Khi Phóng viên Báo Công an TP.HCM đến ghi nhận thông tin về vụ việc thì nhận được chia sẻ từ người dân và chính quyền phường Long Bình Tân, TP.Biên Hoà: “QL51 ngập nặng, nhưng có chỗ còn kinh khủng hơn nhiều. Khổ lắm mấy chú ơi!”
Hình ảnh QL51 ngập nặng trong tối 5-9
Hoang tàn trong lòng thành phố
Anh Trương Văn Khiêm – Cán bộ kinh tế UBND P.Long Bình Tân, Thường trực Ban chỉ huy Phòng chống lụt bão của Phường cho biết, trước năm 2010, địa bàn phường không hề xảy ra hiện tượng ngập lụt, nhưng từ 2010 đến nay lại là một trong những nơi chịu ảnh hưởng nặng nhất trong TP.Biên Hoà. Mỗi năm phường sẽ hứng khoảng 10-20 trận ngập.
Trong 2 ngày liên tiếp 4 và 5-9-2017, sau những cơn mưa lớn, khu vực phường Long Bình Tân có nhiều nơi trở thành sông. Đây là đợt ngập đầu tiên trong năm nhưng phạm vi rất lớn, gồm nhiều khu phố; khu vực ngập cao nhất mực nước lên đến 1 m-1.2 m, điểm cao nhất là 1.8 m so với mặt đường.
“Năm 2017, chúng tôi được tỉnh, TP cấp kinh phí để có nạo vét 2 con suối thoát nước ra sông Đồng Nai là Bà Lúa (KP.1) và Cầu Quan (KP.3). Thời gian đầu, mưa nhỏ nên người dân và chúng tôi thấy nước thoát rất tốt, không có vấn đề gì. Hôm 5-9, mưa kéo dài khoảng 1 tiếng đồng hồ rồi ngớt, nhưng sau đó khoảng 60 phút thì nước ào ào tràn về, chỉ 15 phút cả khu phố như sông”, anh Khiêm nói.
Anh Trương Văn Khiêm đang chỉ mực nước ngập hôm 5-9
Cũng theo anh Khiêm, trong trận ngập ngày 5-9 vừa qua, nhiều hộ dân ở khu phố 1,3… thiệt hại ước tính khoảng 10-20 triệu đồng/hộ. Anh Khiêm nói rằng, do nước lên quá nhanh, người dân lại chủ quan là có 2 con suối thoát nước nên không đề phòng, đến khi nước ngập thì không trở tay kịp.
“Chúng tôi gặp rất nhiều khó khăn trong việc cứu hộ, nước ngập quá chúng tôi không thể nào di chuyển vào từng điểm để ứng cứu các nạn nhân. Thậm chí lực lượng xung kích mỏng, mà con nước chảy xiết, nhiều khúc cây lớn trôi rất nhanh và theo sức nước có thể phá vỡ những cây cầu ngang”, anh Khiêm kể lại.
Theo chân cán bộ phường, phóng viên đến KP.1, là nơi ngập nặng nhất của phường Long Bình Tân (20.000 m2/450 hộ dân). Đây là nơi tập trung nhiều công nhân làm việc tại các khu công nghiệp, nhưng trong đợt ngập vừa qua nhiều người không thể về được nhà, mà phải tìm các nơi cao để trú đến nửa đêm. Trong nhà, nước ngập toàn bộ, các thiết bị điện, đồ đạc toàn bộ hư hỏng.
Cây cỏ 2 bên bờ kênh ngã rạp
Ghi nhận của phóng viên tại hiện trường, cảnh tượng hoang tàn với nhiều đoạn đường bị nước ngập xới tung lên, cày nát; nhiều mảng tường che bằng tôn bị đẩy sập, người dân đang dựng lại; nhiều phòng trọ được xây dựng dành cho công nhân thuê giờ bỏ hoang vì nước tràn vào; cây cối nhiều chỗ ngã rạp… Nhiều hộ kinh doanh bị thiệt hại nặng, thậm chí tạm đóng cửa vì sau trận ngập hàng hoá bị hư hỏng nặng.
