Khẩu P38 biết nói
Đội ngũ thợ lặn giỏi của lực lượng cảnh sát phòng cháy chữa cháy được huy động mò tìm vật chứng mấu chốt trong vụ án. Nước dưới chân cầu Bình Lợi chảy xiết, các chiến sĩ công an đằm mình cả ngày với dòng sông vẫn không tìm thấy 2 khẩu súng tên Tân ném xuống. Hôm sau, công việc tiếp tục. Hai chiến sĩ Nguyễn Văn Bảy và Võ Quang Hà đeo bình lặn thực hiện nhiệm vụ. Thời gian nặng nề trôi. Bỗng một đụn nước từ lòng sông dậy lên, màu máu loang loáng. Hai anh đã hy sinh do vướng phải mìn của địch cài trước đây để chống đặc công thủy "cộng sản".
Biết Tân khai láo nhưng không dễ cạy miệng tên tội phạm ma mãnh bởi khẩu súng là chuyện sinh tử của hắn. Trịnh Thanh Thiệp quyết định khai thác các đối tượng liên quan. Trung tá nghĩ tới Hồ Văn Hoàng, kẻ thân cận và là đầu mối liên lạc quan trọng của anh em Tân - Mai.
- Này, chuyện anh trốn vợ ngoại tình chúng tôi có thể bỏ qua vì hạnh phúc gia đình anh, riêng việc cất giấu khẩu súng của Tân như anh em họ khai báo thì tội nặng đấy! - Giọng Trịnh Thanh Thiệp nhỏ nhẹ.
Hoàng ngước mắt tỏ vẻ biết ơn rồi thật thà:
- Thưa cán bộ, sau bữa thằng Hóa bị bắn, anh em nó chạy xe Honda 67 đến bảo tôi thay cho cái biển số. Tôi thấy thằng Tân mở cốp lấy ra khẩu súng ngắn nhờ tôi cất giùm nhưng tôi từ chối, nó bèn lấy giẻ quấn lại đưa cho thằng em...
Đấu tranh với Nguyễn Văn Mai, y buộc phải khai giấu khẩu súng trong đế chiếc quạt bàn. Hôm mới bị bắt, biết vợ sẽ được tại ngoại do có con nhỏ, y dặn vợ về nhà tháo đáy quạt đem "cục sắt" vứt đi... Trinh sát tới nhà trọ của Mai, chiếc quạt còn đó nhưng khẩu súng đã mất, cô vợ thì ôm con đi đâu không rõ. Phục kích đến chiều tối 15/4/1979, các chiến sĩ hình sự mới bắt được Thúy Hồng khi vừa bước vào hẻm 145 Nguyễn Thiện Thuật. Biết chồng đã thành khẩn cung khai, Hồng chỉ nơi vứt súng là miệng cống cạnh cầu tiêu. Đại úy Võ Tấn Thành vội thọc tay xuống. Nước cống đen ngòm, bị khuấy động bốc mùi nồng nặc. Mò mẫm một hồi, anh reo lên "đây rồi" và lôi lên "cục sắt". Nó đúng là khẩu P38, có bảy viên đạn, đầu nòng súng gắn ống cao su như loa kèn. Khẩu súng được chuyển ngay tới Viện khoa học hình sự Bộ Công an, các chuyên viên giám định kết luận khẩu súng này bắn ra vỏ đạn và đầu đạn trong vụ án Thanh Nga!
Vậy là sau 139 ngày đêm, lực lượng CSHS đã đạt được cái đích cuối cùng, giải mã chuyên án đầy nhức nhối, bí hiểm. Trịnh Thanh Thiệp bước vào phòng hỏi cung với niềm vui khôn tả. Anh thấy chẳng cần phải "quay" Nguyễn Thanh Tân nữa, vì tất cả đã rõ ràng. Trung tá mỉm cười với hắn:
- Tân có thư con trai nè!
Đó là thư của Bình, 15 tuổi, đứa lớn nhất của Tân. Gã không hề biết song song với việc truy tìm khẩu P38, Phòng CSHS đã đi Hậu Giang di lý Nguyễn Văn Đức về trại Chí Hòa và đón cháu Phương trả cho vợ chồng bác sĩ Lã Hỷ. Bữa ấy Tô Rô được đi cùng, cháu gọi chính xác tên từng người trong gia đình Tân. Những kẻ nuôi giữ 2 cháu Phương, Tô Rô đều bị bắt, gồm vợ Tân tên Phạm Thị Ngọc Yến, 3 người thân của Đức tên Lữ Thị Hòa, Nguyễn Thành Nhơn, Nguyễn Thành Trọng.
