Đám cưới lãng mạn trong hầm De Castries

Thứ Năm, 02/05/2024 09:51

|

(CATP) "Đám cưới có một không hai mà cho đến bây giờ nhiều cựu chiến binh khi nhớ lại vẫn còn cái cảm giác run rẩy trước vẻ đẹp lãng mạn, đầy chất thơ của nó” - một cựu chiến binh Điện Biên đã viết như vậy về đám cưới của Đại đoàn phó 308 Cao Văn Khánh và cô dâu Nguyễn Thị Ngọc Toản diễn ra ngày 22/5/1954 ngay trong hầm De Castries sau chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ...

Trong hàng ngũ các vị tướng trưởng thành, có công rất lớn từ thời chống Pháp, Trung tướng Cao Văn Khánh là vị tướng trí thức tài năng, có bằng cử nhân Luật tại Đại học Đông Dương.

Ông sinh năm 1917 tại Huế, trong một gia đình quan lại, trí thức. Ông có ba anh trai, trong đó có hai người là quan chức cao cấp của chính quyền Việt Nam Cộng hòa (VNCH). Đó là Cao Văn Chiểu, rất gần gũi Ngô Đình Diệm, từng là dân biểu Trung kỳ, rồi Chủ tịch Ủy ban Văn hóa giáo dục Hạ nghị viện VNCH, sứ thần VNCH tại Rome (Ý). Luật sư Cao Văn Tường, đệ nhất Phó chủ tịch Quốc hội thời đệ nhất Cộng hòa. Thời đệ nhị Cộng hòa (1969) ông này là Bộ trưởng Đặc trách liên lạc Quốc hội rồi Thượng nghị sĩ Quốc hội VNCH (1975).

Với một lý lịch như vậy, Cao Văn Khánh vượt qua tất cả, được Đảng và Quân đội tin yêu, là cơ sở để ông trở thành danh tướng, với nhiều cương vị, như: Khu Trưởng đầu tiên của Khu V, Đại đoàn phó Quân Tiên phong (308) - đại đoàn chính quy đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam (QĐND), lập nhiều chiến công vang dội trong thời kỳ đánh Điện Biên Phủ. Trong chiến tranh chống Mỹ, ông gắn bó với chiến trường miền Trung và Tây Nguyên, chỉ huy các chiến dịch lớn như Đắk Tô (1967), Khe Sanh (1968), Đường 9 Nam Lào (1971), Quảng Trị (1972), Tây Nguyên (1974)...

Trong Chiến dịch Điện Biên Phủ lịch sử, Cao Văn Khánh với chức vụ Đại đoàn phó 308, đã lập nhiều chiến công vang đội trong các chiến dịch lớn như Sông Thao, Lê Hồng Phong, Biên giới, Hoàng Hoa Thám, Hòa Bình, Quang Trung, Tây Bắc, Thượng Lào, Phố Lu, Tu Vũ, Vĩnh Yên... Trong chiến dịch Biên giới, ông được giao chỉ huy Đại đoàn 308, trong cùng ngày đã lập chiến công lẫy lừng diệt cả hai Binh đoàn Le Page và Charton, lực lượng tiến công lớn của Pháp ở Đông Dương và bắt sống Charton. Đây là ngày được coi là bi thảm nhất của quân viễn chinh Pháp ở Đông Dương, làm nước Pháp choáng váng.

Chức vụ cao nhất của ông là Phó tổng Tham mưu trưởng QĐND Việt Nam. Ông mất năm 1980, khi đang tham gia cuộc chiến thứ 3 và thứ 4 trong cuộc đời binh nghiệp của mình, bảo vệ biên giới Tổ quốc phía Tây Nam và phía Bắc.

Trong ký ức của những chiến sĩ Điện Biên, nhất là với các sĩ quan cấp cao, sau Chiến thắng Điện Biên Phủ (07/5/1954), có một đám cưới "độc lạ” trong hầm tướng bại trận De Castries diễn ra vào ngày 22/5/1954 giữa Cao Văn Khánh và cô dâu Nguyễn Thị Ngọc Toản, lúc đó là sinh viên y khoa năm thứ 2, đang công tác ở Đội Điều trị số 2, chiến trường Điện Biên Phủ.

Hiệu trưởng Trường Sĩ quan Lục quân Cao Văn Khánh (bìa phải) đón Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm trường năm 1961

Nguyễn Thị Ngọc Toản là con gái của quan Thượng thư Tôn Thất Đàn (1871 - 1936). Cụ Đàn có 7 người con, trong đó có: GS, BS Tôn Thất Lang; Tôn Thất Long (liệt sĩ); Tôn Nữ Ngọc Trai - nhà văn, nguyên Phó tổng biên tập Báo Văn Nghệ; Tôn Nữ Thị Cung - vợ của GS, BS Đặng Văn Ngữ; Tôn Nữ Ngọc Toản (Nguyễn Thị Ngọc Toản) - GS, BS, vợ của tướng Cao Văn Khánh...

