Để đấu giá không là… "bán giá”!

Kỳ cuối: Cần nhiều giải pháp làm trong sạch môi trường đấu giá

Thứ Ba, 29/08/2023 08:31

|

(CATP) Trả lời tại phiên chất vấn do Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức ngày 15/8/2023, Bộ trưởng Bộ Tư pháp cho rằng có tình trạng "quân xanh - quân đỏ”, thông đồng dìm giá, nâng giá... trong hoạt động đấu giá, nên sắp tới cần sửa Luật Đấu giá tài sản năm 2016 để khắc phục. Điều này là rất cần thiết để môi trường đấu giá được trong sạch, lành mạnh.

Những "lỗ hổng" cần bít ngay

Thông thường, người mua lúc nào cũng được xem là "thượng đế”, còn người bán là bên phục vụ. Tuy nhiên, trong việc mua tài sản đấu giá, không phải lúc nào khách hàng cũng là "thượng đế”, khi mà người bán chỉ là bên trung gian nhưng cố tình gây khó khăn cho người mua, nhằm mục đích riêng của mình. Trong nhiều trường hợp mà loạt bài của Chuyên đề Công an TPHCM đã thâm nhập tìm hiểu, phản ánh, vẫn chưa nêu hết số "sạn" trong môi trường đấu giá tài sản. Thực tế, người tham gia đấu giá tài sản vẫn phải đối mặt với nhiều khó khăn, vất vả, kể cả phải bức xúc vì không ít hành vi vi phạm xảy ra một cách ngang nhiên. Thậm chí có nhiều "lỗ hổng" trong quy định của pháp luật được Bộ trưởng Bộ Tư pháp cho rằng "cần sửa Luật Đấu giá tài sản để khắc phục".

Gặp một giám đốc, chúng tôi nghe ông trình bày quá trình trực tiếp tham gia đấu giá mới thấy hoạt động này gian nan cỡ nào! Sự việc từng diễn ra tại Công ty cổ phần Đấu giá Nam Giang (gọi tắt là Công ty Đấu giá Nam Giang, trụ sở tại Q1, TPHCM), tài sản bán đấu giá là tài sản thi hành án tại xã Lê Minh Xuân, do Chi cục Thi hành án dân sự H.Bình Chánh phát mãi. "Đủ mọi lý do gây khó cho người mua"- Ông giám đốc than thở.

Theo quy định của pháp luật, khi nhận hồ sơ đề nghị bán đấu giá của cơ quan thi hành án chuyển sang, công ty đấu giá phải đăng báo 2 kỳ, mỗi kỳ cách nhau 3 ngày và phải thông báo, niêm yết công khai việc bán đấu giá chậm nhất 30 ngày đối với bất động sản tại nơi có tài sản và UBND xã, phường, để mọi người có nhu cầu biết mà tham gia mua tài sản. Khi đó, người có nhu cầu mua chỉ cần liên hệ công ty đấu giá để mua hồ sơ tham gia. Tuy nhiên, trong thực tế lại phát sinh không ít chiêu trò, "thủ thuật" mà công ty đấu giá sử dụng để cố tình gây khó khăn cho khách hàng, nhằm mục đích không bán tài sản cho người có nhu cầu mà để "sân sau" của công ty mình mua theo "kịch bản" đã soạn sẵn. Hành vi này khiến thị trường đấu giá tài sản không minh bạch, hệ quả tất yếu là cuộc đấu giá không có sự cạnh tranh giữa những người mua với nhau và tài sản sẽ bán được giá thấp, gây thiệt hại cho chủ tài sản là điều dễ nhận thấy.

Hiện có hơn 600 công ty và 58 trung tâm đấu giá tài sản trong cả nước

Theo thông tin trên báo mà Công ty Đấu giá Nam Giang đăng tải, thời gian đăng ký mua hồ sơ đấu giá tài sản trên từ ngày 27/7/2016 đến ngày 26/8/2016 và sẽ tổ chức đấu giá vào lúc 9 giờ ngày 07/9/2016. "Tuy nhiên, để mua được hồ sơ cũng không hề đơn giản chút nào, khiến tôi một phen "mướt mồ hôi". Ngày đầu tiên, tôi đến công ty vào đầu tháng 8/2016. Tại đây, tôi chỉ gặp cô nhân viên trực, đến khi hỏi mua hồ sơ thì cô không bán, với lý do là "sếp" đi vắng và hồ sơ cũng chưa chuẩn bị xong, hẹn hôm khác. Tôi đành ra về. Những ngày sau đó, tôi lại đến công ty để mua hồ sơ. Cũng như những lần trước, tôi đều nhận được cái lắc đầu từ cô nhân viên. Cô này cho tôi số điện thoại của anh giám đốc tên Sỹ để hỏi trực tiếp. Tôi liên lạc với anh Sỹ, khi nhắc đến mua hồ sơ thì anh liền cúp máy và tắt nguồn điện thoại. Với cách làm trên, tôi nhận thấy đằng sau việc bán đấu giá tài sản này có nhiều uẩn khúc, đáng nghi ngờ, khi phía làm dịch vụ đấu giá tài sản lại cố tình gây khó cho người mua. Tôi quyết tìm hiểu cho ra lẽ. Những ngày sau tôi lại đến công ty, lúc này cô nhân viên đã chịu bán hồ sơ, nhưng..." - Ông giám đốc kể và trầm ngâm trước khi thuật lại tiếp câu chuyện "cay đắng" của mình.

