Giở chiêu... gây tò mò
Sáng 14/4/2024, chị T.M.Đ (41 tuổi, ngụ Q.Gò Vấp, TPHCM) đang làm việc thì nhận được tin nhắn từ một số điện thoại. Vội mở ra xem, chị Đ. không thể đọc được nội dung vì toàn những ký tự lạ chen lẫn một vài từ như "K>mai, V.log... q.u.ay ph.at t.ai", kèm đường link... Nghi ngờ tin nhắn lừa đảo nên chị liền chặn số. Tuy nhiên, đến chiều chị lại nhận tiếp 2 tin nhắn với hình thức tương tự, nhưng nội dung khác nhau. Tất cả các tin nhắn trên đều có đầu số là 052 hoặc 056... Dặn lòng đây là tin nhắn của kẻ lừa đảo, nhưng chị Đ. không khỏi tò mò nên tâm sự với đồng nghiệp là chị L.T.H (39 tuổi, ngụ H.Hóc Môn). Vừa nghe xong, chị H. cho biết từ cuối tháng 3/2024 đến nay cũng liên tiếp nhận những tin nhắn như thế. Chẳng những vậy, con gái chị cũng gặp phải tình cảnh tương tự. Do cảnh giác nên họ không mở đường link, nhưng vẫn thắc mắc nội dung gửi là gì. Điều đáng nói, mỗi ngày họ cứ phải nhận rồi chặn số sim "rác" thật phiền phức.
Theo chị Đ., nếu người lớn tuổi hoặc thiếu thông tin, khi nhận loại tin nhắn kiểu này thì chắc chắn họ sẽ bấm vào đường link. Vậy điều gì sẽ xảy ra? Có thể thấy thủ đoạn của bọn lừa đảo ngày càng tinh vi, khó lường. Ngoài tin nhắn, cuộc gọi rác cũng liên tục "khủng bố" người dân.
Mới đây, anh C.K (45 tuổi, ngụ H.Hóc Môn) nhận được cuộc gọi từ số máy lạ. Đầu dây là giọng một phụ nữ tự giới thiệu đến từ công ty chứng khoán, muốn kết bạn Zalo để gửi anh K. thêm các thông tin. Tuy nhiên, khi anh K. hỏi về mẫu hợp đồng thì nhân viên này từ chối với lý do bộ phận pháp lý đang chỉnh sửa một số nội dung. Nghi ngờ, anh K. quyết định không tham gia vì trước đó đã có nhiều trường hợp bị lừa.
Tương tự, chị T.T.M (ngụ Q.12) cho biết chỉ trong một tuần nhận được hàng chục cuộc gọi "rác" mời nhận voucher du lịch, quà tặng miễn phí. Đó là những cuộc gọi mạo danh hãng hàng không mời nhận voucher du lịch hay gửi quà miễn phí tới nhà. Nhưng khi chị hỏi bên công ty nào tặng thì họ ậm ừ rồi cúp máy. Tuy vậy, chị M. cảm thấy rất phiền phức khi đang tập trung làm việc mà cứ bị quấy rầy bởi các cuộc gọi "rác" như thế. Theo chị M., hiện nay các cơ quan quản lý đang triển khai nhiều biện pháp để ngăn chặn sim "rác", nhưng không hiểu sao tình trạng này vẫn tiếp tục diễn ra.
Tin nhắn "rác" liên tục gửi vào thuê bao di động của người dân
Thời gian qua, các cơ quan quản lý và các nhà mạng đã có nhiều nỗ lực trong triển khai giải pháp để ngăn chặn tin nhắn, cuộc gọi quảng cáo "rác" từ phản ánh của người sử dụng thuê bao di động. Nhưng trên thực tế, các thuê bao di động vẫn liên tục bị các cuộc gọi, tin nhắn có nội dung quảng cáo như: mời chào mua bán bất động sản, vay tiền, thông báo trúng thưởng, làm bằng giả, sử dụng dịch vụ... "bủa vây" mọi lúc, mọi nơi.
Lộ, lọt thông tin cá nhân
Ngoài việc phải đối phó với cuộc gọi và tin nhắn "rác", người dùng điện thoại còn thêm một mối lo nữa là lộ thông tin cá nhân như trường hợp của chị V.T.L (36 tuổi, ngụ TPHCM). Theo đó, chị chỉ cung cấp thông tin cá nhân một cách chính xác khi đăng ký tài khoản ngân hàng hay đăng ký thuê bao chính chủ của sim và không hề tiết lộ cho bên nào khác. Vì vậy, việc một số điện thoại lạ có thông tin cá nhân của chị một cách đầy đủ, bao gồm số căn cước công dân, họ tên và thậm chí là địa chỉ nhà là điều khó hiểu, thậm chí khiến chị cảm thấy bất an.
Theo một chuyên gia an ninh mạng, việc lộ lọt thông tin cá nhân hiện nay diễn ra ngang nhiên và vô cùng phổ biến. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên có thể do những người quản lý đã sơ suất để lộ thông tin liên quan đến máy chủ. Thêm vào đó, việc máy chủ công khai dẫn đến tính bảo mật kém nên người dân có thể dễ dàng truy cập. Ngoài ra, việc lộ lọt thông tin này cũng đến từ việc cơ quan quản lý lỏng lẻo khi bảo vệ dữ liệu, thông tin khách hàng. Điều đáng nói, lộ lọt thông tin cá nhân là cơ hội cho tội phạm về tài chính ngân hàng lừa đảo. Công an TPHCM đã có khuyến cáo đến người dân, doanh nghiệp cảnh giác việc lộ lọt thông tin cá nhân để tránh bị tội phạm công nghệ cao lừa đảo, đặc biệt là trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng.
