(CAO) Ngày 21/02/2024, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ban hành quyết định đưa Nghề làm bột gạo Sa Đéc ở xã Tân Phú Đông và Phường 2, thành phố Sa Đéc, tỉnh Đồng Tháp vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia - Nghề thủ công truyền thống, Tri thức dân gian.
Nghề làm bột Sa Đéc đã trải qua hơn 100 năm tồn tại và phát triển. Theo số liệu thống kê tính đến cuối năm 2022, thành phố Sa Đéc có gần 350 hộ sản xuất bột, với trên 2.000 lao động tham gia hoạt động sản xuất bột và sản phẩm sau bột như: Hủ tiếu, bánh canh, nui, phở, bún, bánh tằm, ống hút làm từ bột gạo và các thực phẩm khác được sản xuất chế biến từ bột.
Nghề làm bột Sa Đéc
Thị trường tiêu thụ đa số trong nước và xuất khẩu đi nhiều nước trên thế giới, hàng năm giải quyết việc làm cho trên 1000 lao động với giá trị từ các sản phẩm bột và sau bột thu về cho địa phương trên 400 tỷ đồng/năm.
Để nâng cao chất lượng sản phẩm, những năm qua, từ nhiều nguồn kinh phí khác nhau thành phố đã hỗ trợ và vận động bà con đầu tư máy móc, trang thiết bị hiện đại đưa vào sản xuất thay thế cách làm thủ công, truyền thống; từ đó đã góp phần tăng nâng suất và chất lượng bột, đáp ứng các tiêu chuẩn xuất khẩu sang nhiều nước khó tính.
Tại thành phố Sa Đéc đã thành lập Hội quán làng bột, tổng số 52 hội viên, đây chính là nơi sinh hoạt của các hộ làm bột cùng nhau trao đổi, hợp tác tìm đầu ra cho sản phẩm của làng nghề.
Một số món ăn ngon được làm từ bột Sa Đéc
Những sản phẩm được chế biến từ bột gạo Sa Đéc từ lâu đã trở thành những thương hiệu nổi tiếng khắp cả nước và trở thành niềm tự hào của người dân, bởi bất kỳ du khách nào khi đến đây đều tỏ ra khá thích thú và ấn tượng bởi nét văn hóa ẩm thực đa dạng, phong phú chế biến từ bột với hương vị rất riêng như: hủ tiếu Sa Đéc, bánh tầm bì cùng các loại bánh dân gian Nam Bộ được làm bột gạo Sa Đéc.