(CATP) Sau loạt bài "Nỗi buồn góc tối pháp y", rất nhiều độc giả đã gửi câu hỏi về đường dây nóng Báo Công an TPHCM, đề nghị giải đáp sâu hơn những khía cạnh pháp lý và y khoa bất thường trong 2 bộ hồ sơ giám định pháp y mà Báo đã nêu.
"Không có điều dưỡng tham gia giám định tâm thần là một vi phạm nghiêm trọng"
đi sâu hơn về góc độ y khoa trong bộ hồ sơ giám định pháp y tâm thần của Lê Thành Luân (trong vụ án "Cố ý gây thương tích" xảy ra tại xã Sró, huyện Kông Chro, tỉnh Gia Lai), theo các chuyên gia, để xác định bệnh nhân đó có thật sự bị "rối loạn hỗn hợp lo âu trầm cảm" hay không, cơ quan giám định bắt buộc phải cắt cử riêng 2 điều dưỡng để quan sát qua camera 24/24 ít nhất là 4 tuần liên tục (có trường hợp thời gian theo dõi nhiều hơn nữa).
Thế nhưng, theo hồ sơ vụ án này, bản kết luận giám định pháp y về tâm thần của Viện Pháp y tâm thần Trung ương Biên Hoà đối với Lê Thành Luân lại không có 2 điều dưỡng viên giúp việc để quản lý, theo dõi và chăm sóc đối tượng giám định. Luật sư Nguyễn Văn Dũng (Đoàn Luật sư tỉnh Gia Lai) cho biết, điều này vi phạm quy định tại điểm 2 mục I thuộc Phụ lục 1 "về quy trình giám định pháp y tâm thần" (ban hành kèm theo Thông tư số 23/2019/TT-BYT ngày 28/8/2019 của Bộ trưởng Bộ Y tế) và Luật Giám định tư pháp năm 2012. "Nếu không có 2 điều dưỡng viên túc trực để quan sát, theo dõi các biểu hiện bệnh lý của Lê Thành Luân thì lấy căn cứ gì kết luận bệnh nhân bị chứng bệnh này? Đây là vi phạm rất nghiêm trọng và không loại trừ nghi vấn kết luận giám định pháp y trên có khả năng được làm giả” - luật sư Dũng khẳng định.
Lê Thành Luân (ngồi bên trái) cùng luật sư tìm đến nhà anh Nguyễn Thanh Hà dụ vợ chồng anh này ký vào các tài liệu giả nhằm "chạy tội"
Tiếp tục làm rõ hơn tình tiết Lê Thành Luân cùng một luật sư bào chữa và bảo vệ quyền lợi cho Luân (ở cả 2 vụ án), tìm đến nhà của anh Nguyễn Thanh Hà để "đề nghị” anh Hà phối hợp làm giả các tài liệu vụ án nhằm qua mặt cơ quan tiến hành tố tụng (như Báo Công an TPHCM đã nêu trong số báo trước). Theo chị Đặng Thị Thanh Thúy - đại diện theo pháp luật của anh Nguyễn Thanh Hà - với một người có đủ nhận thức để bày ra thủ đoạn làm sai lệch hồ sơ vụ án thì liệu người đó có bị "hạn chế năng lực hành vi" hay không? "Tôi có đầy đủ tài liệu về việc này và sẽ cung cấp cho Cục Cảnh sát hình sự Bộ Công an, đề nghị mở rộng điều tra dấu hiệu vi phạm pháp luật trong việc giám định tâm thần đối với Lê Thành Luân" - chị Đặng Thị Thanh Thúy nói.
"Bị tấn công, va đập bất ngờ cũng có thể là nguyên nhân dẫn đến nhồi máu cơ tim"
giải đáp cho câu hỏi, nếu một người bị đánh mạnh vào vùng ngực liệu có dẫn đến "nhồi máu cơ tim" hay không? Theo thạc sĩ, bác sĩ Trần Trung Kiên, việc bị chấn thương hoàn toàn có thể gây ra những tổn thương nghiêm trọng đối với tim. Cụ thể hơn, chấn thương tim là tình trạng xảy ra khi cơ tim bị tổn thương trực tiếp do va đập mạnh vào khu vực ngực hoặc sự tác động trực tiếp lên tim trong các tình huống tai nạn, va chạm, do bị đánh... "Mặc dù các tổn thương trực tiếp đến tim thường khó gặp, nhưng những tổn thương này lại mang theo nguy cơ tử vong cao. Chúng có thể bao gồm các tổn thương nhỏ như tụ máu ở màng tim, tổn thương cơ tim, rách vỡ buồng tim hoặc các cấu trúc trong tim" - bác sĩ Kiên phân tích. Đồng quan điểm, một bác sĩ đầu ngành về tim mạch tại khu vực phía Nam (xin được giấu tên) luận giải: Không cần bị đánh vào đúng vị trí vùng ngực mà một người khi bị tác động vật lý, tấn công bất ngờ dẫn đến hoảng hốt hoặc gắng sức thoát ra khỏi tình huống nguy hiểm, vẫn có thể dẫn đến nguồn cơn của "nhồi máu cơ tim".
