Lừa đảo qua Facebook bị hack - "bẫy" cũ, nhiều người vẫn mắc!

Thứ Bảy, 18/06/2022 16:20

|

(CATP) Bằng thủ đoạn rất xưa và cũ, thế nhưng vẫn có nhiều người sập bẫy lừa khi Facebook bị kẻ xấu hack rồi mạo danh người sử dụng nhắn tin vay mượn tiền, chuyển khoản để chiếm đoạt tài sản. Nhiều lần Ban chuyên đề Báo Công an TPHCM, Công an TPHCM (CATP), Bộ Công an (CA) cũng như CA các tỉnh, thành cả nước và cơ quan chức năng liên tục cảnh báo về hành vi, thủ đoạn lừa đảo bằng công nghệ cao để người dân nâng cao cảnh giác, trong khi lực lượng CA nỗ lực điều tra, truy bắt các đối tượng lừa đảo kiểu này, nhưng thời gian gần đây tình trạng hack Facebook để lừa đảo vẫn diễn ra đáng báo động!

Mất tiền vì không xác minh thông tin

Ngày 16-6-2022, Cơ quan Cảnh sát điều tra - CAQ1, TPHCM cho biết đã thụ lý điều tra truy xét vụ lừa đảo qua Facebook, khi nạn nhân tin vào lời nhắn đã chuyển hàng chục triệu đồng rồi bị bọn lừa đảo chiếm đoạt. Theo điều tra ban đầu, chiều 9-6 chị N.T.C.L (ngụ Q7, TPHCM) nhận được tin nhắn từ Facebook của người bạn làm chung là T.T.B.D hỏi vay 12 triệu đồng. Thay vì gọi điện lại để xác minh thông tin, chị L. đã làm theo nội dung tin nhắn, ra ngân hàng chuyển khoản số tiền trên. Chưa dừng lại, tin nhắn từ Facebook mang tên D. tiếp tục nhắn tin nhờ chị L. chuyển tiếp khoản tiền lớn... Lúc này thấy nghi ngờ, chị L. mới gọi cho chị D. và tá hỏa khi biết Facebook của đồng nghiệp đã bị bọn xấu hack và chiếm đoạt tài khoản (TK) rồi từ đó lừa đảo những người thân quen có trong danh bạ Facebook của chị D.

Cần lưu ý, khi Facebook bị hack, chiếm quyền sử dụng, trừ trường hợp người sử dụng không hay biết, còn nếu biết thì nên công bố ngay cho những người thân quen, bạn bè có trong danh bạ biết để phòng ngừa loại tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Bên cạnh đó, khi nhận được tin nhắn hỏi vay mượn tiền, chuyển khoản, nạp thẻ điện thoại... nên xác thực lại thông tin bằng cách gọi điện thoại (không nên gọi trên Facebook vì cũng bị lừa) gặp trực tiếp để hỏi cho chính xác trước khi chuyển tiền.

