(CATP) Gần 48 năm ra đời và phát triển, Báo Công an TPHCM (Báo CATP - nay là Chuyên đề Công an TPHCM) đã nỗ lực “Vì người nghèo” theo chủ trương của Đảng, Nhà nước, nhất là trong mỗi dịp Tết đến, Xuân về. Thời khắc đất nước chuyển mình chuẩn bị chào đón năm mới Giáp Thìn 2024, xin ôn lại 30 cái Tết thấm đậm nghĩa tình của Báo CATP với đồng bào nghèo trên khắp mọi miền Tổ quốc!
TỪNG BƯỚC GẮN BÓ VỚI NGƯỜI NGHÈO!
Từ bản tin nội bộ của Công an TPHCM năm 1976, chỉ sau 10 năm ra đời và phát triển, Báo CATP đã có lượng phát hành cao nhất làng báo cả nước. Tiếp tục phát huy truyền thống “tương thân tương ái” của dân tộc và những tình cảm của hàng triệu độc giả, số báo ra ngày 11/02/1987 có thêm mục mới “Nhường cơm sẻ áo”, qua đó kêu gọi sự giúp đỡ của cộng đồng cho những hoàn cảnh khó khăn, bất hạnh. Đây là số báo và chuyên mục mở đầu cho hành trình “Vì người nghèo” của Báo CATP kéo dài đến tận bây giờ...
Cố Tổng Biên tập Huỳnh Bá Thành - người tổ chức hoạt động XH-TT của Báo CATP
Tháng 6/1989, bão lũ gây tang thương cho đồng bào Quảng Nam - Đà Nẵng, Báo CATP đã tổ chức chương trình ca nhạc để quyên góp ủng hộ đồng bào miền Trung ruột thịt đang phải gồng mình chống chọi với thiên tai. Từ đó, hàng loạt chương trình ca nhạc từ thiện do Báo CATP tổ chức để giúp bà con nghèo, gia đình chính sách, học sinh - sinh viên vượt khó... mở ra thêm một hướng mới cho hoạt động xã hội - từ thiện của Báo CATP với sự góp sức của toàn xã hội và sự động viên, khen ngợi, ủng hộ của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước đương thời như: Thủ tướng Phạm Văn Đồng, Thủ tướng Phan Văn Khải, Chủ tịch Quốc hội Nông Đức Mạnh; các đồng chí Tổng Bí thư Đỗ Mười, Lê Khả Phiêu; các đồng chí Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết, Trương Tấn Sang; Phó Chủ tịch nước Trương Mỹ Hoa...
Cán bộ, CNV Báo CATP đóng hàng hóa gửi đi các vùng miền giúp đồng bào nghèo ăn Tết
Đầu tháng 01/1993, cố Tổng Biên tập Huỳnh Bá Thành cho mở phòng tranh từ thiện tại tòa soạn Báo CATP, số 110 Nguyễn Du, quận 1, mục đích là trích 50% tiền bán tranh của các họa sĩ để mua quà Tết tặng bà con nghèo. Nhà thơ, họa sĩ Lê Thị Kim đã “mở hàng” cho chương trình này với 38 bức tranh sơn dầu và đã bán được 22 bức, với tổng số tiền thu được là 12.000USD (tương đương 30 lượng vàng thời điểm đó, khoảng 2 tỷ đồng so với giá vàng của năm 2023)... Sau Lê Thị Kim, nhiều họa sĩ khác cũng mở triển lãm tranh từ thiện tại tòa soạn Báo CATP như: Trịnh Cung, Hứa Thanh Bình, Trịnh Thanh Tùng, Hồ Hữu Thủ, Lê Thánh Thư, Đỗ Duy Tuấn... Trân trọng và đánh giá cao hoạt động nghĩa tình này do Báo CATP khởi xướng, họa sĩ Hồ Hữu Thủ bộc bạch: “Những cuộc triển lãm tranh gây quỹ từ thiện do Báo CATP tổ chức đã tạo cơ hội để chúng tôi được chia sẻ với đồng bào gặp bất hạnh và nhịp cầu giúp họa sĩ gần gũi hơn với công chúng yêu hội họa”...
Đêm ca nhạc gây quỹ giúp đồng bào nghèo đón Tết
Từ những cuộc triển lãm tranh từ thiện đã mở ra các chương trình nhiều ý nghĩa khác như “Quà Tết cho đồng bào nghèo”, “Xuân cho những mảnh đời bất hạnh”, “Mùa xuân biên giới, hải đảo”... của Báo CATP. Và chúng tôi có rất nhiều kỷ niệm khó quên về quá trình thực hiện các hoạt động nghĩa tình này!
Trong 15 lần triển khai “Mùa xuân biên giới, hải đảo”, Báo CATP phối hợp cùng Bộ đội Biên phòng, Công an, nhà tài trợ và chính quyền địa phương các xã biên giới tặng hàng ngàn suất quà Tết cho bà con mỗi năm (trị giá mỗi xuất quà từ 300 - 500 nghìn đồng tùy thời điểm triển khai). Lần đáng nhớ nhất là dịp Tết Đinh Hợi (đầu năm 2007), đoàn công tác của Báo CATP phối hợp với các đơn vị bạn đã đến tỉnh Champasak của Lào - nơi có nhiều người Việt sinh sống. Bà con người Việt náo nức như ngày hội khi đoàn đến.
