5 năm chiến đấu
Theo Cục CSHS, trước năm 2019, hoạt động "tín dụng đen" diễn biến phức tạp trên toàn quốc. Tình trạng các cơ sở kinh doanh cầm đồ, kinh doanh biến tướng, treo dán, rải tờ rơi quảng cáo tràn lan, mọc lên "như nấm sau mưa", "như vòi bạch tuộc hút máu", chặt chỗ này mọc chỗ khác. "Tín dụng đen" được ví như "cướp ngày" bởi thường do các băng nhóm tội phạm, đối tượng hình sự, cộm cán thực hiện, các đối tượng giăng bẫy, đưa người vay rơi vào vòng xoáy nợ nần, "lãi mẹ đẻ lãi con", trả mãi không hết nợ. Hậu quả của "tín dụng đen" làm phát sinh nhiều tội phạm có tính bạo lực, xâm phạm nhân thân, xâm phạm sở hữu gây bức xúc dư luận; là những chủ đề nóng trên nghị trường Quốc hội và báo chí. Để đòi được nợ, các đối tượng bất chấp thủ đoạn dùng các cách thức manh động, côn đồ, coi thường pháp luật, coi thường tính mạng, sức khoẻ người khác và trật tự công cộng như bị truy sát, bắt giữ, đánh đập, đập phá tài sản, hủy hoại phương tiện, thậm chí dồn ép nạn nhân đến mức đường cùng, phải bán tháo nhà, tài sản, bỏ đi biệt tích hoặc đe doạ, khủng bố, liên luỵ, phiền nhiễu đến cả người thân, hàng xóm, đồng nghiệp gây tâm lý sợ hãi, hoang mang cùng cực như khiêng bình ga, quan tài, rải giấy tiền, phát loa nhạc đám ma, treo đầu động vật, ném máu tươi, đủ các loại chất bẩn, chất thải vào nhà, cơ sở kinh doanh, cơ quan, trường học để gây sức ép cho người thân.
Công an tỉnh Hòa Bình kiểm tra cơ sở kinh doanh có điều kiện
Với vai trò là cơ quan thường trực, Cục CSHS, Bộ Công an đã tham mưu lãnh đạo Bộ Công an, lãnh đạo Chính phủ chỉ đạo triển khai nhiều giải pháp có tính căn cơ, đột phá để phòng ngừa và quyết liệt tấn công trấn áp tội phạm, trong đó thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 12.
Trước tình hình trên, Cục CSHS đã tham mưu Bộ Công an trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 12 để huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị, triển khai các giải pháp có tính căn cơ, đột phá, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về pháp lý, đồng thời quyết liệt tổng rà soát và truy quét, trấn áp, đấu tranh, xử lý mạnh mẽ để tạo nên "cú đấm thép" đối với loại tội phạm này.
Trung tướng Trần Ngọc Hà, Cục trưởng Cục CSHS nêu rõ, qua 5 năm thực hiện Chỉ thị số 12, Cục CSHS với vai trò là cơ quan thường trực, đã tham mưu lãnh đạo Bộ Công an, lãnh đạo Chính phủ chỉ đạo triển khai nhiều giải pháp có tính căn cơ, đột phá để phòng ngừa và quyết liệt tấn công trấn áp tội phạm. Đồng thời chỉ đạo hệ lực lượng CSHS làm tốt vai trò tham mưu cấp ủy, chính quyền các cấp huy động cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc để phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến "tín dụng đen", tạo nên sức mạnh tổng hợp, với nhiều giải pháp đồng bộ.
Cơ quan Công an kiểm tra cơ sở kinh doanh dịch vụ cầm đồ trên địa bàn huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai
Trong 5 năm thực hiện Chỉ thị số 12, cơ quan điều tra các cấp đã khởi tố 3.473 vụ án/6.879 bị can liên quan "tín dụng đen" (riêng 6 tháng thực hiện Công điện 766, đã khởi tố 793 vụ án/1.296 bị can), chủ yếu là tội "Cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự" là tội phạm nguồn. Từ đó ngăn chặn các hậu quả phát sinh từ "tín dụng đen" như giết người, cố ý gây thương tích, bắt giữ người trái pháp luật, huỷ hoại tài sản...
Đồng thời, trước những dịch chuyển về phương thức thủ đoạn của tội phạm từ truyền thống sang sử dụng công nghệ, lãnh đạo Bộ đã chỉ đạo lực lượng Công an nói chung, lực lượng CSHS nói riêng kịp thời chuyển trạng thái công tác để phòng ngừa, đấu tranh, xử lý với hoạt động "tín dụng đen" lợi dụng công nghệ cao, không gian mạng. Đặc biệt là việc ứng dụng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư trong việc xóa bỏ "sim rác, tài khoản ảo", định danh tài khoản và quyết liệt rà soát các hội nhóm, tài khoản, app, website có biểu hiện hoạt động "tín dụng đen" trực tuyến. Trong đó, lực lượng CSHS toàn quốc đã đấu tranh, triệt phá nhiều băng nhóm "tín dụng đen" do người nước ngoài cầm đầu, núp bóng doanh nghiệp, sử dụng công nghệ cao để hoạt động "tín dụng đen", cưỡng đoạt tài sản.
