Mời tham gia thi "duyên dáng áo dài" để... chiếm đoạt tiền

Thứ Sáu, 05/04/2024 14:22

|

(CATP) Mới đây, hai phụ nữ ở quận Gò Vấp và Quận 12 bị một nhóm người trên mạng xã hội lừa đảo thông qua việc mời gọi tham gia cuộc thi "Duyên dáng áo dài 2024" và "Áo dài thanh lịch 2024", mạo danh Trung tâm Truyền hình Việt Nam tại TPHCM (VTV9) tổ chức. Từ vụ việc trên cho thấy, mặc dù chiêu thức này đã được các cơ quan chức năng liên tục cảnh báo, nhưng vẫn còn không ít người "sập bẫy".

Thử thách bằng... mua hàng

Cuối tháng 3/2024, trong lúc lướt mạng Facebook, chị T.N.L (ngụ quận Gò Vấp) phát hiện quảng cáo về cuộc thi "Duyên dáng áo dài 2024" do VTV9 tổ chức. Sau khi xem qua nội dung, thấy mình đủ điều kiện nên chị L. nhắn tin đăng ký tham gia. Khi L. đăng ký thành công, có một người xưng là ban tổ chức liên hệ ngay với chị. Qua trao đổi, người này yêu cầu L. gửi thông tin cá nhân và hình ảnh để dự thi.

Làm theo mọi yêu cầu của "ban tổ chức", chị L. nhận được đường link để vào một nhóm chat Messenger. Tiếp đến, người xưng là "ban tổ chức" yêu cầu chị phải tham gia thử thách bằng cách nhấp vào đường link để mua sắm và thanh toán một mẫu váy với giá 390.000 đồng. Ngay sau đó, chị L. được hoàn lại số tiền đã thanh toán và được tặng thêm tiền hoa hồng. Số tiền sau đó tiếp tục được nâng lên qua từng đợt mua hàng.

Sau 4 lần hoàn thành thử thách bằng hình thức mua hàng thành công, chị L. đều được hoàn tiền đầy đủ cả gốc và hoa hồng. Tuy nhiên, đến lần thứ 5, khi số tiền lên đến 17,5 triệu đồng thì người của "ban tổ chức" lấy lý do chị L. thao tác chậm, quá thời gian quy định nên thông báo không hoàn thành nhiệm vụ. Nếu muốn lấy lại số tiền trên, L. phải tiếp tục tham gia thử thách. Cho đến khi số tiền mua hàng lên đến 31 triệu đồng, chị L. yêu cầu được hoàn tiền thì... mất liên lạc. Nghi ngờ, chị liền liên lạc với VTV9 và nhận được câu trả lời rằng đơn vị này không tổ chức bất kỳ cuộc thi áo dài nào.

Cũng là nạn nhân của cuộc thi "Duyên dáng áo dài 2024" trên mạng xã hội là trường hợp của chị H.T.V (ngụ Quận 12). Chị cho biết, bọn lừa đảo đã dùng hình ảnh của VTV9 để chèn trong thông tin về cuộc thi, yêu cầu tham gia một số thử thách của "ban tổ chức" bằng cách nộp tiền mua hàng... Kết quả, chị đã bị lừa mất hàng chục triệu đồng.

Trước đó, nhiều phụ nữ cũng "sập bẫy" kẻ gian khi tham gia "Lễ hội áo dài truyền thống Việt Nam mừng xuân 2024". Sau khi liên lạc, họ nhận được tin nhắn từ Messenger đề nghị kết bạn Zalo với "chuyên viên tư vấn" để hỗ trợ đăng ký hồ sơ và cấp mã số báo danh. Để các nạn nhân tin tưởng, sau khi yêu cầu cung cấp thông tin cá nhân, bọn lừa đảo gửi hình ảnh được cho là "thẻ thông tin ứng viên" (có đầy đủ họ và tên, tuổi, địa chỉ, số điện thoại, tài khoản ngân hàng và mã ứng viên, logo chương trình của Đài truyền hình VTV...).

Theo lời hứa của các đối tượng, khi tham gia các vòng thử thách, người chơi sẽ chuyển số tiền đặt hàng sản phẩm của nhà tài trợ mà hệ thống đưa ra, với mục đích hỗ trợ tăng tương tác, quảng bá cho nhãn hàng tài trợ. Sau đó, họ được chuyển hoàn lại và cộng thêm hoa hồng 10%. Sau 2 lần thử thách đầu tiên, người chơi vẫn nhận được lại tiền hoa hồng. Đến những lần kế tiếp, số tiền chuyển khoản cứ tăng dần, nhưng họ không được nhận tiền và hoa hồng với lý do "nội dung chuyển khoản sai cú pháp", nếu không hoàn thành sẽ mất hết số tiền trước đó vì "chưa hoàn thành nhiệm vụ”.

