Phiên tòa xét xử vụ án Trương Mỹ Lan và đồng phạm (giai đoạn 2):

Đề nghị giải tỏa nhiều tài sản bị kê biên

Thứ Ba, 01/10/2024 09:01

|

(CATP) Ngày 30/9, phiên tòa xét xử bị cáo Trương Mỹ Lan cùng 33 đồng phạm về các hành vi "lừa đảo chiếm đoạt tài sản", "rửa tiền và vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới" tiếp tục với phần xét hỏi đối với những người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan trong vụ án.

Cơ quan quản lý nói gì?

Tham gia xét hỏi ngày 30/9, luật sư hỏi đại diện Ngân hàng Nhà nước (NHNN) về việc bị cáo Trương Mỹ Lan vận chuyển trái phép 4,5 tỷ USD qua biên giới: "Từ năm 2012 - 2022, Ngân hàng thương mại cổ phần Sài Gòn - SCB có báo cáo và không có cảnh báo nào từ Cục Phòng chống rửa tiền có phải như vậy không?", vị đại diện Cục Phòng chống rửa tiền (PCRT) thuộc NHNN đã xin không trả lời trực tiếp câu hỏi này. Bà P.T.V (Phó trưởng Phòng Quản lý ngoại hối (QLNH) đã thay mặt Cục QLNH, thuộc NHNN cho biết, việc chuyển tiền ra nước ngoài và nhập về phải thông qua các tổ chức tín dụng, ngân hàng được cấp phép. Các cơ quan liên quan phải kiểm tra các chứng từ hợp pháp.

Về chức năng Cục QLNH, bà V. cho biết đã được báo cáo cho cơ quan điều tra. Vị đại diện Cục QLNH cũng trả lời luật sư về việc trong vụ án này, Cục QLNH có được báo cáo của Ngân hàng SCB hay không? thì được cho rằng các báo cáo có thể hiện các giao dịch cụ thể.

Các luật sư và đại diện người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan tại tòa

Khi Hội đồng xét xử (HĐXX) gọi đại diện Cục PCRT thuộc Thanh tra giám sát NHNN tham gia trả lời những câu hỏi của luật sư, vị đại diện Cục PCRT là bà N.T.M.T, cho biết về chức năng, nhiệm vụ của Cục PCRT. Bà T. đại diện Cục PCRT cũng lý giải rằng, Cục này có chức năng xử lý thông tin. Cơ quan này không có chức năng quản lý các tổ chức tín dụng, ngân hàng về chuyển tiền ra nước ngoài và nhận tiền về. Luật sư lập tức hỏi: "Ngân hàng SCB có phải là đối tượng báo cáo của Cục PCRT hay không?". Đại diện Cục PCRT cho rằng: "Ngân hàng SCB là đối tượng báo cáo vì đây là đơn vị có số tiền giao dịch lớn, giao dịch đáng ngờ, giao dịch chuyển tiền ra nước ngoài và nhận về".

Luật sư hỏi tiếp: "Trước khi khởi tố vụ án, Cục PCRT có thông tin gì về các công ty thuộc Tập đoàn Vạn Thịnh Phát (VTP) chuyển tiền ra nước ngoài và nhận tiền từ nước ngoài về hay không?". Lúc này vị đại diện Cục PCRT trả lời: "Thông tin này đã có trong hồ sơ vụ án". Lúc này luật sư tiếp tục hỏi: "Từ năm 2012 - 2022, Ngân hàng SCB có báo cáo và không có cảnh báo nào từ Cục PCRT, có phải như vậy không?", đại diện Cục PCRT: "Các báo cáo của Cục PCRT rất chi tiết. Tuy nhiên, Cục PCRT xin phép không trả lời câu hỏi này của luật sư”.

Về trách nhiệm của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, Cục PCRT thuộc Cơ quan Thanh tra Giám sát Ngân hàng, NHNN, Vụ Quản lý ngoại hối thuộc NHNN đã không kịp thời phát hiện những sai phạm của Tập đoàn VTP, các công ty thuộc Tập đoàn VTP để xử lý kịp thời, do đó cần tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra hoạt động phát hành trái phiếu, sử dụng tiền thu được từ nguồn trái phiếu đúng mục đích phát hành, hoạt động ngoại hối, giao dịch chuyển tiền từ Việt Nam ra nước ngoài và từ nước ngoài về Việt Nam.

Bị cáo Trương Mỹ Lan

Xin giải tỏa kê biên tài sản để khắc phục hậu quả

Phiên tòa làm việc ngày 30/9/2024 và dự kiến tiếp theo với nội dung HĐXX tiến hành xét hỏi đối với những người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan, như Công ty Liên Doanh TNHH Vietcombank - Bonday - Bến Thành; Ngân hàng Vietcombank; Công ty Setra; Công ty Cổ phần Đầu Tư Hợp Thành 1; Công ty cổ phần Bông Sen; Công ty TNHH Bảo hiểm Fwd Việt Nam; Công ty cổ phần Tập đoàn Phát Triển Hạ Tầng và Bất Động Sản Việt Nam; Công ty Chứng khoán Tvsi; Công ty cổ phần Dược phẩm Đông Dược 5; Công ty TNHH Đầu tư phát triển Đô thị Ngọc Viễn Đông; Công ty TNHH hạ tầng Bến Nghé; Công ty cổ phần Đầu tư Sao Thủy; Tập đoàn Đầu tư Thương mại Dịch vụ Hòa Thuận Phát; Tập đoàn Homeland Việt Nam; Công ty cổ phần Xây dựng Bắc Nam 79; Ngân hàng SCB; Công ty CP Sunshine Marina Nha Trang; Công ty cổ phần Hoàn Cầu Nha Trang; Công ty TNHH Thương mại Du lịch Hải Phú; Công ty CP Đầu tư Tân Thuận Nam; Công ty CP Trần Lê Gia Trang; Tập đoàn Materise)...

