“ĐIỂM MẶT” LÀ…“DÍNH”!
Một DA thuỷ lợi khác cũng được TTTP “soi kỹ” là DA nâng cấp hệ thống thủy lợi khu vực Mốc Keo với nhiều vi phạm. Cụ thể, công tác khảo sát, lập DA không chặt chẽ, việc phân tích, chọn phương án khả thi chưa sát với thực tế, dẫn đến giai đoạn sau phải thay đổi, bổ sung thiết kế, vượt quá tổng mức đầu tư ban đầu được duyệt, gây khó khăn trong việc thanh toán và lãng phí vốn ngân sách nhà nước.
Việc chỉ định nhà thầu làm đơn vị tư vấn lập hồ sơ mời thầu của gói thầu số 2 được thực hiện “siêu tốc”. Chỉ trong 1 ngày (20/11/2020), nhà thầu đã hoàn tất việc tư vấn lập, thẩm định, phê duyệt, nghiệm thu, bàn giao hồ sơ mời thầu của gói thầu này. Theo TTTP, việc lập hồ sơ mời thầu có dấu hiệu mang tính hình thức. Càng khó tin hơn, nhật ký công trình bắt đầu ghi từ ngày 08/01/2022, trong khi báo cáo hồ sơ thanh toán ghi ngày bắt đầu là 05/01/2022; khối lượng theo báo cáo của đơn vị thi công bắt đầu từ 17/01/2022; còn thông báo khởi công ghi ngày 03/3/2022 (?!).

Khu đất rộng lớn cạnh Bệnh viện đa khoa H.Cần Giờ
Kiểm tra thực tế tại công trình, đơn vị thi công (liên danh Công ty TNHH xây dựng dịch vụ thương mại Phước Tài và Công ty TNHH xây dựng giao thông Tùng Đạt) không thực hiện đầy đủ các biện pháp rào chắn an toàn, vi phạm khoản 3 Điều 115 Luật Xây dựng 2014.
TTTP kết luận: Ban QLDA Cần Giờ tổ chức đấu thầu, lựa chọn nhà thầu thi công và tổ chức thi công DA chưa bảo đảm tiến độ. DA ngưng thi công từ tháng 11/2022, do không có mặt bằng, cũng không xác định được thời gian tiếp tục. Việc thu hồi đất không thực hiện được do người dân chưa đồng thuận hiến đất, dẫn đến đội vốn đầu tư. Phần đã thi công xong (3/6 cầu và 19/61 cống) không được đưa vào sử dụng dẫn đến xuống cấp. Đáng nói, DA đã ngưng thi công nhưng chưa thu hồi hơn 26,18 tỷ đồng vốn tạm ứng, vi phạm điểm d khoản 6 Điều 10 Nghị định 99/2021/NĐ-CP của Chính phủ.
Một DA lớn khác cũng được TTTP “điểm mặt” là DA di dời bố trí dân cư phòng tránh thiên tai xã Thạnh An. Đây là DA nhóm B đã vượt quá 5 năm (2017 - 2023) những vẫn còn dở dang. Về công tác khảo sát, lập DA cũng được TTTP “soi”, kết luận giống y như DA thủy lợi khu vực Mốc Keo, gây lãng phí vốn đầu tư do phải thay đổi, bổ sung thiết kế, vượt quá tổng mức đầu tư ban đầu được duyệt.
Kiểm tra thực tế gói thầu san lấp số 03 (theo HĐ thi công số 23 ngày 26/4/ 2017 do Công ty Tùng Đạt thực hiện, giá trị hơn 65,18 tỷ đồng), TTTP ghi nhận: DA đã thực hiện khoảng 80%, cát san lấp có nhiều tạp chất (vỏ sò, rác, nhựa), mặt bằng DA có nhiều cỏ dại, cây tạp…
Đối với gói thầu xây lắp số 04 (kè và cầu Đò): Đã hoàn thành từ năm 2017, hết thời gian bảo hành vào đầu năm 2019. Tuy nhiên, Phòng Quản lý đô thị H.Cần Giờ (đơn vị quản lý sử dụng) và UBND thị trấn Cần Thạnh (đơn vị thụ hưởng) thực hiên “3 không” với công trình: không quản lý, không đưa vào khai thác sử dụng, không thực hiện các biện pháp bảo dưỡng, bảo trì. Hiện nay, công trình có dấu hiệu xuống cấp, bờ kè bị sụp lún, các chân trụ bê tông cầu bị xói mòn…

Đường Lương Văn Nho trong giai đoạn bảo hành nhưng bị hư hỏng, xuống cấp
CHƯA TIẾT KIỆM, GÂY LÃNG PHÍ
Trong số 25 DA đã nghiệm thu nhưng chưa bố trí đủ vốn để thanh toán, nổi lên DA xây dựng hạ tầng hoàn chỉnh khuôn viên khu đất dự trữ Bệnh viện đa khoa H.Cần Giờ. DA này đã được nghiệm thu đưa vào sử dụng ngày 28/12/2020 nhưng gần 2 năm sau mới có QĐ quyết toán ngày 02/11/2022 của UBND H.Cần Giờ (?!).
