(CATP) Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, nhiều địa phương chuẩn bị phương án cách ly (CL) F1 tại nhà, được người dân ủng hộ. Theo nhận định của Ban chỉ đạo phòng chống dịch (BCĐPCD) Covid-19, phương án trên được triển khai đã giúp giảm áp lực cho lực lượng phòng chống (PC) dịch, tạo tâm lý thoải mái hơn cho người phải CL khi không sợ lây nhiễm chéo.
Nguy cơ khu cách ly tập trung quá tải
Theo nhận định của Bộ YT, tình hình dịch Covid-19 ở các tỉnh phía Nam có chiều hướng diễn biến phức tạp. Các tỉnh ĐBSCL xuất hiện nguy cơ khu cách ly (KCL) quá tải, nguồn nhân lực phục vụ công tác PC dịch thiếu.
Tính đến nay, tỉnh Vĩnh Long có gần 250 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2. Đặc biệt, ổ dịch ở Khu công nghiệp Hòa Phú diễn biến phức tạp, có ngày tỉnh ghi nhận đến 43 ca mắc. Các KCL tập trung của tỉnh hiện có khả năng tiếp nhận gần 4.300 người. "Về CL, tỉnh đã lên kế hoạch, phương án nâng công suất các KCL tập trung có khả năng đáp ứng trên 10.000 người, trong đó giao mỗi huyện chuẩn bị sẵn KCL có khả năng đáp ứng tình huống 1.000 người. Bổ sung hệ thống camera, đảm bảo không để lây nhiễm chéo trong KCL, khu phong tỏa. Thế nhưng, chúng tôi vẫn lo tình trạng quá tải, lực lượng PC dịch không đủ...", một thành viên BCĐPCD tỉnh Vĩnh Long cho biết.
Theo báo cáo của tỉnh Tiền Giang, đến nay toàn tỉnh có 740 trường hợp F0 đang điều trị, gần 4.200 ca F1 đang được CL tại 54 điểm cách ly tập trung (CLTT) và gần 20.000 trường hợp F2 đang CL tại nhà.
Thông tin từ BCĐPCD Covid-19 TP.Cần Thơ, tại đây đang điều trị 57 trường hợp và hiện CLTT hơn 1.000 ca. Đáng lưu ý, nhiều trường hợp phát hiện qua test nhanh sàng lọc tại các bệnh viện (BV) trên địa bàn, người trong KCL. Một số địa phương có ca dương tính SARS-CoV-2 tăng cũng chung với nỗi lo quá tải tại KCL, nhân lực phục vụ không đáp ứng đủ.
Một khu vực cách ly tại TP.Cần Thơ
Triển khai phương án cách ly f1 tại nhà
Bạc Liêu là địa phương đầu tiên ở ĐBSCL áp dụng thí điểm ngay sau khi có chủ trương cho phép cách ly F1 tại nhà của Bộ YT. Để thực hiện chủ trương trên, BCĐPCD đã gặp trực tiếp một số trường hợp ghi nhận tâm tư, đề xuất của họ. Ngày 16-7, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu - Phạm Văn Thiều đã ký công văn chỉ đạo dự kiến áp dụng 3 hình thức tổ chức CL các trường hợp F1 và người từ vùng dịch về. Bên cạnh đó, Bạc Liêu áp dụng CL tại nhà và tại cơ sở lưu trú, khách sạn đồng thời sẽ giảm dần hình thức CLTT.
Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang đồng ý thực hiện thí điểm cách ly F1 tại nhà từ ngày 12-7, đối tượng áp dụng là người tiếp xúc gần với ca mắc Covid-19 nhưng có mang khẩu trang y tế trong quá trình tiếp xúc, thuộc một trong những nhóm sau: người tiếp xúc gần với ca bệnh Covid-19 nhưng không thường xuyên; người làm việc cùng phòng với ca bệnh nhưng vị trí cách xa trên 2m và không tiếp xúc trực tiếp với ca bệnh. Người tiếp xúc gần đã được cách ly tập trung đủ 14 ngày và có kết quả xét nghiệm ngày thứ 14 âm tính với SARS-CoV-2; được chuyển từ cơ sở CLTT về CL tại nhà (tiếp theo cho đủ 28 ngày).