Khi nói về 18% vốn góp của Công ty Setra tại Công ty liên doanh TNHH Vietcombank - Bonday - Bến Thành, đang bị kê biên, vị đại diện của Ngân hàng Vietcombank đề nghị HĐXX hủy bỏ lệnh kê biên để Vietcombank và Công ty Setra tiếp tục thực hiện việc chuyển nhượng. Trả lời về số cổ phần này, bị cáo Trương Mỹ Lan cho biết gia đình mình góp vốn tại các công ty để lấy lãi, bị cáo đề nghị HĐXX giải tỏa kê biên để đem ra bán đấu giá khắc phục hậu quả của vụ án.

Phía đại diện Công ty Setra cũng đề nghị HĐXX giải tỏa kê biên để bán cổ phần. Số tiền bán được xin giữ lại 20% để đóng thuế, phí, số còn lại sẽ dùng để khắc phục hậu quả của việc phát hành trái phiếu. Đối với 82% cổ phần tại Công ty Bảo hiểm nhân thọ FWD Việt Nam, bị cáo Trương Mỹ Lan cũng cho rằng không thuộc sở hữu của Tập đoàn VTP và cũng không liên quan tới Ngân hàng SCB. Tuy nhiên, bị cáo này xin HĐXX giải tỏa kê biên hàng loạt tại sản, số tiền bán được sẽ dùng khắc phục hậu quả của vụ án.

Bị cáo Trương Huệ Vân

Tương tự 73,4% cổ phần tại Công ty CP đầu tư Hợp Thành 1, bị cáo Trương Mỹ Lan cũng đề nghị HĐXX gỡ kê biên để dễ mua bán, lấy tiền khắc phục hậu quả vụ án. Hay 1,4 triệu cổ phần Công ty cổ phần Chứng khoán Tân Việt (TVSI) đang bị kê biên, bị cáo Trương Mỹ Lan cho rằng mình không nhớ chiếm bao nhiêu phần trăm tại TVSI, nhưng bị cáo mong HĐXX xem xét, phần nào của mình thì giữ lại để khắc phục hậu quả, còn phần nào không phải của bị cáo thì trả lại.

Theo hồ sơ vụ án, Công ty TVSI, người đại diện theo pháp luật là ông Nguyễn Tiến Thành, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc (ông Thành đã chết), hoạt động trong các lĩnh vực như môi giới chứng khoán, tư vấn tài chính và đầu tư chứng khoán, bảo lãnh phát hành chứng khoán và lưu ký chứng khoán... Vốn điều lệ của Công ty TVSI từ năm 2018 đến 2020 là 1.089 tỷ đồng, tương đương với 108,9 triệu cổ phần. Cơ quan chức năng xác định, thông qua 11 cá nhân và 1 công ty đứng tên hộ, bà Trương Mỹ Lan sở hữu một lượng lớn cổ phần tại Công ty TVSI, chiếm từ 88,23% đến 88,73% vốn điều lệ. Từ năm 2021 đến nay, Công ty TVSI tăng vốn điều lệ lên 2.639 tỷ đồng, bà Lan tiếp tục sở hữu 91,54% cổ phần.

Trong số tài sản kê biên, cơ quan điều tra cũng đang kê biên 100% cổ phần của các bị cáo tại Công ty CP Tập đoàn Đầu tư Thương mại Dịch vụ Hòa Thuận Phát (Công ty Hòa Thuận Phát). Công ty này là một trong 5 cổ đông của Công ty CP Tập đoàn Đầu tư An Đông. Cụ thể, Công ty Hòa Thuận Phát nắm giữ 8% cổ phần tại An Đông (trong khi Tập đoàn VTP chiếm 49%; Công ty Đầu tư VTP 22,89%; Trương Mỹ Lan 20%; Công ty Quản lý và Phát triển Đô thị Vệ tinh Le Jardin Nam Sài Gòn 0,11%). Liên quan đến Công ty Hòa Thuận Phát, bị cáo Trương Huệ Vân (cháu ruột bị cáo Trương Mỹ Lan), khai rằng không nhớ rõ mình có sở hữu cổ phần hay chỉ là đại diện cho anh chị em.

Bị cáo Vân cho biết công ty này được thành lập từ tiền của bà nội cô và không liên quan đến bà Trương Mỹ Lan. Tuy nhiên, bị cáo Vân không có tài liệu nào chứng minh việc bà nội cho tiền thành lập công ty. Bị cáo Trương Huệ Vân cũng bày tỏ mong muốn HĐXX giải tỏa kê biên đối với Công ty Hòa Thuận Phát vì công ty này có giá trị truyền thống gia đình hơn là về mặt vật chất và bị cáo hy vọng có thể tiếp tục giữ gìn và phát triển nó trong tương lai.

Khi nói về công ty này, bị cáo Trương Mỹ Lan cũng mong muốn giữ lại Công ty Hòa Thuận Phát. Bị cáo khẳng định công ty này do mẹ của bà lập ra cho ba anh em Trương Huệ Vân để làm từ thiện, xây dựng chùa và không liên quan đến Tập đoàn VTP. Bị cáo Trương Mỹ Lan cho rằng: "Công ty này bán cũng không ai mua, chỉ là truyền thống của gia đình. Mong HĐXX giải tỏa kê biên, bị cáo không đưa công ty vào để khắc phục hậu quả vụ án".

Bình luận (0)

Lên đầu trang