'Người nổi tiếng' chống tham nhũng ở Đắk Lắk bị bắt: Cần làm rõ những dư luận trái chiều

Thứ Năm, 24/03/2016 14:53  | Ngọc Hà

|

(CAO) Ngày 22-3-2016, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Đắk Nông đã thực hiện lệnh bắt tạm giam thời gian 3 tháng với ông Trần Minh Lợi (48 tuổi, trú thôn 4, xã Ea Bhốk, huyện Cư Kuin, tỉnh Đắk Lắk) để điều tra về hành vi đưa hối lộ. Liên quan đến vụ bắt giữ này, xuất hiện nhiều ý kiến trái chiều bởi ông Lợi đang là Facebooker nổi tiếng, “tích cực chống tham nhũng” tại Đắk Lắk.

PV báo CATP.HCM đã trao đổi với Thủ trưởng cơ quan CSĐT Công an tỉnh Đắk Nông, Trưởng Khoa Điều tra – Trường Đại học Cảnh sát và Luật sư nhằm có cái nhìn đúng đắn về vụ án.

Nguồn tin từ phía cơ quan điều tra, ông Lợi bị bắt liên quan đến vụ “chạy tại ngoại” xảy ra tại huyện Đắk Mil, tỉnh Đắk Nông. Trước đó, ngày 15-1-2016, Công an huyện Đắk Mil bắt quả tang vụ đánh bạc (đánh bài tú lơ-khơ ăn tiền) do 6 đối tượng tham gia, tại xã Thuận An, huyện Đắk Mil. Người thân của 6 bị can này đã gặp trung úy Lãnh Thanh Bình – trinh sát hình sự, đặt vấn đề “chung - chi” để người nhà của họ được tại ngoại, hai bên ngã giá 60 triệu đồng.

Ông Trần Minh Lợi bị Công an khởi tố bắt giam - Ảnh: Kh.Uyên

Sự việc được người nhà một bị can thông tin với ông Lợi, nhờ hỗ trợ. Ông Lợi sau đó tham gia, dùng các thiết bị điện tử để ghi âm, ghi hình quá trình chung chi – nhận tiền này. Có bằng chứng, ông Lợi viết đơn tố cáo trung úy Bình và hai cán bộ công an khác cùng công tác tại Đội CSĐT tội phạm hình sự Công an huyện Đắk Mil. Cơ quan điều tra vào cuộc, trung úy Bình bị khởi tố bắt giam về hành vi “Lợi dụng ảnh hưởng đối với người có chức vụ, quyền hạn để trục lợi.”. Hai cán bộ công an bị đình chỉ công tác để điều tra làm rõ hành vi liên quan. Người nhà của các con bạc, gồm: Huỳnh Cao Trí (38 tuổi) Nguyễn Xuân An (31 tuổi), Trương Thị Lan (47 tuổi) và Nguyễn Thị Tí (56 tuổi) bị khởi tố về hành vi “Đưa hối lộ”. Sau thời gian điều tra, xem xét, đến lượt ông Lợi bị bắt vì liên quan đến vụ án.

Ông Lợi là một người dân bình thường, gia đình kinh doanh quán cà phê mưu sinh, nhưng khoảng 2 năm nay, ông trở nên nổi tiếng tại Đắk Lắk và trên mạng xã hội Facebook vì hành động “tích cực chống tham nhũng”. Trên Facebook của mình, ông Lợi nêu chủ trương “Diệt giặc nội xâm”, “chống tham nhũng không phải của riêng ai” và cho biết, sẵn sàng “hỗ trợ pháp lý miễn phí” với những ai tố cáo cán bộ tiêu cực. Năm 2014, ông Lợi tố cáo nhiều lãnh đạo, cán bộ công an, Viện kiểm sát liên quan đến việc chạy án, buôn lậu gỗ. Từ những tố cáo có cơ sở của ông Lợi, 11 cán bộ liên quan tại Công an huyện Cư Kuin (tỉnh Đắk Lắk) bị kiểm điểm, kỷ luật, thuyên chuyển công tác.

Mới đây, ông Lợi tiếp tục đăng tải lên trang Facebook cá nhân, đồng thời gửi đơn đến Công an tỉnh Đắk Lắk tố cáo chị Doãn Phương Linh (27 tuổi, trú TP. Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk) con gái ông Doãn Hữu Long – tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Y tế Đắk Lắk. Ông Lợi được cho là đã giả danh một doanh nghiệp dược phẩm đến nhà ông Long, gặp chị Linh đặt vấn đề xin cha chị cho đấu thầu một số mặt hàng danh mục thuốc để “lấy điểm” và để lại 10 triệu đồng kèm gói quà và nói “sữa cho cháu” (chị Linh mới sinh con). Quá trình tiếp xúc với chị Linh, để lại cọc tiền, ông Lợi ghi âm, ghi hình và tố cáo cha con ông Long tiêu cực. Vụ việc đang được Công an tỉnh Đắk Lắk điều tra làm rõ.

