Phóng viên: Thưa ông, dự án Khu dân cư cao cấp và trường đua ngựa có quy mô rất lớn (khoảng 500ha) xảy ra tranh chấp kéo dài hơn 10 năm, gây thiệt hại nặng nề cho doanh nghiệp, ảnh hưởng đến phát triển kinh tế - xã hội (KTXH), môi trường đầu tư. Là Phó trưởng Ban Dân nguyện Quốc hội, ông suy nghĩ gì?
Phó trưởng Ban Dân nguyện Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng: Tôi theo dõi và biết vụ tranh chấp được nhiều cơ quan báo, đài phản ánh thời gian qua. Phó thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình đã chỉ đạo, nhiều cơ quan hữu trách từ địa phương đến Trung ương vào cuộc, xử lý. Vụ việc gây thiệt hại cho Công ty HP, làm thiệt hại cho tỉnh Long An và nền kinh tế đất nước.
Phó trưởng Ban Dân nguyện Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng (trái) trao đổi với PV Báo Công an TPHCM
Tôi nhận được đơn kèm hồ sơ của Công ty HP kiến nghị một số vấn đề bức xúc, trong đó có việc Cục THADS tỉnh Long An nhiều lần ngăn chặn 13 văn bản giấy tờ về quyền sử dụng đất (QSDĐ) giai đoạn I với 232,66 ha. Sau khi tìm hiểu, ghi nhận thực tế, tôi đã chuyển kiến nghị đến Thủ tướng Chính phủ ngày 16-8-2019 để xem xét, giải quyết theo quy định của pháp luật.
Tôi đã nhận được văn bản số 7832/VPCP-V.I ngày 30-8-2019 của Văn phòng Chính phủ, truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình giao Bộ Tư pháp xem xét và có văn bản trả lời tôi. Tôi cũng vừa được Đài truyền hình Việt Nam (VN) mời trao đổi liên quan đến vụ việc này.
Phóng viên: Lấy lý do thi hành Phán quyết trọng tài (PQTT) theo yêu cầu của CPL, Cục THADS tỉnh Long An ra công văn số 525/CTHA ngày 18-9-2017 ngăn chặn toàn bộ 13 QSDĐ của HP; đến ngày 29-11-2018 thì ban hành văn bản số 682/CV-CTHADS “giải tỏa ngăn chặn”. Ngay sau đó, Cục THADS tỉnh Long An tái lập việc ngăn chặn bằng quyết định (QĐ) số 07/QĐ-CTHADS ngày 18-12-2018. Ông có ý kiến gì khi cơ quan thi hành án (THA) “làm xiếc” trên khối tài sản đặc biệt lớn của doanh nghiệp?
Ông Lưu Bình Nhưỡng: Việc THA kiểu “sáng ngăn, chiều gỡ, hôm sau trở ngược tạm dừng” thể hiện rõ sự lúng túng, bất nhất. Không chỉ là nhận thức chính trị, năng lực chuyên môn yếu kém mà đằng sau đó theo dư luận là sự khuất tất.
Công ty HP và CPL ký “thỏa thuận khung” (TTK) ngày 1-6-2007, thành lập công ty liên doanh để thực hiện dự án theo tỷ lệ HP góp 30% bằng QSDĐ, CPL góp 70% bằng tiền mặt. Quá trình hợp tác thì xảy ra tranh chấp, CPL khởi kiện, được Trung tâm Trọng tài quốc tế VN (VIAC) ra PQTT số 29/12 ngày 25-4-2013, yêu cầu hai bên tiếp tục thực hiện TTK, đàm phán, thỏa thuận, ký kết hợp đồng, để lập liên doanh. Như vậy, vụ tranh chấp đã được đưa ra giải quyết theo thủ tục trọng tài. Cái chính là PQTT không yêu cầu xử lý về tài sản, không cho phép ai áp bất kỳ loại tài sản nào của Công ty HP nhưng Cục THADS tỉnh Long An lại ngăn chặn 13 QSDĐ của HP; đây là kiểu “đắp đập, be bờ” ngăn dòng chảy của sản xuất kinh doanh.