Cảnh giác với loại tội phạm hack Facebook ngày càng lan rộng

Phòng An ninh mạng - Công an TPHCM cảnh báo người dân đề phòng

Từ hàng loạt vụ án do Phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm công nghệ cao (ANM và PCTPCNC) - CATP khám phá thời gian qua cho thấy những vụ Facebook bị hack diễn biến phức tạp, người dân cần đề cao cảnh giác với các thủ đoạn, hành vi của các đối tượng này. Trong đó, nổi lên vụ bắt đối tượng chiếm đoạt TK mạng xã hội (MXH) của nạn nhân để cưỡng đoạt tài sản xảy ra ngày 21-3. CATP.Thủ Đức đã quyết định khởi tố vụ án và bị can, ra lệnh bắt tạm giam đối với Phạm Minh Nhật (SN 2003, ngụ P.Hiệp Bình Phước, TP.Thủ Đức) về hành vi "cưỡng đoạt tài sản". Theo hồ sơ vụ án, Phòng ANM và PCTPCNC - CATP phối hợp với CATP.Thủ Đức theo dõi, truy xét khi Phạm Minh Nhật thông qua hack Facebook nhắn tin đến các nạn nhân để cưỡng đoạt tiền; ngoài ra, Nhật còn cùng một số đối tượng xấu khác thực hiện hành vi hack Facebook. Theo đó, Nhật giới thiệu đang làm dịch vụ bảo mật TK trên các nền tảng MXH, có thể giúp bảo mật, tránh bị chiếm đoạt. Sau khi nạn nhân đồng ý và cung cấp tên đăng nhập, mật khẩu tài khoản MXH, lúc này Nhật bắt đầu thay đổi mật khẩu, chặn luôn liên lạc và sử dụng thông tin cá nhân của nạn nhân để thực hiện hành vi cưỡng đoạt tài sản.

Bên cạnh tình trạng Facebook bị hack, Phòng ANM và PCTPCNC - CATP cảnh báo, bọn xấu thường dùng thủ đoạn làm "tick xanh" Facebook để chiếm đoạt tài sản. Tick xanh này thể hiện sự công nhận và xác minh quyền sở hữu của Facebook dành cho TK cá nhân và fanpage. Bị hại mà các đối tượng nhắm đến là những nghệ sĩ, người nổi tiếng, người kinh doanh hoặc có nhu cầu được cấp tick xanh nhưng không nắm cách thực hiện hay không đủ điều kiện. Với phương thức cung cấp dịch vụ, hứa giúp xin dấu tích xanh Facebook, kẻ gian yêu cầu nạn nhân chuyển tiền cọc, chụp ảnh giấy tờ cá nhân (CMND/CCCD, GPLX...), từ đó chiếm đoạt trang fanpage, tài khoản MXH của họ để tống tiền hoặc bán cho người khác thu lợi, thậm chí sử dụng các TK, fanpage này để thực hiện hành vi lừa đảo bạn bè của chủ TK, người theo dõi fanpage. Việc làm "tick xanh" cho TK Facebook đòi hỏi những điều kiện khắt khe, chỉ có nhà cung cấp dịch vụ Facebook thẩm định, kiểm duyệt và cấp khi đủ điều kiện theo yêu cầu. Do vậy, người dân cần hết sức cảnh giác với thủ đoạn lừa đảo của bọn tội phạm để bảo vệ chính mình, không nên cung cấp các thông tin liên quan đến giấy tờ tùy thân dưới dạng ảnh, file pdf trên không gian mạng, vì có thể bị đối tượng lợi dụng để chiếm đoạt các TK điện tử.

Công an lấy lời khai của nhóm tội phạm hack Facebook

Đề phòng tội phạm hack Facebook ngày càng lan rộng

Mới đây, ở Bình Phước xảy ra vụ người dùng Facebook bị hack, đối tượng sử dụng TK này để nhắn tin đến người thân, bạn bè của bị hại để mượn tiền hoặc nhờ chuyển tiền rồi chiếm đoạt. Ngay lập tức, bằng biện pháp nghiệp vụ, Phòng ANM và PCTPCNC - CA Bình Phước vào cuộc điều tra, truy xét. Qua theo dõi đối tượng hack Facebook, cán bộ chiến sĩ của phòng xác định đây là nhóm đối tượng hoạt động chuyên nghiệp, nhưng không phải trên địa bàn tỉnh Bình Phước mà ở Quảng Trị. Lập tức, CBCS lên đường ra Quảng Trị, phối hợp cùng CA địa phương bắt được Nguyễn Đức Thủy (20 tuổi, ngụ huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị) và Nguyễn Xuân Quý (22 tuổi, ở huyện Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên - Huế).