Anh H.P.T (35 tuổi, ngụ TPHCM) cho biết, cuối tháng 3/2024, anh nhận cuộc gọi của một phụ nữ tự xưng là nhân viên ngân hàng hỗ trợ nâng cấp thẻ tín dụng của anh từ hạn mức 100 triệu đồng lên 300 triệu đồng. Người này đọc đúng số tài khoản, số thẻ ngân hàng và địa chỉ nên anh T. làm theo hướng dẫn, truy cập vào link do người này cung cấp. Tới phần khai báo thông tin cá nhân, chợt nghi ngờ nên anh dừng lại và gọi điện lên tổng đài ngân hàng yêu cầu tạm khóa thẻ tín dụng của mình. Anh T. luôn thắc mắc không hiểu tại sao dữ liệu đăng ký tại ngân hàng như: số điện thoại, số thẻ, CCCD... mà nhóm lừa đảo lại có được.
Hướng dẫn không nhận quảng cáo "rác"
Theo Công an TPHCM, việc lộ lọt dữ liệu cá nhân, doanh nghiệp là cơ hội cho việc lừa đảo công nghệ cao diễn ra tràn lan, đặc biệt là tội phạm trong lĩnh vực ngân hàng, tài chính. Từ dữ liệu cá nhân người dân, doanh nghiệp thì tội phạm giả danh nhân viên ngân hàng gọi điện mời chào làm thẻ tín dụng, nâng cấp thẻ tín dụng. Khi người dùng tin tưởng, tổ chức lừa đảo sẽ dẫn dụ cung cấp CCCD, truy cập vào đường link do tội phạm cung cấp, làm theo hướng dẫn, cung cấp mã OTP. Người dùng làm theo thì chỉ ít phút sau, số tiền trong tài khoản "bốc hơi".
Bên cạnh đó, có trường hợp khách hàng vừa liên lạc với ngân hàng hỏi thủ tục vay vốn thì ít phút sau có người tự xưng là nhân viên ngân hàng gọi điện hỗ trợ. Khi người dùng tin tưởng làm theo và chuyển lệ phí thì dính bẫy lừa đảo. Cũng có trường hợp, khách hàng không đăng ký thẻ tín dụng, không sử dụng dịch vụ ngân hàng đó, nhưng bỗng nhiên nhận được thẻ tín dụng từ ngân hàng đó phát hành.
Cần ngăn chặn triệt để nạn sim "rác" trên thị trường
Công an TPHCM khuyến cáo, người dân cần cảnh giác với tội phạm công nghệ cao, đặc biệt là liên quan đến tài chính, ngân hàng. Tuyệt đối không làm theo hướng dẫn từ người lạ gọi đến; không truy cập vào đường link do người lạ cung cấp qua mail, Zalo, Facebook; không khai báo thông tin cá nhân; không cung cấp mã OTP. Người dân có nhu cầu nâng cấp, điều chỉnh thông tin ngân hàng thì đến các chi nhánh ngân hàng gần nhất để được hướng dẫn, tránh để lộ, lọt thông tin cá nhân dẫn đến bị lừa đảo.
Hiện nay, rất khó để giữ bí mật thông tin cá nhân khi những thông tin như số điện thoại, địa chỉ hay thậm chí tài khoản mạng xã hội của người dân xuất hiện khá nhiều trên các kênh đặt hàng. Vì vậy, người dân cần nâng cao cảnh giác khi đã đưa thông tin của mình lên các sàn thương mại điện tử để mua bán, tránh bị các đối tượng xấu lợi dụng để lừa đảo. Khi nhận được các cuộc gọi lạ, mọi người cũng hết sức cảnh giác, không chuyển tiền, làm theo các hướng dẫn truy cập những đường link mà các đối tượng giả danh đưa ra nhằm tránh mất thông tin cá nhân hoặc bị hack tài khoản mạng xã hội khiến thông tin bị mất, lộ hoặc lọt ra ngoài.
Tính đến ngày 31/3/2024, sau 1 tháng triển khai, các doanh nghiệp báo cáo đã tiếp nhận hơn 6 triệu lượt tra cứu, trong đó có khoảng 1.000 khách hàng phản ánh (việc có số thuê bao không còn sử dụng/đăng ký) về khoảng 1.200 số thuê bao. Từ đó, các doanh nghiệp đã loại bỏ các số thuê bao khỏi danh sách mà khách hàng đã phản ánh đứng tên, thực hiện nhắn tin đề nghị 1.200 số bị phản ánh xác minh, làm rõ. Kết quả, khoảng 200 số thuê bao đã bị khóa 1 chiều, 2 chiều.
Bộ Thông tin và Truyền thông đã quán triệt từ ngày 15/4/2024, các doanh nghiệp viễn thông di động chịu hoàn toàn trách nhiệm, nếu trên thị trường còn xuất hiện SIM được phát triển mới không đúng quy định. Trường hợp phát hiện các vi phạm (như SIM tồn kênh có sẵn thông tin thuê bao...), Bộ sẽ tổ chức thanh tra xử lý nghiêm các hành vi vi phạm (bao gồm việc xem xét, dừng phát triển mới); đồng thời, Bộ sẽ xem xét, có văn bản nhắc nhở người đứng đầu các doanh nghiệp và báo cáo để có hình thức kỷ luật.