Ngập do lấp hết đường thoát nước
Theo đánh giá của UBND Phường Long Bình Tân, nguyên nhân chính gây nên tình trạng ngập lụt nghiêm trọng này là do đây là vùng trũng, mỗi khi mưa về, lượng nước cục bộ đổ dồn từ khu vực Hố Nai, Khu công nghiệp Amata, Long Bình, Biên Hoà 2… về suối Bà Lúa và Cầu Quan (từ đây chảy ra sông Đồng Nai).
Trước kia có hơn mười nhánh thoát, nhưng do quá trình xây dựng, nhiều nhánh đã bị san lấp, hiện giờ chỉ còn 2 nhánh chính, vì vậy không thoát kịp.
Nước dâng cao hơn cầu qua suối Bà Lúa trong tối 5-9
Ngoài ra, một số dự án đang xây dựng làm hệ thống thoát nước bị tắt. Các hệ thống cống mới thi công lại quá nhỏ, không đủ thoát nước cục bộ. Theo người dân ở đây, cứ mỗi trận mưa lớn khoảng 1-2 giờ thì nước bắt đầu dâng lên, có khi kéo dài đến 3-4 giờ sau đó.
Năm 2013, tại phường xảy ra một tai nạn thương tâm, mưa lớn gây ngập, một công nhân di tản không kịp bị cây gãy kéo dây điện đứt, giật chết. Đặc điểm của phường Long Bình Tân là nơi tập trung nhiều công nhân, cha mẹ đi làm về trễ, do vậy có rất nhiều trẻ em ở nhà một mình. Do vậy, mỗi khi ngập, nước dâng lên là vô cùng nguy hiểm. Năm 2014, nhận được tin báo của người dân có tiếng em bé khóc, mắc kẹt trong căn nhà trọ, lực lượng xung kích phường phải phá cửa để đưa em nhỏ thoát ra ngoài ngay trước khi nước dâng lên cao.
Trước tình hình ngập lụt kéo dài trong nhiều năm, UBND Phường chủ động thành lập lực lượng xung kích (phản ứng nhanh) thường trực là 60 người chia làm các tổ, phần lớn là dân phòng trong các khu phố, ban chỉ huy phòng chống lụt bão phường, bao gồm cả lãnh đạo phường nhưng thường chỉ có mặt khoảng 30 người, vì nhiều người còn phải đi làm mưu sinh.
Các khu nhà trọ bỏ hoang vì người dân phải dời đi nơi khác
Tuy nhiên, trên thực tế giải pháp chủ yếu của lực lượng này mỗi khi có ngập lụt là chặn tất cả mọi ngã đường không để người dân, đặc biệt là các em học sinh tiến vào khu rốn ngập, đảm bảo không có thiệt hại về người; phân luồng tạm thời, xử lý tình huống trong lúc chờ lực lượng chuyên trách của TP; hỗ trợ dắt xe máy cho người dân lên khu vực cao. Ở trung tâm rốn ngập, nước xoáy mạnh, lực lượng không cách nào tiếp cận.
Anh Trương Văn Khiêm chia sẻ, lực lượng xung kích cho đến nay vẫn chưa được trang bị đủ các phương tiện cứu hộ, không được tập huấn xử lý tình huống khẩn cấp. Ngoài ra, hiện tượng ùn tắc giao thông trong lúc ngập thường xảy ra ở QL1A, QL51, QL15, lực lượng chức năng của TP không tiếp cận nhanh được nên lực lượng xung kích của phường luôn ở trong tình trạng bị động, lo lắng.
Theo dự báo của phường Long Bình Tân, trong thời gian từ đây đến cuối năm các trận mưa lớn tiếp theo, lượng nước từ thượng nguồn tiếp tục chảy theo các con suối qua địa bàn phường Long Bình Tân; các nắp cống mới thi công lại năm 2016 chỉ đảm bảo khi các trận mưa vừa và nhỏ, nếu có mưa lớn và kéo dài vẫn không đảm bảo các yêu cầu thoát nước cục bộ, từ đó nước dội ngược về các khu dân cư.