Thư của Bình có đoạn viết: "Hôm nay các chú đưa Tô Rô về lại nhà ta... Qua việc này con biết ba đã có tội với cách mạng, vậy ba cần xử sự ra sao để được hưởng khoan hồng, má sớm trở về làm ăn nuôi các em con, phụng dưỡng bà ngoại". Vẻ mặt đờ đẫn, Tân cất giọng run run:
- Vâng, tôi đã bắt cóc con trai nghệ sĩ Kim Cương...
Trịnh Thanh Thiệp cắt ngang:
- Chưa hết đâu! Anh biết cái này dùng vào việc gì rồi chứ?
Vừa nói trung tá vừa mở cặp lấy khẩu P38 đặt lên bàn. Tân há hốc mồm, mắt trợn tròn nhận ra khẩu súng quen thuộc. Hắn hiểu, thế là hết, không thể giấu diếm, chống lại các ông công an cách mạng. Hắn đã từng huênh hoang "không bao giờ chịu để công an bắt sống, ai chạm trán hắn ắt phải trả bằng máu". Vậy mà, hắn đã thua nốc ao, dù tính toán như thần!
3 vụ trọng án, 1 đáp số
Thông minh, có học nhưng sống trong chế độ Mỹ ngụy đầy rẫy cám dỗ, trộm cướp và bạo lực, Nguyễn Thanh Tân sớm bị lưu manh hóa. Bỏ công nghiên cứu sách báo, phim ảnh về các loại tội phạm trên thế giới, y nuôi mộng trở thành "đại gian hùng" với những phi vụ kiếm tiền bất chính. Mọi mánh khóe, thủ đoạn hoạt động của các tay cao thủ, trùm khủng bố được y tích lũy, vận dụng gây án.
Năm 1977, qua nhiều lần lên TPHCM, Tân phát hiện nữ nghệ sĩ Kim Cương đang phụ trách một đoàn kịch nói có tiếng tăm, thường xuyên đi nước ngoài và quan hệ với nhiều hội từ thiện quốc tế, ắt phải giàu sang. Từ đó Tân nảy sinh ý định bắt cóc con trai nghệ sĩ để tống tiền. Y hiểu tâm lý người mẹ, đặc biệt là nghệ sĩ, luôn giàu tình cảm, riêng Kim Cương luống tuổi mới có đứa con độc nhất nên rất yêu quý, "cục cưng" của chị sẽ là "cục vàng sống" trong tay y.
Với dã tâm đó, Tân rủ Nguyễn Văn Đức, Nguyễn Văn Hóa cùng tham gia. Từ tháng 12/1977, Tân - Đức liên tục rình rập quanh rạp Trần Hưng Đạo, nơi Kim Cương biểu diễn, theo chân chị về tư dinh, biết hàng ngày cháu Tô Rô được dì ruột đưa đi học tại nhà trẻ Vườn Hồng. Chúng quyết định hành động tại đây và phân công Tân dùng súng uy hiếp các cô giáo cho Đức bắt con tin, Hóa làm nhiệm vụ quẳng bức thư do Tân viết sẵn vào nhà Kim Cương, nội dung yêu cầu không được báo công an, phải đăng tin bán xe Toyota kèm theo số điện thoại liên lạc. Sáng 26/12, hai tên Tân - Đức xông vào tận lớp học bắt cóc Tô Rô, dùng xe Honda 67 chở thẳng về Hậu Giang giao Phạm Thị Ngọc Yến nuôi giữ.
