(CATP) Điện thoại di động (ĐTDĐ) hiện nay là vật bất ly thân với nhiều người, vì được dùng để lưu trữ nhiều thông tin cá nhân. Tuy nhiên, mọi người cần cẩn trọng khi sử dụng điện thoại thông minh, vì nếu mất điện thoại có thể kéo theo những hệ lụy khôn lường khác.
Sau một đêm ngon giấc, tỉnh dậy vào lúc 7 giờ ngày 10-2-2020, chị Nguyễn Phương Hoàng (SN 1986, ngụ TPHCM) tìm chiếc ĐTDĐ định liên lạc với bạn bè, nhưng không thấy.
Chị nhớ lại tối hôm trước, trước khi đi ngủ đã để 2 điện thoại iPhone X và iPhone XS trong phòng ngủ. Nghi trộm đột nhập, chị Hoàng kiểm tra, phát hiện không những bị mất 2 điện thoại, mà còn "bốc hơi" 1 iPad Air, cặp bông tai vàng trắng, 2 ví trong có khoảng 3 triệu đồng và các giấy tờ tùy thân. Lúc này, cửa chính đang mở, khung cửa có dấu hiệu bị cạy phá.
Do điện thoại lưu trữ nhiều thông tin cá nhân quan trọng nên chị Hoàng vội liên lạc với nhiều dịch vụ để kiểm tra. Không ngờ trước thời điểm chị phát hiện nhà bị trộm đột nhập khoảng 2 tiếng đồng hồ, kẻ gian đã dùng điện thoại của chị chuyển hơn 60 triệu đồng trong tài khoản của chị ở ngân hàng A. sang một tài khoản khác ở ngân hàng B. Khổ chủ nhanh chóng đến cơ quan công an trình báo.
Hãy bảo mật kỹ các thông tin cá nhân, đừng nên lưu trữ trong điện thoại vì dễ bị lấy cắp
Trước đó, ngày 27-1-2020, anh Đoàn Trần T.S. (SN 1986, ngụ TPHCM) cũng bị mất hơn 45 triệu đồng trong tài khoản ngân hàng tương tự vì mất điện thoại. Anh S. đến nhà người thân ở Q.Bình Thạnh chơi và ngủ lại qua đêm. Đang ngon giấc vào lúc 2 giờ 20 ngày 28-1-2020, bà Hoàng Thị T. (SN 1964, chủ nhà) và anh S. nghe có tiếng động bất thường. Nghi có trộm, họ thức dậy kiểm tra, phát hiện cửa sổ tầng trệt bị phá khóa. Tài sản bị mất trộm gồm: 2 điện thoại iPhone X và iPhone Pro Max cùng 4 triệu đồng.
Điều đáng nói, đến chiều cùng ngày, anh S. phát hiện tài khoản ngân hàng của mình có 2 giao dịch chuyển tiền vào tài khoản một cá nhân khác mở tại ngân hàng khác, bằng đô la quy đổi ra khoảng hơn 45 triệu đồng. Lệnh chuyển tiền được thực hiện bằng chính số điện thoại mà anh S. bị kẻ gian lấy trộm máy vào lúc đêm khuya. Vụ việc đang được công an khẩn trương điều tra.
Thực tế, nhiều người sử dụng ĐTDĐ lưu trữ các thông tin cá nhân, nhưng lại sơ hở trong bảo mật, như: cài mật khẩu quá đơn giản hoặc dùng ngày, tháng, năm sinh..., nhưng những con số này lại được chủ nhân đăng công khai trên mạng xã hội. Khi lấy được điện thoại, kẻ gian có thể mày mò tìm cách mở điện thoại, lấy các thông tin cá nhân trong máy hoặc trên các trang mạng xã hội mà chủ máy thường sử dụng, rồi thực hiện lệnh chuyển tiền như các trường hợp trên.
Để tránh bị mất tiền trong tài khoản, các chủ máy ĐTDĐ cần thận trọng, đừng nên biến chiếc máy thông minh thành "kho" lưu trữ tất cả thông tin cá nhân của mình. Trường hợp bị mất điện thoại, chủ máy cần liên hệ ngay với ngân hàng, yêu cầu dừng các lệnh chuyển tiền có nghi vấn không đúng chính chủ. Đồng thời cần trình báo ngay đến cơ quan công an để truy bắt đối tượng.