12 ngày đêm theo dấu "người rừng":

Kỳ 3: Trò nghi binh của kẻ sát nhân

Thứ Tư, 04/10/2023 09:57

|

(CATP) Thật lạ lùng, dù là kẻ nghiện thuộc hàng "thánh tửu" nhưng trong bữa cơm với đầy những thức ăn ngon tại nhà vợ chồng chị X, Ngô không hề đụng đến một giọt rượu. Đánh liền tù tì một chầu no nê, Ngô dỏng tai ngồi nghe ngóng và phát hiện có âm thanh lạ như tiếng người đang rón rén phía sau vách lá, lẫn trong tiếng mưa đêm. Thấy động, Ngô chụp lấy con dao rồi lao nhanh theo lối cửa sau, trong chớp nhoáng đã mất dạng. Thì ra, khi hắn vừa xuất hiện ở nhà chị X, một người dân đã tình cờ thấy được và báo cho một tổ công an đang mai phục ở thôn bên cạnh...

Các anh công an bất chấp mưa gió, khó khăn vì di chuyển ban đêm trên đường rừng. Mỗi chiến sĩ công an quấn tạm bợ một mảnh nylon, đi chân đất, quần xắn quá gối chạy băng băng suốt 5 - 6 cây số để đến nhà chị X. nơi chân núi. Khi áp sát mục tiêu, do không thông thuộc địa hình, không thể sử dụng đèn pin, các trinh sát phải mò mẫm trong bóng đêm và cơn mưa rừng như trút nước. Có một đồng chí do quá mệt đã bị trượt té gây tiếng động. Ngô từ trong nhà nghe thấy, tuôn chạy. Anh công an bị té ê ẩm, tê dại cả người nhưng không thấy đau, chỉ bực tức, ân hận vì cái xui của mình. Hiểu được điều đó nên các đồng đội đến đỡ anh dậy, an ủi:

- Tại mưa, đường trơn chứ không phải tại cậu đâu! Đừng buồn nữa, thế nào anh em mình cũng tóm được nó thôi!

Nước mưa bỗng mằn mặn trên môi mỗi người. Cuộc truy bắt tên "người rừng" này thật gian khổ. Hơn 10 ngày nay, Công an huyện Đạ Tẻh phối hợp với Công an tỉnh Lâm Đồng chia thành nhiều nhóm, phong tỏa hết các con đường với quyết tâm không để tên tội phạm này chạy khỏi địa bàn huyện. Để thực hiện kế hoạch đó, các trinh sát đã bám chốt 24/24 giờ mỗi ngày. Mỗi tổ 3 - 4 trinh sát, trùm áo mưa, trụ luôn trong rừng. Một tổ giao liên vào Ủy ban xã nấu nhờ cơm, sau đó vắt thành từng nắm tiếp tế cho các chốt.

Cơm chỉ no được buổi chiều. Tối đến, gió lạnh làm tăng thêm cái đói nên phải cử người luồn rừng ra xóm mua thiếu mì gói vào chia nhau nhai sống. Tổ được chia bám trên cây phải mang theo một chai cà phê, buồn ngủ không chỉ hỏng việc, mà có khi té ngã cụp xương sống chứ chẳng chơi. Tổ ém dưới đất khiếp nhất là vắt với rắn độc, thêm nỗi khổ co ro, khom mình suốt đêm trong tấm nylon bé xíu, tê dại cả chân tay.

Trên cây, dưới đất có chung nỗi khổ là thèm thuốc lá. Có anh ghiền quá đề xuất hút theo kiểu "du kích" - tức moi cái lỗ dưới đất rồi cúi mặt xuống hút, che đầu thuốc cháy đỏ. Ngại là trong rừng, mùi thuốc lá không thể lẫn vào đâu được, đối tượng có thể đánh hơi, hỏng việc lớn, thế là anh em động viên nhau cai thuốc.

