Trước toà, bị cáo nói năng, có biểu hiện của người bị rối loạn tâm thần; tuy nhiên, bị cáo cũng rất "khôn" khi Hội đồng xét xử (HĐXX) hỏi về hành vi giết người thì toàn trả lời "không biết, không nhớ", nhưng khi tranh luận đến phần bồi thường theo yêu cầu của đại diện các nạn nhân thì khóc, không muốn bồi thường!
Ngoài ra, chồng và con bị cáo bị những người dự khán phiên toà bàn tán, nghi ngờ có hành vi che giấu tội phạm, cho rằng họ biết Nhi gây án với 3 nạn nhân vì thời điểm vụ án xảy ra, chồng, con trai bị cáo ở quanh nhà, bán kính 15m đến 50m. Tuy nhiên, việc này, đã được Cơ quan chức năng cho thực nghiệm hiện trường, xác minh; kết luận, không có cơ sở xác định họ có biết Nhi gây án.
Kết thúc phiên toà, HĐXX do thẩm phán Lê Thị Vân làm chủ toạ, tuyên phạt bị cáo mức án tù chung thân, buộc bồi thường các khoản tiền mai táng, tổn thất tinh thần cho gia đình các nạn nhân tổng số tiền 654 triệu đồng; chồng bị cáo có trách nhiệm liên đới bồi thường.
Bị cáo Nghiêm Thị Nhi ra toà
Bị cáo có dấu hiệu rối loạn thâm thần!
Sáng 15-5, TAND tỉnh Lâm Đồng mở phiên toà hình sự sơ thẩm, xét xử vụ án giết 3 mạng người, do bị cáo Nghiêm Thị Nhi (trú thôn 9, xã Tân Thanh, huyện Lâm Hà, tỉnh Lâm Đồng) gây ra.
Nạn nhân là bà Hoàng Thị Vượng (SN 1948) và 2 cháu nhỏ Đàm Đức Tiến (SN 2015) và Đàm Thị Nguyên Thảo (SN 2016) - trú cùng thôn, xã với bị cáo; bị đối tượng Nhi dùng dao phát cỏ chém nhiều nhát vào người, tử vong rất thương tâm.
CAO đã có nhiều bài phản ánh về vụ việc này, từ thời điểm vụ án mới xảy ra, trong thời gian Cơ quan điều tra đấu tranh, lấy lời khai can phạm và khi Viện KSND tỉnh Lâm Đồng ra cáo trạng truy tố bị can về hành vi giết người, quy định tại khoản 1, Điều 123 Bộ luật hình sự, với khung án phạt tù từ 20 năm đến chung thân hoặc tử hình. Vụ án từng gây rúng động, phẫn nộ dư luận vì hành vi tàn độc của hung thủ.
Theo đó, vào khoảng 9h 30 ngày 24-5-2019, bà Hoàng Thị Vượng dẫn 2 cháu nhỏ đi chơi. Khi đi ngang qua nhà Nghiêm Thị Nhi, thấy Nhi đang đứng ngoài đường hái ổi. Bà Vượng đứng lại nói chuyện với Nhi. Sau đó, thấy cây bơ nhà Nhi sai trái, bà Vượng xin Nhi mấy trái, Nhi đồng ý, ba bà cháu xuống gốc cây bơ.
Tại đây, do bản thân Nhi bị bệnh rối loạn nhân cách (một loại bệnh tâm thần hoang tưởng) nên Nhi luôn suy nghĩ, cho rằng trước đây anh Đàm Văn Q. (con trai bà Vượng, cha ruột 2 cháu nhỏ) đã sửa số CMND của Nhi làm ảnh hưởng đến thủ tục vay vốn ngân hàng của gia đình mình.
Thực tế, việc này, không có cơ sở khẳng định anh Q. đã làm ảnh hưởng đến việc vay vốn của gia đình bị can, mà đó là trách nhiệm của cán bộ địa phương lập thủ tục giúp người dân.
Người thân mang theo di ảnh 3 nạn nhân đến toà khiến những người chứng kiến không khỏi đau lòng
Ngoài ra, Nhi còn khai rằng, do "cay cú" vì vào năm 2018 bà Vượng và vợ anh Q. nghi ngờ Nhi lấy trộm ĐTDĐ của bà Vượng nên Nhi chửi bà Vượng “không biết dạy con”.
Nhi đến gốc cây bơ, chỗ bà Vượng và 2 cháu đang đứng, cãi nhau với bà Vượng, hai bên xô đẩy nhau. Thấy con dao gần đó, Nhi đã cầm lên chém nhiều nhát vào người bà Vượng và hai cháu nhỏ khiến 3 nạn nhân tử vong. Sau đó, hung thủ kéo xác 3 bà cháu xuống gốc cây cà phê gần đó, lấy xà bách đào hố chôn lấp các nạn nhân.
Để che giấu hành vi, Nhi quay lại gốc bơ lấy xà bách cào máu thấm trên nền đất bỏ vào một cái bao kéo vào sát một gốc cây gần đó. Sau đó Nhi tiếp tục đào một cái hố nhỏ, bỏ chiếc điện thoại của bà Vượng xuống, lấp đất; mang bao nilon, bên trong đựng bánh và lốc sữa mới mua cùng 2 cây dù của ba bà cháu sang vườn cà phê của một hộ gia đình khác, giấu dưới gốc cà phê, phủ lớp lá cà phê khô.