Mua được hồ sơ cũng không dám tham gia

Ông giám đốc trên cho biết việc đầu tiên của công ty tổ chức đấu giá là thu phí bán hồ sơ với giá 1 triệu đồng, nhưng phiếu thu không đóng dấu doanh nghiệp, không xuất hóa đơn, chỉ ghi tên người thu, điều này là hết sức tùy tiện, trái nguyên tắc thu chi tài chính, có thể gây thiệt hại cho khách hàng. Theo quy định, doanh nghiệp đấu giá chỉ được thu của khách hàng phí tham gia đấu giá khi khách hàng đăng ký mua tài sản, tại TPHCM được điều chỉnh bởi Quyết định số 42/2012/QĐ-UBND ngày 21/9/2012 của UBND TPHCM, hoàn toàn không có khoản nào được gọi là "phí mua hồ sơ”. Thậm chí mức phí tham gia đấu giá của UBND TPHCM quy định cũng thấp hơn nhiều lần so với phí mua hồ sơ của doanh nghiệp.

Mua được hồ sơ đã khó, khi đọc đến quy chế đấu giá thì lại gặp những quy định hết sức vô lý. Đầu tiên, tại quyết định ban hành kèm theo quy chế bán đấu giá của Công ty Đấu giá Nam Giang, tuy có số văn bản và ngày ban hành, nhưng phần đóng dấu, ký tên đều bỏ trống. Do đó, quyết định này không phải của công ty ban hành và sẽ không phát sinh hiệu lực ràng buộc giữa các bên tham gia. Ngoài ra, tại Điều 8 của quy chế có ghi "người tham gia đấu giá bắt buộc tham gia 3 vòng của cuộc đấu giá”, trong khi hình thức phiên đấu giá là bằng lời nói, điều này hết sức vô lý và trái với quy định tại Điều 34, Nghị định số 17/2010/NĐ-CP và Điều 1, Thông tư số 23/2010/TT-BTP, vì hình thức đấu giá bằng lời nói thì không thể bắt buộc số vòng đấu.

Một phiên đấu giá tài sản

Chưa kể việc khách hàng cảm thấy phải trả giá cao nếu muốn mua được tài sản, vì công ty đấu giá quy định mỗi bước giá là 30 triệu đồng, trong khi tài sản có giá khởi điểm là hơn 387 triệu đồng, khiến khách hàng nản lòng không muốn mua tài sản nữa. Như vậy, hành trình mua hồ sơ đã khó, đến khi nhận được hồ sơ lại có nhiều điều ràng buộc bất hợp lý, khiến người mua cảm thấy bất an, sợ tham gia thì không đủ điều kiện, kết quả đấu giá dù có trúng đấu giá cũng có thể bị hủy bỏ bởi cơ quan chức năng, khiến khách hàng bỏ cuộc. Những vi phạm trên của Công ty Đấu giá Nam Giang không phải là trường hợp ngoại lệ đang diễn ra trong lĩnh vực đấu giá hiện nay.

Ngoài ra, còn một điều bất hợp lý khác trong hoạt động đấu giá tài sản là việc trả giá bằng bỏ phiếu kín thì phải bỏ ngay tại phiên mở bán đấu giá, chứ không phải bỏ cùng lúc khi nộp hồ sơ. Bởi khi nộp hồ sơ mà đã ghi giá thì vài ngày sau công ty đấu giá mới mở cuộc đấu giá, trong thời gian này công ty đấu giá có thể dùng đèn pin rọi xuyên phiếu trả giá, biết được giá của từng phiếu đã trả, cho "quân xanh - quân đỏ” trả giá cao hơn và trúng giá. Chiêu trò này (kiểu ghi phiếu trả giá trước để nộp cùng lúc với nộp hồ sơ mua đấu giá) thường xuyên diễn ra tại một số công ty đấu giá. Để thị trường đấu giá tài sản ngày càng minh bạch, đi vào nề nếp, ông giám đốc trên đã phản ánh vụ việc đến cơ quan chức năng.

Theo Bộ Tư pháp, hiện nay, hoạt động đấu giá tài sản có không ít hạn chế, bất cập như: một số công ty đấu giá tài sản thông đồng dùng "quân xanh - quân đỏ” để "làm giá” theo hướng có lợi cho nhóm mình. Giá bán và người trúng đấu giá khi đó sẽ theo đúng "kịch bản" có sẵn giữa công ty đấu giá và người tham gia đấu giá là "quân xanh - quân đỏ", gây thiệt hại không nhỏ cho chủ tài sản đấu giá lẫn các khách hàng tham gia đấu giá trung thực.

Điều 43, Luật Đấu giá tài sản năm 2016 có quy định về đấu giá bằng cách bỏ phiếu gián tiếp, nhưng các công ty đấu giá thường không thực hiện đúng quy định này. Cụ thể, thùng phiếu bỏ phiếu kín thì chìa khóa do công ty đấu giá giữ và thông thường công ty đấu giá không niêm phong hoặc có niêm phong thì cũng không có ai ở đó để kiểm tra, giám sát. Do đó, các công ty đấu giá có thể lấy phiếu trả giá của khách hàng và dùng đèn pin rọi từng phiếu để kiểm tra, biết rõ giá trong phiếu trả giá của khách hàng, dễ dàng sắp xếp cho "tay trong" trúng đấu giá với giá cao hơn một chút.

Luật Đấu giá tài sản năm 2016 cần sửa đổi theo hướng phiếu trả giá bằng việc bỏ phiếu gián tiếp thì phiếu trả giá chỉ được bỏ duy nhất ngay tại thời điểm tổ chức cuộc đấu giá. Có như thế mới khắc phục triệt để việc công ty đấu giá gian lận hoặc sắp xếp cho người quen trúng đấu giá.

Kỳ 4: Những chuyện
 

Bình luận (0)

Lên đầu trang