Khẩu P38 của Tân
Gần 3 tuần sau, khi người mẹ đã héo mòn vì thương nhớ con, Tân mới gọi cho Kim Cương qua số điện thoại tiết lộ trên báo. Y vừa chọc vào nỗi đau tình mẫu tử, vừa ra giá chuộc con. Khi đã chốt ở mức 20 lượng vàng, Tân buộc Kim Cương phải đi Honda tới hộp thư chết đọc hướng dẫn phương thức giao dịch. Bằng thủ đoạn này, lộ trình và địa điểm nạn nhân giao vàng hoàn toàn bí mật. Hôm ấy tại khu vực cầu Bông, thấy nhiều xe máy bám theo chị, Tân đủ khôn ngoan để kìm lòng tham. Rồi mấy ngày sau, chồng Kim Cương phải lái ôtô ra hộp thư chết ở ngã ba Cát Lái, bị điều chạy lòng vòng từ Thủ Đức về quận 1, quận 3, nhiều đoạn đi ngược chiều, khi thấy thật an toàn Tân mới cho Nguyễn Văn Mai chở Đức áp sát xe hơi nhận túi vàng. Trước ngón nghề mới lạ, ma quái, CSHS không kịp xoay sở. Số tài sản chiếm đoạt được, Tân chia cho em trai 5 lượng vàng, Đức 4 lượng, Hóa 1 lượng, phần y 10 lượng...
Tống tiền thành công bà chủ đoàn kịch nói Kim Cương, Nguyễn Thanh Tân tiếp tục nhắm tới gánh hát Thanh Minh của bà bầu Thơ, đang doanh thu khủng hàng đêm. Thoạt đầu gã định bắt cóc con Bảo Quốc nhưng qua tìm hiểu thì nghệ sĩ đông con, gia cảnh nghèo nên chuyển hướng sang Thanh Nga. Tân biết nữ hoàng sân khấu cũng chỉ có cậu con trai duy nhất nên bàn bạc cùng Đức làm "vụ Kim Cương" thứ 2. Chúng tổ chức theo dõi, thấy Thanh Nga không gửi con ở nhà trẻ nào mà luôn mang theo khi đi biểu diễn. Trong 2 tháng 9 - 10/1978, Tân - Đức nhiều lần canh me tại các rạp Thủ Đô, Long Vân song không dám ra tay do khán giả ái mộ thường vây quanh Thanh Nga lúc tới rạp và cả khi ra về. Hai tên quyết định bắt cháu Cúc Cu khi xe hơi vợ chồng nghệ sĩ vừa về đến nhà. Tân hiểu sẽ gặp sự kháng cự kịch liệt của anh bảo vệ cùng cha mẹ bé nhưng vì tiền hắn vẫn quyết liều mạng.
Máu, hoa và nước mắt
Đêm 25/11/1978, Đức - Tân đã theo xe nạn nhân tới cổng, bỗng dưng có chiếc ôtô quân sự đậu gần đấy khiến chúng bỏ cuộc. Tối hôm sau (26/11), hai tên chở nhau tới rạp Cao Đồng Hưng thăm dò, biết Thanh Nga đang biểu diễn nơi đây nên yên chí ra bến Bạch Đằng ngồi uống nước. Tân mua một chai xá xị đưa Đức và dặn khi hành sự bị ai cản trở thì đập vào đầu cho ngất xỉu.
Gần 23 giờ, Tân - Đức vòng xe về đầu đường Ngô Tùng Châu chờ đợi. Chiếc Volkswagen của vợ chồng Thanh Nga lăn bánh về nhà mà không biết tử thần đang rình rập. Khi xe hơi đã đậu trong sân, Nguyễn Văn Các mở cửa cho mẹ con Thanh Nga ra thì Đức điều khiển Honda 67 lao vào, Tân rút súng nhảy xuống uy hiếp, đạp Các té ngửa trên ghế xe rồi chĩa súng khống chế Đổng Lân ngồi bên tay lái. Đức làm nhiệm vụ bắt cháu Cúc Cu nhưng Thanh Nga ghì chặt lấy con, Đổng Lân cũng quay lại phụ giữ bé. Tân tức tiết bắn một phát vào ngực Đổng Lân. Đức cố giằng co đứa trẻ với Thanh Nga nhưng không bắt được, chai xá xị rớt xuống sàn xe. Thanh Nga lấy thân mình che chắn cho con rồi nhoài người cắn vào tay Đức. Tiếng Cúc Cu khóc ré lên, rồi Thanh Nga kêu cứu, Tân hoảng hốt nã súng vào chị, từ bỏ việc bắt cóc... Thất bại vụ này Tân rất bực mình, định xử Đức bịt đầu mối nhưng nghĩ đến chút tình giang hồ, y tha mạng và xúi Đức trốn ra nước ngoài. Tân lừa phỉnh rằng "cha tao làm ở tòa Bạch Ốc bên Mỹ, mày qua đó sẽ được đón tiếp tử tế", Đức nghe lời rồi bị bắt khi vượt biên trái phép.