Để chỉ đạo, hướng dẫn lực lượng CSHS toàn quốc xử lý nghiêm các hành vi nhắn tin, đe dọa đòi nợ của các đối tượng, doanh nghiệp, công ty luật, Cục CSHS đã hướng dẫn, phối hợp Công an các địa phương đấu tranh, triệt phá hàng loạt các băng nhóm tội phạm do người nước ngoài (Trung Quốc, Nga, Latvia...) cầm đầu núp bóng doanh nghiệp sử dụng công nghệ cao để cho vay lãi nặng với số tiền hàng chục nghìn tỷ đồng; phối hợp, hướng dẫn Công an các địa phương Tiền Giang, Hà Nội, TPHCM...đấu tranh, xử lý hàng loạt các băng nhóm tội phạm núp bóng doanh nghiệp, công ty luật sử dụng thủ đoạn gọi điện, nhắn tin, đe dọa để cưỡng đoạt tài sản...
Đơn cử, đầu năm 2024, lãnh đạo CSHS đã chỉ đạo Phòng Trọng án (Phòng 6) xác lập chuyên án, phối hợp với các đơn vị nghiệp vụ Bộ Công an, Công an TPHCM, Công an tỉnh Khánh Hòa triệt xóa băng nhóm sử dụng công nghệ cao do nhóm người Ukraina cầm đầu, núp bóng doanh nghiệp cho vay lãi nặng, triệu tập, bắt giữ 63 đối tượng. Trong đường dây này, hoạt động cho vay được thông qua ứng dụng "easycash.vn" và "onecredit.vn" với số tiền từ 700 nghìn đồng đến 40 triệu đồng với lãi suất cộng phí từ 876%-1.900%/năm. Hàng tháng, tài khoản chuyển - nhận tiền giao dịch với số tiền hàng trăm tỷ đồng.
Công an TP.Hà Nội triệt xóa nhóm đối tượng hoạt động cho vay lãi nặng xuyên quốc gia
Cũng theo Cục trưởng Cục CSHS Trần Ngọc Hà, đến nay chỉ sau 5 năm, với các giải pháp và kết quả trên tình hình "tín dụng đen" đã thay đổi rõ rệt.
Đồng bộ các giải pháp xử lý tín đụng đen
NHNN Việt Nam cho biết, đã ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực ngân hàng, trong đó đã tham mưu cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung, ban hành mới và đẩy mạnh công tác tuyên truyền các quy định về tăng cường khả năng tiếp cận tín dụng chính thức, hỗ trợ hoạt động vay vốn của người dân; triển khai cung ứng tín dụng qua các phương tiện điện tử dựa trên đánh giá thông tin khách hàng qua dữ liệu dân cư; hỗ trợ lãi suất từ ngân hàng chính sách Nhà nước. Điều hành tín dụng và lãi suất thông qua ưu tiên tín dụng cho các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, các động lực tăng trưởng của nền kinh tế; giảm lãi suất cho vay, cơ cấu lại thời gian trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ. Tăng cường, mở rộng mạng lưới tổ chức tín dụng để gia tăng khả năng tiếp cận dịch vụ tín dụng; chỉ đạo các tổ chức tín dụng đa dạng các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng, đơn giản hóa thủ tục cho vay, nâng cao hiệu quả thẩm định và đánh giá tín nhiệm khách hàng để tăng cường khả năng cho vay không bảo đảm bằng tài sản. Triển khai nhiều chương trình tín dụng tiêu dùng với các ưu đãi về lãi suất và điều kiện vay
Đẩy mạnh triển khai Đề án 06, ngành ngân hàng đã kết nối, khai thác Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư xác thực trên 52 triệu khách hàng vay, trên 3 triệu tài khoản ngân hàng, trên 20 triệu ví điện tử, trên 154 triệu thuê bao di động, triển khai cho vay qua phương thức điện tử số tiền trên 959.000 tỷ đồng. Thường xuyên rà soát, phát hiện, giám sát và xử lý các tài khoản ngân hàng có giao dịch đáng ngờ, tài khoản ảo nghi vấn hoạt động phạm tội; tổ chức kiểm tra các tổ chức tín dụng, trung gian thanh toán để phát hiện, xử lý các vi phạm, phòng ngừa, khắc phục sơ hở mà tội phạm lợi dụng.
Về phía Bộ TTTT cho hay, đã chỉ đạo các cơ quan thông tấn, báo chí, hệ thống thông tin cơ sở tăng cường công tác tuyên truyền để phòng, chống hoạt động "tín dụng đen", tuyên truyền nâng cao ý thức của người dân về các rủi ro khi sử dụng sim đăng ký không đúng quy định. Chỉ đạo các Sở TTTT thanh tra, xác minh, xử lý các trường hợp nhắn tin, đăng tin, rao vặt, quảng cáo liên quan đến hoạt động "tín dụng đen", cho vay trực tuyến không đúng quy định.
Có thể nói, qua 5 năm triển khai, thực hiện Chỉ thị 12, các Bộ, ban, ngành và UBND các tỉnh, TP trực thuộc Trung ương đã bám sát nội dung chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ gắn với trách nhiệm của từng Bộ, ngành, UBND các cấp, tổ chức triển khai một cách kịp thời, đồng bộ, quyết liệt các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn, xử lý với nhiều cách làm hay, thiết thực, hiệu quả, làm chuyển biến tình hình trong công tác phòng, chống tội phạm và VPPL liên quan "tín dụng đen".