Dự án bị đóng băng, gây nhiều thiệt hại
Từ chỉ đạo của Phó thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình, Bộ Tư pháp có văn bản 123/BC-BTP ngày 4-6-2018, xác định, không có cơ sở để xử lý tài sản của HP theo điều 71 Luật THADS. VKSND tối cao cũng có văn bản 3333/VKSTC-V11 ngày 10-8-2018 nêu ý kiến về việc THA...
Ngày 26-11-2018, Tổng cục THADS có văn bản “hướng dẫn nghiệp vụ” số 4341/TCTHADS-NV1, yêu cầu chấm dứt thi hành công văn 525/CTHA. Tuân thủ chỉ đạo, Cục THADS tỉnh Long An đã giải tỏa ngăn chặn 13 QSDĐ. Chưa tới 20 ngày sau, cơ quan này lại “xét thấy cần ngăn chặn”. Không biết Cục THADS tỉnh Long An “xét thấy” được điều gì để tái lập việc đóng băng tài sản?
QĐ số 07/QĐ-CTHADS không chỉ đi ngược lại chỉ đạo của Tổng cục THADS mà còn trái với kết luận của Bộ Tư pháp và các cơ quan chức năng, thể hiện sự không nghiêm, tạo ra tiền lệ xấu, gây suy giảm lòng tin của người dân đối với các cơ quan thực thi pháp luật.
Và tôi muốn nhắc lại: Về hình thức, đó là tài sản của HP nhưng trên bình diện khác, đó là của cải, là tư liệu sản xuất của xã hội. Việc dừng lại gây ra lãng phí của cải và làm tổn hại doanh nghiệp, ngăn trở động lực của nền KTXH.
Phóng viên: Thưa ông, vì sao QĐ số 07/QĐ-CTHADS lộ rõ dấu hiệu trái pháp luật nhưng đến nay vẫn chưa bị thu hồi, hủy bỏ?
Ông Lưu Bình Nhưỡng: QĐ số 07/QĐ-CTHADS được ban hành đã hơn 9 tháng, nếu tính cả lần ngăn chặn trước của Cục THADS tỉnh Long An thì kéo dài đến nay hơn 2 năm. Theo chủ đầu tư trình bày, đã đổ hơn 1.000 tỷ đồng vào dự án mà liên tục hết bị ngăn đến chặn gây thiệt hại rất lớn.
Nếu xác định rõ và có kết luận cơ quan THA ra QĐ xâm hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân, gây ra thiệt hại về vật chất, tinh thần thì phải bồi thường theo Luật trách nhiệm bồi thường Nhà nước. Vụ án vừa được xét xử hôm 18-9 tại tỉnh Bình Định là một minh chứng. Không chỉ chấp hành viên nhận mức án 9 năm tù giam, mà Cục THADS tỉnh Bình Định còn bị tòa buộc phải bồi thường hơn 55 tỷ đồng cho doanh nghiệp. Đây là bài học đắt giá cho các cơ quan THADS.
Vụ việc sở dĩ kéo dài là vì các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền còn lúng túng. Lẽ ra cần xử lý mạnh tay, ví dụ: Bộ Tư pháp xem xét xử lý chấp hành viên; Viện kiểm sát có thể khởi tố vụ án... thì sự việc đã thay đổi theo hướng có lợi.
Tôi được biết, Công ty HP đã khiếu nại QĐ số 07/ QĐ-CTHADS, thẩm quyền giải quyết khiếu nại hiện nay thuộc Tổng cục THADS. Tôi đề nghị khẩn trương xem xét, giải quyết theo luật định vì đã quá hạn. Để kéo dài, thiệt hại cho doanh nghiệp sẽ ngày càng nghiêm trọng, khó khắc phục...
Một góc dự án Khu dân cư cao cấp và trường đua ngựa
Phóng viên: Thưa ông, trong khi PQTT đang được thi hành thì ngày 15-8-2019, CPL bất ngờ từ bỏ việc lập liên doanh, yêu cầu “chia” 130ha đất, cắt từ phần diện tích 232,66ha? Có căn cứ pháp luật nào để cơ quan hữu trách xem xét yêu cầu của CPL?
