(CATP) Trước những lời mời chào hấp dẫn cùng nhiều chiêu trò lôi kéo cho vay nặng lãi núp bóng “tín chấp”, không ít sinh viên (SV) đã trở thành mồi ngon cho các đối tượng bất lương.
Chiêu “vay nhiều lãi ít”
Thấy thông tin đăng trên một diễn đàn SV tại TP.Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk) với nội dung: “Bạn đang là SV, cần tiền gấp để chi tiêu nhưng không ai cho vay, hãy tìm đến chúng tôi, thủ tục nhanh gọn không cần tài sản thế chấp”, chúng tôi tò mò gọi theo số điện thoại đính kèm. Người phụ nữ ở đầu dây bên kia nhiệt tình tư vấn: “Chỉ cần để lại chứng minh, thẻ SV và có người bảo lãnh viết giấy vay nợ là đủ”.
Khi chúng tôi cho biết không có người quen bảo lãnh và cũng chẳng muốn gia đình biết chuyện thì người này nhấn mạnh: “Nếu vậy thì ngoài giấy tờ thế chấp, mức lãi sẽ gấp đôi”. Chúng tôi hỏi lãi suất (LS) bao nhiêu thì được trả lời: nếu có người quen bảo lãnh thì với 1 triệu đồng mỗi ngày sẽ trả 5 nghìn tiền lãi. Ngày nào chưa góp được thì tính LS nhân lên rồi cộng vào gốc. Còn vay không có bảo lãnh thì LS 10 nghìn đồng/ngày cho khoản 1 triệu tiền vay. Rõ ràng với mức này, các con nợ là SV dễ mất khả năng thanh toán.
Một mẩu rao cho vay không cần thế chấp dán trên cột điện
Bên cạnh đó, chiêu trò tinh vi hơn chính là “vay càng nhiều LS càng thấp”. Theo tiết lộ của một “trùm” cho vay tại khu vực Lê Thị Hồng Gấm, anh này thường cho người của mình la cà ở những quán cà phê, bida, tụ điểm ăn chơi gần khu vực các trường đại học, cao đẳng hoặc diễn đàn SV và đưa ra những lời mời gọi hấp dẫn “cho vay không cần thế chấp, LS hấp dẫn, đặc biệt vay càng nhiều lãi càng thấp...”.
Lúc đầu mức lãi vay khá hấp dẫn như 1 triệu mỗi ngày trả 5 nghìn, nhưng vay 10 triệu thì mỗi ngày chỉ trả 2 nghìn đồng/1 triệu. Kỳ thực sau khi vay xong xài hết tiền, đa phần SV đều không có khả năng thanh toán khoản gốc kia. Đến lúc này “lãi mẹ đẻ lãi con”, các khoản vay sẽ trở thành con số khổng lồ.
Lúc đó chủ nợ sẽ cho người đến tận nhà đòi và những ông bố bà mẹ lúc này mới té ngửa. Những ai có ý định không trả nợ hoặc báo công an, chúng sẽ tìm cách đe dọa, khủng bố khiến con nợ dù phải bán nhà cũng phải thanh toán hết.
Bán nhà trả nợ cho con
Có con trai đang theo học một trường trung cấp kinh tế tại TP.Buôn Ma Thuột, ông Nguyễn Minh Vân (ngụ đường Ynuê, Buôn Ma Thuột) vẫn luôn tin tưởng và hy vọng con sẽ cố gắng học tập. Nhưng vì ham theo bạn bè đua đòi cá độ bóng đá, con trai ông đã dính vào một đường dây cho vay “tín chấp”. Kết quả vợ chồng ông đành phải bán nhà để trả nợ cho cậu quý tử.
Ông Vân chia sẻ: “Lúc đầu nó nghe lời bạn bè xấu rủ rê, cá độ đá banh nợ gần 20 triệu. Sau đó không biết vay lãi thế nào mà lên đến gần 400 triệu đồng. Hỏi ra mới biết nó vay của những kẻ cho vay nặng lãi, trong khi vốn chỉ có 50 triệu nhưng sau vài tháng thành số nợ khủng. Dù chúng tôi đã báo với chính quyền địa phương, nhưng chúng cho người quậy phá nên gia đình đành bán nhà thanh toán cho xong để được yên thân”.
Quảng cáo vay “tín chấp” được sự quan tâm của nhiều sinh viên
Cũng vì muốn có tiền tổ chức sinh nhật, Nguyễn Minh T. (sinh viên Cao đẳng Du lịch) tìm đến dịch vụ cho vay tín chấp với mức lãi suất “càng nhiều càng rẻ” để vay 10 triệu, mỗi ngày thanh toán 354 nghìn đồng. Trả được vài ngày, T. tìm cách vay mượn khắp nơi. Kết quả chỉ sau hơn hai tháng, tổng nợ của T. hơn 30 triệu đồng. Biết con nợ không còn khả năng thanh toán, những kẻ cho vay tìm cách buộc T. phải làm tiếp viên cho quán cà phê đèn mờ của chủ nợ. Hoảng sợ, T. đành phải gọi điện về cầu cứu gia đình.
“Tín dụng đen” không chỉ là nỗi ám ảnh của nhiều người kinh doanh, buôn bán mà hiện nay lợi dụng sự thiếu hiểu biết và ham ăn chơi, đua đòi của một bộ phận SV, những kẻ cho vay nặng lãi đang tìm mọi cách để “hút máu” một số SV nhẹ dạ.