Sau khi bị đánh, nạn nhân Trương Hoàng Sơn có vết bầm tím tại vùng mặt và vùng ngực
Luật sư Nguyễn Tri Đức, Đoàn Luật sư TPHCM, nhận định: Từ luận giải rõ ràng, xác đáng của các bác sĩ, đã mở ra một cơ sở y khoa cho thấy, việc Trương Hoàng Sơn bị chứng "nhồi máu cơ tim" hoàn toàn có thể do bị các đối tượng tác động ngoại lực với cường độ, tốc độ mạnh, quyết liệt vào cơ thể của nạn nhân, trong đó có vùng ngực. "Ở đây có một liên kết có thể thấy rõ: chính trận đòn đã làm Sơn khó thở và phải nhập viện cấp cứu. Từ biểu hiện lâm sàng lúc mới nhập viện cấp cứu là khó thở, đến khi nạn nhân chết thì được xác định nguyên nhân trực tiếp dẫn đến tử vong là "nhồi máu cơ tim". Vậy, nếu không bị đánh thì làm sao nạn nhân khó thở phải nhập viện, sau đó dẫn đến biến chứng bị "nhồi máu cơ tim"? Cho nên, dù là gián tiếp hay trực tiếp thì trận đòn ấy chính là "nguồn cơn" của hậu quả. Dấu hiệu tội phạm nằm ở chỗ đó và cơ quan tiến hành tố tụng lẫn cơ quan giám định đương nhiên không được bỏ qua mạch liên kết này" - luật sư Đức đánh giá.
Điều đáng bận tâm, Bản kết luận mô bệnh học số 01/HD23/KLMBH-VPYQG ngày 28/10/2023 của Viện Pháp y Quốc gia về vụ này khá trùng khớp với hình ảnh các vết bầm trên cơ thể Trương Hoàng Sơn (do người nhà chụp lại) và diễn tiến bệnh sau đó của nạn nhân tại bệnh viện. Bản kết luận nêu rõ, ngoài tim bị "phù, xung huyết, tăng sinh xơ, mỡ quanh mạch, sợi cơ tim lượn sóng rải rác" thì các cơ quan khác của nạn nhân như não, phổi, gan, thận, dạ dày đều bị "phù, sung huyết". Theo chị Võ Thị Mận (vợ nạn nhân), trước khi trút hơi thở cuối cùng tại bệnh viện, nạn nhân khó thở, ho hộc ra máu!
Điều hoài nghi là tại sao khi còn thi thể, Trung tâm Pháp y tỉnh Phú Yên vẫn không giám định được chi tiết, toàn diện và chính xác về nguyên nhân trực tiếp dẫn đến tử vong cho nạn nhân và bỏ qua các tổn thương khác? Thêm nữa, như đã nêu, kết quả giám định của Viện Pháp y Quốc gia thể hiện rõ thêm việc nạn nhân còn bị "phù, sung huyết" các cơ quan khác. Đáng ra, các tổn thương này nhất thiết cần phải được đánh giá, giám định cơ chế hình thành do đâu, từ đó xác định phần trăm thương tích. Tuy nhiên, đến nay các tổn thương quan trọng này cũng bị... bỏ ngỏ một cách khó hiểu (!). "Đây là góc khuất cần phải thanh tra, điều tra làm rõ đối với hoạt động giám định pháp y liên quan đến vụ án này" - luật sư Đức nêu kiến nghị.
Luật sư Nguyễn Văn Dũng - Đoàn Luật sư tỉnh Gia Lai: Cần mở rộng điều tra các bộ hồ sơ giám định pháp y bất thường mà Báo Công an TPHCM đã nêu
Các bác sĩ, giám định viên tham gia giám định bệnh án tâm thần cho Lê Thành Luân hiện có đến 3 người vừa bị Bộ Công an thực hiện lệnh bắt và 1 người đang nằm trong diện bị triệu tập lấy lời khai. Từ thực trạng nhức nhối này, Bộ Y tế, Bộ Công an hoặc Cơ quan điều tra Viện Kiểm sát nhân dân tối cao cần mở rộng thanh tra, điều tra làm rõ có hay không tiêu cực, vi phạm đạo đức nghề nghiệp vì lợi ích đối với các trường hợp giám định pháp y "có vấn đề” mà Báo Công an TPHCM đã nêu trong loạt bài "Nỗi buồn góc tối pháp y".
Luật sư Phạm Tiến Danh - Đoàn Luật sư TPHCM: Không thể "vịn" toàn bộ vào kết luận giám định pháp y để chứng minh tội phạm
Tội "Cố ý giết người" hoặc "Cố ý gây thương tích dẫn đến chết người" phải được ưu tiên xem xét, đánh giá về mặt hành vi. Dù kết luận giám định pháp y là một chứng cứ có giá trị nhưng khi nó phát sinh những mâu thuẫn, bất thường thì cơ quan tiến hành tố tụng không thể chờ đến khi cơ quan giám định trả lời rõ "nguyên nhân ông Trương Hoàng Sơn tử vong là do bị đánh" thì mới có căn cứ để làm rõ tội phạm. Trong vụ này, cần làm rõ được lý luận y khoa về việc "một người bình thường, khi bị tác động ngoại lực vào vùng ngực, cũng sẽ dẫn đến nhồi máu cơ tim". Song song với đó, cơ quan tiến hành tố tụng ra quyết định trưng cầu giám định clip Trương Hoàng Sơn bị đánh (do nhân chứng quay lại), đề nghị làm rõ hình ảnh quay tại hiện trường ghi nhận bao nhiêu vết đấm bằng tay, đá, đạp, dậm bằng chân; các tác động ngoại lực nêu trên nhắm cụ thể vào vùng nào trên cơ thể nạn nhân. Từ các căn cứ nêu trên, tổ chức thực nghiệm điều tra lại hành vi của các đối tượng để chứng minh tội phạm.