Năm 1950, cả gia đình cụ Tôn Thất Đàn theo chỉ thị của Chủ tịch Hồ Chí Minh, từ Huế được tổ chức đưa lên Việt Bắc, trong đó có Tôn Nữ Ngọc Toản. Từ đó bà Toản được học ngành y và phục vụ chiến trường Điện Biên Phủ.

"Tình sử" của Đại đoàn phó Cao Văn Khánh và bà Ngọc Toản tuyệt đẹp, giao thoa giữa tình đồng chí, đồng hương và tình yêu lãng mạn. Sau thắng lợi vang dội của Chiến dịch Điện Biên Phủ, Cao Văn Khánh được phân công thu dọn chiến trường, trả thương binh, tù binh cho địch. Trong cuốn "Tướng Cao Văn Khánh - hồi ức lịch sử" của PGS, BS Cao Bảo Vân (NXB Tri Thức 2023), con gái của tướng Khánh, có chương viết về đám cưới đặc biệt này.

Lúc đó ông Trần Lương, Phó Chủ nhiệm Tổng Cục Chính trị, Chủ nhiệm chính trị mặt trận (tức tướng Trần Nam Trung, sau này là Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam), biết Cao Văn Khánh và Nguyễn Thị Ngọc Toản yêu nhau đã lâu, bèn "lập mưu" đưa Ngọc Toản ra Mường Thanh gặp người yêu sau nhiều năm xa cách.

"Giữa cảnh ngổn ngang của chiến địa, trên nóc hầm khu trung tâm Mường Thanh ngày 18/5/1954, sau 11 ngay im tiếng súng. Mùi thuốc súng, mùi xác chết và những vết thương hoại tử chưa dọn sạch và các bóng dù, dù trắng, dù loang đủ màu. Anh kéo tôi xuống, ngồi trên cái ghế vải và không kìm được lòng, anh ôm ghì lấy và hôn tôi tới tấp..." - (Tướng Cao Văn Khánh - hồi ức lịch sử, trang 316).

Ảnh cưới của Đại đoàn phó 308 Cao Văn Khánh với cô dâu Nguyễn Thị Ngọc Toản chụp trên xe tăng ở Điện Biên Phủ ngày 22/5/1954

Sau đó, ông Trần Lương quyết tâm tổ chức đám cưới cho của hai người trong hầm De Castries. Một đám cưới lịch sử của hai chiến sĩ cách mạng, một đám cưới lãng mạn và ấm cúng giữa mặt trận vừa im tiếng súng.

"Ngày 22/5/1954, lễ cưới của Cao Văn Khánh và Nguyễn Thị Ngọc Toản được tổ chức trong hầm De Castries, trong ánh đèn măng-sông. Cô dâu chú rể dắt tay nhau qua hầm trong sự hồ hởi của khách mời đều là đồng đội vừa tham gia chiến đấu. Ông Trần Lương, Chính ủy Điện Biên Phủ làm chủ hôn, ông Cẩm, Chính ủy của Cục quân y đại diện đơn vị cô dâu..." (Tướng Cao Văn Khánh - hồi ức lịch sử, trang 319).

Vợ chồng bà Nguyễn Thị Ngọc Toản và Cao Văn Khánh

Có một kỷ niệm thật đẹp và hào hùng mà chính tác giả Cao Bảo Vân, con gái của tướng Khánh và bà Ngọc Toản thốt lên trong hồi ức lịch sử này: "Ngày lấy chồng em lên xe tăng!". "Đám cưới không có xe hoa, chỉ có xe tăng! Cô dâu chú rể chụp một bức ảnh cưới trên chiếc xe tăng đã đánh Điện Biên Phủ, còn đậu ở sân bay Mường Thanh. Đó là tấm ảnh 2x3 nhỏ xíu duy nhất còn lưu giữ đến bây giờ" (Tướng Cao Văn Khánh - hồi ức lịch sử, trang 320).

"Ông Phạm Chí Nhân, cựu chiến binh Sư 308 viết: "Đám cưới có một không hai mà cho đến bây giờ nhiều cựu chiến binh khi nhớ lại vẫn còn cái cảm giác run rẩy trước vẻ đẹp lãng mạn, đầy chất thơ của nó. Khí thế chiến thắng xen kẽ tình cảm lứa đôi. Vui duyên mới khi nhiệm vụ đã hoàn thành. Giản dị mà vô cùng thân mật. Một đám cưới hiếm thấy, một tình duyên bền chặt suốt đời" (Tướng Cao Văn Khánh - hồi ức lịch sử, trang 321).

Đại đoàn phó 308 Cao Văn Khánh và vợ Ngọc Toản chụp tại Điện Biên Phủ tháng 5/1954

Đó thực sự là một đám cưới lãng mạn đến run rẩy.

Hạnh phúc thay, sau 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ, ở tuổi 94, cô dâu Ngọc Toản nay tóc đã bạc trắng, được quay trở lại thăm chiến trường Điện Biên Phủ, nơi mình từng "bước lên xe tăng về nhà chồng", đã truyền cảm hứng đầy chất thơ cho thế hệ trẻ.

Bình luận (0)

Lên đầu trang