Cà Mau:

Xem xét trách nhiệm người đứng đầu trong phòng chống dịch TLCP

Chủ Nhật, 09/06/2019 16:37  | Thiện Thảo

|

(CAO) Qua kiểm tra, một số nơi tỉnh Cà Mau, công tác tuyên truyền tác hại của dịch tả lợn châu Phi (TLCP) chưa đến người dân. Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị xem xét trách nhiệm của người đứng đầu trong việc tuyên truyền, phổ biến phòng chống dịch. 

Chiều 9-6, ông Nguyễn Tiến Hải, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau cho biết: "Qua kiểm tra thực tế tại xã Phú Mỹ,  huyện Phú Tân, nơi xảy ra dịch TLCP đầu tiên trong tỉnh vẫn còn một số hộ dân không biết gì về dịch và biện pháp phòng chống dịch TLCP.

Có một số hộ, cán bộ thú y vào phun hóa chất phòng dịch đầy đủ nhưng người dân lại không biết về dịch TLCP. Qua đó, chứng tỏ địa phương đã không thực hiện nghiêm, không làm tốt các chỉ đạo của cấp trên, cụ thể là công tác tuyên truyền. Tôi yêu cầu các thành viên BCĐ chống dịch các cấp, nhất là các đồng chí đứng đầu từng ngành, địa phương tăng cường kiểm tra sát sao, chỉ đạo quyết liệt và chịu trách nhiệm trước cấp trên... Tỉnh sẽ xem xét trách nhiệm người đứng đầu trong công tác phòng chống dịch TLCP".

Ngày 9-6, Chi cục Thú y vùng VII kết luận, hộ chăn nuôi nhỏ lẻ bà Lương Thị Kiểu (ở xã Trần Hợi, huyện Trần Văn Thời, Cà Mau) có 1 con heo bị bệnh đã dương tính với bệnh dịch TLCP. Điều lạ, hộ dân này chỉ nuôi 2 con heo, dùng thức ăn tại địa phương nhưng vẫn bị dịch.

Ngay sau khi xác định có dịch trên địa bàn, Ban chỉ đạo phòng, chống Dịch tả lợn Châu phi huyện Trần Văn Thời đã chỉ đạo các ngành liên quan và UBND xã khẩn trương thực hiện các biện pháp phòng và dập dịch tại chỗ. Các công tác tiêu độc, khử trùng bao vây ổ dịch và thành lập các chốt kiểm soát, nhằm ngăn chặn dịch bệnh lây lan vẫn đang được tiếp tục triển khai.

Cán bộ phòng chống dịch tiêu hủy heo bị bệnh TLCP

Trước đó, trên địa bàn tỉnh Cà Mau đã xuất hiện 3 ổ dịch TLCP tại các xã Tân Ân Tây (huyện Ngọc Hiển); xã Phú Mỹ (huyện Phú Tân) và xã xã Hàm Rồng (huyện Năm Căn). Tất cả các ổ dịch đều được phát hiện tại các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ.

Chi cục Chăn nuôi và Thú y Cà Mau khuyến cáo: “Vi rút dịch tả lợn Châu Phi có khả năng tồn tại rất mạnh nên biện pháp an toàn sinh học vẫn là chính. Khuyến cáo người dân không dùng thức ăn thừa chưa qua nấu chín, nấu chỉ hơi sôi là vi rút vẫn sống. Người dân cũng không sử dụng nước sông, rạch để tắm heo, nấu thức ăn cho heo. Trong sử dụng thức ăn tổng hợp cũng không mua thức ăn trôi nổi trên sông. Bởi vì, những thức ăn này có thể được lấy lại từ vùng có dịch bệnh”

Bình luận (0)

Lên đầu trang