(CAO) Hiện nay không chỉ giới công nghệ sôi sục mà ngay ở các lĩnh vực khác cũng xuất hiện các ý kiến tán đồng và không đồng ý trong việc Apple khước từ đề nghị mở khóa iPhone từ tòa án California nhằm hỗ trợ điều tra một vụ trọng án.
Rất nhiều người dùng đã thấy CEO Mark Zuckerberg của Facebook đã "bấm like" bức thư CEO Tim Cook gửi tới toàn bộ khách hàng. Trong đó, CEO Apple đã nhấn mạnh, ông và các đồng nghiệp của mình tại Cupertino hoàn toàn hiểu được sự việc nhưng không vì thế mà có thể phá bỏ các nguyên tắc, nhất là trong việc bảo vệ quyền lợi cho khách hàng.
CEO Mark Zuckerberg của Facebook đã "bấm like" bức thư CEO Tim Cook gửi tới toàn bộ khách hàng
Nếu hợp tác cùng FBI, ông cũng như các cộng sự sẽ phá bỏ nguyên tắc bấy lâu, đồng thời tạo thành tiền lệ xấu cho các vụ việc tương tự trong tương lai. Nó không còn là câu chuyện của chỉ riêng Apple mà đã trở thành câu chuyện của gần như toàn giới công nghệ.
Cứng rắn ở Mỹ
Trong bức tâm thư gửi các khách hàng, CEO Tim Cook có viết: "Chúng tôi tôn trọng tuyệt đối FBI và chúng tôi tin rằng mục đích của họ là tốt nên chúng tôi đã hỗ trợ họ gần như toàn bộ những gì có thể. Tuy nhiên, FBI lại muốn chúng tôi phá vỡ một số tính năng bảo mật quan trọng. Nếu làm như thế, chẳng khách nào tạo ra một công cụ có thể bẻ khóa mọi thiết bị của Apple trong tương lai và không có gì nguy hại hơn điều đó!”.
CEO Tim Cook tỏ ra rất kiên quyết với chinh phủ Mỹ
Như một động thái đồng tình với ý kiến trên, CEO Mark Zuckerberg dù chưa chính thức lên tiếng nhưng cũng phần nào ủng hộ người đồng nhiệm tại Apple. Dù Facebook cũng nhiều lần bị tố cáo là tiếp tay cho chính phủ Mỹ.
Trong khi đó ứng cử viên Tổng Thống Mỹ - Donald Trump, cho rằng Apple đã quá ích kỉ khi không giúp đỡ nhà chức trách: "Đây là một trường hợp nghiêm trọng, trong chiếc điện thoại đó có rất nhiều dữ liệu giúp ích cho quá trình điều tra, nhất là trong việc tìm ra những kẻ có liên quan".
Ứng cử viên Tổng Thống Mỹ - Donald Trump, không quên mỉa mai Apple về quyết định không hợp tác với chính phủ Mỹ
Nhượng bộ ở Trung Quốc?
Hồi tháng 1-2015, Nhân Dân Nhật Báo đưa tin Apple đã đồng ý để chính quyền Trung Quốc kiểm tra an ninh sau cuộc đối thoại của CEO Tim Cook với các nhà lãnh đạo Trung Quốc. Việc này đồng nghĩa với việc Apple phải chia sẻ những thông tin quan trọng cho Bắc Kinh, ví dụ như mã nguồn hệ điều hành.
Điều này có thể được lý giải bởi Tim Cook từng tuyên bố Trung Quốc sẽ trở thành thị trường lớn nhất của Apple nên hiển nhiên hãng buộc phải tỏ ra nhượng bộ. Dù thông tin này cũng không được hãng xác nhận, bất chấp báo chí liên tục đặt câu hỏi.
Còn nhớ trước đây, nhà nước Pakistan không hài lòng về việc hãng BlackBerry giữ kín các thông tin di động và từ đó đòi quyền truy cập không giới hạn các dữ liệu từ hệ thống BES gồm có tin nhắn BBM và email. Tuy nhiên, hãng này đã kiên quyết không cho phép điều này và quyết định rời khỏi thị trường Pakistan.
Dĩ nhiên, hỗ trợ quá trình điều tra là một việc nên làm nhưng tạo thành công cụ truy cập không giới hạn vào dữ liệu khách hàng nếu không được phép sẽ làm mất đi thương hiệu của những hãng nổi tiếng bảo mật như Apple hay BlackBerry. Tuy nhiên, việc tỏ ra cứng rắn và nhượng bộ ở từng thị trường khác nhau cho thấy chiến lược đầy ẩn ý của Apple.