(CATP) Thời gian vừa qua, Cục Quản lý xuất nhập cảnh (QLXNC) đã tích cực triển khai các mặt công tác như tăng cường công tác xét duyệt nhân sự, hậu kiểm sau khi người nước ngoài (NNN) nhập cảnh và công tác quản lý NNN cư trú, hoạt động trên toàn quốc. Từ việc chủ động trong công tác nắm tình hình, phối hợp với các đơn vị địa phương, đã phát hiện nhiều vụ việc NNN sử dụng công nghệ cao, lấy địa bàn Việt Nam để hoạt động.
Tháng 01/2024, Cục QLXNC phối hợp Công an TP.Hà Nội kiểm tra tại khu vực Vinhomes Smart City, phát hiện 2 người Trung Quốc nhập cảnh trái phép và 6 người Trung Quốc khác có hoạt động đánh bạc hoặc lừa đảo qua không gian mạng. Tiếp đó, từ thông tin do Cục QLXNC phát hiện, cùng thời điểm này, đơn vị phối hợp với Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao và Công an TP.Hà Nội đã kiểm tra, xử lý 3 đối tượng người Trung Quốc sử dụng Internet để tổ chức lừa đảo, đánh bạc. Tại TPHCM, phát hiện 3 người Trung Quốc thuê 15 phụ nữ Việt Nam múa để live stream trên các nền tảng mạng xã hội Trung Quốc để thu lời. Tại Bắc Giang, phát hiện một số đối tượng Đài Loan (Trung Quốc) sử dụng thiết bị chuyên dụng, sim rác để mạo danh cán bộ, thậm chí mạo danh là giám đốc Công an một số địa phương để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản với phương thức thủ đoạn tinh vi.
Thời gian qua, Cục QLXNC đã phối hợp, trao đổi cung cấp thông tin xuất nhập cảnh của 31 đối tượng truy nã (29 người Trung Quốc, 2 người Hàn Quốc) cho các đơn vị chức năng để truy tìm, xử lý, bàn giao cho cảnh sát các nước bạn. Trong đó, đã phối hợp xử phạt vi phạm hành chính đối với 3 đối tượng truy nã người Trung Quốc về các hành vi quá hạn tạm trú, nhập cảnh trái phép trước khi bàn giao cho phía Trung Quốc.
Gần đây nhất, tháng 3/2024, Cục QLXNC phát hiện trên địa bàn huyện Sóc Sơn, TP.Hà Nội có 36 người Nigeria nhập cảnh theo diện evisa mục đích du lịch, nhưng thực chất là đi kiếm việc làm, một số có dấu hiệu tìm đường đi nước thứ ba. Qua xác minh, các đơn vị nghiệp vụ xác định, 6 trường hợp có vé xuất cảnh đi Ma-rốc; 3 trường hợp đã quá hạn tạm trú nhưng không có tiền mua vé máy bay. Cục QLXNC đã đưa 2 đối tượng lên Cơ sở lưu trú của Bộ Công an để quản lý, hiện đang truy tìm 2 đối tượng quá hạn khác. Cũng trong tháng 3/2024, Công an tỉnh Thái Nguyên phát hiện 31 người Nigeria sử dụng thị thực điện tử có dấu hiệu nhập cảnh Việt Nam tìm kiếm việc làm; trong đó, có 7 người quá hạn tạm trú, 15 người chưa xuất trình được hộ chiếu.
Một đối tượng người nước ngoài cầm đầu sử dụng công nghệ cao hoạt động "tín dụng đen"
Tại một số cửa khẩu hàng không quốc tế, gần đây có tình trạng công dân một số quốc gia châu Phi (Nigeria, Ghana,..) bị trả về theo hành trình do phía Campuchia và Singapore từ chối nhập cảnh, mặc dù những khách này đều có giấy tờ hợp lệ để nhập cảnh Singapore và Campuchia. Cụ thể, Omogoye Juliana Omowumi (nữ), quốc tịch Nigeria từ Doha (Qatar) nhập cảnh Việt Nam qua CKQT Nội Bài ngày 14/12/2023 trên chuyến bay của Hãng hàng không Qatar. Ngày 02/3, khách làm thủ tục xuất cảnh qua Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất trên chuyến bay của Hãng hàng không Việt Nam và bị phía Singapore từ chối nhập cảnh, trả về theo hành trình. Trường hợp thứ 2 là Idongesit Esther Franlin (nữ), quốc tịch Nigeria từ Thâm Quyến (Trung Quốc) nhập cảnh Việt Nam qua CKQT Nội Bài ngày 07/12/2023 trên chuyến bay của Hãng hàng không Shenzhen. Ngày 02/3, khách làm thủ tục xuất cảnh qua Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất trên chuyến bay của Hãng hàng không Việt Nam và bị phía Singapore từ chối nhập cảnh, trả về theo hành trình...
Ngay khi tiếp nhận các vụ việc, Công an cửa khẩu Tân Sơn Nhất đã lập biên bản, chưa cho nhập cảnh đối với các trường hợp trên do không có thị thực (thị thực cũ đã hết giá trị). Tại thời điểm lập biên bản, các khách trên không có khả năng tài chính, không có vé máy bay về nước. Số khách này khai có ý định tìm cách nhập cảnh để tìm việc và cư trú lâu dài ở một số nước Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam.
Ngoài ra, Phòng Quản lý nhập cảnh, xuất cảnh, cư trú của NNN còn phối hợp với các đơn vị đã phát hiện tình trạng NNN hoạt động hướng dẫn du lịch trái phép tại Đà Nẵng, Khánh Hòa, Lâm Đồng. Trong đó, có việc người Hàn Quốc hướng dẫn du lịch trái phép tại Lâm Đồng gây bức xúc trong dư luận xã hội. Cục QLXNC đã rà soát, phát hiện hàng trăm đối tượng Hàn Quốc lợi dụng chính sách evisa có thời gian nhập cảnh lên đến 90 ngày để hoạt động hướng dẫn du lịch trái phép và phối hợp Công an các địa phương để xử lý.