Nước sông chảy xiết đoạn qua 2 xã Quảng Trị - Mỹ Đức

Gã "người rừng" rất tinh quái trong cuộc rượt đuổi. Hắn vừa xuất hiện ở thôn 7 vào nhà người quen kiếm cơm, khi lực lượng công an, dân quân nghe tin báo, di chuyển đến thì hắn đã cắt rừng về thôn 6. Triển khai kế hoạch ở thôn 6 lại nghe tin hắn thập thò ở thôn 3... Các trinh sát di chuyển liên tục, nhiều ngày phải vượt sông qua xã Quảng Trị đến hai, ba lần. Bè của dân đi rừng để dọc bờ sông, trinh sát sử dụng nhưng không quen, ra đến giữa dòng, nước chảy xiết, điều khiển không được. Lật bè, cả tổ rơi xuống nước lóp ngóp. Bởi vậy mới có chuyện nhiều anh phải mặc quần đùi, số anh khác phải vào nhà dân mượn tạm quần áo cho đỡ lạnh. Có những đêm, tổ trinh sát đi theo đường suối, nước ngập tới ngực, áp sát một căn chòi rẫy và trụ tại đó đến sáng. Trong chòi, một cặp vợ chồng chong cây đèn hột vịt nhỏ xíu, ấm áp bên nhau ngủ li bì. Họ đâu biết rằng, ở ngoài kia là những chiến sĩ công an đang phải dầm mình trong mưa đêm, đói lạnh để bảo vệ cho họ khỏi một trận tập kích, cướp bóc của "người rừng".

Có đêm nghe tin Ngô sẽ về nhà mẹ ruột để lấy lương thực. Căn nhà này nằm giữa đồng ruộng, các trinh sát bò luôn dưới sình, trên đầu ngụy trang một cành cây chờ đợi. Tên tội phạm không về, chỉ có từng bầy kiến lửa làm cho anh em phải quằn quại dưới bùn! Nhiều anh lính trẻ ky cóp mãi mới may được một, hai bộ quần áo để dành đi dạo phố. Nay bươn theo dấu chân tên tội phạm, mấy bộ "đồ vía" rách te tua, dính đầy mủ chuối, mủ khoai, sình đất...

Nhưng tiếc nhất vẫn là những lần bắt hụt Ngô. Đó là hôm Ngô đói và thèm rượu, phải mò về nhà cô em ruột ở thôn 4. Giúp cho gã cơm no, rượu say xong, cô em gái còn cho hắn một áo mưa, một nón lá và một gói thuốc lá Trị An. Ngô ôm hết ra bờ con suối chảy giữa hai xã Mỹ Đức - Quảng Trị. Hắn trải áo mưa đánh một giấc ngon lành. Tờ mờ sáng, một mũi truy quét của công an và dân quân từ dưới thôn 4 tiến lên... Bên bờ suối, tấm nylon còn ấm hơi người, bên cạnh là chiếc nón lá, trong nón có gói thuốc Trị An hút dở, nhưng tên Ngô thì không thấy đâu. Mọi người chia nhau bao vây hết khu vực, nhưng hắn vốn quen thuộc địa bàn rừng núi, đã biến mất. Mọi người dậm chân tiếc rẻ!

Trong lúc mệt mỏi, căng thẳng như vậy, Ban chuyên án bất ngờ nhận được một nguồn tin vô cùng quý giá: Tại thôn 7, cứ mỗi ngày vào lúc mặt trời chênh vênh trên đầu ngọn núi, lại xuất hiện một thiếu phụ mang gùi len lỏi vào rừng. Qua tìm hiểu, thấy gia đình thiếu phụ này ở chân núi, xung quanh toàn củi, nhu cầu sử dụng củi chỉ để nấu ăn, bởi chị ta không sống bằng nghề khai thác lâm sản. Vậy ngày nào cũng vào rừng làm gì? Trong lúc dân nghề rừng thứ thiệt đang sợ "người rừng", thà chịu nhịn đói, huống hồ chị ta là một phụ nữ ốm yếu?