Mong các cấp chính quyền giúp dân vượt qua cảnh này…
Đường sau trận ngập bị hư hỏng nặng
'Nước lên cao qua khỏi mấy cái trụ mốc này luôn, không dám ra đứng dòm luôn, nước lên nhanh mà tui cũng không biết từ đâu tới. Mưa khoảng 7 giờ là 8 giờ nước vào nhà, ngập lênh láng. Nhiều lần trước nước ở ngạch cửa thôi, chỉ có lần này mới ngập kinh khủng như thế”, một người dân ở trọ tại khu vực suối Bà Lúa cho biết.
Chị Nguyễn Thị Quyên (SN 1982, người dân tại Khu phố 1, P.Long Bình Tân) bức xúc: “Ngày 5-9, nước chảy ào ào, đã vậy có thêm một cái cây chạy theo con nước chắn ngang cầu làm nước không thoát được, nước tủa ra 2 bên làm bao nhiêu đất đá trôi hết. Nhà mẹ tôi gần chợ mà nước lên tới nửa ngực. Tôi chỉ ở nhà không dám ra đường, nước chảy xiết làm nhiều cây to đổ lắm. Mấy cái này rất mong chính quyền giải quyết như thế nào, chứ vầy sao dân chịu nổi. Nhà nâng lên rồi nhưng không ăn thua, như căn kế bên nâng cao 50 phân nhưng nước còn vào tới đầu gối mà”.
"Hôm đó mưa lớn lắm, đường Nguyễn Văn Tỏ từ trường tiểu học đổ về quốc lộ 51, là nước lênh láng. Nhà tôi ở khu vực cao nên đỡ, chứ xuống Ấp văn hoá bên dưới suối Bà Lúa là biển nước. Ở đây xưa nhiều sông nên không sao, từ hồi lấp nhiều sông quá chả còn chỗ thoát nên nó tràn ra quốc lộ. Riết thấy mưa là không còn dám ra đường”, cô Mai, (SN 1955, ngụ tại đường Nguyễn Văn Tỏ, P.Long Bình Tân) cho hay.
Hoang tàn sau trận ngập
“Nước ngập cao lắm, lên tới ngang ngực chứ chả chơi, tôi vừa mới phải làm lại toàn bộ dàn tôn bao quanh nhà. Nước về kéo theo nhiều rác lắm. Tôi ở đây từ năm 2000, đêm 5-9 là trận ngập lụt lớn nhất từ trước đến nay”, chú Hoàng (63 tuổi, ngụ tại Khu phố 1, P.Long Bình Tân) thông tin.
Cô N.T.N (SN 1958) nghẹn ngào kể lại hôm đó nước tràn vào cửa sổ nhà tui. Đồ đạc hư hết. Nhà đã không có gì quý giá, mà bây giờ lại không còn cái nào lành lặn. Nước lên nhanh quá, tui chạy về mà không kịp.
Được biết, Phường Long Bình Tân đã có văn bản gửi chính quyền TP.Biên Hoà về kế hoạch, phương án phòng chống lụt bão, ghi rõ các điểm di dời dân, lực lượng cứu hộ, phương tiện cứu hộ. Tại Phường cũng chủ động ký hợp đồng thuê phương tiện của người dân gồm 10 xe tải và 100 ghe,… để phòng hờ ngập lụt nghiêm trọng.
Người dân địa phương cũng đã chủ động đôn tường và nâng nền nhà hơn 1 m để ngăn nhưng qua trận ngập hôm 5-9, nước vẫn tràn vào nhà.
Về giải pháp xử lý ngập lụt, UBND phường đề nghị UBND thành phố xem xét mở thêm hệ thống cống thoát nước dọc tuyến Quốc lộ 51 phía khu phố Bình Dương từ cây xăng Long Bình Tân tới cầu đen suối Bà Lúa, từ đó mới có thể giảm bớt việc ngập lụt.
Đi và chứng kiến người dân đang sống trong một thành phố đang phát triển từng ngày nhưng vẫn bị bao vây bởi nỗi lo cho tính mạng, tài sản mỗi khi có một cơn mưa đến, chúng tôi cảm thấy xót xa. Rất mong các cấp chính quyền tỉnh Đồng Nai sẽ có giải pháp giúp người dân yên tâm sinh hoạt và làm việc.
Hoàng Sơn - Linh Vũ - Thái Dương