Hiện nhiều địa phương ở ĐBSCL triển khai F1 cách ly tại nhà. Tại cuộc họp BCĐPCD Covid-19 tỉnh Bến Tre mới đây, ông Trần Ngọc Tam - Chủ tịch UBND tỉnh - cũng đồng ý với đề xuất cho thực hiện CL tại nhà đối với các trường hợp F1 bị tai biến, bệnh nặng, phụ nữ mang thai dưới sự giám sát chặt chẽ của nhân viên YT. Ban chỉ đạo PC dịch tỉnh Kiên Giang cũng có văn bản hướng dẫn thời gian cách ly YT với trường hợp F1 và quản lý, điều trị bệnh nhân (BN) Covid-19. Theo đó, tỉnh sẽ CLTT 14 ngày và tiếp tục theo dõi sức khỏe tại nhà, nơi lưu trú 14 ngày tiếp theo đối với những người tiếp xúc gần với BN Covid-19, người nhập cảnh, người trở về từ khu vực đang bị phong tỏa, CL vùng, thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng. Trong thời gian CLTT, các đối tượng này phải lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 tối thiểu 2 lần vào các ngày 1 và ngày thứ 14. Với BN Covid-19, sau khi xuất viện phải tiếp tục CL tại nhà dưới sự giám sát của cơ sở YT và Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh thêm 14 ngày đồng thời theo dõi thân nhiệt tại nhà 2 lần/ngày.
Ông Đoàn Tấn Bửu - Phó chủ tịch UBND tỉnh - cho biết, địa phương đã có kiến nghị cho phép thí điểm CL tại nhà đối với F1 khi có đủ điều kiện. Những trường hợp F1 được CL tại nhà phải tuân thủ quy định về PC dịch Covid-19, đồng thời được sự giám sát, quản lý chặt chẽ của chính quyền địa phương. Trước đó, tại cuộc họp với BCĐPCD Covid-19 tỉnh Đồng Tháp, Thứ trưởng Bộ YT Nguyễn Trường Sơn đã thống nhất cao với đề xuất cách ly F1 tại nhà khi đủ điều kiện của tỉnh; đồng thời đề nghị địa phương khẩn trương áp dụng ngay; chia sẻ, học tập kinh nghiệm chống dịch từ những nơi khác.
Ông Trần Hồng Quân - Phó chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng ban chỉ đạo PC Covid-19 tỉnh Cà Mau:
"Hiện số ca F1 trên địa bàn tỉnh không nhiều nên áp dụng CLTT để có thể chủ động hơn. Ban chỉ đạo tỉnh thực hiện theo chỉ đạo của Bộ YT về việc giảm thời gian CL, thí điểm cách ly F1 tại nhà và quản lý điều trị BN Covid-19. Thực hiện nghiêm việc quản lý, giám sát CL, bàn giao và theo dõi, giám sát YT sau CL, đảm bảo không để lây nhiễm chéo và lây lan dịch bệnh ra cộng đồng".
Ông Trần Việt Trường - Chủ tịch UBND TP.Cần Thơ:
Yêu cầu Sở YT tăng cường công tác truy vết, khử khuẩn, chuẩn bị cơ sở vật chất, hóa chất, sinh phẩm... đảm bảo phục vụ có hiệu quả công tác PC dịch và điều trị BN Covid-19; chỉ đạo kích hoạt và điều hành hoạt động của BV dã chiến tại Q.Bình Thủy; phối hợp với BV đa khoa Trung ương Cần Thơ, Đại học Y Dược Cần Thơ sẵn sàng đưa BV dã chiến của Trung ương đi vào hoạt động; đồng thời nghiên cứu tham mưu UBND TP thí điểm áp dụng hình thức CL tại nhà đối với ca nghi nghiễm (F1) theo đúng quy định, hướng dẫn của Bộ YT và phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh địa phương.