Người phụ nữ mang cơm tiếp tế cho "người rừng" (ảnh minh họa)

Bí mật bám theo người phụ nữ, trinh sát thấy chị ta sau khi đi sâu vào rừng, đến một cây dẻ lớn, đặt gùi xuống, chị ta lôi một cà mèn bằng nhựa màu đỏ quấn nhiều lớp bao nylon ra. Chị leo lên cây, đặt cà mèn vào chạc cây, ngó xung quanh rồi từ từ tuột xuống. Xong xuôi mọi việc, người phụ nữ quơ quào vài cành củi khô chất vào gùi rồi đi ngược trở ra con đường mòn...

Sau khi phát hiện người phụ nữ lén lút vào rừng tiếp tế cơm, rượu cho Ngô, Ban chuyên án cử ngay một tổ bám sát khu vực có treo túi thức ăn. Song chờ suốt đêm chẳng thấy hắn mò ra lấy đồ tiếp tế. Đến sáng, vẫn người phụ nữ hôm trước lặng lẽ leo lên cây gỡ gói thức ăn cũ xuống, treo một gói mới lên.

Không đến nỗi khó khăn, Ban chuyên án đã xác định được người phụ nữ thường ngày mang đồ tiếp tế cho gã "người rừng" là Lê (SN 1970), người vợ thứ 3 của Ngô. Trước khi xảy ra vụ sát hại anh Duy, Ngô có 3 đứa con với Lê. Thường ngày, Ngô rất thô bạo, thường xuyên hành hạ đánh đập Lê. Thế mà nay cô ta bất chấp hiểm nguy, hàng ngày vẫn lặn lội vào rừng mang cơm, rượu nuôi hắn. Thật là một chuyện đáng suy nghĩ. Có thể Lê là một phụ nữ quen cam chịu, hoặc vì quá yêu Ngô nên trở thành một người chung thủy đến cùng.

Cả hai lý do này đều dễ thuyết phục. Nhưng trong công tác điều tra, mọi nghi vấn không thể chỉ dựa vào yếu tố tình cảm để kết luận. Hơn nữa, qua 11 ngày đêm chịu gian khổ với Ngô cùng nhiều lần vòng vây đã siết chặt, Ngô vẫn thoát được. Xâu chuỗi những tình tiết đó cho thấy, ngoài sự nhanh nhẹn và thông thạo địa bàn, thì tư duy của tên tội phạm này không đến nỗi tệ.

Ban chuyên án họp bàn, phân tích đủ các khía cạnh và đi đến kết luận: Ngô đã ép Lê tiếp tế cho hắn, nhưng hắn không sử dụng số thức ăn đó. Như vậy, có nhiều khả năng hắn dùng vợ để nghi binh, đánh lạc hướng chú ý của cơ quan điều tra. Mà đã nghi binh ắt phải có mục đích, đúng hơn là một hướng hoạt động khác mà hắn muốn bảo vệ bí mật. Vậy kế hoạch sắp tới hắn sẽ thực hiện là gì?

Nhiều biện pháp nghiệp vụ được áp dụng đồng loạt. Chỉ vài giờ sau, Ban chuyên án đã trả lời được câu hỏi nan giải đó: Ngô không thể trụ lâu hơn trong rừng nên dùng việc tiếp tế của vợ để thu hút lực lượng truy bắt hắn về phía rừng, còn hắn vòng ra sau núi trở về ẩn nấp ở các xóm, thôn. Cao thủ hơn là Ngô đã yêu cầu một số gia đình (trong đó có cả người thân của hắn) phải đóng góp mỗi nhà từ vài chục đến vài trăm ngàn đồng để hắn có kinh phí trốn ra Bắc hoặc vào TPHCM. Theo kế hoạch thì đêm nay Ngô sẽ đến nhà một người thân để nhận món tiền đầu tiên...

(Còn tiếp...)

Kỳ 2: Sự đe dọa của
 

Bình luận (0)

Lên đầu trang