Sớm mai lặng lẽ

Thứ Bảy, 17/07/2021 10:15

|

(CATP) Tôi lớn lên trong những xóm trọ nghèo ngoại ô Đà Lạt. Thời 1965 - 1975, đêm nào cũng hỏa châu rực trời, súng nổ gần xa, nhà nhà chuẩn bị khăn gói, gồng gánh tản cư. Tết Mậu Thân 1968 với khói lửa ngút trời, máy bay gầm rú, nhà cháy lủ khủ, chùa chiền tan hoang, sợ hãi vô vàn... Chiến tranh thường đi qua Đà Lạt chỉ vài giờ, lâu nhất cũng chỉ 2, 3 ngày rồi cuộc sống trở lại bình thường khi bốn phía vẫn còn đầy tàn tích và âm ỉ nỗi lo đạn nổ, bom rơi.

Tôi nhớ những sớm mai lạnh cóng, Đà Lạt im bặt tiếng súng, dàn loa khủng từ nóc rạp hát Hòa Bình ở trung tâm Đà Lạt hụ những hồi còi dài báo hiệu giờ giới nghiêm đã hết, mọi người có thể ra khỏi nhà để mưu sinh hay lo công việc. Xóm lao động nơi gia đình tôi thuê trọ ở khu số 4 (nay thuộc phường 6 - Đà Lạt) chộn rộn hẳn lên với tiếng chẻ củi nhóm bếp lụp bụp, tiếng gà đập cánh gáy, tiếng xoong nồi, quang gánh loảng xoảng, tiếng chày đạp chân giã gạo làm bún, bánh rung rinh bốn vách tôn mong manh, yếu ớt của phòng trọ, tiếng rao xôi, bánh mì nóng hổi...

Sau ngày Đà Lạt giải phóng (3-4-1975), gia đình tôi đi kinh tế mới (KTM) tại vùng RChai, cách Đà Lạt 40 cây số (nay là xã Tân Hội - Đức Trọng - Lâm Đồng). Tôi bước qua tuổi 12, 13... 18, 19 cũng với những sớm mai sương giăng lạnh cóng, bồi hồi theo nhịp thở cuộc sống mỗi ngày. Cũng có lúc kẻng của hợp tác xã giục giã lúc tinh mơ hối xã viên chuẩn bị vào ngày mùa. Tôi cứ lớn dần theo thời gian và những kỷ niệm ồn ả, sinh động của những sớm mai buốt lạnh...

Năm 1984, tuổi 20 phơi phới tôi về TPHCM thi Đại học. Những đêm đầu xa nhà, ngủ nhờ nhà bà con bên quận 4, tôi giật mình với những sớm mai ồn ả với tiếng xích lô máy lạch bạch, tiếng đập nước đá lộp bộp, tiếng rao hàng cao vút, tiếng chuông thánh thót, tiếng mõ trầm mặc từ các chùa, nhà thờ, lẫn trong tiếng í ới gọi nhau, tiếng kèn xe, tiếng hô thể dục từ các loa phóng thanh và cả những hồi còi hú mạnh mẽ rền rền từ các con tàu to lớn đang từ từ ghé bến cảng Sài Gòn... Tôi từ quê lên thành phố, trằn trọc trên gác xép cọt kẹt, mơ hồ với một sớm mai xa lạ, không có cái lạnh cắt da của Tây nguyên, không có tiếng thác Ponguar hùng vĩ ầm ì mùa lũ, không có tiếng kẻng của các đội sản xuất thúc giục xã viên HTX ra đồng sớm... Tôi nằm thao thức lắng nghe nhịp sống mới mẻ mà tôi sẽ phải thích nghi ở nơi đô hội, sầm uất và xa lạ này.

Trong 37 năm gắn bó với Sài Gòn, tôi có vô vàn những sớm mai nằm nghe phố xá thức dậy xôn xao nhịp sống tất bật, nhộn nhịp. Tôi quen dần với nó, rồi trở thành một phần trong đó khi bắt đầu phải dậy sớm thể dục. Từ thời sinh viên cho đến lúc sắp nghỉ hưu như bây giờ, tôi yêu quý, thích thú với những sớm mai trăng treo trên nóc chung cư, phố xá rục rịch thức dậy, tôi đạp xe thong thả qua từng con đường quen thuộc ở quận 5, 10, 11, Tân Bình... Đó là hành trình đuổi theo giấc mơ sức khỏe và cũng là giấc mơ muốn quay ngược hành trình U60 về tuổi thanh xuân.

Bao nhiêu tinh mơ đạp xe, Sài Gòn thấm vào tôi từng "hơi sương hạt gió”, từng suy tư trăn trở, từng khắc khoải trông mong, từng cảnh đời bất ngờ xuất hiện, tan biến trên hành trình vạn dặm đó. Tôi thương Sài Gòn đến nôn nao, tôi tự hào vì con trai, con gái, các cháu chắt sau này sinh ra và lớn lên ở thành phố này.

Thế mà, Sài Gòn đã thay đổi, lặng đi trong buồn bã, lo âu!

