Chuyện lạ ở Gia Lai, kiều nữ từ 19 năm tù thành… trắng án!

Thứ Sáu, 13/11/2015 16:18  | Ngọc Hà – Minh Tú

|

(CAO) Dư luận tại tỉnh Gia Lai và các bị hại trong vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản, đối với người bị cáo buộc hành vi này là Lê Thị Tường Vân (SN 1978, trú 104/1 đường Tăng Bạt Hổ, phường Yên Đổ. TP. Pleiku) những ngày qua “dậy sóng” bởi quyết định “đình chỉ mọi hoạt động đối với vụ án, đình chỉ vụ án đối với bị can” do ông ông Trần Công Hùng – Phó Viện trưởng VKSND tỉnh Gia Lai ký.

Đây là quyết định hết sức bất ngờ bởi vụ án kéo dài đến nay đã 5 năm, cơ quan tư pháp đã chứng minh Vân phạm tội và tòa án cũng đã 2 lần kết tội, tuyên mức án cao nhất là 19 năm tù giam với bị cáo.

SỰ BẤT NHẤT CỦA VIỆN KIỂM SÁT

Đáng nói là trong vụ án này, tại 2 phiên tòa sơ thẩm, ông Trần Công Hùng đều giữ quyền công tố tại tòa. Trước cả 2 phiên tòa xét xử công khai, ông Hùng luôn kiên quyết giữ vững lập trường, bảo vệ nội dung bản cáo trạng, buộc bị cáo Tường Vân phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản và đề nghị tòa tuyên mức án phù hợp với mức độ và hành vi phạm tội của bị cáo.

Kỳ lạ thay, cũng chính vị công tố viên này lại là người ký quyết định đình chỉ mọi hoạt động tố tụng đối với vụ án và bị can Tường Vân khiến dư luận khó hiểu về hành động bất nhất của cá nhân ông Hùng và lãnh đạo ngành kiểm sát tỉnh Gia Lai.

Quyết định đình chỉ này, chỉ được báo chí và dư luận biết đến từ việc, người thân các bị hại phát hiện bị cáo Tường Vân đến ở tại căn nhà số 104/1 Tăng Bạt Hổ (phường Yên Đổ, TP. Pleiku) – một trong số những tài sản của Tường Vân trước đó bị Tòa án tỉnh Gia Lai tuyên tịch thu để đảm bảo việc thi hành án.

Quá bức xúc, vào ngày 17-8-2015, các bị hại làm đơn khiếu nại thì hôm sau, VKSND tỉnh Gia Lai trả lời rằng, đã đình chỉ điều tra vụ án và bị can đối với Tường Vân về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Theo hồ sơ vụ án, đầu năm 2010, từ đơn tố cáo của 3 bị hại là Nguyễn Thị Phượng Tường (SN 1968), Huỳnh Thị Thúy Vân (SN 1966), Hồ Thị Xuân Dung (SN 1977) – đều trú tại TP.Pleiku, về việc bị Lê Thị Tường Vân lừa đảo, chiếm đoạt số tiền trên 15 tỷ đồng, không chịu trả, cơ quan điều tra Công an tỉnh Gia Lai vào cuộc.

Quá trình điều tra, Công an tỉnh Gia Lai sau đó có bản kết luận điều tra, VKSND tỉnh Gia Lai thống nhất quan điểm, ra cáo trạng truy tố hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản đối với Lê Thị Tường Vân.

Lê Thị Tường Vân tại phiên tòa sơ thẩm

Bản cáo trạng có nội dung: Năm 2008, Vân nhiều lần vay tiền của các chị Tường, Thúy Vân, Dung, lãi suất thỏa thuận. Sau mỗi lần vay, Vân đều thanh toán dứt điểm cả gốc lẫn lãi theo đúng cam kết ghi trong giấy mượn tiền để tạo niềm tin.

