(CATP) Sau khi nhiều vụ án thương tâm xảy ra mà nạn nhân là những đứa trẻ bị đánh đập tàn nhẫn, có trường hợp dẫn đến tử vong, dư luận bức xúc lên án hung thủ, pháp luật xử phạt nghiêm minh để răn đe những hành vi vi phạm, nhưng điều đáng được quan tâm nhất trong các trường hợp trên là tình thương gắn với trách nhiệm của gia đình và xã hội để tránh gây những tổn thương cho trẻ cả về thể xác lẫn tinh thần...
Khởi tố mẹ ruột và cha dượng bạo hành bé gái ở Bình Phước
Ngay sau khi thu thập chứng cứ về trường hợp cháu bé 7 tuổi ở Bình Phước có nhiều vết thương chằng chịt khắp cơ thể, cơ quan chức năng nhanh chóng vào cuộc xác minh và ngay trong tối 28-7-2022, Cơ quan Cảnh sát điều tra (CSĐT) - Công an (CA) huyện Đồng Phú, tỉnh Bình Phước đã ra quyết định khởi tố điều tra vụ án, tống đạt quyết định khởi tố bị can đối với mẹ ruột cháu bé và cha dượng. Trong đó thi hành lệnh bắt tạm giam 3 tháng đối với Trần Thanh Tú (23 tuổi), cha dượng của cháu bé; còn người mẹ là Lầu Y Lầu (25 tuổi, cùng ngụ xã Tân Hòa, huyện Đồng Phú) hiện đang mang thai nên được tại ngoại.
Theo điều tra ban đầu, năm 2020 Tú kết hôn với Lầu và sinh sống tại ấp Đồng Tân, xã Tân Hòa, H.Đồng Phú. Đến ngày 10-02-2022, Lầu đón con riêng là cháu D. (7 tuổi) từ Nghệ An vào Bình Phước sống chung. Quá trình này, Tú - Lầu thường xuyên đánh cháu D. bị thương. Theo cơ quan điều tra, hành vi của Tú - Lầu đủ yếu tố cấu thành tội "hành hạ con" theo khoản 2 điều 185 Bộ luật Hình sự (BLHS) năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017. UBND xã Tân Hòa đã đưa cháu D. đến Trung tâm Y tế huyện Đồng Phú thăm khám và điều trị vết thương. Hiện UBND huyện Đồng Phú đã chỉ đạo UBND xã Tân Hòa cách ly D. khỏi người bạo hành cháu. Các ban ngành địa phương trực tiếp cử cán bộ đến chăm sóc cháu trong thời gian điều trị tại Trung tâm Y tế huyện Đồng Phú và cả sau này. Chiều 28-7, Huyện đoàn, Hội đồng đội huyện Đồng Phú đã đến thăm hỏi, động viên, hỗ trợ D. 3 triệu đồng và mua đồ dùng, quần áo cho cháu.
Cơ quan Cảnh sát điều tra - Công an huyện Đồng Phú, tỉnh Bình Phước đọc lệnh bắt tạm giam Trần Thanh Tú
Bản án thích đáng cho những kẻ mất nhân tính
Trong số những vụ con trẻ bị bạo hành, thậm chí có trường hợp dẫn đến tử vong, nổi lên vụ án gây chấn động dư luận cả nước, đang chờ phiên tòa diễn ra tại TPHCM. Nạn nhân là bé N.T.V.A (8 tuổi), sống với cha ruột, bị nhân tình của cha là Võ Nguyễn Quỳnh Trang (26 tuổi) đánh đập tàn nhẫn cho đến chết. Có lần Trang còn liên tục đánh đập bé suốt gần 4 tiếng đồng hồ...; hoặc dùng dây trói tay chân cháu bé đến khi nạn nhân kiệt sức. Có lúc bé đang quỳ, Trang dùng tay tát mạnh vào đầu... Sau đó, bắt cháu ngồi vào ghế học rồi dùng chân đạp cho cháu ngã đến khi gục xuống, miệng trào nước... Cháu bé được đưa đi cấp cứu nhưng không qua khỏi, được xác định tử vong do phù phổi cấp, trên cơ thể có nhiều nơi bầm tụ máu, gãy nhiều xương sườn, đầu cũng có vết thương, tụ máu, não phù và có nhiều vết thương ở cả bộ phận sinh dục.
Mới đây, Cơ quan CSĐT - CA tỉnh Vĩnh Long cũng đã khởi tố vụ án và bị can, đang khẩn trương hoàn tất hồ sơ để đưa Nguyễn Minh Quân (31 tuổi, ở huyện Trà Ôn, tỉnh Vĩnh Long) ra xét xử về hành vi "giết người". Nạn nhân là bé trai 2 tuổi con riêng của người phụ nữ sống chung với Quân. Mới chập chững biết đi, xót xa thay, bé đã bị Quân dùng chân đạp nhiều lần vào đầu dẫn đến ngã, chấn thương sọ não, tử vong. Ngoài ra còn vụ Nông Xuân Luân (33 tuổi, ở Cao Bằng) đánh chết cháu H.T.D (14 tuổi, con riêng của người phụ nữ sống cùng với Luân như vợ chồng). Tiếp đến là vụ án gây chấn động dư luận mới đây xảy ra tại An Giang, cướp đi tính mạng của đứa trẻ mới 7 tháng tuổi, mà hung thủ là Nguyễn Văn Hồng (SN 1998, chồng hờ của mẹ cháu bé). Hồng đổ nước vào miệng cho đến khi bé chết sặc và còn khai trước đó, mỗi lần cháu khóc đều bị hắn đánh, có lần đến mức gãy tay.