Tại cơ quan CA, Thủy - Quý đã khai nhận hành vi phạm tội của mình, sử dụng đường link hack tạo trên internet gửi tin nhắn qua messenger nhờ bình chọn kèm đường link cho nhiều người để hack TK. Khi người nhận truy cập đường link để bình chọn sẽ dẫn đến trang web có giao diện "tài năng nhí”, để tham gia bình chọn phải điền đầy đủ thông tin đăng nhập TK Facebook, lúc này các đối tượng sẽ lấy được thông tin đăng nhập sử dụng cho việc hack TK Facebook. Sau khi hack xong, các đối tượng nghiên cứu mục tin nhắn messenger, xem cách thức chủ TK nhắn tin với bạn bè, người thân rồi giả làm chủ TK nhắn tin cho bạn bè, người thân của họ để mượn tiền với nhiều lý do khác nhau, yêu cầu chuyển tiền vào các TK ngân hàng do đối tượng cung cấp để chiếm đoạt. Từ tháng 1-2022 đến nay, nhóm này đã hack hơn 300 TK Facebook của nhiều người ở các tỉnh thành trên cả nước, chiếm đoạt khoảng 1,2 tỷ đồng.

Nhóm tội phạm lừa đảo bị bắt giữ

Cũng với hành vi hack Facebook, ngày 15-6 CA TP.Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk đã ra quyết định khởi tố bị can, lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú đối với đồng phạm trong vụ chiếm dụng trên 400 TK Facebook để lừa đảo hơn 10 tỷ đồng. Cơ quan điều tra đã khởi tố bị can đối với Huỳnh Trần Kim Nhàn (18 tuổi, ngụ TX Gò Công, tỉnh Tiền Giang) về hành vi "lừa đảo chiếm đoạt tài sản". Theo điều tra ban đầu, Nhàn là người yêu của Phạm Vũ Quang Trường (20 tuổi, ngụ cùng TX Gò Công), đã bị CATP Buôn Ma Thuột bắt giữ về hành vi "lừa đảo chiếm đoạt tài sản".

Trước đó, cuối năm 2021, CA Đắk Lắk nhận được đơn tố giác của một nạn nhân về việc bị đối tượng hack TK Facebook người thân rồi nhắn tin lừa mượn tiền, chiếm đoạt gần 30 triệu đồng. Ngay sau đó, Phòng ANM và PCTPCNC - CA Đắk Lắk phối hợp với CATP.Buôn Ma Thuột vào cuộc xác minh. Đến đầu tháng 01-2022, CA đã bắt Phạm Vũ Quang Trường - đối tượng gây ra vụ lừa đảo trên. Tại cơ quan điều tra, Trường khai từ đầu năm 2019 đến cuối tháng 12-2021 đã chiếm dụng trên 400 TK Facebook, lừa đảo hơn 400 người ở nhiều tỉnh, thành với tổng số tiền chiếm đoạt trên 10 tỷ đồng.

Ngày 8-6 vừa qua, CA Bắc Ninh đã triệt phá thành công chuyên án, bắt Nguyễn Trung Hiếu (26 tuổi, ngụ huyện Mê Linh, TP.Hà Nội) về hành vi "lừa đảo chiếm đoạt tài sản". Khoảng tháng 3-2022, Hiếu lập Facebook giả mang tên "Nguyễn Tuấn" đăng các bài rao bán máy xúc với giá cả cạnh tranh từ Lào về. Khi có khách hàng hỏi mua máy, đối tượng yêu cầu đặt cọc trước từ 20% - 30% giá trị và hứa 7 - 10 ngày sau khi nhận tiền sẽ chuyển xe về Việt Nam giao cho khách. Nhưng sau khi nhận tiền cọc, Hiếu không giao xe như đã hứa mà chiếm đoạt để tiêu xài cá nhân. Với thủ đoạn trên, từ ngày 03-5-2022 đến khi bị bắt, Hiếu đã lừa đảo của 14 bị hại ở các tỉnh thành khác nhau trên toàn quốc với tổng số trên 7,3 tỷ đồng...

Bình luận (0)

Lên đầu trang