Sau đó, lợi dụng sự quen biết, uy tín trong các lần vay đó, Tường Vân nảy sinh ý định lừa đảo. Lấy danh nghĩa hoạt động kinh doanh của Công ty Tuấn Tài (do chồng Tường Vân là Mai Anh Tuấn làm giám đốc), Tường Vân tiếp tục tìm 3 phụ nữ trên đặt vấn đề vay món tiền lớn nhằm chiếm đoạt.

Từ ngày 2-11 đến ngày 4-11-2009, Tường Vân tìm gặp 3 chủ nợ trên, nói là cần huy động vốn để nhập lô hàng 20 xe ô tô về cho Công ty Tuấn Tài (do chồng Vân làm giám đốc) bán dịp Tết, hỏi vay số tiền 15,25 tỷ đồng và được đồng ý.

Ngày 6-11-2009, Tường Vân đến nhà các bị hại viết giấy vay nợ và nhận đủ số tiền như đã nêu, hẹn trong vòng 4 ngày sẽ trả. Đến ngày 9-11-2009 (thời hạn trả nợ như cam kết), Tường Vân chỉ trả được cho 3 chủ nợ số tiền 970 triệu đồng, số còn lại, người phụ nữ này nói rằng đã cho Nguyễn Thị Thùy Dương (bạn của Tường Vân, trú TP. Pleiku) vay, vẫn chưa lấy được.

Bị các chủ nợ hối thúc đòi tiền, Tường Vân tuyên bố vỡ nợ rồi đưa ra điều kiện hết sức vô lý với các bị hại: phải cho một nửa số nợ, đồng thời không được báo công an, Vân sẽ trả nợ dần.

Các bị hại gửi đơn đến công an nhờ can thiệp. Cơ quan điều tra chứng minh được, Tường Vân có hành vi gian dối, yếu tố cấu thành tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, như: không dùng số tiền vay được này để mua xe ô tô bán Tết như khi hứa hẹn vay tiền nên xác định đây là thủ đoạn huy động vốn giả của Tường Vân.

Ngoài ra, cơ quan công an còn chứng minh được, trước khi nhận tiền của các bị hại, vào ngày 5-5-2009, Tường Vân đã chuyển toàn bộ tài sản do mình đứng tên sở hữu cho cha mẹ và em ruột, bao gồm nhà, ô tô, xe máy SH,… bằng cách làm hợp đồng cho tặng và bán rẻ.

Công an tỉnh Gia Lai khẳng định, hành vi của Lê Thị Tường Vân là “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Ý thức gian dối nhằm chiếm đoạt tài sản được thể hiện ở việc tẩu tán tài sản. Qua lời khai, Vân cũng thừa nhận có nợ tổng số tiền 15,25 tỉ đồng của 3 bị hại.

Ngày 11-5-2010, Công an tỉnh Gia Lai thi hành lệnh bắt tạm giam để điều tra đối với bị can. Đúng 2 năm sau (ngày 15-5-2012), sau nhiều lần trả hồ sơ, Hội đồng xét xử Tòa án nhân dân (HĐXX TAND) tỉnh Gia Lai tuyên phạt sơ thẩm bị cáo Tường Vân mức án 15 năm tù về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

HĐXX TAND tối cao khu vực Đà Nẵng sau đó tuyên hủy bản án sơ thẩm trên. Sau nhiều lần hoãn phiên tòa, chờ kết luận điều tra bổ sung, ngày 31-12-2013, HĐXX TAND tỉnh Gia Lai đã tuyên phạt sơ thẩm (lần 2) 19 năm tù (tăng 4 năm so với án sơ thẩm lần 1) đối với bị cáo Tường Vân về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản; đồng thời tuyên buộc bị cáo Vân phải trả số tiền 14,28 tỷ đồng cho các bị hại; tuyên hủy hợp đồng cho tặng 2 căn nhà, gồm: căn số 103 Phan Đình Phùng, 104/01 Tăng Bạt Hổ; phong tỏa căn nhà số 335C Phan Đình Phùng (đều ở phường Yên Đổ, trung tâm TP.Pleiku) để đảm bảo thi hành án.

