“Báu vật” Tây Nguyên nguy cơ bị xoá sổ

Thứ Bảy, 25/12/2021 11:49

|

(CAO) Trong khi nhiều ngôi làng truyền thống của một số dân tộc bản địa dần phai nhạt, một ngôi làng người Ba Na gần 100 tuổi với dáng vẻ hoang sơ, lưu giữ nhiều giá trị nguyên bản lại đang rơi vào quên lãng. 

Cách TP Pleiku chừng 60km, làng cũ Kon Sơ Lăl (thuộc xã Hà Tây, huyện Chư Păh, Gia Lai) như ẩn mình bên bìa rừng, nằm đơn độc, tách biệt với bên ngoài. Gọi là làng cũ vì năm 2002, chính quyền địa phương bắt đầu di dời bà con ra làng mới gần trung tâm xã hơn. Sau nhiều lần vận động, cũng với cơ sở hạ tầng làng mới được đầu tư, đến năm 2007, dân làng chuyển ra gần hết.

Ngôi làng cũ của người Ba Na ở Gia Lai

Không còn rộn rã xô bồ, từ nhiều năm nay làng Kon Sơ Lăl đã cửa đóng then cài, nhà tranh vách đất rũ lấm rêu phong. Những âm vang của cồng chiêng ngân nga, điệu múa cùng với ché rượu cần đã đi vào dĩ vãng. Kon Sơ Lăl giờ tĩnh lặng, mộc mạc hoang sơ, mang vẻ đẹp hiền hòa của một “ngôi làng cổ”.

Lúc rời làng, bà con dắt díu nhau đi và chỉ mang theo những thứ thiết yếu là đàn heo, con gà, hạt thóc... Giờ làng cũ đìu hiu, vắng tiếng người. Do thiếu vắng hơi người, một số căn nhà đã bắt đầu xuống cấp, ngã nghiêng.

Những căn nhà sàn vách đất bị bỏ hoang

Về làng mới thuận lợi hơn nhưng nhiều cụ già không nỡ quay lưng, nguyện ở lại với làng cũ. Với họ, làng cũ rất đỗi thân thương, ngay cả đứa trẻ mới mở mắt đã thấy núi rừng.

Trong căn nhà sàn im ắng, hai vợ chồng già Vai sống lặng lẽ với nhau như đôi bạn già. Đã qua 69 mùa rẫy nhưng già Vai vẫn rất minh mẫn, mắt sáng như con chim rừng. Ngồi trước hiên nhà sàn, già Vai tay vẫn thoăn thoắt đan chiếc gùi. Thấy có khách, già Vai mừng lắm. Già bảo: “Lâu lắm rồi, mới có một vị khách ghé nhà. Ở đây buồn nhưng vợ chồng già thích cái cuộc sống tĩnh lặng này. Mỗi buổi sáng thức dậy, mình còn được nghe chim hót, thú kêu, tiếng suối róc rách”.

Cách đó vài chục bước chân, già Der lầm lũi một mình sống trong căn nhà nhỏ. Mấy người con của già đã ra làng mới, già cũng theo ra nhưng “không ưng cái bụng” nên về lại làng cũ. Ở một mình, già cũng nuôi gà, nuôi heo. Mỗi sáng, từ lúc con gà mới cất tiếng gáy thì già đã lội bộ lên nương.

Những đồ vật một thời của làng được bỏ lại

Cách đây ít năm, khi phong trào mua gỗ trắc lên ngôi thì có không ít ngôi làng chao đảo lung lay vì bà con dỡ nhà sàn, dỡ nhà rông lấy gỗ bán cho thương lái. Riêng nhà rông Kon Sơ Lăl được các thương lái đặc biệt chú ý: nhà cao ngang ngọn cây kơ nia già đầu làng, rộng đến mấy chục bước chân, được dựng bằng cột gỗ trắc cao to. Nhà rông càng to, cao được làm công phu càng chứng tỏ sự vững chãi, giàu có của làng.

Người dân làng Kon Sơ Lăl nhớ lại, ngày nào cũng có thương lái đánh ô tô đến gặp trưởng thôn, già làng để hỏi mua nhà rông cho bằng được. Họ trả giá, nếu làng đồng ý thì sẽ đưa cho làng tiền tỷ đồng và mua cho mỗi hộ 1 xe tay ga nhưng không một ai trong làng đồng ý bán.

Căn nhà rông của làng

Một ngày cuối tháng 4-2015, cơn giông lốc từ bên kia đỉnh núi kéo sang, một tia sét sáng lòa đánh vào ngôi nhà rông giữa làng. Lửa từ nhà này bị gió thổi sang nhà kia, nhiều ngôi nhà trở thành ngọn đuốc lớn. Sau nhiều giờ vật lộn với giặc lửa, 11 ngôi nhà sàn cùng với nhà rông chỉ còn lại đống tro tàn.

Những căn nhà sàn xuống cấp, nghiêng ngả

Hiện làng Kon Sơ Lăl chỉ còn hơn chục căn nhà nhưng cũng xuống cấp trầm trọng. Nhà hư không có ai sữa nên nghiêng ngả gần hết. Có những căn nhà chỉ còn lại bộ khung gỗ xiêu vẹo. Các lối mòn trong làng, cây cối đã chắn hết lối vào. Nguy cơ xoá số ngôi làng cổ đẹp ở Tây Nguyên đang dần hiện hữu.

Già Vai là một trong những người hiếm hoi ở lại làng cũ

Anh Khyơn – trưởng thôn làng Kon Sơ Lăl cho biết, mặc dù đã về làng mới nhưng người dân xem làng cũ là ngôi nhà thứ 2 của mình. Hiện làng cũ còn 4 hộ sinh sống, chủ yếu là các cặp vợ chồng đã lớn tuổi. Các căn nhà của 4 hộ sinh sống thì được gia đình sửa chữa thường xuyên nên còn khá nguyên vẹn. Trong khi các ngôi nhà khác lâu ngày không có người ở và không được tu bổ nên hư hỏng khá nhiều.

“Làng cũ còn lưu giữ nhiều nét văn hoá đặc trương của người Ba Na. Người dân muốn giữ và sửa sang lại ngôi làng cũ nhưng khó khăn về kinh phí”, anh Khyơn cho biết thêm.

Bình luận (0)

Lên đầu trang