(CATP) Thượng tá Nguyễn Sơn (Trưởng phòng Cảnh sát hình sự (CSHS) Công an tỉnh Long An) cho biết: "Thời điểm gần Tết, trên địa bàn tỉnh Long An nổi lên một số loại tội phạm sử dụng công nghệ cao để lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Nhiều người tin là thật, nên đã thực hiện theo hướng dẫn của bọn lừa đảo. Mới đây, đơn vị nhận trình báo của bà Trần Thị T. (59 tuổi, ngụ P1, TP.Tân An, Long An) bị các đối tượng lừa chiếm đoạt 967,5 triệu đồng".
VẪN LÀ MỒI NHỬ "TRÚNG THƯỞNG QUA MẠNG"
Theo bà T., ngày 31-12-2019, bà bất ngờ nhận được tin nhắn thông báo trúng thưởng thông qua phần mềm nhắn tin Messenger trên mạng xã hội Facebook. Giải thưởng là chiếc xe máy Honda SH150i Việt Nam, kèm phiếu quà tặng trị giá 200 triệu đồng (!). Sau đó, đối tượng cung cấp cho bà T. mã số trúng thưởng là TN46..., bảo bà vào trang web: NhanQuaXuan55.com để được hướng dẫn thủ tục nhận giải thưởng.
Tưởng "thần may mắn" mỉm cười với mình, bà T. vào trang web trên, điền các thông tin cá nhân và số điện thoại liên lạc. Sau đó, mỗi ngày có một đối tượng gọi điện, yêu cầu bà T. chuyển tiền vào tài khoản chúng cung cấp để làm thủ tục nhận thưởng. Chỉ trong vòng 4 ngày, bà T. đã 5 lần chuyển tiền vào 5 số tài khoản khác nhau, với tổng số tiền là 967,5 triệu đồng. Sau đó, các đối tượng chặn số điện thoại của bà. Biết sập bẫy lừa, nạn nhân đến cơ quan công an trình báo.
Ngày 1-1-2020, chị Lê Thị K. (39 tuổi, ngụ xã Đức Tân, H.Tân Trụ, Long An) vào trang Facebook cá nhân, cũng nhận được tin nhắn trên Messenger, thông báo trúng thưởng giải nhất từ sự kiện tri ân khách hàng tương tự bà T. Chị K. gọi điện cho chúng thì gặp một thanh niên xưng tên Đặng Minh Tú (nhân viên tư vấn của Công ty cổ phần Kỹ thuật số truyền thông tương tác ở TP.Đà Nẵng). Tú hướng dẫn chị K. làm hồ sơ nhận giải thưởng, yêu cầu phải đóng 3 triệu đồng để mua hồ sơ bằng cách nạp tiền vào tài khoản ngân hàng của người tên Huỳnh Khánh Bảo. Chị K. tưởng thật, làm theo.
Sau đó, Tú tiếp tục gọi cho chị K., viện cớ giải thưởng trị giá 300 triệu đồng nên phải đóng thuế thu nhập cá nhân 10% là 30 triệu đồng, phía công ty hỗ trợ 10 triệu đồng, còn lại khách hàng đóng 20 triệu đồng. Chị K. tiếp tục chuyển vào tài khoản trên 20 triệu đồng, được các đối tượng cấp cho mã số 783820. Tú tiếp tục gọi cho chị K., yêu cầu phải chuyển thêm 42 triệu đồng nữa để kích hoạt tài khoản. Chuyển đủ 42 triệu đồng, Tú lại báo muốn nhận xe Honda SH150i thì phải đóng phí vận chuyển 52 triệu đồng. Lúc này, chị K. mới trình báo công an.
Cảnh báo thủ đoạn
lừa đảo trên trang thông tin điện tử Công an tỉnh Long An
DỌA BẮT GIAM ĐỂ DỤ NẠN NHÂN CHUYỂN TIỀN
Đầ uthá ng 1-2020, chị Nguyễ nKim V. (30 tuổi, ngụ P5, TP.Tân An, Long An) nhận cuộc gọi vào số điện thoại bàn nơi chị đang làm việc. Đầu dây bên kia thông báo chị nợ cước điện thoại VNPT 8 triệu đồng do cuộc gọi phát sinh ở nước ngoài.