Tại Bệnh viện Đa khoa của 4 tỉnh Nam Lào đặt tại tỉnh Champasak, đoàn bác sĩ Viện Tim TPHCM đã khám bệnh, phát thuốc cho bà con nghèo người Việt, người Lào và trao tặng những phần quà Tết. Anh Tha Von - Phó giám đốc Đài truyền hình Champasak chia sẻ: “Người Việt và người Lào ở đây sống rất chan hòa. Cái tình lâu đời giữa hai dân tộc anh em khiến họ sống như chung một mái nhà”...
CHUỘT VÀNG CÓ CHỮ KÝ CỦA CHỦ TỊCH NƯỚC NGUYỄN MINH TRIẾT
Vào dịp đón Tết Mậu Tý (năm 2008), Công ty vàng bạc đá quý Phú Nhuận - TPHCM (PNJ) tài trợ cho Báo CATP một con chuột đúc bằng 18 lượng vàng ròng với 2 mắt gắn 2 viên kim cương, tổng trị giá hơn 300 triệu đồng. Đại tá Đặng Xuân Dũng - Tổng Biên tập Báo CATP cùng với GS.BS.AHLĐ Nguyễn Thị Ngọc Phượng - Giám đốc Bệnh viện Từ Dũ, Phó Chủ tịch Hội nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam và nguyên là Phó Chủ tịch Quốc hội nhiệm kỳ 1987 - 1992, đến gặp Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết trình bày kế hoạch bán đấu giá con chuột vàng để làm từ thiện. Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết rất ủng hộ nên đã dùng bút ký lên con chuột vàng...
Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết ký lên con chuột vàng ủng hộ Báo CATP làm từ thiện
Một chương trình văn nghệ rất hoành tráng đã được tổ chức ở Nhà thi đấu Phan Đình Phùng, quận 3 với sự giúp sức của nhiều ca sĩ nổi tiếng vào đêm 19/12/2007 đã thu được 12 tỷ đồng từ đóng góp của những nhà hảo tâm. Riêng tác phẩm “Cô chuột xinh xắn gắn nơ trên đầu” có chữ ký của Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết đã được bán cho bà Lê Thị Yến - Chủ tịch HĐQT Công ty Tân Phú Thọ mua ủng hộ với giá 8,2 tỷ đồng (giá vàng thời điểm đó là 16 triệu đồng/ lượng, “cô chuột” tương đương với 500 lượng vàng SJC, tính theo giá cuối năm 2023 là 35 tỷ đồng)...
Báo CATP và Hội Nạn nhân chất độc da cam Việt Nam tặng 15 xe máy cho các cô đỡ thôn bản tỉnh Đắk Nông
Trong “lịch sử” làm từ thiện của mình, Báo CATP đã tổ chức rất nhiều chương trình ca nhạc gây quỹ giúp đồng bào nghèo. Nhưng đây là lần duy nhất thu được 12 tỷ đồng - một số tiền rất lớn, tương đương với 750 lượng vàng SJC thời điểm đó. Nếu tính theo giá vàng cuối năm 2023 con số là 50 tỷ đồng... Được số tiền lớn như vậy nên 2 tuần lễ giáp Tết Mậu Tý, Tòa soạn Báo CATP ngày đêm nhộn nhịp với những đoàn xe tải vào ra liên tục để giao và nhận hàng chục tấn thực phẩm, bánh mứt, lạp xưởng, dầu ăn, bột ngọt, cá hộp, trà... Toàn bộ cán bộ, công nhân viên cơ quan đều được huy động đóng quà, chất lên xe tải, chở đi khắp mọi miền đất nước để phát cho đồng bào nghèo hàng vạn suất quà kịp đón Tết. Tác giả đã đi cùng đoàn Tổng Biên tập Đặng Xuân Dũng và GS.BS.
AHLĐ Nguyễn Thị Ngọc Phượng lên Tây Nguyên. Ngoài số lượng quà Tết rất lớn phải chở bằng 2 xe tải 10 tấn, đoàn công tác còn trao 100 chiếc xe máy Honda mới nguyên trong thùng, đồng loạt sơn màu vàng với logo Báo CATP cho 100 cô đỡ thôn bản xuất sắc nhất ở các xã biên giới Tây Nguyên, Tây Bắc. 20 năm trước, mạng lưới y tế chưa phủ được những buôn, bản xa xôi nên hàng vạn phụ nữ nghèo phải sinh nở trong điều kiện rất lạc hậu... tỉ lệ tử vong ở cả mẹ lẫn con là rất cao. GS.BS.AHLĐ Nguyễn Thị Ngọc Phượng rất đau xót với thực trạng này nên đã phối hợp cùng ngành y tế các địa phương tuyển hơn 100 cô gái trẻ, khỏe, nhiệt tình là đồng bào các dân tộc thiểu số Tây Nguyên, Tây Bắc, Tây Nam Bộ đưa về Bệnh viện Từ Dũ đào tạo thành nữ hộ sinh... Tác giả còn nhớ như in khuôn mặt của các “cô đỡ thôn bản” khi nhận xe máy, túi đồ nghề và những lời căn dặn của GS.BS.
AHLĐ Nguyễn Thị Ngọc Phượng: “Đây là trách nhiệm đồng thời là tình thương của các con với những sản phụ nghèo, với đồng bào mình. Các con phải cố gắng hết sức để sau mỗi ca đỡ đẻ chỉ có hạnh phúc, nụ cười chứ không phải là đau thương, nước mắt như trước nữa!”.