Ông Lưu Bình Nhưỡng: Vụ tranh chấp này, CPL đã khởi kiện và được giải quyết bằng thủ tục trọng tài. PQTT yêu cầu hai bên tiến tới lập liên doanh, đang được Cục THADS tỉnh Long An thi hành. Nay CPL tự vô hiệu hóa, “khai tử” PQTT, quay sang đề nghị cơ quan hành pháp giải quyết vụ tranh chấp theo hướng “chia” đất bằng thủ tục hành chính là không có căn cứ. Càng vô lý hơn, 130ha đất mà CPL yêu cầu “chia” thuộc phần diện tích đã được UBND tỉnh Long An giao cho Công ty HP làm chủ đầu tư, đang triển khai thực hiện dự án.
Như vậy, yêu cầu tách “chia” đất của CPL là trái luật pháp nên không có căn cứ để Cơ quan quản lý hành chính Nhà nước xem xét, giải quyết.
Đây là đất giao cho Công ty HP thực hiện dự án chứ không phải tài sản thông thường. Hơn nữa, không có quy định nào cho phép CPL đòi chia và sử dụng 130ha đất. Nếu hai bên không đạt được thỏa thuận thành lập liên doanh thì dừng lại, xử lý hậu quả. HP có thể xử lý nghĩa vụ bằng nhiều cách khác nhau nhưng không được “cắt” đất chia cho CPL.
Phóng viên: Thưa ông, CPL yêu cầu “chia” 130ha đất là căn cứ trên số ngoại tệ hơn 15,6 triệu USD do CPL góp vào dự án. Nhiều cơ quan báo đài, trong đó Báo CATP đã có loạt bài điều tra chỉ rõ, việc chuyển tiền là vi phạm pháp luật VN về ngoại hối nhưng CPL vẫn “im lặng”. Ông nhận định như thế nào về vấn đề này?
Ông Lưu Bình Nhưỡng: Tôi xem kỹ loạt điều tra của Báo CATP Hệ lụy từ vụ đầu tư “chui” 15,6 triệu USD, chỉ rõ hơn 12 năm có mặt ở VN, CPL không xin phép mở văn phòng đại diện, không lập hồ sơ đăng ký doanh nghiệp đầu tư dự án, không mở tài khoản góp vốn khi chuyển tiền vào VN, không gửi hồ sơ đăng ký với Ngân hàng Nhà nước. Khoản ngoại tệ 15,6 triệu USD mà CPL chuyển vào VN năm 2007 vi phạm nghiêm trọng Thông tư 03/2004/ TT-NHNN ngày 25-5-2004 của Ngân hàng Nhà nước VN. Các luật sư còn đề nghị làm rõ nguồn gốc của số ngoại tệ này; nếu xác định bất hợp pháp, đưa vào VN để “rửa tiền” hay vì mục đích đen tối thì phải xử lý nghiêm theo quy định của Luật Phòng chống rửa tiền được Quốc hội thông qua ngày 18-6-2012...
Ông Lưu Bình Nhưỡng chuyển đơn kiến nghị của Công ty Hồng Phát đến Thủ tướng Chính phủ
Cơ quan hữu quan xác định: Đến cuối năm 2018, CPL không có thông tin về đăng ký đầu tư, đăng ký kinh doanh và chưa được cấp phép hoạt động thương mại tại VN. Không riêng Báo CATP, nhiều tờ báo khác cũng phản ánh việc “chuyển tiền lậu, đầu tư chui” của CPL...
Những vấn đề tôi vừa nêu là hết sức nghiêm trọng, các cơ quan chức năng cần khẩn trương xác minh làm rõ, xử lý, nhằm đảm bảo sự thượng tôn pháp luật VN.
Xử lý rốt ráo vụ tranh chấp này là thực hiện theo Nghị quyết số 50-NQ/TW ngày 20-8-2019 của Bộ Chính trị về “Định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2030”...
Phóng viên: Trân trọng cảm ơn ông!
(CATP) Theo dõi vụ tranh chấp dự án Khu dân cư cao cấp và trường đua ngựa ngay khi mới phát sinh, trên cơ sở tài liệu phóng viên (PV) thu thập được, cùng ý kiến của các chuyên gia pháp lý, Báo Công an TPHCM đã có nhiều bài viết từ năm 2010 đến nay. Trong diễn biến mới nhất, PV đã đặt ra một loạt vấn đề nhằm "giải mã" khoản ngoại tệ 15,6 triệu USD mà China Policy Limited (gọi tắt CPL) chuyển vào Việt Nam nhưng “quên” xin phép…