(CAO) Vụ tổng thống Venezuela - Nicolas Maduro suýt “chết hụt” vì hai thiết bị bay không người lái (drone) cài chất nổ C-4 bay phía trên nơi ông phát biểu đang đặt ra vấn đề nghiêm túc về an ninh trong thời đại dùng drone dễ như bỡn.
Thị trường bán drone những năm qua đang bùng nổ với việc đa dạng các mẫu mã còn giá thành của chúng đang giảm đi từng ngày.
Reuters đưa tin một drone điển hình với 4 rotor (cánh quạt) có thể được điều khiển ở khoảng cách 1 dặm và có thể bay hơn 20 phút trong 1 lần nạp năng lượng có giá dưới 1000 USD (khoảng 23,1 triệu đồng) nếu được đặt mua trên mạng. Mặc dù với mức giá này sẽ có hạn chế về khối lượng hàng được chở theo.
Một trong hai chiếc drone với 4 cánh quạt tấn công Maduro (bên trái) bị lực lượng an ninh bắn hạ - Ảnh: Daily Mail
Không phải đợi đến vụ Maduro thì vấn đề an ninh mới được đặt ra. Tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) những năm qua từng sử dụng drone để tiến hành các vụ tấn công bằng cách thả các quả lựu đạn từ trên cao xuống hay cài chất nổ để tấn công các cứ điểm của đối thủ.
Hồi tháng 1-2015, một chiếc drone đã rơi phía trong khuôn viên Nhà Trắng đặt ra những lo ngại về việc nơi ở của tổng thống Mỹ có thể dễ dàng bị xâm phạm bất chấp các hàng rào an ninh bên ngoài.
Tại Nhật chỉ vài tháng trước, một người đàn ông biểu tình chống chính sách hạt nhân của chính phủ bằng cách dùng drone mang theo một lượng cát nhiễm xạ lấy ở nơi xảy ra thảm hoạ hạt nhân Fukushima, điều khiển thiết bị này thả cát xuống văn phòng thủ tướng. Rất may lượng chất phóng xạ trong số cát này rất nhỏ, không gây ảnh hưởng nhiều đến sức khoẻ.
Bộ trưởng Nội vụ Venezuela - Nestor Reverol cầm bảng mô tả chiếc drone được dùng để tấn công ông Maduro ngày 5-8 - Ảnh: Reuters
Trong khi đó vào tháng 7, lực lượng an ninh của Ả Rập Saudi đã bắn hạ một chiếc drone bay gần hoàng cung.
Tại Mỹ, câu chuyện càng nóng hơn khi Cục hàng không dân dụng liên bang đã chấp thuận một số điều luật về việc quản lý sử dụng drone bằng cách đứng ra cấp phép giấy phép hoạt động và hạn chế thiết bị này trên không phận. Vậy mà đến nay đã có khoảng 100.000 giấy phép được cục này cấp kể từ khi các quy định có hiệu lực vào tháng 8-2016, cho thấy sự bùng nổ của drone dữ dội đến cỡ nào.
Trong khi đó, Bộ quốc phòng Mỹ đã dành khoản ngân sách lên đến 1 tỷ USD để phát triển các biện pháp chống drone trong gói ngân sách quốc phòng năm 2019.
Một chiếc drone với 4 cánh quạt thế này, nếu mua trên mạng có thể có giá dưới 1000 USD. Bọn khủng bố có thể cài chất nổ rồi tấn công đám đông từ xa - Ảnh: PC World Chỉ một thiết bị như drone, lằn ranh thiện - ác thật mong manh. Drone có thể dùng để vận chuyển hàng hoá, thuốc men thậm chí là máu để truyền cho bệnh nhân ở những vùng xa xôi. Nhưng nếu bọn khủng bố dùng lại là chuyện khác: Nó có thể mang theo chất nổ, vũ khí sinh – hoá tấn công đám đông từ trên cao. Khi giết được nhiều người, sự sợ hãi trong đám đông sẽ lan tràn, và đó là điều chúng muốn.
Trước đó 1 năm, vào tháng 8-2017, Reuters đưa tin Bộ Quốc phòng Mỹ đã “bật đèn xanh” cho 130 căn cứ quân sự trên toàn quốc được bắn hạ các thiết bị bay không người lái (drone) của tư nhân và các tổ chức thương mại nếu chúng bay vào khu vực các khu căn cứ này. Động thái này được ban hành trước lo ngại các drone bay vô tội vạ trên bầu trời có thể gây nguy hiểm cho hoạt động bay quân sự cùng những mối đe dọa khác. Những năm gần đây, thiết bị bay không người lái đang trên đà bùng nổ tại Mỹ với việc chúng thường xuyên bay ngang các địa điểm nhạy cảm như các khu căn cứ quân sự, sân bay hay những sân vận động. Phát ngôn viên Lầu Năm Góc Jeff Davis được Reuters dẫn lời hôm 7-8 nhấn mạnh quân đội Mỹ có thể có những hành động chống lại các drone bao gồm phá hủy hoặc tịch thu các drone thương mại có thể gây ra những mối đe dọa quân sự. |