(CAO) Trong phiên xét xử đại án OceanBank ngày 3-3, HĐXX tiến hành xét hỏi nhóm bị cáo là lãnh đạo OceanBank tại các chi nhánh trên cả nước.
Việc này nhằm làm rõ tội danh Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng. Các bị cáo đều trình bày, mình chỉ là người làm công ăn lương, nhận chỉ đạo từ “trên xuống”.
Bị cáo Nguyễn Hoài Nam – cựu Giám đốc khối nguốn vốn Oceanbank khai nhận mình là một trong những thành viên nhận dược “chỉ thị” chi lãi ngoài cho khách hàng. Xin được trình bày, bị cáo Hoài Nam cho hay, ngày 7-9-2011, Hà Văn Thắm có chỉ đạo không chi lãi ngoài.
Thời điểm đó cân đối thanh khoản rất căng thẳng. Các bị cáo phải chứng kiến từng xe chở tiền của ngân hàng khác đến Oceanbank lấy tiền gửi của khách hàng. Khi sự kiên nhẫn chạm đáy thì lãnh đạo ngân hàng và Hà Văn Thắm đã quyết định chi lãi ngoài hợp đồng.
Bị cáo buộc liên quan đến khoản thiệt hại 127 tỷ đồng, Nguyễn Hoài Nam cho biết, mình không có thẩm quyền trong việc chỉ đạo chi lãi ngoài mà chỉ là một mắt xích trong việc chi lãi ngoài của Oceanbank trong thời điểm đó. Về việc chi lãi ngoài theo bị cáo trong bối cảnh khó khăn của lĩnh vực tín dụng, nên theo chỉ đạo của lãnh đạo Oceanbank thì “không còn có cách nào khác nữa”.
Các bị cáo tại phiên tòa
Nhiều bị cáo cũng khai, bối cảnh thị trường 2011 rất khó khăn, thậm chí ngân quỹ của ngân hàng khác đứng ở quầy chờ lấy tiền của khách đi. Chủ tịch Thắm còn nói rõ “Có nhiều hình thức chi để giữ chân khách hàng, nếu anh chị nào không làm được thì đứng ra một bên cho người khác làm!” và thực tế nhiều người phải điều chuyển hoặc không giữ được công việc của mình.
Liên quan đến số tiền 175 tỷ đồng chi lãi ngoài, bị cáo Nguyễn Thị Nga – cựu kế toán trưởng Oceanbank cũng cho rằng việc huy động và cho vay cần nhìn một cách toàn diện. Các bị cáo không tham ô, tham nhũng, không tư lợi. Việc làm của các bị cáo trong thời điểm đó do hoàn cảnh, tất cả vì ngân hàng.
Bị cáo Nga cũng khai rằng mình và ban kế toán hoàn toàn không liên quan đến Công ty BSC – công ty sân sau của Hà Văn Thắm. Tổng số tiền chi lãi tại OceanBank các chi nhánh như: Cà Mau là 14 tỷ đồng, Quãng Ngãi hơn 15 tỷ đồng, Vinh là 12,5 tỷ đồng, Quảng Ninh 15 tỷ đồng, Vũng Tàu 45 tỷ đồng, Hải Dương hơn 8 tỷ đồng, Sài Gòn 19 tỷ đồng, Hà Nội hơn 42 tỷ đồng,…
Ngoài ra, theo lời khai của các cựu lãnh đạo OceanBank tại các chi nhánh, có nhiều doanh nghiệp, tập đoàn lớn từng nhận lãi ngoài từ OceanBank như: Chi nhánh TCT Điện lực Dầu khí Cà Mau (PVPower), Công ty Đạm Cà Mau, Công ty CP Dầu khí, CP Nhiệt điện Phả Lại, Vietsovpetro, PVOIL Vũng Tàu,…
Khi bị khởi tố, nhiều cựu lãnh đạo các chi nhánh của OceanBank đã nộp tiền để khắc phục hậu quả như: Nguyễn Phan Trung Kiên - nguyên Giám đốc OceanBank Phòng giao dịch Đông Đô; Trần Anh Thiết - nguyên Giám đốc OceanBank Chi nhánh Hà Nội khai đã bán nhà để lấy tiền khắc phục hậu quả. Còn Lê Hoàng Long - Giám đốc OceanBank Phòng giao dịch Âu Cơ đã vay mượn và tự nộp 1 tỷ đồng cho cơ quan điều tra.
Bị cáo Nguyễn Thị Loan – nguyên Giám đốc OceanBank Phòng Giao dịch Trung Yên bật khóc khi trả lời HĐXX. Bị cáo khai, thông qua các cuộc họp lãnh đạo OceanBank, Loan tiếp nhận chỉ đạo của Hà Văn Thắm và Nguyễn Minh Thu và các Giám đốc khối nghiệp vụ ở hội sở OceanBank về việc chi trả tiền ngoài hợp đồng tiền gửi.
Tổng số tiền chi ngoài lãi suất nhà là hơn 2,1 tỉ đồng, trong đó 2 tỉ đồng vượt trần lãi suất. Nhận thức được hành vi của mình, trước khi bị khởi tố, bị cáo đã đi “năn nỉ” một số doanh nghiệp đã nhận tiền “chăm sóc” ngoài lãi trước đây hoàn trả số tiền trái quy định này.
Theo bị cáo, sau đó có 2 doanh nghiệp đã hỗ trợ Loan hơn 302 triệu đồng. Cùng với số tiền này, bị cáo đã đã tự nguyện nộp thêm 1,8 tỉ đồng khắc phục hậu quả vào tài khoản tạm giữ của cơ quan điều tra.