chị trong mùa Trung thu năm nay, chưa kịp nói gì, "nữ chiến binh áo trắng" đã ngấn lệ: "Xa gia đình, lại trong một trận tuyến cam go như thế này, quả thật khó khăn lắm! Nhưng chúng tôi hứa sẽ chiến đấu, sẽ hoàn thành nhiệm vụ. TPHCM khỏe, chúng tôi mới trở về!". Rõ ràng, không một ai mong bản thân phải bước vào một trận địa hiểm nguy. Nhưng với những con người đi theo tiếng gọi của đồng bào, bằng ý chí, họ hạ quyết tâm chiến đấu cho đến khi ca được khúc khải hoàn. Có vậy mới hiểu, nghĩa đồng bào thật lớn xiết bao...

Trời sập tối, chúng tôi chào tạm biệt những người hùng trên tuyến đầu chống dịch. Tiếng côn trùng gọi nhau nỉ non sau những ngọn lau bên đường vắng, khiến lòng người thoáng chút suy tư. Đoàn xe chúng tôi thong thả lướt đi giữa phố không người. Chợt nhớ lời dặn của chị Mỹ Lan trong đêm chuẩn bị kế hoạch trao gửi yêu thương: "Vật chất dù có bao nhiêu cũng không bằng tình yêu người trao tặng. Giúp đời cũng là giúp chính ta".

Bình luận (0)

Lên đầu trang