Bé D. với vết thương chằng chịt do mẹ đẻ và cha dượng đánh đập
Điều đáng lên án trong các vụ việc đau lòng trên là những người mẹ, người cha lại thờ ơ, lạnh nhạt, thậm chí bao che tội phạm, tham gia hành hạ ngay chính giọt máu của mình.
Trước đây, Tòa án nhân dân (TAND) TP.Hà Nội đã xét xử vụ án bạo hành con gái 3 tuổi dẫn đến tử vong, người mẹ lãnh án chung thân, còn cha dượng mang án tử. Chiều 19-11-2020, sau 2 ngày xét xử và nghị án kéo dài, TAND TP.Hà Nội đã tuyên án 2 bị cáo Nguyễn Minh Tuấn (31 tuổi), Nguyễn Thị Lan Anh (29 tuổi, cùng trú P.Lê Đại Hành, Q.Hai Bà Trưng, TP.Hà Nội), liên quan đến vụ bạo hành bé gái N.N.M (3 tuổi, con của Lan Anh) dẫn đến tử vong. Theo bản án, Lan Anh đón bé M. lên phòng trọ tại Q.Đống Đa chơi. Ngày 29-3-2020, Lan Anh cùng Tuấn sử dụng ma túy, sau đó cả hai nhiều lần đánh đập, bạo hành bé. Tuấn đánh vào đầu và dùng cán chổi bằng kim loại quất vào người bé, còn Lan Anh lấy kim khâu quần áo đâm vào bắp tay, đùi con gái. Rạng sáng 30-3-2020, bé M. đòi uống nước thì bị Tuấn đánh liên tiếp vào đầu khiến cháu bé tử vong do chấn thương sọ não.
Hội đồng xét xử nhận định, trong vụ án này, Tuấn là kẻ cầm đầu, rủ rê vợ cùng sử dụng ma túy và trực tiếp gây ra cái chết cho bé M. Còn Lan Anh dù không trực tiếp nuôi con nhưng lại cùng Tuấn gây ra cái chết cho bé. Hành vi của 2 bị cáo gây ra với bé M. rất tàn nhẫn, cần bản án thật nghiêm khắc. Kết thúc phiên xử, chủ tọa tuyên Nguyễn Minh Tuấn án tử hình về tội "giết người", 24 tháng tù về tội "tàng trữ, sử dụng trái phép chất ma túy", tổng hình phạt là tử hình; bị cáo Nguyễn Thị Lan Anh chung thân về tội "giết người", 18 tháng tù về tội "tàng trữ, sử dụng trái phép chất ma túy", tổng hình phạt là chung thân.
Một chuyên gia xã hội học tại TPHCM cho biết, rất nhiều bi kịch xảy ra với trẻ nhỏ đến từ mối quan hệ tạm bợ, nhạy cảm của bố, mẹ đẻ sau khi hôn nhân tan vỡ. Các em phải đối mặt với nhiều nguy cơ thiếu an toàn khi sống cùng người tình của bố mẹ hay mẹ kế, bố dượng. Những đứa trẻ mất mạng trong tay tình nhân của bố hoặc mẹ chỉ mới là bề nổi; còn rất nhiều đứa trẻ vẫn đang phải sống trong nguy cơ bị bạo hành, bạo lực, bị hành hạ về thể xác lẫn tinh thần từ mối quan hệ không có sự ràng buộc trách nhiệm pháp lý hôn nhân như vậy. Đối với sự an toàn của con cái, bố mẹ ruột là người chịu trách nhiệm lớn nhất. Trước khi bước vào mối quan hệ mới, mỗi người cần trả lời: Mình có đủ khả năng tự chủ, không phụ thuộc vào mối quan hệ đó hay không. Khả năng tự chủ ở đây, trước hết là phải bảo vệ được con của mình.
Theo các nhà tâm lý học, hành vi bạo lực với trẻ nhỏ không chỉ từ quan niệm cổ hủ "thương cho roi cho vọt", mà hơn nữa bất ổn nằm ở chính người lớn. Họ trút những oán hận, uất ức, sân hận của mình lên những đứa trẻ vô tội. Chính vì thế, dù họ phải chịu bản án nào của pháp luật hay lương tâm, dư luận thì cũng không thể bù đắp được cho những đau đớn về thể xác lẫn tinh thần mà những đứa trẻ phải chịu đựng.