Sau đó đối tượng về nhà tắm rửa, giặt quần áo, bỏ trốn đến nhà em gái ở TT. Liên Nghĩa, huyện Đức Trọng - Lâm Đồng (cách hiện trường khoảng hơn 30km). Đến sáng ngày 25-5-2019 thì bị Công an huyện Lâm Hà bắt giữ.
Trước toà, HĐXX đã công bố bản kết luận giám định pháp y tâm thần số 588/KL – VPYTW ngày 17-10-2019 của Viện pháp y tâm thần trung ương Biên Hòa, kết luận "Về y học: trước, trong, sau khi gây án và hiện nay, đương sự Nghiêm Thị Nhi bị bệnh rối loạn nhân cách paranoid. Về năng lực nhận thức và điều khiển hành vi, tại thời điểm gây án, đương sự bị hạn chế năng lực nhận thức và điều khiển hành vi. Hiện nay, đương sự đủ năng lực nhận thức và điều khiển hành vi".
Người nhà nạn nhân đề nghị Toà tuyên bị cáo mức án cao nhất
Khai báo trước phiên toà, bị cáo Nhi nói nhỏ, rất khó nghe; thừa nhận hành vi, nhưng vẫn luôn miệng đổ lỗi do vợ chồng anh Q. sửa CMND của Nhi và nghi Nhi ăn trộm điện thoại khiến bị cáo ra tay sát hại người thân của anh để "trả thù". HĐXX nhiều lần giải thích không có cơ sở về việc đó.
Kiểm sát viên thụ lý hồ sơ vụ án tại hiện trường vụ án lúc mới xảy ra
Luật sư bào chữa (chỉ định) cho bị cáo có phần trình bày, cho rằng, hồ sơ thể hiện bị cáo có biểu hiện bệnh lý tâm thần, gọi là rối loạn nhân cách hoang tưởng, lúc có, lúc không kiểm soát được hành vi.
Căn bệnh khiến người bệnh ấn định trong đầu một việc gì đó và luôn nghi ngờ, dù có hay không có cơ sở, nghi ngờ một cách tột độ, đến một lúc mất kiểm soát hành vi, gây tội ác cùng cực; kiến nghị HĐXX xem xét, định lượng hình phạt.
Về chi tiết chồng bị cáo là ông Lưu Thế Bưu (SN 1966) thời điểm vụ án xảy ra, người này đang dùng máy cắt cỏ, cách khoảng 50m, không biết vợ gây án. Con trai của bị cáo là Lưu Chí V. (SN 2003, học sinh), lúc đó đang chơi điện tử trong nhà, (cách gốc cây bơ khoảng 15m) vì nghiện game, tập trung cao độ vào trò chơi nên không hay biết việc Nhi gây án. Xác định có cơ sở về việc 2 người này không liên quan đến hành vi gây án của bị cáo nên không bị xem xét xử lý theo pháp luật.
Tại Toà, khi HĐXX xét hỏi chồng, con của bị cáo, bị cáo đều vội tự bào chữa "không, con tôi không biết gì cả".
Cả trăm người dân thôn 9 và một số thôn khác của xã Tân Thanh, là họ hàng, người thân các bị hại và bà con nông dân, do hiếu kỳ đã đến theo dõi phiên toà. Do bị cáo hạn chế về hành vi nên HĐXX quyết định không xử án lưu động.
Chồng, con bị cáo Nghiêm Thị Nhi và anh Đàm Văn Q. (đứng bên trái) cùng bị cáo nghe toà tuyên án
Tại toà, anh Đàm Văn Q., đại diện các bị hại kìm nén nỗi đau, để trả lời các câu hỏi của HĐXX. Ngay cả khi HĐXX yêu cầu bị cáo thú nhận tội lỗi vì đã sát hại mẹ và các con của anh Q., quay sang xin lỗi anh, anh Q. cũng không một lần nhìn bị cáo vì nỗi đau trong anh qúa lớn.
Anh cho biết, vợ anh đau khổ từ đó đến nay, không thiết làm ăn, không thể ra toà, để phải nhìn thấy bị cáo. Bị cáo Nhi nhiều lần khóc rấm rứt khi toà hỏi đến, nhưng có lẽ do không cảm nhận hết nỗi đau mất mát của người thân các bị hại; bản thân bị cáo vẫn cho rằng phía anh Q. có lỗi nên dù khóc, nhưng đôi mắt bị cáo vẫn ráo hoảnh. Bị cáo bộc lộ rõ là kẻ không bình thường.
Được biết, gia đình bị cáo Nghiêm Thị Nhi có hơn 1ha đất, trị giá nhiều tỷ đồng, do đất ở vùng này có giá trị cao. Vậy nhưng, cho đến nay, phía gia đình bị cáo chưa khắc phục một đồng nào cho gia đình các nạn nhân.
Ông Lưu Thế Bưu, chồng bị cáo cho rằng, chỉ có khả năng bồi thường 1 nửa số tiền HĐXX tuyên theo yêu cầu của gia đình bị hại.
Anh Q. đề nghị HĐXX tuyên bị cáo mức án cao nhất.
Đại diện VKS phân tích kỹ hành vi, các biểu hiện bệnh tâm thần hoang tưởng của bị cáo, chia sẻ nỗi đau mất mát với gia đình các nạn nhân.
Bản án HĐXX tuyên phạt bị cáo được cho là phù hợp, nhiều người đồng tình.
Bị cáo Nghiêm Thị Nhi nhiều lần khóc rấm rứt tại phiên toà