Trước đó, hàng loạt tin nhắn dọa giết 1 nhà báo, ông Lợi và người cung cấp thông tin tố cáo tiêu cực cho ông, sau khi ông Lợi tố cáo hành vi tiêu cực của Công an huyện Cư Kuin đến nhà báo và thông tin được đăng tải rộng rãi. Kết quả điều tra của Công an tỉnh Đắk Lắk cho thấy, những tin nhắn này đến từ số máy của… chính ông Lợi. Tuy nhiên, ông Lợi cho biết, đã bỏ số máy này từ hơn 1 năm trước, không rõ ai sử dụng. Cơ quan điều tra không thể chứng minh người nhắn tin nên vụ xác minh tin nhắn phải tạm dừng lại.

Sau khi ông Lợi bị bắt, có nhiều ý kiến thắc mắc, cho rằng, tại sao người tích cực chống tham nhũng lại bị bắt? Như vậy còn ai dám tố cáo tiêu cực? Liệu rằng, Công an tỉnh Đắk Nông bắt ông Lợi có khách quan không?

Sáng 23-3-2016, PV báo CATP.HCM xin phép phỏng vấn qua điện thoại, Đại tá Lương Ngọc Lếp – Phó giám đốc, Thủ trưởng cơ quan CSĐT Công an tỉnh Đắk Nông trả lời: “Chúng tôi biết, đến nay có nhiều ý kiến trái chiều về việc cơ quan điều tra bắt bị can Trần Minh Lợi. Tôi khẳng định, việc bắt giữ là đúng người đúng tội. Cơ quan điều tra không bắt Lợi về việc ông này chống tham nhũng, tiêu cực, vì đây là vấn đề tự do ngôn luận của công dân, nhà nước và luật không cấm. Bị can Lợi bị bắt vì liên quan đến vụ đưa hối lộ xảy ra tại Công an huyện Đắk Mil. Nếu chúng tôi làm sai, cũng phải sợ Điều 388 chứ. Vụ án đang điều tra nên chưa thể cung cấp thông tin với nhà báo. Khi có kết quả điều tra, kết luận vụ án, chúng tôi sẽ tổ chức họp báo và thông tin rõ về sự việc”.

Ông Trần Minh Lợi (ảnh Facebook của ông Lợi) - Ảnh: Facebook của ông Lợi

Nguồn tin riêng của PV báo CATP, được biết, trước đó, ông Lợi hướng dẫn người nhà của các bị can (bị bắt về tội đánh bạc), cách thức tiếp cận, ghi âm các cuộc trao đổi, thương lượng giá tiền chung chi để “chạy tại ngoại” với trung úy Lãnh Thanh Bình và chụp ảnh trung úy này trong điện thoại để củng cố các “bằng chứng” nhằm mục đích tố cáo viên trung úy. Tại thời điểm giao tiền, ông Lợi đã sử dụng các thiết bị điện tử của mình ghi lại toàn bộ sự việc.

Thạc sĩ – Luật sư Sin Thoại Khánh – Trưởng văn phòng luật sư cùng tên (tại TP.HCM) phân tích: Nếu diễn biến thông tin đúng như báo nêu, hành vi của ông Lợi là đồng phạm với nhóm người phạm tội “Đưa hối lộ”. Ông Lợi không chủ mưu (đưa hối lộ) mà tham gia với vai trò xúi giục, giúp sức. Ở vào vị trí của ông Lợi, ông này có nhiều cách ứng xử để không liên đới. Như, lẽ ra, khi biết được có việc “đổi chác” vi phạm pháp luật này, ông Lợi phải ngăn cản, khuyên nhủ hai bên hoặc báo với cơ quan chức năng về việc này để ngăn chặn hành vi (đưa hối lộ). Nếu phía Công an chứng minh được, ông Lợi tham gia ở mức xúi giục nhóm người đưa tiền, nói cứ đưa đi.. rồi ghi âm chụp hình để gài bẫy viên trung úy thì vai trò đồng phạm xúi giục, kích động tinh thần của ông Lợi là rất rõ. Ngược lại, nếu chứng minh viên trung úy chủ động đặt vấn đề chung chi với người nhà các bị can để đổi lại việc tại ngoại cho thân nhân họ khiến họ ở vào thế ép buộc phải đưa tiền và ông Lợi chủ động khai báo với Công an trước khi việc đưa hối lộ diễn ra thì hành vi của ông Lợi không cấu thành tội phạm.

