(CAO) Nhận được điện thoại trúng thưởng món hàng trị giá vài triệu đồng, nhưng chỉ phải trả cước vài trăm ngàn khiến nhiều người dân không mảy may nghi ngờ.
Chỉ đến khi tận mắt sờ vào món đồ chỉ đáng vài chục nghìn họ mới biết mình rơi vào bẫy của kẻ gian, thì đã quá muộn. Sáng ngày 22-5, anh Nguyễn Minh H. (Ngụ huyện Krông Năng, tỉnh Đăk Lăk) nhận được cuộc điện thoại thông báo anh là khách hàng may mắn trong chương trình “kết nối toàn cầu” do công ty T&T có trụ sở tại TP.HCM tổ chức.
Theo đó anh H. sẽ nhận được phần quà là chiếc đồng hồ mạ vàng trị giá 3 triệu đồng. Sau khi chúc mừng anh H, nhân viên này xin thông tin địa chỉ của anh H. để gửi quà tặng. Do bận công việc nên anh H cũng quên mất cuộc hẹn tặng quà kia, bất ngờ khi đi làm về anh thấy vợ anh chỉ vào gói hàng trên bàn rồi nói có người của công ty giao quà tặng và yêu cầu vợ anh thanh toán số tiền 295.000đ.
Tuy có bất ngờ nhưng nghĩ quà tặng trị giá 3 triệu đồng nên anh H. hăm hở mở ra xem. Tuy nhiên, khi nhìn chiếc đồng hồ vàng chóe có phần thô kệch kia anh bán tín bán nghi, kết quả đúng như anh H. dự đoán khi anh mang ra tiệm kiểm tra mới biết chiếc đồng hồ chỉ có giá chưa tới 70 nghìn đồng.
Bộ mỹ phẩm không nhãn mác của anh Thương
Cũng rơi vào hoàn cảnh được “tặng” quà dỏm nhưng mất tiền thật là trường hợp của anh Vũ Duy Thương (Ngụ thôn 4 xã Hòa thắng, thành phố Buôn Mê Thuột).
Theo lời kể của anh Thương thì khoảng giữa tháng 4 -2017, anh nhận được một cuộc điện thoại của nhân viên công ty TNHH MTV thương mại dịch vụ điện tử VP, thông báo anh là khách hàng may mắn trúng thưởng 1 triệu đồng, trong chương trình do công ty tổ chức.
Để nhận được 1 triệu đồng này anh Thương chỉ cần mua bất kỳ sản phẩm nào của công ty, sẽ được giảm giá 1 triệu dựa trên tổng số tiền sản phẩm. Sau khi được nhân viên này tư vấn anh Tuấn chọn bộ sản phẩm 6 món gồm 1 máy rửa mặt KES, 1 bộ dưỡng da KES, 2 chiếc đồng hồ nam nữ Twins, 1 tẩu thuốc lá, 1 chai đắp mặt nạ bùn Gleso và 1 tuýt trắng da Gleso với tổng giá trị 2,9 triệu đồng. Trừ đi chi phí 1 triệu anh phải trả số tiền là 1 triệu 9 trăm nghìn.
Tuy nhiên, khi nhận hàng và trả tiền xong anh Thương phát hiện toàn bộ sản phẩm đều ghi tiếng nước ngoài, không có mã vạch, không có tem chính hãng cũng như thông tin hướng dẫn nào bằng tiếng Việt. Nghi ngờ mua nhầm hàng dỏm nên anh Thương gọi lại cho số điện thoại của công ty, thì được nhân viên ờ đây cho biết họ chỉ là công ty cung cấp sản phẩm dịch vụ còn việc đặt mua hàng do nhân viên tư vấn chịu trách nhiệm.
Sau khi anh Thương gọi cho nhân viên này thì người này khẳng định đã tư vấn đúng cho anh Thương và hàng không được đổi trả vì hưởng chính sách ưu đãi. Cuối cùng sau nhiều lần gọi điện không thành, anh Thương đành ôm mớ mỹ phẩm mà không dám sử dụng, vì chất lượng chỉ có “trời” biết này.
Nắm được tính thật thà của người dân ở những khu vực nông thôn, lại thiếu những thông tin cảnh giác nên nhiều kẻ lừa đảo thường sử dụng các chiêu trúng thưởng, giảm giá để “bán hàng” dỏm, hàng hết đát.
Vì số tiền lừa cũng không quá lớn nên nhiều người dân đành ngậm bồ hòn xem như bài học cho bản thân, đây cũng chính là kẻ hở để những kẻ gian có cơ hội tiếp tục tái diễn màn kịch với nhiều nạn nhân khác.