Khởi sự từ đầu năm 2019, với khái niệm mơ hồ được nhắc đến trên báo, đài về "virus corona", "Covid-19", "virus SARS-CoV-2"... tình hình nóng dần lên khi TP.Vũ Hán của Trung Quốc bắt đầu cuộc chiến cam go với mối đe dọa vô hình này. Nhưng lúc đó người Sài Gòn nói riêng, người Việt Nam nói chung coi đó là chuyện "ở nơi xa vời vợi", không mấy quan tâm. Chỉ vài ba tháng sau, "Covid-19" bắt đầu tấn công hàng chục quốc gia, trong đó Mỹ, Ấn Độ, châu Âu, Brazil, Mexico và các nước Đông Nam Á xung quanh Việt Nam, bắt đầu phủ bóng đen dịch bệnh.

Việt Nam trong 2 năm 2019 - 2020 và quý đầu 2021 đã chiến thắng Covid-19 ngoạn mục với số ca nhiễm suốt hơn 2 năm chưa bằng 1, 2 ngày ở một số quốc gia Đông Nam Á như: Indonesia, Philippines, Malaysia... với mức trung bình ở những nước đó 3 - 5 - 8 ngàn ca mỗi ngày. Nhưng từ sau 30-4 và 1-5-2021, dịch bùng phát mạnh tại nhiều tỉnh thành trong Việt Nam và đến cuối tháng 6 đầu tháng 7-2021 thì TPHCM trở thành điểm nóng với 3 rồi lên con số mỗi ngày, thậm chí hơn 2.200 ca một ngày (14-7).

Thành phố mênh mông, sôi động với khoảng 14 triệu người (thường trú và tạm trú) bất ngờ lặng đi trong bão dịch, nhất là sau khi thực hiện "phong thành" 2 tuần từ ngày 9-7... từng phường, quận bị cách ly; nhiều con đường, hẻm phố, chung cư bị phong tỏa. Nhiều nhà máy, bệnh viện, chợ, trung tâm thương mại bị ngưng hoạt động; nhiều khu vực bị giăng dây, lập chốt gác...

Những dãy phố sầm uất giờ im lặng, lạnh lùng. Nhiều đại lộ kẹt xe kinh niên giờ thưa thớt phương tiện vì lệnh cấm ra đường. TPHCM lạ hoắc so với cả lịch sử dày đặc, nhộn nhịp vốn có! Những sớm tinh mơ bốn phía vắng lặng cứ như ta đang tự nhốt mình trong căn phòng cách âm. Không còn âm thanh sôi động, không còn tiếng rao hàng, không còn những hình ảnh năng động, dòng xe cuồn cuộn trên các con đường. Sài Gòn, "thiết quân luật" như thời chiến, chỉ còn bóng dáng sừng sững, im lìm của những chung cư, tòa tháp bị giăng dây phong tỏa như xiềng xích giam hãm bước chân người "khổng lồ"!

Bên trong sự yên tĩnh khác thường của Sài Gòn còn chất chứa biết bao nỗi niềm: Những cảnh đời thất nghiệp túng thiếu, những kế hoạch làm ăn đổ vỡ, những món nợ làm tan nát nhiều gia đình, những đám tang lặng lẽ vì không ai dám đến viếng nơi đông người có nguy cơ lây lan dịch bệnh, những nỗi niềm cha mẹ già ở quê trong mong con cháu từ Sài Gòn trở về; những em bé cô đơn ngơ ngác trong bộ đồ bảo hộ phải cách ly khỏi người thân; những ngậm ngùi quằn quại trong bệnh tật, những cái chết vì Covid-19; những con số "dương tính" hồi hộp, sợ hãi mỗi ngày.

Trong gia đình ban ngày mỗi người một việc, bữa cơm chiều mỗi người một góc cứ như ai cũng có thể đang là "F0" mang tai họa cho thân nhân ruột thịt. Ra đường, vào cơ quan thì chả ai còn nhìn rõ mặt một ai vì phải đeo khẩu trang, kính chắn 2, 3 lớp, muốn nói gì cũng phải tính khoảng cách an toàn! Thỉnh thoảng lại sợ đến vỡ tim khi nghe còi hụ, xe cứu thương, xe công vụ chở những người mặc đồ bảo hộ lao vào một khu phố vừa có F0! Về mặt này, đại dịch có phần tàn nhẫn và gây khủng hoảng tâm lý cho hàng triệu người còn hơn cả chiến tranh!

Tháng 7-2021 này, mọi giai tầng xã hội, mọi niềm tin tôn giáo, mọi lý tưởng chính trị, mọi tri thức nhân loại... vừa quyết liệt chống trả vừa cầu mong phép màu đẩy lùi đại dịch để thế giới được bình an. Triệu người vẫn dậy sớm vì thói quen, lắng nghe thành phố thức dậy, chợt buồn vì điều tưởng chừng không thể thay đổi, đã thay đổi. Sài Gòn ơi, mong ngày nhộn nhịp, thân thương sớm trở lại cùng nụ cười trên môi ngời ngời!

Bình luận (0)

Lên đầu trang