(CAO) Lúc 14 giờ 20 chiều 23-10, TAND Cấp cao tại TP.HCM ra quyết định bắt tạm giam
Nguyễn Minh Hùng, nguyên Tổng Giám đốc
VN Pharma và
Võ Mạnh Cường. Thời hạn tạm giam để điều tra là 90 ngày.
Bị cáo Lê Thị Vũ Phương (SN 1982) với tư cách là kế toán trưởng VN Pharma đã làm theo chỉ đạo của Tổng giám đốc Nguyễn Minh Hùng và Phó Tổng Giám đốc Ngô Anh Quốc thực hiện hàng loạt sai phạm như chi ngoài sổ sách hàng tỉ đồng, đặc biệt là số tiền 7,5 tỉ đồng.
Lót tay cho ai?
Bị cáo Nguyễn Minh Hùng ban đầu chối phăng lời khai chi hoa hồng cho bác sĩ đã khai ở phiên tòa sơ thẩm. Hùng khai cấp dưới chi số tiền này cho công tác bán hàng, phát triển công ty, chi tiếp khách…
Số tiền 7,5 tỉ này có được là do nâng khống giá thuốc mà có. Tuy nhiên lô thuốc bị phát hiện chưa được bán ra thị trường thì tiền này là nâng khống thuốc nào? Dư luận có quyền đặt câu hỏi phải chăng nhiều lô thuốc điều trị ung thư giả đã được đưa vào bán cho bệnh nhân ung thư ở các bệnh viện?
Trở lại số tiền 7,5 tỉ đồng, sau một hồi quanh co, Nguyễn Minh Hùng và Ngô Anh Quốc mới thừa nhận là rót cho trình dược viên để phát triển sản phẩm.
Tòa hỏi, vậy trình dược viên dùng số tiền này lót tay cho bác sĩ hay bệnh viện nào? Bệnh nhân ung thư có được nhận hoa hồng từ số tiền này hay không? Câu trả lời của Ngô Anh Quốc là không biết.
Việc trình dược viên có lót tay cho bác sĩ 7,5 tỉ đồng hay không là quyền của họ! Một câu trả lời thiếu trách nhiệm và không thể hiện thái độ thành khẩn trong khai báo.
Vấn đề nằm ở chỗ, các bị cáo đã khai chi cho trình dược viên số tiền 7,5 tỉ đồng thì các cơ quan tố tụng cần phải triệu tập những trình dược viên này để lấy lời khai họ đã chi cho bác sĩ nào, lãnh đạo bệnh viện nào để tuồn thuốc ung thư giả bán cho bệnh nhân.
Ông Raymundo là nhân vật “hư cấu”?
Bị cáo Võ Mạnh Cường nhiều lần nhắc đi nhắc lại nhân vật Raymundo. Cần tái khẳng định là Bộ Công an đã xác định nhân vật Raymundo mà bị cáo khai sống tại Philippine là một nhân vật không xác định được nhân thân, lai lịch.
Tại phiên tòa chiều 23-10, VKS đã làm rõ lời khai của bị cáo Cường tại cơ quan công an. Cường khai là ủy quyền của Công ty Helix Canada (một công ty “ma” mà Bộ Ngoại giao đã trả lời Bộ Công an sau khi xác minh không có địa chỉ như đã đăng ký tại Canada).
Các cơ quan chức năng đã “vạch mặt” bị cáo Cường tại tòa. Cường luôn khai rằng mình là đại diện ủy quyền được Cục Quản lý Dược cấp phép hoạt động tại Việt Nam.
Tuy nhiên, theo VKS tại hồ sơ ủy quyền phần ủy quyền với tên Raymundo là chữ ký khống của Cường và phần được ủy quyền thì chính Cường là người ký tên.
(CAO) Nhiều vấn đề mấu chốt của vụ án như đường đi của thuốc ung thư giả, việc nâng khống giá thuốc và nộp hồ sơ giả để được cấp phép đã được tòa làm rõ.
Bị cáo Bùi Ngọc Duy (SN 1986, nguyên trưởng phòng Nghiên cứu và phát triển VN Pharma) đã thừa nhận ký tên Raymundo trên hồ sơ kỹ thuật thuốc và ký tên một dược sĩ khác của Công ty Helix.
