Vụ san ủi lăng vợ vua Tự Đức: Kiến nghị xây lại mộ, buộc chủ đầu tư bồi hoàn

Thứ Tư, 12/07/2017 10:19  | Hoàng Quân

|

(CAO) Ngày 11-7, Hội đồng trị sự (HĐTS) Nguyễn Phước tộc gửi đơn kiến nghị lên UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế kiến nghị xây dựng lại lăng mộ vợ vua Tự Đức đã bị san ủi; yêu cầu chủ đầu tư phải bồi hoàn để làm lại khu lăng mộ.

Như Báo CATPHCM đã thông tin, ngày 19-6-2017, Công ty TNHH Thương mại và dịch vụ Chuỗi Giá Trị san ủi đất tại tổ 11 (khu vực 3, phường Thủy Xuân, TP.Huế) để làm dự án “Xây dựng bãi đỗ xe tham quan lăng Tự Đức và Đồng Khánh”. HĐTS Nguyễn Phước tộc yêu cầu dừng thi công. Chiều 24-6, các cơ quan chức năng phát hiện tấm bia nằm trong vùng đất làm dự án, nội dung bằng chữ Hán, được dịch là: “Tiền triều Tài nhân Cửu giai Lê Thị thụy Thục Thuận chi mộ”.

Đối chiếu với danh sách các phi tần của vua Tự Đức được thờ trong lăng vua Tự Đức thì có thờ bài vị của bà Tài Nhân họ Lê Thị. Bài vị này được thờ tại Chí Khiêm Đường (nơi thờ bài vị các phi tần của vua Tự Đức), trùng khớp với tấm bia mộ của bà Tài Nhân được tìm thấy trước đó trong khu vực san lấp mặt bằng làm dự án.

Vào sáng 6-7, HĐTS Nguyễn Phước tộc tìm thấy huyệt mộ ở một hố đào trong khu vực giải phóng mặt bằng. Huyệt mộ dài 2,4m, rộng 1,2m. Mặc dù phần nổi của mộ đã bị san phẳng nhưng phầm chìm dưới đất vẫn còn nguyên các lớp đất, thành đá và chưa có dấu hiệu bị đào bới, cất bốc hài cốt. Huyệt mộ được khẳng định là của bà Tài Nhân họ Lê Thị. Mặc dù HĐTS Nguyễn Phước tộc đã thông báo đến chính quyền địa phương, các cơ quan chức năng và chủ đầu tư đến chứng kiến, lập biên bản nhưng các bên đều thoái thác.

Tấm bia được phát hiện là bia mộ của vợ vua Tự Đức

Văn bản của HĐTS Nguyễn Phước tộc gửi UBND tỉnh nêu rõ: “Bà con dòng họ Nguyễn Phước tộc tha thiết mong UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế và các ban ngành liên quan xây dựng lại ngôi lăng vợ vua Tự Đức tại vị trí cũ. Bản vẽ xây dựng lại ngôi lăng sẽ được Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô (TTBTDTCĐ) Huế cung cấp đúng với vị trí và chức vị của bà tài nhân họ Lê”.

Đơn cũng yêu cầu Công ty Chuỗi Giá Trị phải bồi hoàn (bồi thường và hoàn trả) để làm lại lăng vợ vua Tự Đức như đã thỏa thuận tại một cuộc họp do Thanh tra Sở Văn hóa - Thể thao tỉnh Thừa Thiên - Huế tổ chức.

Công ty Chuỗi Giá Trị san ủi mặt bằng làm dự án trên diện tích 17.000m2 đất (có 123 ngôi mộ). Mặc dù chưa được bàn giao đất, việc đền bù, bồi thường vẫn chưa hoàn tất nhưng chủ đầu tư vẫn bất chấp để thi công. Và khi thi công, phát hiện dưới đất có mồ mả, bia mộ mà không trình báo chính quyền và cơ quan chức năng, vẫn thi công. Sai phạm này là quá rõ ràng và nhiều ý kiến cho rằng chủ đầu tư đã có hành vi xâm phạm mồ mả.

Liên quan đến vụ việc, UBND TP.Huế vừa có văn bản báo cáo UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế. Văn bản có nội dung: Sau khi sự việc xảy ra, lãnh đạo thành phố đi kiểm tra thực tế, làm việc với ông Đỗ Trọng Bướm - Tổ trưởng tổ dân phố 11, cũng là đại diện các hộ dân bị giải tỏa. Văn bản trích tường trình của ông Bướm: “Cái lăng không có chủ, bỏ hoang đã lâu năm, thành không còn, cây mọc bao phủ, nấm mộ không còn hiện trạng. Ngay giữa ngôi mộ tàn phế có cây to, gốc có đường kính khoảng 50cm. Nhìn bên ngoài cây cối bao phủ, không thể phát hiện ra ngôi mộ bị tàn phế được”.

Tuy nhiên khi tiếp xúc với báo chí, ông Bướm và nhiều người dân cho rằng nội dung sự việc không đúng như văn bản của UBND TP.Huế. Ông Bướm khẳng định có biết lăng mộ trên với nhiều đoạn tường thành, bia lăng vẫn còn. Và từ khi triển khai dự án thì không có ai, đơn vị nào hỏi ý kiến ông về sự việc.

Vị trí được phát hiện có bia của vợ vua Tự Đức

Bà Trần Thị Sưa (75 tuổi) khẳng định biết rất rõ lăng mộ này. “Lăng mộ bà Tài Nhân họ Lê Thị nằm sát thửa đất của nhà tôi bị thu hồi bởi dự án nên tôi biết rất rõ khu lăng mộ này. Trước đây lăng mộ hoành tráng, còn nguyên vẹn, còn tường bao quanh, có một số cây cối xung quanh nhưng vẫn thấy rất rõ khu lăng mộ”, bà Sưa cho biết.

Ông Trương Văn Nghĩa (SN 1954, ngụ tổ 11 cho biết: “Tôi đã biết khu lăng mộ cổ này từ gần 30 năm nay. Chỉ có lăng của dòng dõi vua quan thì mới bề thế và lâu đời đến vậy chứ lăng của người dân thì rất hiếm. Thấy không có ai trông nom, chăm sóc nên năm nào tôi cũng thắp hương, phát quang cây bụi cho lăng. Từ khi thực hiện dự án đến nay không ai hỏi tôi về cái lăng này nhưng họ trả lời không có lăng mộ nào to lớn ở khu vực trên là không đúng”.

 Biên bản của Thanh tra Sở Văn hóa – Thể thao tỉnh Thừa Thiên – Huế về việc phát hiện tấm bia

Còn phía đơn vị kiểm kê, áp giá bồi thường là Trung tâm phát triển quỹ đất của TP.Huế cũng cùng quan điểm với UBND TP.Huế. Ông Nguyễn Anh Tuấn – phó Giám đốc Trung tâm này khẳng định: “Trong quá trình kiểm kê, tìm hiểu thì cán bộ của trung tâm đã trực tiếp kiểm kê nhưng không phát hiện ngôi mộ cổ nào. Có thể ngôi mộ bị chìm dưới đất”.

Hiện khu huyệt mộ được dựng tạm khung nhà bằng sắt, lợp tôn, chỉ được phép đắp mộ tạm bằng đất sạch, thành bao xung quanh bằng đất và rào lưới B40 bảo vệ trong khi chờ ý kiến của UBND tỉnh.

Tổng thể về dự án bãi đỗ xe lăng vua Tự Đức

Bình luận (0)

Lên đầu trang