Nhiều phụ nữ bị lừa tiền tỷ bằng chiêu "xem video cũng có tiền"

Thứ Tư, 27/03/2024 17:19

|

(CATP) Như Chuyên đề Công an TPHCM đã thông tin, đầu tháng 12/2023, Công an H.Củ Chi, TPHCM tiếp nhận tin trình báo của người dân về việc bị lừa đảo, chiếm đoạt số tiền lớn. Nạn nhân là chị T.T.N (45 tuổi, ngụ xã Tân Phú Trung, H.Củ Chi). Sau khi nhận được cuộc gọi của một người tự xưng là nhân viên của Điện Máy Xanh, nói chị N. là khách hàng thân thiết nên nhận được phần quà may mắn từ chương trình "Sự kiện tri ân khách hàng" là chiếc máy xay thịt...thì chị bị lừa mất tiền tỷ.

Để nhận được quà, chị N. phải cài đặt ứng dụng Telegram để xác nhận về quà tặng. Trong thời gian chờ nhận quà, người này mời chị N. tham gia nhóm "Sự kiện tri ân" để làm nhiệm vụ like (thích) và xem video các sản phẩm đồ gia dụng với thu nhập từ 200.000 – 500.000 đồng/ngày. Thời gian xem video bắt đầu từ 9 giờ 30 đến 20 giờ, cách 30 phút sẽ có video mới. Khi hoàn thành cấp độ 1 với tiền công 30.000 đồng/video, chị N. được nâng lên cấp độ 2 là 55.000 đồng/video và cấp độ 3 là 75.000 đồng/video. Sau khi xem video, chị N. chỉ cần chụp màn hình, gửi vào nhóm để báo cáo thì sẽ nhận được tiền thông qua chuyển khoản... Hơn một ngày tham gia, chị N. được trả công hơn 1 triệu đồng. Vài ngày sau, chị N. được hướng dẫn nâng cấp độ. Cứ thế, quá trình "làm nhiệm vụ”, chị N. đã chuyển khoản 13 lần vào 6 tài khoản với số tiền hơn 2,5 tỷ đồng. Tuy nhiên, sau khi chị N. chuyển số tiền lớn thì không thể rút được tiền gốc lẫn tiền công. Chị N. lo lắng thắc mắc thì được "nhân viên" hướng dẫn yêu cầu chuyển thêm số tiền lớn hơn để... "khắc phục" mới rút được tiền. Khi chị N. không còn tiền để chuyển thì bị cắt liên lạc...

Cần cảnh giác với chiêu trò lừa đảo nghe nhạc, xem video được tiền

Cùng thời gian trên, nhiều phụ nữ tại TPHCM cũng là nạn nhân của chiêu trò lừa đảo này. Các đối tượng dùng thủ đoạn thao túng tâm lý người giao tiếp qua mạng để dẫn dụ họ vào bẫy lừa đảo. Đơn cử, chị L.T.H (23 tuổi) được một người tự xưng là nhân viên Điện Máy Xanh gọi điện thoại mời tham gia xem video trên Telegram để kiếm tiền và được chị H. đồng ý. Người đàn ông này cho biết nhiệm vụ của chị H. là thực hiện bấm like sau khi xem video đánh giá với 3 sản phẩm sẽ được trả công 60.000 đồng bằng hình thức chuyển khoản. Sau đó, anh ta yêu cầu chị H. tải ứng dụng Telegram để làm nhiệm vụ like sản phẩm... Chị H. like đến sản phẩm thứ 5 thì được yêu cầu đặt lệnh mua hàng ảo với số tiền thấp nhất là 160.000 đồng, cao nhất là 3 triệu đồng để hưởng 30% hoa hồng. Chị chọn sản phẩm 160.000 đồng thì được trả tới 330.000 đồng và chuyển sang làm nhiệm vụ tiếp theo. Thấy được trả tiền sòng phẳng và nghĩ mình không bị lừa, chị H. tiếp tục like và đặt lệnh mua hàng ảo giá trị từ 3 triệu đồng đến 40 triệu đồng. Khi H. chuyển khoản 40 triệu đồng cuối cùng thì bị các đối tượng cho ra khỏi nhóm, chặn liên lạc. Tổng số tiền chị H. bị các đối tượng dẫn dụ chuyển khoản nhiều lần là gần 152 triệu đồng.

