(CAO) TAND Cấp cao tại Đà Nẵng mở phiên xét xử phúc thẩm vụ án “Buôn lậu” và “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” đối với vợ chồng một doanh nhân và 3 cán bộ hải quan. Vụ án kéo dài từ năm 2011.
Khởi tố việc bán vật chứng khi đang điều tra
Phiên xử phúc thẩm diễn ra ngày 3-7. Tại 3 phiên xét xử trước, HĐXX đều trả hồ sơ để điều tra bổ sung với lý do vụ án phức tạp, có nhiều ý kiến khác nhau, phát sinh nhiều tình tiết cần làm rõ...
Các bị cáo tại phiên xét xử phúc thẩm vào ngày 3-7-2019.
Lần xét xử thứ 4 (từ ngày 14 đến 23-8-2018), TAND TP.Đà Nẵng tuyên phạt Trương Huy Liệu (SN 1958, ngụ TT.Lao Bảo, H.Hướng Hóa, Quảng Trị) - Phó Giám đốc Công ty TNHH MTV Ngọc Hưng (Cty Ngọc Hưng) 1 năm 16 ngày tù giam; Trần Thị Dung (SN 1961, Giám đốc Cty Ngọc Hưng, vợ ông Liệu) 9 tháng tù treo về tội “Buôn lậu”.
Đỗ Lý Nhi (SN 1972), Lê Xuân Thành (SN 1962, cùng ngụ P.Đông Lương, TP.Đông Hà) - nguyên cán bộ Hải quan Cảng Cửa Việt (Cục Hải quan Quảng Trị) cùng lãnh 9 tháng tù treo và Đỗ Danh Thắng (SN 1955, ngụ P.Hòa Cường Bắc, Q.Hải Châu, TP.Đà Nẵng) - nguyên Chi cục trưởng Chi cục Hải quan khu công nghiệp Đà Nẵng (thuộc Cục Hải quan TP.Đà Nẵng) 6 tháng tù treo về tội “Thiếu trách nhiệm trong thi hành công vụ gây hậu quả nghiêm trọng”.
HĐXX kiến nghị Tổng cục Hải quan xem xét trách nhiệm các cá nhân, đơn vị liên quan việc không lập biên bản tang vật làm vật chứng khi bắt giữ lô hàng của Cty Ngọc Hưng; kiến nghị khởi tố vụ án về hành vi bán gỗ tang vật gần 615m3 (gần 591m3 gỗ trắc và gần 24m3 gỗ giáng hương), trị giá 63,6 tỷ đồng.
Mặc dù vụ án đang trong quá trình điều tra nhưng tháng 12-2013, ông Phan Văn Vĩnh (lúc đó là trung tướng, Thủ trưởng Cơ quan CSĐT Bộ Công an) đề xuất “cho xử lý lô gỗ là vật chứng của vụ án theo hướng bán lô gỗ”.
Ngày 31-5-2019, CQĐT VKSND Tối cao khởi tố vụ án về tội “Ra quyết định trái pháp luật” xảy ra tại Cơ quan CSĐT Bộ Công an. Cụ thể, trong quá trình cơ quan này thụ lý, điều tra vụ án đã xử lý vật chứng và tổ chức bán đấu giá lô gỗ vật chứng trái quy định của pháp luật và trái chỉ đạo của liên ngành tư pháp TƯ. Hành vi này gây thiệt hại lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân. Cơ quan điều tra Viện KSND Tối cao đang điều tra, làm rõ để xử lý.
Các bị cáo đều kháng cáo kêu oan
Theo cáo trạng, ngày 17-12-2011, Liệu giao nhân viên đến Chi cục Hải quan Cửa khẩu quốc tế CKQT Lao Bảo (Quảng Trị) mở tờ khai nhập 535,8m3 gỗ trắc (gần 1,56 triệu USD) từ Lào về, nộp thuế gần 3,25 tỷ đồng. Ngày 18-12-2011, Cty Ngọc tự soạn hồ sơ làm hợp đồng kinh tế với Công ty East Well Co.Ltd (Hồng Kông); chuyển gần 33,3 tỷ đồng cho Lâm Thanh Tuyên (ngụ Quảng Ninh) - người môi giới ở cửa khẩu.
Sau đó, Tuyên chuyển tiền trở lại cho Cty Ngọc Hưng để thể hiện Công ty East Well Co.Ltd đã thanh toán tiền cho lô hàng. Ngày 19-12-2011, Dung cho nhân viên đến Chi cục Hải quan cửa khẩu Cảng Cửa Việt mở tờ khai xuất 525,8m3 trị giá gần 33,3 tỷ đồng.
Phiên xét xử sơ thẩm vào tháng 8-2018.
Nhi và Thành làm thủ tục hải quan cho 22 xe container thông quan, đưa hàng đến Cảng Đà Nẵng để xuất đi Trung Quốc. Sáng 21-12-2011, CAQ.Ngũ Hành Sơn (TP.Đà Nẵng) bắt xe của Cty Ngọc Hưng chở 867 sản phẩm gỗ trắc không có trong tờ khai hải quan và hồ sơ nên chuyển vụ việc đến Cục Hải quan TP.Đà Nẵng.
Ngày 29-12-2011, Thắng cho đưa 21 container (trừ container bị bắt) lên tàu xuất cảnh đi Trung Quốc. Ngày 6-4-2012, Cục Điều tra chống buôn lậu Tổng cục Hải quan khởi tố vụ án “Buôn lậu” và chuyển vụ án đến Cơ quan CSĐT Bộ Công an.
Tại phiên xét xử lần thứ 4 vào tháng 8-2018, HĐXX TAND TP.Đà Nẵng cho rằng, không có căn cứ, cơ sở xác định Liệu và Dung phạm tội “Buôn lậu” 591m3 gỗ trắc vì đã công khai làm thủ tục hải quan, kê khai nộp thuế theo quy định. Riêng 21,5m3 gỗ giáng hương (gần 1,2 tỷ đồng) không kê khai hải quan nên Liệu và Dung phạm tội “Buôn lậu”. Nhi, Thành và Thắng không hoàn thành nhiệm vụ trong việc kiểm đếm gỗ, không xác định được gỗ giáng hương. HĐXX sơ thẩm tuyên trả lại hơn 62,6 tỷ đồng mà CQĐT đã bán đấu giá gần 591m3 gỗ trắc.