Những rủi ro với các “start-up” ngành công nghệ Blockchain

Thứ Hai, 06/12/2021 15:31

|

(CAO) Công nghệ Blockchain được coi là một sản phẩm ưu việt trong kỷ nguyên kỹ thuật số với nhiều ứng dụng rộng rãi. Sự phát triển nhanh chóng này mang đến cho những “start-up” cơ hội mạnh mẽ, nhưng cũng có thể mang đến những rủi ro khôn lường nếu công tác quản trị không được chú ý.

Cơ hội cho các “Start-up” Việt

Công nghệ chuỗi khối (Blockchain) là một trong những xu hướng công nghệ đột phá, có khả năng ứng dụng rộng rãi ở nhiều ngành nghề, lĩnh vực như công nghệ, tài chính, ngân hàng, giáo dục, quản lý nhà nước… Được phát minh từ năm 2008 bởi một kỹ sư phần mềm của Nhật Bản, Blockchain là công nghệ lưu trữ và truyền tải thông tin bằng các khối (block) được liên kết với nhau.

Đặc biệt, các thông tin dữ liệu trên các block là không thể thay đổi, nó chỉ có thể được cập nhật và bổ sung thêm. Do đó, công nghệ này gắn liền với tính minh bạch, chính xác và có thể hoạt động xuyên biên giới.

Công nghệ Blockchain đang mở ra nhiều cơ hội cho các "Start-up" Việt

Tại Việt Nam, blockchain được ưu tiên nghiên cứu, phát triển và ứng dụng để chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư theo Quyết định số 2117/QĐ-TTg ngày 16-12-2020 của Thủ tướng Chính phủ. Bộ Khoa học và Công nghệ cũng đã phê duyệt Chương trình khoa học và công nghệ trọng điểm cấp quốc gia giai đoạn đến năm 2025, trong đó công nghệ blockchain được xếp thứ hai sau trí tuệ nhân tạo (AI) trong loạt các công nghệ chủ chốt.

Công nghệ này cũng được đánh giá là mảnh đất màu mỡ cho hệ sinh thái khởi nghiệp. Với lợi thế rất lớn để phát triển mạnh các công nghệ blockchain bởi có nguồn lực lập trình viên lớn, nhiều công ty khởi nghiệp trong lĩnh vực công nghệ Blockchaim nhanh chóng lọt vào mắt các nhà đầu tư nước ngoài.

Trong vòng 2 năm qua, số lượng cũng như tổng giá trị các khoản đầu tư vào các dự án khởi nghiệp, đặc biệt là các dự án Blockchain, tăng mạnh. Đặc biệt, dù bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, năm 2021 vẫn được coi là thời điểm vàng khi có những doanh nghiệp về Blockchain được định giá tỷ đô. Hay trong giai đoạn dịch Covid-19 bùng phát mạnh vừa qua, vẫn có một doanh nghiệp Việt gọi vốn thành công cả trăm triệu đô la cho một dự án game Blockchain.

Ông Hoàng Đức Trung, Giám đốc VinaCapital Ventures là một chuyên gia trong lĩnh vực đầu tư vào các startup công nghệ Blockchain nhận định lĩnh vực này vẫn còn rất nhiều tiềm năng phát triển trong tương lai bởi hiện tại chỉ có khoảng 31% người trưởng thành có tài khoản ngân hàng nhưng mức độ sở hữu điện thoại thông minh cao. Hiện có khoảng 10 startup của người Việt Nam trong lĩnh vực blockchain có vốn hóa trên 100 triệu USD. Trong top 200 công ty blockchain trên thế giới có 5-7 công ty do người Việt sáng lập.

Dễ gặp rủi ro nếu “buông lỏng” quản trị

Công nghệ blockchain đang được xem là xu thế tất yếu và có nhiều tiềm năng lớn. Song các “Start-up” Việt cũng đang đối mặt với khá nhiều thách thức để phát triển lĩnh vực này. Trong đó, thách thức lớn nhất chính là hiện tại Việt Nam chưa có hành lang pháp lý cụ thể, rõ ràng cho công nghệ Blockchain. Chính điều này đã khiến nhiều công ty khởi nghiệp trong lĩnh vực này phải đăng ký hoạt động ở nước ngoài và việc ‘chảy máu’ nhân lực thời gian qua đã diễn ra.

Ông Hoàng Đức Trung cho biết dù được đánh giá có nhiều tiềm năng nhưng trên thực tế “Start-up” chưa thành công ở thị trường này chiếm tỷ lệ cao vì chỉ có công nghệ hay sản phẩm tốt là chưa đủ. “Có vốn đầu tư cũng không hẳn sẽ thành công mà cần kết hợp nhiều yếu tố: vốn, công nghệ, con người và chiến lược marketing cũng như sự tích hợp và mở rộng của các hệ thống hiện tại”.

Ông Trung đánh giá yếu tố quản trị và con người được xem là nhân tố quyết định sự thành bại của một dự án khởi nghiệp Blockchain trước khi bước vào giai đoạn gọi vốn. Thực tế cho thấy hiện nay, một số startup dù đã có chỗ đứng trong ngành cũng đang phải đối mặt với thực tế rủi ro.

Đơn cử, như vụ lùm xùm xảy ra mới đây liên quan đến việc một Start-up bị mất quyền kiểm soát đối với dự án Blockchain đã thu hút sự quan tâm theo dõi của cộng đồng khởi nghiệp Blockchain.

Nhận định về vụ việc này, Luật sư Phùng Anh Tuấn, Tổng giám đốc Công ty luật VCI Legal nhận định “Việc ra tuyên bố về người đại diện pháp nhân cần phải tuân thủ pháp luật hiện hành và điều lệ công ty quy định, nếu được đưa ra từ người không có thẩm quyền, không đúng pháp luật hay điều lệ của công ty là vô hiệu”.

Nhiều chuyên gia nhận định rằng “lỗ hổng” lớn khiến cho việc mất quyền kiểm soát trong công ty công nghệ xuất phát từ mô hình quản trị. Hầu hết các nhân viên của công ty dàn trải trên nhiều quốc gia. Việc tuyển dụng, đào tạo và tham gia vào các khâu trọng yếu trong công ty đều thực hiện online và tin tưởng lẫn nhau giữa những người đồng sự chủ chốt.

Bình luận (0)

Lên đầu trang