Tương tự, chị Đ.T.T.T (29 tuổi) được đưa vào một nhóm Zalo hỗ trợ tương tác, làm nhiệm vụ like video hoặc các bài viết trên Shopee để được nhận tiền. Nghĩ công việc quá đơn giản nên chị T. làm thử. Like video đầu tiên, chị T. được chuyển khoản trả công 30.000 đồng. Trong 4 lần tiếp theo, chị T. nhận được 381.000 đồng. Đến lần thứ 6, nhóm này yêu cầu người chơi chuyển khoản 310.000 đồng, thực hiện lệnh mua hàng ảo trên một sàn thương mại điện tử để hưởng 40% hoa hồng. Thấy số tiền được yêu cầu chuyển không nhiều nên chị T. đồng ý làm theo hướng dẫn và được yêu cầu chuyển thêm 165.000 đồng để hưởng thêm 40% lợi nhuận, đồng thời hoàn tất nhiệm vụ. Sau đó, chị T. nhận được 661.000 đồng tiền công. Nhiệm vụ cuối cùng trong ngày, chị T. like 6 sản phẩm trên Shopee và nhận được 300.000 đồng. Tổng cộng, chị T. được nhận gần 900.000 đồng.

Hôm sau, chị T. like tiếp 6 sản phẩm và nhận thêm một khoản tiền. Sau đó, các đối tượng yêu cầu người chơi chuyển khoản số tiền 1,020 triệu đồng đặt lệnh mua hàng để hưởng hoa hồng. Nghĩ số tiền này ít hơn số tiền công chị đã được nhận nên làm theo. Khi chị T. chuyển tiền xong, các đối tượng liền đưa ra thêm nhiệm vụ đặt lệnh mua hàng với số tiền 5,2 triệu đồng, rồi 21 triệu đồng để tất toán, kèm theo hơn 50% hoa hồng. Khi chị T. chuyển 21 triệu đồng thì các đối tượng tiếp tục đưa ra nhiệm vụ mới là đặt lệnh mua hàng trị giá 61 triệu đồng. Sinh nghi, chị T. hỏi người thân thì mới biết mình bị lừa.

Tin nhắn kẻ gian dẫn dụ bị hại chuyển tiền

Cũng với thủ đoạn trên, chị T.H.B (35 tuổi) đã bị các đối tượng lừa chiếm đoạt gần 10 triệu đồng. Theo chị B., nhóm của chị gồm 4 người tham gia chơi do một tài khoản có tên C.E.O Xuân Thành quản lý, giao nhiệm vụ. Tất cả người chơi trong nhóm chọn nhiệm vụ giống nhau mới có thể thực hiện. Sau khi chọn đơn hàng, người chơi chuyển tiền vào số tài khoản tên To Thi Kim Huong do C.E.O Xuân Thành cung cấp và chụp hình báo cáo để hoàn thành nhiệm vụ. Lúc phát hiện bị lừa đảo, chị B. bị cho ra khỏi nhóm và chặn liên lạc...

Các nạn nhân cho biết, những nhóm này có khoảng 10 - 20 người tham gia và đều được động viên chuyển tiền làm nhiệm vụ để mọi người trong nhóm cùng có lợi. Sau khi bị cho ra khỏi nhóm, họ tiếp tục được gọi điện mời tham gia tiếp hoặc hướng dẫn vào đường link để lấy lại tiền, nhưng thực chất là bẫy lừa tiền của các đối tượng lừa đảo.

Theo khuyến cáo của cơ quan Công an, nếu người dân đã chuyển khoản cho các đối tượng lừa đảo thì cần liên hệ ngay với ngân hàng để yêu cầu thu hồi lệnh chuyển tiền, phong tỏa tài khoản đã chuyển tiền đến. Người dân cần báo với nhà cung cấp ứng dụng chuyển tiền nếu chuyển tiền qua ứng dụng của bên thứ 3. Nếu gửi tiền qua thư hoặc chuyển phát thì người dân cần liên hệ với bưu điện hoặc dịch vụ chuyển phát đã sử dụng để chặn gói hàng. Đồng thời, người dân thu thập, lưu lại bằng chứng, làm đơn tố giác gửi tới cơ quan Công an nơi cư trú để được giúp đỡ. Bên cạnh đó, cần bảo mật thông tin cá nhân, không chia sẻ tài khoản ngân hàng, mạng xã hội để tạo cơ hội cho kẻ gian thực hiện hành vi phạm tội.

Bình luận (0)

Lên đầu trang