Theo dõi dư luận, Tân thấy người dân Sài Gòn đều nói Thanh Nga bị bọn phản động thủ tiêu nên yên tâm tung tích không lộ tẩy, toan tính tiếp chuyện bắt cóc con nhà giàu. Lần này hắn nhằm vào cháu Phương, trường học gần nhà má vợ hắn ở Phú Nhuận. Tân rủ Nguyễn Thành Trọng và Đỗ Duy Hào (SN 1950, ngụ quận Tân Bình, trung sĩ dù chế độ ngụy) cùng tham gia, Hào lôi kéo thêm gã bạn có xe máy tốt tên Hải. 13 giờ 30 ngày 06/02/1979, Hào - Hải bắt được cháu Phương chở ra khu vực Phú Lâm giao cho Tân - Trọng mang về Hậu Giang giam giữ. Sau khi thỏa thuận giá cả chuộc con với gia đình bác sĩ Lã Hỷ, Tân tới kêu Hào đi lấy tiền chuộc nhưng y đã chết vì bệnh sốt rét (Hào chết nên cơ quan công an không xác định được tên Hải). Chiều 21/3, Tân - Hóa đi nhận vàng và đây là ngày tàn của chúng, Hóa - Tân cùng các tên đồng bọn lần lượt sa lưới, tổng cộng 14 đối tượng.
Tường trình đầy đủ tội trạng về 3 vụ trọng án xong, Tân còn khai biết một tổ chức đưa người trốn đi nước ngoài có kỹ thuật giấu hàng ngàn lượng vàng trong láp tàu, một đường dây chuyên làm giả căn cước lính ngụy bán cho đám vượt biên, một ổ gián điệp liên quan đến cán bộ quân đội... Tân nghĩ công an hám thành tích sẽ "bập" vào, sử dụng hắn "đánh" vào các tổ chức kia và hắn có cơ hội trốn thoát. Tuy nhiên, chẳng ai mắc mưu "đại gian hùng"!
Cơ quan điều tra đã thận trọng xác minh, băng đảng của Tân có 6 tên gốc lính ngụy nhưng không liên quan đến phe phái phản cách mạng nào, chúng chỉ đơn thuần là những đối tượng hình sự chuyên nghiệp, hầu hết lưu manh khi đang khoác áo quân lực Việt Nam cộng hòa. Trong phiên xét xử sơ thẩm đồng thời chung thẩm diễn ra vào 2 ngày 04 - 05/12/1979, Tân - Đức bị tuyên phạt tử hình, Hóa án chung thân. Ngày 23/8/1980, Đức - Tân dựa cột, đền tội ngoài pháp trường...
Khép lại chuyên án Thanh Nga với bao nỗi vui buồn, có cả hoa và máu, vinh quang cùng nước mắt, CA TPHCM đã lập kỳ tích, đúc rút những bài học đắt giá về nghiệp vụ. Biết đem tài năng và tình yêu nghề nghiệp phục vụ nghệ thuật, giữ vững khí tiết trên sân khấu cách mạng, không nao núng trước họng súng quân bạo tàn, Thanh Nga được phong tặng nghệ sĩ ưu tú, TPHCM có đường phố mang tên Thanh Nga. Cùng với hàng triệu con tim ái mộ nhan sắc kiêu sa, giọng ca quyến rũ, cuộc đời và sự nghiệp nữ nghệ sĩ tài đức vẹn toàn sống mãi!
(CATP) Một ngày trời ròng rã, tổ công tác của Phó Phòng CSHS Phan Thanh mới về tới ấp Ngăn Rô, vừa bí mật phong tỏa nơi gia đình Nguyễn Thanh Tân tá túc, vừa lặng lẽ tiến hành các biện pháp truy xét. Mẹ vợ Tân già yếu, ốm nhom, trong 8 đứa con của Tân có đủ Bé Sáu, Đức mập, Út Tân, nhà tọa lạc gần sông, cạnh xưởng chế biến mía đường, ống khói vươn cao đen nhẻm... Từ những thông tin có được, các chiến sĩ hình sự xác định: nhà của Tân chính là nơi đã giam giữ cháu Tô Rô!