(CAO) Theo dự báo của Trung tâm khí tượng thủy văn Trung ương, hồi 16 giờ ngày 2-11, vị trí tâm cơn bão số 12 có tên Damrey ở vào khoảng 13,1 độ Vĩ Bắc; 116,2 độ Kinh Đông, cách bờ biển Khánh Hòa - Ninh Thuận khoảng 750km về phía Đông.
Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 9 (75 đến 90km/giờ), giật cấp 11. Dự báo trong 24 giờ tiếp theo, bão di chuyển theo hướng Tây, sau đó có khả năng đổi hướng di chuyển Tây Tây Nam, mỗi giờ đi được khoảng 20km và mạnh lên.
Do ảnh hưởng của bão số 12, khu vực giữa Biển Đông (bao gồm vùng biển phía Bắc quần đảo Trường Sa) có mưa bão, gió giật cấp 7- 9, vùng gần tâm bão đi qua mạnh cấp 10-11, giật cấp 14; biển động dữ dội. Cấp độ rủi ro thiên tai: Cấp 3.
Dự báo khu vực tỉnh Đồng Nai từ đêm 3-11 và những ngày tiếp theo có mưa nhiều nơi, có nơi mưa rất to trong cơn mưa có giông, lượng mưa có thể từ 500 – 1.000mm. Đặc biệt lưu ý hiện tượng lũ quét, sạt lở đất và gây lụt. Thực hiện Công văn số 162/PCTT ngày 01/11/2017 và Công văn số 164/PCTT ngày 02/11/2017của Ban Chỉ huy PCTT-TKCN tỉnh; để chủ động đối phó với tình hình ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất; những thiệt hại khác do ảnh hưởng của bão số 12 và mưa lớn trên địa bàn tỉnh, Giám đốc Công an tỉnh Đồng Nai yêu cầu Công an các đơn vị, địa phương triển khai ngay các nhiệm vụ sau: Theo dõi chặt chẽ, thường xuyên diễn biến của bão và tình hình mưa trên địa bàn tỉnh để chủ động bảo vệ tài sản, hồ sơ tài liệu không để hư hại, ngập ướt; đảm bảo tuyệt đối an toàn trụ sở cơ quan, các Nhà tạm giữ, Trại tạm giam.
Chủ động lực lượng, rà soát phương tiện sẵn sàng tham gia cứu hộ, cứu nạn và xử lý các tình huống xảy ra theo yêu cầu của Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn của địa phương và Ban Giám đốc Công an tỉnh như: Rà soát phương án, củng cố lực lượng thường trực phục vụ công tác phòng, chống lụt bão, cứu hộ, cứu nạn của đơn vị, địa phương theo Kế hoạch 156/KH-CAT-PV11 ngày 03/5/2017 của Công an tỉnh.
Tổ chức tuyên truyền, cảnh báo kịp thời đến người dân về diễn biến của bão, mưa do ảnh hưởng của gió mùa Tây Nam để người dân chằng chống nhà cửa, chủ động ứng phó với mưa to, gió lớn đề phòng tốc mái, đổ nhà… Tổ chức di dời các hộ dân ở ven sông, suối có nguy cơ bị sạt lở ra khỏi vùng lũ quét, ngập lụt đến nơi an toàn. Thường xuyên nắm chắc tình hình, phối hợp các lực lượng chức năng chặt tỉa cành cây, khơi thông dòng chảy các kênh, rạch, sông, suối.
Đặc biệt chú ý đến những địa bàn có nguy cơ sạt lở đất, đá, tuyến đường giao thông thường bị ngập úng, các tuyến cống hở không có nắp che,… có nước chảy siết phải cử lực lượng ứng trực, cảnh báo người dân đề phòng tai nạn do nước cuốn trôi. Tổ chức rà soát, kiểm tra các bến đò, phà trên địa bàn, yêu cầu các chủ phương tiện phải trang bị đầy đủ thiết bị cứu sinh mới được hoạt động.
Trường hợp xảy ra mưa, lũ lớn thì không cho các phương tiện đò, phà hoạt động để đảm bảo an toàn. Phối hợp chặt chẽ, giữ vững liên lạc với Thường trực Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn Công an tỉnh (Trung tâm Thông tin chỉ huy - PV11) và các cơ quan liên quan trước, trong và sau khi xảy ra tình huống thiên tai.
Lực lượng Cảnh sát giao thông đường bộ, đường sắt; Cảnh sát đường thủy chuẩn bị phương tiện, lực lượng để điều tiết giao thông tại các khu vực đường, cống, cầu có khả năng bị ngập, sạt lở để hướng dẫn người, phương tiện qua lại nhằm đảm bảo an toàn.
Trong các ngày 4-5/11, Công an các đơn vị, địa phương bố trí quân số trực đảm bảo phục vụ chiến đấu và tham gia cứu nạn, cứu hộ, chuẩn bị phương tiện sẵn sàng để nhận nhiệm vụ khi được điều động khi có tình huống xảy ra.
Công an các đơn vị, địa phương khẩn trương triển khai thực hiện nghiêm túc, thường xuyên theo dõi diễn biến thời tiết để chủ động đối phó, kịp thời báo cáo tình hình về Giám đốc Công an tỉnh (qua Trung tâm Thông tin chỉ huy - PV11; điện thoại 0693.480100 hoặc 0693.480109) để chỉ đạo xử lý kịp thời.