Nhiều tàu cá 'trùm mền'

Thứ Ba, 28/07/2015 12:07  | Thiên Hùng

|

(CATP) Chuyện thiếu lao động (LĐ) biển không phải thường xảy ra ở các tỉnh miền Trung. Tuy nhiên năm nay tình trạng này khá trầm trọng ngay giữa vụ khai thác khiến nhiều chủ tàu không kịp trở tay, nhiều tàu cá phải nằm bờ chờ LĐ.

Tàu cá chờ lao động

Vào thời điểm này, trời yên biển đẹp lại đang chính vụ nên lý ra các tàu tại miền Trung đã xuất bến đánh bắt hải sản. Tuy nhiên, do thiếu LĐ nên không ít tàu phải hoãn chuyến, thậm chí nằm lại bờ. Chúng tôi có mặt tại cảng cá Hòn Rớ (TP.Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa), cảng cá lớn nhất Nam Trung bộ, thấy hàng chục tàu cá đủ loại vẫn neo đậu tại các cầu cảng. Không khí tại bến cảng khá yên tĩnh so với trước đây.

Tàu của anh Nguyễn Phi Hải (xã Phước Đồng, TP.Nha Trang) có công suất hơn 400CV, cần ít nhất 12 LĐ mới có thể ra khơi, nhưng do chưa tìm đủ nên đành nán lại, chờ đủ nhân lực mới nhổ neo. May mắn hơn, tàu cá KH-96578TS của ông Dương Ngọc Tùng (phường Xương Huân, TP.Nha Trang) sắp xuất bến vì kiếm được LĐ dù vẫn còn thiếu.

Thiếu lao động, nhiều tàu cá phải nằm bờ

Cùng cảnh, chủ tàu cá tại các phường Đức Long, Bình Hưng, Mũi Né (TP.Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận) đang phải nằm bờ vì thiếu hụt LĐ nghiêm trọng. Theo ông Phan Văn Hiếu - Phó chủ tịch Nghiệp đoàn nghề cá Bình Hưng 3 (TP. Phan Thiết), từ đầu năm đến nay do thiếu LĐ biển nên hầu như chưa có tàu thuyền nào của nghiệp đoàn hoạt động hết công suất.

“Trước đây tàu cá của tôi thường có 30 LĐ, bám biển gần hai tháng trời mới cập bờ. Nhưng thời điểm này tôi chỉ tập hợp được khoảng 1/3 số đó. Không đủ người, tàu không thể hoạt động hết công suất dẫn đến hiệu quả sụt giảm rõ rệt”, ông tâm sự.

Bỏ việc do nguồn thu bấp bênh

Nguyên nhân chính khiến LĐ biển bỏ việc là do nguồn thu bấp bênh nên ngày càng ít người gắn bó với nghề. Anh Dương Văn Dũng (35 tuổi, ở TP.Nha Trang) đã có hơn 10 năm gắn bó với biển, theo anh, 3 năm qua nguồn thu từ LĐ trên biển có khi chỉ khoảng 3 triệu đồng/tháng.

Đó là chưa tính nhiều tháng không có thu nhập do tàu nằm bờ vì biển động, hư hỏng. Khoản thu nhập ít ỏi ấy không đủ để anh nuôi vợ và 3 con ăn học nên đành chuyển nghề. Mùa biển năm nay anh may mắn xin được vào làm công cho chủ thu mua hải sản với mức lương cơ bản 4 triệu đồng/tháng,chưa kể làm thêm giờ.

Năm nay LĐ biển thiếu trầm trọng, do đó rất ít chủ tàu cá xoay xở được. Anh Trần Quốc Việt, chủ tàu cá KH-90567 cho biết dù nhiều tàu khác đỏ mắt tìm người nhưng tàu của anh không lo chuyện đó, bởi bất cứ thời gian nào anh cũng có một “đội quân” 15 LĐ gắn bó. Nhiều mùa biển vừa qua nguồn thu của các LĐ trên tàu anh luôn đạt mức bình quân 6 - 8 triệu đồng/tháng, kể cả những tháng biển động.

“Chủ tàu ai cũng muốn thu lợi nhiều và nhanh, nhưng muốn giữ bạn biển, mình phải chia sẽ thành quả với họ, xem họ như một phần không thể tách rời vì khi tàu xuất bến, LĐ thay mình làm chủ con tàu nên lợi nhuận cần hài hòa để họ phấn đấu”, anh đúc kết.

Cần giải pháp lâu dài

Để có LĐ biển, nhiều chủ tàu đã tìm đủ mọi cách, thậm chí ứng tiền trước cho số này, do thiếu lực lượng trầm trọng nên đã xuất hiện tình trạng giành giật LĐ ở các vùng biển, điều này dẫn đến nhiều hệ lụy: có chuyện chủ tàu bỏ tiền trước để giữ chân LĐ nhưng họ bỏ đi làm cho chủ tàu khác với mức lương hấp dẫn hơn.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, các tỉnh Nam Trung bộ vốn có thế mạnh về đánh bắt cá ngừ đại dương. Mỗi tàu câu cần ít nhất 10 LĐ, tuy nhiên do nguồn thu bấp bênh của nghề này nên ít người gắn bó. Vì lẽ đó mà trong số nằm bờ thì tàu chuyên câu cá ngừ chiếm nhiều nhất.

Để cứu vãn tình hình, nhiều chủ tàu tính đến chuyện chuyển công năng đánh bắt, nhưng muốn tiếp cận nghề mới phải mất thời gian và do chưa có kinh nghiệm nên hiệu quả mang lại chưa cao.

Nguyên nhân LĐ bỏ biển đã rõ, tuy nhiên giải pháp khắc phục chưa được bàn bạc nhiều, chỉ có chủ tàu và LĐ tự giải quyết với nhau. Theo ông Võ Thiên Lăng - Phó chủ tịch Hội nghề cá Việt Nam, Chủ tịch Hội nghề cá tỉnh Khánh Hòa, người làm thuê cho chủ tàu được trả lương quá thấp trong khi công việc rất vất vả, lênh đênh trên biển cả tháng trời nhưng thu nhập chỉ khoảng 3 triệu đồng/tháng.

Ở góc độ chủ tàu, theo ông Lăng, phần lớn các tàu cá đánh bắt xa bờ hiện nay đều lỗ, việc nâng công suất không giúp tăng hiệu quả, đa số chỉ để được nhận dầu chính sách. Khan hiếm bạn thuyền, nhiều chủ tàu phải kéo LĐ chưa được đào tạo, dẫn đến giảm hiệu quả đánh bắt.

Ông Lăng đánh giá: “Trước mắt cần nghiên cứu kỹ, chú trọng vào khía cạnh kinh tế để nâng cao hiệu quả đánh bắt, tăng mức thu nhập cho người LĐ mới giữ chân họ được. Nếu không làm ngay, tôi e là 5 năm nữa chỉ còn chủ tàu tự đánh bắt một mình”.

Bình luận (0)

Lên đầu trang