“Tín dụng đen” mùa dịch Covid-19: Vẫn còn nhiều hệ lụy khôn lường

Thứ Sáu, 24/12/2021 18:44

|

(CATP) Đấu tranh với tội phạm “tín dụng đen” là nhiệm vụ không dễ dàng, đòi hỏi nhiều biện pháp, nhiều thời gian, huy động được sự vào cuộc của các cơ quan chức năng... 

Theo Trung tá Đỗ Minh Phương, Phó Trưởng Phòng Trọng án - Cục Cảnh sát Hình sự, Bộ Công an: Sau 2 năm thực hiện Chỉ thị 12/TTG của Thủ tướng Chính phủ, tình hình phòng chống tội phạm liên quan đến tín dụng đen (TDĐ) có nhiều diễn biến tích cực, thể hiện trên một số mặt như: nhận thức của người dân được nâng cao, hoạt động cho vay và đòi nợ mang tính chất băng nhóm đã giảm, các đối tượng không còn công khai, lộng hành như trước. Tuy nhiên, thực trạng liên quan đến TDĐ vẫn còn nhức nhối.

Trước đó, Bộ Công an đã chỉ đạo Công an các đơn vị, địa phương tăng cường đấu tranh với tội phạm hoạt động TDĐ. Bộ Công an đã đề xuất Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 12/CT-TTg về tăng cường phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến “tín dụng đen”, nhằm huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, các cấp, các ngành tham gia đấu tranh và giải quyết triệt để tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động “tín dụng đen”, góp phần bảo đảm ANTT, lành mạnh hóa các hoạt động cho vay nhằm phát triển sản xuất, kinh doanh.

“Tín dụng đen” xuất hiện dưới nhiều hình thức và đã tồn tại dai dẳng từ lâu. Đặc biệt trong giai đoạn đại dịch COVID-19 bùng phát, nhiều loại hình cho vay với lãi suất “cắt cổ” xuất hiện trên nền tảng công nghệ số, nổi bật như cho vay qua app. Nhiều cá nhân, tổ chức tội phạm hoạt động TDĐ đã triệt để lợi dụng dịch bệnh, người dân gặp nhiều khó khăn, để tiếp cận cho vay và con nợ nhanh chóng trở thành “con tin” của những kẻ cho vay lãi nặng.

Nếu con nợ không trả đúng hạn, đủ lãi, thì sẽ có rất nhiều hệ lụy, hậu quả: nặng thì bị đe dọa, khủng bố tinh thần, hành hung, đập phá, cưỡng đoạt tài sản; nhẹ thì bị đưa lên mạng, bị nhắn tin khủng bố tới tất cả các số điện thoại trong danh bạ của con nợ…

Lực lượng chức năng triệt phá ổ nhóm tín tụng đen

Trong 2 năm qua, Cục Cảnh sát Hình sự đã tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật. Ngoài ra, lực lượng này đã xử lý hơn 1.000 vụ phạm pháp hình sự liên quan đến TDĐ, trong đó có 500 đường dây liên quan TDĐ, hơn 300 vụ là hành vi cho vay lãi nặng. Việc xử lý những vụ việc đó đã giúp răn đe, phòng ngừa chung. Bên cạnh kết quả, tình hình tội phạm liên quan TDĐ còn nhiều nguy cơ và cần có thêm các giải pháp phòng ngừa. Các đối tượng cũng có dấu hiệu chuyển hướng phương thức, thủ phạm và hành vi hoạt động.

Liên quan đến các ứng dụng "tín dụng đen" vẫn tồn tại nhiều trên không gian mạng với các chiêu trò PR, dụ dỗ người dân;  Đại tá Hoàng Ngọc Bách, Trưởng phòng 4, Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao cho biết:  Có hai lý do chính dẫn đến tình trạng này.

Đầu tiên là công tác kiểm định của những nhà sản xuất, quản lý ứng dụng trên nền tảng di động như Android hay IOS chưa thực sự chặt chẽ hoặc không có điều kiện để kiểm tra. Thứ hai là nhu cầu của một bộ phận người dân, những người có nhu cầu về những khoản tiền nhỏ, dưới 10 triệu đồng để trang trải cuộc sống, như những người yếu thế, lao động, công nhân hay học sinh, sinh viên.

Đại tá Hoàng Ngọc Bách nói thêm: Trong thời gian qua, dịch vụ “tín dụng đen” truyền thống đã có sự chuyển dịch, từ núp bóng dưới hình thức tiệm cầm đồ hoặc doanh nghiệp không có chức năng cho vay qua hình thức app cho vay, tạo khó khăn cho công tác kiểm soát do các đối tượng lợi dụng lỗ hổng về pháp lý. Lực lượng chức năng trong thời gian qua đã triệt phá nhiều ổ nhóm cho vay qua app, chuyển từ hình thức truyền thống sang hình thức sử dụng không gian mạng để tiếp cận nhiều người có nhu cầu đi vay hơn và lợi dụng tính năng ẩn danh để tránh lực lượng chức năng.

Bàn đến các giải pháp, Đại tá Hoàng Ngọc Bách đưa ra 3 nội dung chính: "Tăng cường truyền thông, nâng cao nhận thức của người dân, đặc biệt là những người yếu thế thường xuyên phải đi vay, như lao động, công nhân, học sinh, sinh viên; kiện toàn các quy định pháp lý và đẩy mạnh điều kiện tiếp cận các khoản vay chính thống cho người yếu thế có nhu cầu vay; thêm nữa, lực lượng chức năng cũng cần có giải pháp phối hợp với các ban ngành liên quan để giải quyết vấn đề này.

Đại tá Bách chia sẻ thêm: "Một trong những điểm đáng chú ý của hình thức tín dụng đen là lãi suất và chi phí mà người đi vay phải chấp nhận. Đối tượng đi vay tín dụng đen thường là những người rất cần tiền, thường vay số tiền không lớn. Chính vì điều này khi họ đi vay ở các tổ chức tín dụng chính thống thì vướng nhiều thủ tục và thời gian có thể mất nhiều ngày.

Với loại hình tín dụng đen, thì người vay qua hình thức gián tiếp (qua ứng dụng - qua app), người vay và người cho vay không gặp nhau trực tiếp. Khi cho vay, các đối tượng cho vay đưa ra mức lãi suất không vượt qua luật, nhưng sau đó lại đưa ra nhiều loại phí khác nhau như phí duy trì app, phí tư vấn... mà nếu cộng dồn vào thì lãi suất có thể lên tới 2-3% một ngày. Khi người vay không trả nợ được các đối tượng cho vay có thể áp dụng nhiều biện pháp đe dọa, như liên hệ với người thân, công khai thông tin cá nhân, hoặc có thể đến tận nhà gây sức ép buộc "con nợ" phải trả với lãi suất rất cao.

Từ đây, tôi thấy cần có một số giải pháp cấp thiết để bảo vệ người dân tránh sa bẫy tín dụng đen như về hành lang pháp lý, chúng ta cần kiện toàn đặc biệt là cho vay ngân hàng; truyền thông cần tuyên truyền cho người dân về "bẫy tín dụng đen", khi đi vay phải tìm hiểu kỹ. Các công ty tài chính chính thức có cách tiếp cận với khách hàng....".

Bình luận (0)

Lên đầu trang