Tố cáo tham nhũng tiêu cực là tốt, nhưng cần tuân thủ pháp luật:

PV: Thưa Tiến sĩ, việc cơ quan điều tra khởi tố bắt giam bị can Trần Minh Lợi về tội danh “Đưa hối lộ”, quan điểm của Tiến sĩ ra sao?

Tiến sĩ – Đại tá Phạm Tuấn Hải – Trưởng khoa Điều tra Trường Đại học Cảnh sát nhân dân TP.HCM (Tiến sĩ Phạm Tuấn Hải): Nếu diễn biến đúng như báo nêu, ông Trần Minh Lợi bị bắt về tội danh trên là hoàn toàn đúng tội.

PV: Thầy đánh giá thế nào về những hành động, việc làm của ông Trần Minh Lợi trong việc đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực mà ông ấy đã thể hiện?

Tiến sĩ Phạm Tuấn Hải: Cá nhân ông Lợi hay bất cứ công dân nào có tinh thần đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực đều rất đáng được hoan nghênh, ủng hộ. Tuy nhiên, người thực hiện việc này cần phải am hiểu pháp luật và tuân thủ theo pháp luật. Không được nhầm lẫn điều này: việc chủ động thu thập chứng cứ, thông tin, cung cấp cho cơ quan chức năng của công dân có những quyền hạn nhất định, không làm thay chức năng của cơ quan có thẩm quyền. Cơ quan có thẩm quyền được phép tổ chức nghiệp vụ bắt quả tang, người dân thì không. Nói theo kiểu dân gian là không được “bẫy”, được “gài” người ta, nhằm mục đích xem người ta có tư lợi hay không. Tránh trường hợp lợi dụng danh nghĩa đánh bóng tên tuổi, gây hoang mang, xáo trộn dư luận.

Điều 289. Tội đưa hối lộ

1. Người nào đưa hối lộ mà của hối lộ có giá trị từ năm trăm nghìn đồng đến dưới mười triệu đồng hoặc dưới năm trăm nghìn đồng nhưng gây hậu quả nghiêm trọng hoặc vi phạm nhiều lần, thì bị phạt tù từ một năm đến sáu năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây thì bị phạt tù từ sáu năm đến mười ba năm.

đ) Của hối lộ có giá trị từ mười triệu đồng đến dưới năm mươi triệu đồng;

6. Người bị ép buộc đưa hối lộ mà chủ động khai báo trước khi bị phát giác, thì được coi là không có tội và được trả lại toàn bộ của đã dùng để đưa hối lộ.

Người đưa hối lộ tuy không bị ép buộc nhưng đã chủ động khai báo trước khi bị phát giác, thì có thể được miễn trách nhiệm hình sự và được trả lại một phần hoặc toàn bộ của đã dùng để đưa hối lộ.

Bình luận (3)

chủ tịch nước - bí thư trung ương đảng - bộ chính trị nên vào cuộc vụ Trần Minh Lợi.

Đinh Văn Sáu - Thứ Hai, 25/04/2016, 22:34 Trả lời | Thích

theo tôi nghỉ đây là điểm sáng chống tham nhủng tại huyện cư kuin nói riêng và đăk lak nói chung đã có nhiếu quan tham sa lưới pháp luật và bản thân ông lợi củng đã có nhiều kẻ muốn trù dập . nên để đảm bảo kỷ cương phep nước và công bằng nên trong quá trình điều tra vụ ông lợi bộ công an và ban nội chinh trung ương nên vào cuộc để đảm bảo tính khách quan khuyến khích mọi người dân đấu tranh chống tham nhủng

phan lôc - Thứ Năm, 24/03/2016, 18:36 Trả lời | Thích

Thứ Năm, 24/03/2016 14:53 | 'Người nổi tiếng' chống tham nhũng ở Đắk Lắk bị bắt: Cần làm rõ những dư luận trái chiều --- Nếu cứ chiếu theo luật nói như trên ,thì những người gày như ông Lợi sẻ bị tôi,tội ông nằm trong bộ luât nào.Sẻ bị bao lâu ,còn cán bộ ,thì xử thế nào,Ông Lợi là người dân còn cán bộ biết, luât phạm luât thì không thấy nêu là thời gian,phải nói rỏ để dân hiểu

Long Van Nguyen - Thứ Năm, 24/03/2016, 16:45 Trả lời | Thích
Lên đầu trang