Thong thả ngắm tranh sống trong lạc cảnh

Thứ Bảy, 13/11/2021 18:12

|

(CATP) Sài Gòn - TP.Hồ Chí Minh vừa trải qua một “cơn bạo bệnh” chưa từng có kể từ khi lập phố hơn 3 thế kỷ nay, kéo dài suốt 4 tháng, là 123 ngày, là 2.952 giờ. Những mạnh mẽ vốn có đã có lúc hụt hơi, những phú quý rực rỡ bao đời đã có chút hao hụt, những gồng gánh cưu mang trải dọc chiều dài đất nước đã có chút hanh hao. Phảng phất những ánh mắt mênh mang hiu hắt buồn. Thảng thốt những cuộc chia ly đắng đót xa mãi mãi...

Bỗng dưng cay mắt, bỗng dưng lạc một nhịp thở... Thành phố từ bao đời nay luôn trong một tiết tấu nhộn nhịp dồn dập, vun vút tốc độ, đa chiều đa âm sắc, nay như dần trong một khoảng lặng hun hút hiu hắt. Có thể nghe tiếng xào xạc gió trên hàng cây, thấy được những đốm nắng mồ côi lạc lõng trên đường.

Nhưng rồi, chỉ là trong phút chốc thảng thốt, trong vài ngày chênh chao, rất nhanh, người Sài Gòn đã thích nghi ngay với tâm thế chấp nhận, ứng biến, thích nghi trong mọi nghịch cảnh. Một nhịp sống mới, không náo nhiệt, không tốc độ, bình tĩnh đối diện những điều bất tiện nhất, tự tạo cho mình thích ứng để thật lạc quan, như một liệu pháp tinh thần cho chất lượng cuộc sống thích hợp nhất có thể, giữ tâm thế trong chữ “An” và “Yên” để vượt qua dịch bệnh.

Làm sao để những ngày giãn cách không trôi qua lãng phí, không vô vị nhạt nhẽo, mà là một cơ hội có được khoảng thời gian để tích lũy năng lượng tích cực, để làm mới mình trong hoàn cảnh mới. Như một tình cờ, hay may mắn, tôi được họa sĩ trẻ thế hệ GenZ Đoàn Cao Quốc gửi cho xem hai bộ tranh vẽ màu nước em vẽ trong thời gian giãn cách: “Sài Gòn khát vọng” và “Lời thì thầm từ quá khứ”. Mỗi bức tranh là một thế giới cảm xúc, là một quá trình lao động âm thầm, đầy cống hiến.

Và trên hết, ngắm tranh của em, tôi thấy như được tiếp sức, thấy  như được sống trong một lạc cảnh hân hoan đầy ngọt ngào. Và thế là thời gian giãn cách với tôi mang một màu sắc phong phú cảm xúc, thời gian không còn là dài bất tận trôi trong những hoang hoải vô nghĩa, mỗi giờ qua đi, như mang đến cho mình một ý nghĩa đẹp hơn về cuộc sống.

Những bức tranh về Sài Gòn -Thành phố Hồ Chí Minh như là nguồn năng lượng lạc quan chất chứa bao niềm tin yêu về thành phố thân thương của mình. Những bức tranh tĩnh vật hoa cúc, hoa  sen cho dù phảng phất trầm vụn hương xưa lại cho những mộng mơ về thế giới thần tiên an lạc trong cổ tích Việt Nam...

Một Sài Gòn thành phố khát vọng, tình yêu, ánh sáng, năng động sáng tạo, niềm tin và hy vọng vươn xa vươn cao... Không chỉ là những bức tranh được vẽ bằng kỹ thuật màu nước hoàn hảo, tinh tế, tỉ mỉ từng chi tiết, mà còn là một bộ tranh thật nhiều cảm xúc về vẻ đẹp của thành phố. Những bức tranh là cái nhìn từ trên cao, toàn cảnh, góc rộng, để có thể bao quát cả một vùng lớn của thành phố.

Ngắm tranh, mà như nghe câu chuyện lãng mạn, duyên dáng, bàng bạc lịch sử hơn 300 năm phố, chen vào những lộng lẫy, hoành tráng mang dáng dấp hiện đại góc cạnh của những công trình kiến trúc thế kỷ 21, thú vị nhất là cảm giác đan xen khi ngắm nhìn những xù xì bình dị mang dấu ấn xưa 3-4 thế kỷ trước chen vào những long lanh sang trọng kiểu cách thời thượng hôm nay..., là hình ảnh ngang dọc đan chéo những con đường lớn nhỏ đến một kiến trúc cổ mang dấu ấn phố 4 thế kỷ Sài Gòn, từ những con phố mới bên sông đến những xóm cư dân thương hồ ghe chài bên kênh rạch, từ đại lộ xưa cả trăm năm đến một con đường mới mở tấp nập người và xe...