Đối tượng chuyển cuộc gọi cho chị V. nói chuyện với người xưng tên "Tuấn Anh - trung tá thuộc Phòng CSHS Công an TPHCM". Tuấn Anh nói đang xác minh hồ sơ nợ cước phí của chị V. Gã dọa rằng chị còn mở một tài khoản liên quan đến đường dây rửa tiền, buôn bán ma túy; muốn chứng minh mình trong sạch thì phải chuyển hết số tiền trong tài khoản của chị đến tài khoản Nguyễn Công Đông tại một chi nhánh ngân hàng ở Thanh Hóa.
Sau đó, chị V. nhận được hình chụp quyết định phê chuẩn lệnh bắt tạm giam và phong tỏa tài sản mình được các đối tượng gửi đến qua mạng Zalo. Quá sợ hãi, chị V. đến ngân hàng chuyển 100 triệu đồng cho chúng. Sau khi chuyển tiền, chị lại nhận cuộc gọi của một phụ nữ xưng tên "Nguyễn Thị Thủy Khiêm (là Viện trưởng Viện KSND TPHCM) bảo chị phải chuyển tiền tiếp. Nghi ngờ bị lừa đảo, chị V. trình báo cơ quan chức năng.
Trước đó, bà Lý Ngọc P. (ngụ H.Cần Giuộc, Long An) cũng nhận cú gọi đến điện thoại bàn từ một đối tượng nam giới, xưng là "đại tá Công an tỉnh Long An", cho biết công an bắt được một tên cướp, đối tượng khai bà P. có liên quan và đứng tên số tiền 3 tỷ đồng. Vị "đại tá" yêu cầu bà P. chuyển 200 triệu đồng đến số tài khản gã cung cấp để phục vụ điều tra. Bà P. đến một chi nhánh ngân hàng ở H.Cần Giuộc làm hợp đồng vay 200 triệu đồng, rồi chuyển đến tài khoản Lê Minh Dũng do "ông đại tá" cung cấp. Sau đó, bà P. không liên lạc được với "ông đại tá" dỏm.
Thượng tá Nguyễn Sơn (Trưởng phòng Cảnh sát hình sự (CSHS) Công an tỉnh Long An) khuyến cáo: Để phòng ngừa, ngăn chặn việc mạo danh cơ quan pháp luật (công an, kiểm sát, tòa án...) hoặc thông báo trúng thưởng qua mạng, Công an tỉnh Long An đề nghị người dân khi phát hiện đối tượng có hành vi nghi vấn dùng các thủ đoạn như trên để lừa đảo, cần nhanh chóng thông báo cho cơ quan công an, để tránh hậu quả đáng tiếc có thể xảy ra.
Bị lừa đảo đến 1 tỷ đồng
Đó là trường hợp bà Lê Thị Th. (ngụ Q10, TPHCM). Ngày 2-1-2020, bà Th. nhận cuộc gọi đến điện thoại bàn ở nhà. Đối tượng là phụ nữ, nói giọng Bắc, xưng làm nhân viên bưu điện. Ả dọa rằng bà Th. có mở thẻ tín dụng tại một chi nhánh ngân hàng ở Hà Nội, số nợ là 36.886.280 đồng. Bà Th. nói không biết sự việc thì ả vờ kết nối cho bà nói chuyện với người xưng tên Phạm Tuấn Anh, là "trung úy, trực ban hình sự Công an TP.Hà Nội", cũng nói giọng Bắc.
Phạm Tuấn Anh dọa rằng bà Th. có liên quan đến đường dây ma túy lớn hàng tỷ đồng mà công an đang phá án, vờ chuyển điện thoại cho bà gặp người xưng tên Quách Văn Dũng ("Viện phó Viện KSND TP.Hà Nội"). Dũng đọc cho bà Th. nghe lệnh bắt tạm giam bà và yêu cầu bà ra Hà Nội gấp để tạm giam 4 tháng, nếu không đi được thì phải chuyển tiền bảo lãnh. Gã cung cấp số tài khoản của Nguyễn Văn Thượng, yêu cầu bà chuyển 100 triệu đồng. Do không đủ tiền, bà Th. chỉ chuyển 33 triệu đồng.
Hai ngày sau, tài khoản "Viện kiểm sát Hà Nội" trên mạng Zalo liên tục gọi điện thông báo bà Th. dính líu đến đường dây ma túy lớn hơn 6 tỷ đồng, buộc bà chuyển tiền vào tài khoản của Bùi Đình Đương để xác minh nguồn tiền. Bà Th. sợ hãi, đến ngân hàng chuyển cho Đương 877.515.213 đồng. Sau đó, bà không liên lạc được với nhóm đối tượng lừa đảo.