Bị cáo Vân kháng cáo. Các bị hại thêm một thời gian dài chờ đợi công lý. Ngày 29-7-2014, HĐXX phúc thẩm TAND tối cao khu vực Đà Nẵng lại tuyên hủy bản án của cấp sơ thẩm xét xử lần 2, trả hồ sơ cho VKSND tỉnh Gia Lai điều tra bổ sung, làm rõ một số vấn đề. Vậy nhưng, ngày 12-8-2015, VKSND tỉnh Gia Lai đã ra các quyết định về việc đình chỉ mọi hoạt động đối với vụ án?

CÁC CƠ QUAN TRUNG ƯƠNG VÀO CUỘC

Trước những diễn biến này, bản thân 3 bị hại và người nhà của họ rất bất bình, bức xúc, bày tỏ với báo chí: “Vụ án kéo dài suốt 5 năm qua, hơn chục phiên tòa đã diễn ra, chúng tôi chờ đợi công lý trong sự mệt mỏi. Đến bây giờ thực sự mất lòng tin vào luật pháp. Chẳng hiểu lý do gì mà các cơ quan tư pháp kéo dài vụ án rồi Viện kiểm sát có quyết định như thế. Chẳng khác nào giết chúng tôi. Là dân làm ăn, tiền chúng tôi cũng phải đi vay mượn của bạn bè, người thân chứ đâu phải sẵn có. Luật pháp nào lại đi bảo vệ kẻ cướp tài sản người khác như thế?”

Cáo trạng của VKSND tỉnh Gia Lai ban đầu khẳng định Tường Vân phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản

Một số ý kiến dư luận nêu ra: Nếu Tường Vân không có tội thì phải chăng các bị hại sẽ mang tội danh vu khống đối Vân? Và, việc Tường Vân bị tạm giam hơn 5 năm, cơ quan nào sẽ chịu trách nhiệm đền bù oan sai?

Trả lời báo chí, ông Nguyễn Văn Quân - Viện trưởng VKSND tỉnh Gia Lai cho rằng, đình chỉ vụ án là do hồ sơ từ cơ quan điều tra Công an tỉnh Gia Lai có nhiều mâu thuẫn.

Trung tá Trần Ngọc Anh - Trưởng phòng Tham mưu Công an tỉnh Gia Lai cho biết: việc VKSND tỉnh Gia Lai đình chỉ vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản đối với Lê Thị Tường Vân, Công an tỉnh Gia Lai đã có văn bản gửi Bộ Công an can thiệp.

Sau khi kiến nghị, Bộ Công an đã có văn bản gửi Công an tỉnh đề nghị gửi toàn bộ hồ sơ vụ án để Bộ xem xét, có hướng xử lý. Vụ việc đang chờ ý kiến của Bộ Công an.

Được biết, liên quan đến vụ án, ngày 11-11-2015, Phó Trưởng ban Nội chính Tỉnh ủy Gia Lai – Vương Hồng Quế cho biết: Tỉnh ủy Gia Lai đã có văn bản đề nghị Ban cán sự Đảng Viện KSND tỉnh Gia Lai xem xét lại quyết định đình chỉ vụ án. Nội dung yêu cầu nhấn mạnh, trước ngày 10-12-2015, phải có thông báo kết quả để Tỉnh ủy báo cáo Ban chỉ đạo phòng chống tham nhũng Trung ương.

Vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản 15 tỉ đồng đối với Lê Thị Tường Vân và việc đình chỉ vụ án của cơ quan Viện kiểm sát tỉnh Gia Lai hiện đang được các cơ quan Trung ương xem xét. Chúng tôi tin rằng, công lý sẽ sớm được thực thi.

Bình luận (0)

Lên đầu trang