(CAO) Bằng thủ đoạn dựng lên bộ quy trình, ban bệ như một ngân hàng, rồi gọi điện thoại cho vay tiền với thủ tục đơn giản, các đối tượng đã khiến nhiều nạn nhân sập bẫy lừa đảo mà không chút nghi ngờ.
Ngày 27-9, Công an huyện Bình Chánh, TPHCM cho biết, vừa triệt xóa thành công một băng nhóm lừa đảo với thủ đoạn hết sức tinh vi, do Nguyễn Quốc Đạt (SN 1999) và Lê Thị Thanh Sáu (SN 1990, ngụ Q.Tân Phú) cầm đầu.
Các đối tượng trong băng nhóm lừa đảo bị công an bắt giữ
Trước đó, Công an huyện Bình Chánh nhận được tin báo của nhiều người về việc bị một số đối tượng giả nhân viên ngân hàng lừa đảo bằng thủ đoạn mới hết sức tinh vi. Công an huyện Bình Chánh nhanh chóng vào cuộc điều tra, bằng các biện pháp nghiệp vụ, đã bắt gọn các đối tượng cầm đầu và chân rết trong đường dây này.
Kết quả điều tra bước đầu cho thấy Đạt và Sáu biết được nhiều người rơi vào hoàn cảnh khó khăn, túng quẫn sau đại dịch Covid-19 nên có nhu cầu cần vay tiền mặt. Tuy nhiên, thủ tục vay khó khăn và người dân khó tiếp cận được các tổ chức tín dụng. Vì vậy chúng cùng đồng bọn lập đường dây lừa đảo để chiếm đoạt tài sản.
Hai đối tượng Sáu và Đạt cầm đầu đường dây lừa đảo
Theo đó, Đạt và Sáu thuê địa điểm ở xã Vĩnh Lộc A, huyện Bình Chánh làm nơi hoạt động. Hàng ngày, Sáu trực tiếp đưa danh sách cho các nhân viên gọi điện thoại xưng là nhân viên của một ngân hàng mời gọi cho vay tiền với thủ tục đơn giản, giải ngân nhanh chóng.
Để nạn nhân tin tưởng sập bẫy, chúng phân công từng người đóng vai các bộ phận khác nhau như nhân viên bộ phận tư vấn, bộ phận thẩm định, bộ phận giải ngân và chăm sóc khách hàng như thật khiến nhiều người không chút nghi ngờ.
Thẻ ATM được chúng làm giả để chiếm lòng tin của khách hàng
Có 2 gói mà khách hàng có thể lựa chọn vay từ 10 triệu đến 50 triệu và gói thứ 2 từ 60 triệu đến 100 triệu. Để được giải ngân, khách hàng phải mua bảo hiểm với gói thứ nhất số tiền đóng bảo hiểm là gần 1,9 triệu đồng, gói vay thứ 2 là gần 3,9 triệu đồng.
Nhằm chiếm lòng tin của khách hàng, các đối tượng cho biết chỉ khi nhận được tiền giải ngân từ ngân hàng thì khách hàng mới phải đóng tiền phí bảo hiểm. Chính vì vậy, nhiều người dân rất tin tưởng rằng đây là nhân viên tín dụng của ngân hàng và đồng ý vay.
Khi con mồi đã cắn câu, chúng in thẻ ATM giả rồi thông báo tiền vay của khách hàng đã được nạp trong thẻ. Khi khách hàng nhận thẻ kích hoạt sẽ rút tiền ra dễ dàng. Nhằm chiếm lòng tin của khách hàng, chúng còn cho biết sẽ gửi kèm thêm các phần quà khuyến mãi như kính mắt, bóp ví… và sẽ được chuyển tới khách hàng qua hình thức bưu phẩm COD (khách hàng trả tiền khi nhận bưu phẩm).
Kính mát và ví được chúng làm "quà khuyến mãi" cho khách hàng
Không chút nghi ngờ, nhiều người khi nhận được bưu phẩm từ nhân viên bưu cục chuyển tới mở ra thấy có thẻ ATM nên tin tưởng đóng tiền phí “bảo hiểm khoản vay” từ gần 1,9-3,9 triệu đồng. Chỉ đến khi cầm thẻ ATM ra ngân hàng kích hoạt để rút tiền thì tá hỏa mới biết đây là những thẻ giả và bị lừa tiền.
Bước đầu, cơ quan công an đã xác định được hàng chục bị hại của đường dây lừa đảo này. Hiện vụ án đang được mở rộng điều tra.
Qua Chuyên đề Công an TPHCM, Công an huyện Bình Chánh đề nghị ai là nạn nhân của băng nhóm lừa đảo trên xin liên hệ Công an huyện trình báo để phục vụ công tác điều tra.