Không gian thời gian trong tranh cũng mang đến nhiều cảm xúc, từ phố hoàng hôn đến đêm tối, từ bình minh đến phố sau mưa, từ khoảnh khắc giao nhau của ban ngày - ban đêm đến ban mai bắt đầu bằng những tia nắng mảnh... Là những lung linh như sao từ ánh đèn trong những ô cửa ở các tòa cao ốc khu đô thị mới.

Là những lấp lánh sắc màu như kim cương, rubi... dát vào tòa nhà Landmark 81 tầng, hay tòa nhà Bitexco 68 tầng. Là những loang loáng ánh sáng của các loại đá quý phản chiếu từ hàng triệu đèn màu trên phố...

Tôi đã “nghe” trong tranh vẽ Sài Gòn phố của Quốc vẻ đẹp trong sự ồn ào, náo nhiệt, của xe của người, của những tiếng  rao hàng rong, của những chào mời quán xá, của những va nhau ánh mắt thân thiện, của những chạm nhau nụ cười tình thương mến thương... Cảm giác từ trong tranh có nguồn năng lượng lạc quan phấn chấn lan tỏa cho một ngày mới đầy cảm hứng, nhiều nghị lực, để những phiền muộn lo lắng bệnh dịch, khó khăn cuộc sống ngoài kia không làm nhụt niềm tin vào ngày tươi mới.

Ở một chiều khác khi ngắm những bức tĩnh vật hoa cúc, hoa sen trắng trong bộ tranh “Lời thì thầm từ quá khứ” của Quốc, với tôi, đó là những cảm xúc của mộng, của thực, của những khoảnh khắc phiêu ảo siêu thực xuyên không về những ngày xưa trong một không gian cổ tích, là những cuộc trò chuyện khám phá hư hư ảo ảo những tinh hoa văn hóa Việt truyền thống...

Ngoài cúc thu - sen hạ, còn là của những Cầm - Kỳ - Thi - Họa, tiếng cầm sắt hòa điệu, tiếng trống phách ca nương liêu trai, là tranh Đông Hồ - tranh Hàng Trống nhiều màu sắc vui tươi, là gốm Bát Tràng - gốm Chu Đậu sang trọng quý phái, là chạm khắc gỗ tinh tế tinh xảo của làng Đồng Kỵ (Bắc Ninh), La Xuyên (Nam Định), Canh Nậu, Chàng Sơn (Thạch Thất, Hà Nội), Vạn Điểm (Hà Nội)...

Đối diện với những bức tranh hoa cúc, hoa sen phiêu dật, sinh động như hoa trên cành lay động e ấp từng cánh, phảng phất hương thơm thanh tịnh tỏa ra không gian, cảm giác như tôi đang lạc trôi trong một cuộc đối thoại tĩnh lặng, khoan thai khiêm nhường, dịu dàng, nhiều ẩn ngữ thần bí từ bức tranh tỏa ra.

Không chỉ từ ngôn ngữ hội họa tranh trong tranh nhiều tầng nhiều lớp, mà còn từ những hình ảnh bối cảnh, những không gian ngàn năm trăm năm trước, như thời gian năm tháng sinh sinh diệt diệt. Như đang mộng tay trái nhặt cánh hoa, tay phải giơ bút vẽ vào mùa, tay trái lên dây đàn, tay phải khảy đàn gieo âm, cho bao muộn phiền nở thành hoa thành lá, thành những giọt sương trong vắt thanh khiết ban mai...

Thong thả ngắm tranh sống trong lạc cảnh. Cho thời gian từng khắc trôi qua đều thật ý nghĩa, cảm nhận từng giây sống là ân phúc cuộc đời trao tặng, mà trân quý, mà biết ơn, mà sống cho nghĩa tình, sống cho nhân ái, sống cho niềm hân hoan mỗi ngày, để có thể đối diện và có nghị lực ý chí vượt qua những thương khó dịch bệnh, thương đau mất mát chia ly, để luôn có niềm tin ngày hôm nay đẹp hơn hôm qua, ngày mai đẹp hơn hôm nay...

Bình luận (0)

Lên đầu trang