Về hiện trạng DA: Là đơn vị thụ hưởng công trình, Trung tâm y tế H.Cần Giờ đã tiếp nhận bàn giao để đưa vào sử dụng. Thực tế, công trình đang để trống, nhiều hạng mục xuống cấp, không đưa vào khai thác sử dụng như mục tiêu ban đầu của DA không được duy tu bảo dưỡng, cây cỏ dại mọc um tùm. Đây là biểu hiện của việc bỏ hoang, chưa tiết kiệm, gây lãng phí.
Một DA khác được TTTP “điểm mặt” là DA xây dựng đường Lương Văn Nho. Đây là DA thuộc nhóm B nhưng thời gian bố trí vốn vượt quá 5 năm (2014 - 2022), đã được đề xuất vốn kéo dài chưa bảo đảm theo quy định. Đáng nói, DA đang còn trong giai đoạn bảo hành nhưng rất khó chấp nhận khi kiểm tra thực tế. Mặt đường mới làm đã gồ ghề, nhiều đoạn bị hư hỏng, xuống cấp. Mảng cây xanh hai bên vỉa hè còn thiếu, chưa bảo đảm theo thiết kế được duyệt, có cây đã “ngủm”…
Ngoài ra, còn nhiều DA khác cũng được TTTP “điểm mặt” như: DA xây dựng mới cầu Rạch Sở Mía; DA xây dựng nâng cấp đường Bùi Lâm (cả 2 DA đã hoàn thành và nghiệm thu, đưa vào sử dụng); 11 DA đầu tư thuộc Đề án nâng cao chất lượng các tiêu chí xây dựng nông thôn mới trên địa bàn xã Lý Nhơn (đã tạm ngưng thực hiện)… Trong đó, DA Rạch Sở Mía xảy ra chuyện “khó ngờ”! Ban QLDA Cần Giờ đã nghiệm thu thanh toán việc phá dỡ cầu cũ với chi phí 12 triệu đồng theo biên bản ngày 30/12/2020. Thế nhưng, đến ngày 06/12/2022, cầu cũ mới được phá dỡ (?!)
Đối với 11 DA tại xã Lý Nhơn: Được triển khai khi chưa có mặt bằng (do người dân chưa đồng thuận hiến đất) dẫn đến các DA không khả thi, có nguy cơ lãng phí hơn 14,28 tỷ đồng đã chi cho công tác chuẩn bị đầu tư, QĐ đầu tư, lựa chọn nhà thầu…
Từ kết quả thanh tra, ngoài kiến nghị chuyển Công an TPHCM liên quan DA xây dựng hệ thống đê bao sông Hà Thanh, Chánh TTTP còn kiến nghị Chủ tịch UBND TP các biện pháp xử lý. Cụ thể: Giao Chủ tich UBND H.Cần Giờ thực hiện một loạt nội dung, trong đó chỉ đạo Giám đốc Ban QLDA Cần Giờ chấn chỉnh, chấm dứt ngay các vi phạm, thiếu sót trong việc quản lý, sử dụng vốn ngân sách thực hiện DA do Ban QLDA Cần Giờ làm chủ đầu tư; chấn chỉnh công tác đấu thầu, lựa chọn nhà thầu, bảo đảm thực hiện theo đúng quy định của Luật Đấu thầu và các quy định khác có liên quan. Bên cạnh đó, Giám đốc Ban QLDA Cần Giờ thực hiện xử lý số tiền 33,6 tỷ đồng thu giữ của các nhà thầu nhưng đã hết thời gian bảo hành theo đúng quy định; làm rõ nguồn gốc hơn 2 tỷ đồng đang được lưu giữ tại Kho bạc H.Cần Giờ, báo cáo, đề xuất hướng xử lý trình UBND huyện xem xét theo thẩm quyền.
Giao Sở Xây dựng chủ trì, phối hợp UBND H.Cần Giờ và các đơn vị liên quan kiểm tra, lấy mẫu, kiểm định chất lượng vật liệu cát san lấp của DA di dời bố trí dân cư phòng tránh thiên tại xã Thạnh An, H.Cần Giờ; báo cáo kết quả kiểm tra và tham mưu đề xuất UBND TP xem xét, xử lý theo quy định.
(CATP) Từ Kết luận thanh tra (KLTT) số 22 ngày 15/12/2022, UBND TPHCM đã chỉ đạo Thanh tra thành phố (TTTP) tiếp tục thanh tra việc “quản lý, sử dụng vốn ngân sách tại các dự án (DA) đầu tư xây dựng” trên địa bàn H.Cần Giờ. Ngày 04/8/2023, Chánh TTTP đã ký Quyết định (QĐ) thanh tra số 209/QĐ-TTTP-P3. Căn cứ hồ sơ tài liệu đã thu thập được, báo cáo kết quả thanh tra của Trưởng đoàn thanh tra, giải trình của đối tượng thanh tra, ngày 11/10/2024, Chánh TTTP đã ký KLTT số 385/KL-TTTP-P3 (KLTT số 385), chỉ ra hàng loạt vi phạm nghiêm trọng tại nhiều DA…