(CAO) Hơn hai thập niên trước, làng văn nghệ Việt Nam đón nhận một nhân vật không chỉ biết ca hát, diễn xuất mà còn... trò chuyện trực tiếp với khán giả.
Nếu ca sĩ hay diễn viên chỉ xuất hiện vài phút thì anh ta hiện diện hàng giờ và thổi một luồng sinh khí vào mỗi chương trình. Anh ấy là Thanh Bạch – một trong những người dẫn chương trình đầu tiên và thành công nhất tại Việt Nam.
Đứng trước một người có thể gọi là “tượng đài MC”, Trấn Thành cảm kích nhận định: “Thanh Bạch là định nghĩa về MC tại Việt Nam. Nếu anh tự nhận là số 2 thì chắc không ai dám nhận là số 1”. Lần đầu tiên, hai MC nổi bật thuộc 2 thời kỳ sẽ cùng nhau nhìn lại những ký ức giấu kín trên sóng truyền hình.
Thanh Bạch trải lòng về quá khứ bị
trầm cảm - Ảnh: Lê Nhân
Nói đến Thanh Bạch, hình ảnh về một MC hoạt bát, diêm dúa sẽ bật lên trong trí nhớ của hàng triệu công chúng. Là bậc thầy đầu tiên về dẫn chương trình, Thanh Bạch còn là “ông hoàng chiêu trò” tiên phong trong làng giải trí Việt Nam. Lúc hóa thân thành chú hề, khi lại làm vận động viên cử tạ, khán giả xem Thanh Bạch nói và thưởng thức cả những loại hình nghệ thuật đặc sắc.
Vào đầu những năm 90, khán giả ùn ùn kéo đến nhà hát Hòa Bình phần đông vì muốn tận mục sở thị “món đặc sản” Thanh Bạch. Giữa cái thời người ta chẳng cần đến MC, nhân tố mới ấy đã tiếp thêm năng lượng cho công chúng bằng nhịp trống, điệu nhảy. Phá vỡ mọi quy tắc, Thanh Bạch còn “làm quá” khi chui từ hầm sân khấu lên, có lúc lại đu dây từ trên xuống,...
Chẳng ai có thể đoán được anh nghĩ gì và làm gì! Thậm chí, khi anh ra sân khấu cáo bệnh, khán giả vẫn tưởng nam MC đang tấu hài trên sân khấu. Mấy ai biết, để có được những mảng miếng ấy, Thanh Bạch đã phải trải qua nỗi sợ đám đông, sợ tổn thương trước khi giành lấy suất học bổng nghệ thuật từ nước Nga xa xôi.
Thời gian bị trầm cảm, anh từng nghĩ đến việc tự tử để giải thoát - Ảnh: Lê Nhân
Thanh Bạch tâm sự: “Tôi đến với nghề MC vì yêu tiếng nói trầm dày của một người MC nam”. Với chàng trai miền Tây, thanh âm của người đàn ông mang giọng Hà Nội chuẩn là một điều lấp lánh, sang trọng đến lạ thường. Từ đó, Thanh Bạch bắt đầu tập dẫn dù đây là điều anh rất sợ do không có đủ ngôn từ để biểu đạt. Cùng chiếc máy cassette, Thanh Bạch ngày ngày tưởng tượng mình đang dẫn chương trình cho các ngôi sao. Cứ xong 1 ca khúc, chàng thiếu niên ấy lại tự dừng băng để giới thiệu tiết mục tiếp theo.
Yêu nghệ thuật nhưng dễ tổn thương, Thanh Bạch từng mơ ước được trở thành họa sĩ, nhạc sĩ bởi “Dẫu có chê thì người ta cũng không nhắc đích danh mình” – như anh chia sẻ. Đậu học bổng nghệ thuật ở Nga, Thanh Bạch chọn theo thể loại kịch câm. Tuy nhiên, chính “căn bệnh” sợ nói đã đưa Thanh Bạch đến với ngành học “tạp kỷ” qua lời tư vấn của giảng viên. “Tránh vỏ dưa gặp vỏ dừa”, nào ngờ “dẫn chương trình” lại là một môn bắt buộc mà Thanh Bạch phải vượt qua. Đó cũng chính là cái duyên trời định để anh trở thành một trong những nam MC đầu tiên tại Việt Nam hơn 20 năm trước.
Buổi chia sẻ cũng có những kỷ niệm vui trong cuộc đời làm MC của Thanh Bạch - Ảnh: Lê Nhân
Thanh Bạch cũng có những phút giây lỡ lầm trong quá khứ. Cùng với sự nổi tiếng, thuở ấy, Thanh Bạch rất khó chịu nếu êkip chương trình để xảy ra sai sót. Nam nghệ sĩ từng thẳng thừng yêu cầu đuổi các nhân viên làm anh phật ý với lý do "Tôi không thích làm việc chung”. Từ đỉnh hào quang, Thanh Bạch đã rơi vào hố sâu của những biến cố vào năm 2007. Đau đớn và bế tắc, Thanh Bạch đã từng cầm kéo để tự đâm chính mình.
Trong phút giây ấy, hình ảnh của cha mẹ đã níu tay anh lại. Rồi Thanh Bạch chọn sự thay đổi bằng việc nhuộm tóc màu bạch kim. Tuy nhiên, công chúng đã “ném đá” không thương tiếc vì ngoại hình này. Bản thân gần 30 năm trong nghề nhưng trước những bình luận tiêu cực từ khán giả, Thanh Bạch cũng có lúc tưởng chừng mình không vượt qua được.