Hình ảnh kẻ gian tạo ra để dẫn dụ các cô gái tham gia nhằm mục đích lừa đảo (Ảnh: Công an TPHCM)

Vì lo sợ mất đi số tiền đã chuyển, người chơi tiếp tục chuyển tiền cho các đối tượng. Lúc này, các thành viên trong nhóm (thực ra là đồng bọn của kẻ lừa đảo) cũng liên tục nhắn vào nhóm đã nhận được tiền hoa hồng khiến cho bị hại cảm thấy tin tưởng hơn. Tới khi người chơi bị chặn mọi liên lạc thì mới nhận ra đã rơi vào "bẫy" của lừa đảo vì đã mất số tiền khá lớn do muốn lấy lại số tiền đã bỏ ra trước đó.

Cảnh báo thủ đoạn tinh vi

Sau khi tiếp nhận các thông tin mạo danh, lừa đảo nêu trên tại các tỉnh phía Nam, nhất là ở TPHCM, VTV9 đã báo cáo lãnh đạo Đài Truyền hình Việt Nam. Qua đó khẳng định VTV9 không có kế hoạch tổ chức lễ hội áo dài nào. Các thông tin kêu gọi tài trợ, quảng cáo cho lễ hội này là giả mạo, lợi dụng danh nghĩa VTV9 để trục lợi. Điều đáng nói, các đối tượng thường xuyên dùng giao diện của Báo điện tử VTV News để chèn các thông tin về làm nhiệm vụ, chuyển khoản và nhận tiền hoàn nhằm chiếm lòng tin của các nạn nhân.

Cũng với thủ đoạn tương tự, một nhóm đối tượng khác đã tổ chức cuộc thi online với chiêu trò dụ dỗ người chơi tham gia để lừa đảo tiền của nạn nhân. Để tạo lòng tin với người chơi, bọn chúng làm giả một bản cam kết của Đài Truyền hình Việt Nam với nội dung sai sự thật, làm giả con dấu của Tổng Giám đốc Đài Truyền hình Việt Nam cũng như mạo danh Tổng biên tập, Phó Tổng biên tập Báo điện tử VTV News...

Trên thực tế, đây là các thông tin sai sự thật, cắt ghép nhằm tạo sự tin tưởng cho người chơi để các đối tượng thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tiền từ người chơi trực tuyến. Đài Truyền hình Việt Nam khẳng định không có kế hoạch tổ chức cuộc thi như nội dung trong văn bản trên. Ngoài ra, người soạn văn bản cũng mạo danh con dấu của Đài Truyền hình Việt Nam và chữ ký của Tổng Giám đốc Đài Truyền hình Việt Nam.

Công an TPHCM từng cảnh báo thủ đoạn tuyển thí sinh dự thi áo dài để lừa đảo. Theo Phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Công an TPHCM), cuối năm 2023, đơn vị đã ghi nhận phản ánh của người dân về thủ đoạn lừa đảo với hình thức "tuyển thí dự thi áo dài tham gia lễ hội dịp Tết". Nạn nhân mà bọn tội phạm hướng tới là những cô gái trẻ, xinh đẹp có nhu cầu tham gia các chương trình, hoạt động lễ hội...

Để "giăng bẫy", các nhóm lừa đảo tạo lập các trang mạng xã hội rồi đăng tải thông tin tuyển thí sinh dự thi áo dài với giải thưởng hấp dẫn cùng nhiều quyền lợi đi kèm. Khi nạn nhân tin tưởng, liên hệ sẽ bị dẫn dắt truy cập vào website giả mạo Đài Truyền hình Việt Nam (VTV) và bị dẫn dụ thực hiện các thao tác mà nhóm lừa đảo yêu cầu.

Phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao khuyến cáo, người dân cần cảnh giác với hình thức lừa đảo này. Không tham gia các hội thi, lễ hội quảng bá trên mạng khi chưa trực tiếp xác minh, kiểm tra thông tin thực tế, không chuyển tiền theo yêu cầu của nhóm lừa đảo...

Bình luận (0)

Lên đầu trang