Đắk Lắk:

Tin lời "đại gia" buôn đồ cổ, bị lừa mất “cả chì lẫn chài”

Thứ Hai, 18/01/2016 09:04  | Phan Vi

|

(CAO) Nghe lời ngon ngọt và nhìn vào tài sản “kếch xù” của một đại gia phố núi, nhiều người đã vay tiền để đưa cho đại gia này. Hậu quả khi đại gia “xù nợ” những người phụ nữ nông thôn chỉ biết than trời vì trót tin lầm người nên gánh lấy khoản nợ khổng lồ và lâm vào cảnh bế tắc khốn cùng.

Đó chính là hoàn cảnh của các nạn nhân Đinh Thị Hằng (SN 1978, ngụ thôn 2 xã Eatieu, Buôn Mê Thuột),Trần Thị Lệ ( ngụ thôn 1, xã Eatur, huyện Cư Kuin) cùng 5 nạn nhân khác đều ở các địa bàn thuộc tỉnh Đắk Lắk.

Theo như đơn trình bày của chị Hằng thì chị thông qua một số mối quan hệ bạn bè quen với một người tên Mai Thị Hằng Thương (ngụ 147, thôn 13 xã Eatiêu, huyện huyện Cư Kuin,Đắk Lắk). Sau một thời gian quen nhau, khoảng đầu năm 2015 bà Thương bất ngờ đến tìm chị Hằng và cho biết hiện nay đang cần tiền gấp để đáo hạn ngân hàng cho bố chồng với lý do bản thân “lỡ” mượn giấy tờ nhà của ông cụ nên giờ phải trả gấp cho ngân hàng nếu không sẽ bị “xiết” nhà,trong khi tiền hiện nay đều đang nằm trong số hàng chờ đối tác thanh toán.

Các nạn nhân cùng xấp đơn kiện vị "đại gia" buôn đồ cổ. - Ảnh: Phan Vi

Do tin tưởng và nghĩ bà Thương là “đại gia” buôn đồ cổ nên khi nghe bà Thương khẳng định như “đinh đóng cột” sẽ thanh toán ngay cho chị khi khách trả tiền thì chị Hằng đã vay mượn của người quen để đưa cho bà Thương tổng cộng 810 triệu đồng.

Sau khi thấy việc vay tiền khá dễ dàng, người phụ nữ này đã quay lại gặp chị Hằng và tiếp tục dùng “chiêu bài” đáo hạn ngân hàng, giải ngân hồ sơ để vay của chị thêm 1 tỷ 2 trăm triệu đồng. Chưa dừng lại ở mức đó, đầu tháng 2 cùng năm 2015 Thương làm “cú chót” khi vay tiếp của chị Hằng thêm 500 triệu và đây cũng là lần cuối cùng chị Hằng nhìn thấy người bạn “đại gia” này.

Điều đáng nói là sau khi hành vi lừa đảo chiếm đoạt tiền của bà Thương bị nhiều nạn nhân phát hiện và làm đơn tố giác thì bà này không những không lo sợ mà còn nhắn tin thách thức với chính các chủ nợ với lời lẽ sặc mùi xã hội đen như sẽ cho người “xử” nếu các nạn nhân dám đi tố cáo hoặc làm “lớn chuyện”.

Bà Nguyễn Thị Hồng Thủy ( SN 1968, ngụ thị trấn Phước An, huyện Krông Pak) cho biết : “ từ khi biết bà Thương xù nợ gia đình tôi như sống trong địa ngục, bản thân tôi vì đứng ra vay mượn cho bà Thương mượn đã bị các chủ nợ khác rốt ráo đòi nợ phài trốn chui lủi, các con tôi phải bỏ học vì áp lực, cuộc sống đầy khốn khó nhưng khi biết tôi cùng các nạn nhân khác làm đơn tố cáo thì bà Thương quay ngược lại nhắn tin chửi rủa, đe dọa sẽ cho xã hội đen đến giải quyết khiến tôi càng thêm bất an”.

Cầm trên tay xấp lá đơn “kêu cứu” gõ cửa đến các cơ quan chức năng ròng rã hơn một năm qua nhưng chứng kiến kẻ lừa đảo vẫn nhởn nhơ ngoài vòng pháp luật khiến chị Hằng, bà Thủy cùng nhiều nạn nhân khác cảm thấy bế tắc và bất lực trước hậu quả do “đại gia” này gây ra.

Được biết sau khi nhận được đơn thư tố cáo của các nạn nhân, một đại tá công an thuộc phòng cảnh sát hình sự công an tỉnh Đắk Lắk đã cho biết : “công an tỉnh Đắk Lắk đã triệu tập bà Thương nhưng theo xác nhận của cơ quan chính quyền địa phương và người thân của bà này thì bà Thương đã rời khỏi nơi cư trú, vì vậy cơ quan chức năng sẽ tiếp tục tiến hành điều tra và sớm có câu trả lời cho người dân”.

Như vậy chỉ vì tin vào vẻ bề ngoài hào nhoáng của vị “đại gia”dỏm này mà rất nhiều người đã tự đẩy mình vào cảnh tan cửa nát nhà khi đứng ra vay mượn tiền để “gửi gắm”cho kẻ lừa đảo.

Bình luận (0)

Lên đầu trang