Như vậy, các cơ quan chức năng đã làm rõ hai bị cáo Bùi Ngọc Duy và Võ Mạnh Cường đã ký tên giả Raymundo để làm giả hồ sơ ủy quyền cũng như trên hồ sơ kỹ thuật thuốc để hợp thức hóa nhiều hồ sơ.
Ngay cả các bộ hồ sơ về tiêu chuẩn, nguồn gốc và chữ ký tham tán đại sứ quán Việt Nam tại Canada cũng do Cường làm giả; con dấu thì Cường nói là do ông Raymundo đưa thì ai chứng minh được?
Về hồ sơ kỹ thuật thuốc, các bị cáo đã bàn bạc kỹ lưỡng, thuê và trao đổi rất kỹ với dược sĩ viết công thức thuốc. Dược sĩ thì nói tham khảo thuốc của một công ty khác để viết một loại thuốc sản xuất mới. Cựu chủ tịch VN Pharma thì nói sau khi hết thời hạn độc quyền thì có thể nghiên cứu, phát triển loại thuốc mới theo tiêu chuẩn người Việt Nam.
Nhưng các bị cáo không thể chứng minh được rằng có văn bản pháp luật, tài liệu y khoa nào cho phép các bị cáo làm những việc này.
Chưa kể, Võ Mạnh Cường ban đầu chối bay chối biến việc làm giả vỏ hộp, nhãn hiệu thuốc. Nhưng sau khi tòa công bố hàng loạt email mà bị cáo Cường và Phan Cẩm Loan (nguyên Phó Phòng Xuất nhập khẩu VN Pharma) trao đổi về mẫu mã nhãn hiệu thì Cường mới gục đầu nhận tội.
Trách nhiệm lãnh đạo Cục Quản lý Dược ở đâu?
Trong khi Võ Mạnh Cường luôn miệng nói mình là đại diện Helix Canada tuy nhiên bị cáo này chưa một lần sang Canada cũng như trụ sở công ty này. Các Bộ đã trả lời đây là công ty “ma” thì tại phiên tòa phúc thẩm tòa cũng đã chứng minh thêm lời khai ủy quyền Helix là gian dối.
Thẩm phán Huỳnh Thanh Duyên hỏi bị cáo làm đại diện Helix Canada tại Việt Nam thì có hưởng lương không, có hợp đồng lao động hay không thì bị cáo Cường trả lời là không.
Bị cáo Võ Mạnh Cường đã trưng ra giấy phép hoạt động của Helix Canada tại Việt Nam do ông Trương Quốc Cường ký.
Vậy vấn đề nằm ở chỗ, tại sao Cục trưởng Cục Quản lý Dược lại ký giấy phép hoạt động cho một công ty “ma”? Trước khi ký giấy này thì đã xác minh, thẩm định công ty hay chưa?
Chưa kể, hồ sơ thẩm định thuốc có quá nhiều sai phạm mà điển hình là 3 chuyên gia đã không ký tên nhưng Cục Quản lý Dược vẫn cấp phép cho nhập khẩu thuốc vào Việt Nam.
VKSND Cấp cao tại TP HCM đã nhận định chính việc làm tắc trách của lãnh đạo Cục Quản lý Dược đã tạo điều kiện cho nhóm 9 bị cáo làm việc phi pháp, trái đạo đức, y đức và chuẩn mực xã hội khi các bị cáo kinh doanh các sản phẩm liên quan đến tính mạng, sức khỏe của người bệnh mà đặc biệt là người bệnh ung thư đang từng ngày, từng giờ giành lấy sự sống từ tay tử thần.
Triệu tập Cục Quản lý Dược Chiều 23-10, chánh án TAND Cấp cao tại TP HCM đã ký Quyết định bắt tạm giam Nguyễn Minh Hùng và Trương Quốc Cường thời hạn 90 ngày để điều tra nhiều vấn đề liên quan. Dự kiến, trong phiên xử sáng 24-10, TAND Cấp cao tại TP HCM sẽ triệu tập Bộ Ngoại giao, Bộ Y tế và Cục Quản lý Dược để làm rõ nhiều vấn đề mà dư luận đang quan tâm. |