(CAO) Liên quan đến vụ rừng biên giới bị khai thác kiểu hủy diệt, theo kết luận của Thanh tra tỉnh Gia Lai, BQL RPH Đức Cơ đã để mất hơn 9.000 héc-ta rừng trong số gần 15.000 héc-ta được giao.
Theo kết luận thanh tra vừa được Thanh tra tỉnh Gia Lai công bố, năm 2011, Ban quản lý rừng phòng hộ (BQL RPH) Đức Cơ được UBND tỉnh cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất với diện tích hơn 14.900 héc-ta, trong đó đất có rừng là hơn 13.000 hec-ta, còn lại là đất lâm nghiệp không có rừng.
Rừng tại huyện biên giới Đức Cơ bị khai thác hủy điệt một bên QL14C
Trong giai đoạn 2011-2014, BQL RPH Đức Cơ đã để mất hơn 5.983 héc-ta rừng không có lý do. Tuy nhiên, ban này chỉ lập biên bản về hành vi lấn chiếm đất rừng trái phép với diện tích 7,23 héc-ta, rất nhỏ so với con số thực tế.
Từ năm 2014 đến năm 2017, ban này tiếp tục để mất hơn 180 héc ta rừng, nhưng không hiểu vì lý do gì mà chỉ lập biên bản vi phạm 15,2 héc-ta.
Còn từ năm 2017 đến nay, theo kết quả rà soát và báo cáo của BQL RPH Đức Cơ, diện tích đất có rừng do đơn vị này quản lý tiếp tục giảm hơn 2.981 héc-ta. Đoàn thanh tra đã tiến hành kiểm tra thực tế phá rừng tại một số tiểu khu thuộc quản lý của đơn vị này.
Kết quả, đoàn đã xác định có 432,79 héc-ta rừng bị phá; nhiều khu vực diện tích bị phá trắng lên đến hàng trăm héc-ta, hiện trường cây rừng bị chặt, cưa, đốt vẫn còn nguyên vẹn; một số khu vực người dân ngang nhiên dựng lán trại để sản xuất trên đất rừng đã chiếm.
Như vậy, diện tích rừng mà đơn vị để mất từ năm 2011 đến đầu năm 2019 là hơn 9.000 héc-ta, chỉ còn hơn 3.812 héc-ta.
Nhiều diện tích rừng mới bị phá tại H.Đức Cơ
Trong việc quản lý, sử dụng các nguồn kinh phí, từ năm 2013 tới 2018, ban này chi sai quy định số tiền hơn 700 triệu đồng. Trong đó, có hơn 500 triệu đồng chi sai phụ cấp thu hút sai đối tượng và gần 200 triệu chi sai phụ cấp cho cán bộ, nhân viên. Ngoài ra, đơn vị này đã không thực hiện đúng quy định về giao khoán, tận thu lâm sản đối với 100 héc-ta điều gây lãng phí tài nguyên.
Theo Thanh tra tỉnh Gia Lai, trách nhiệm chính về những sai phạm trong công tác quản lý bảo vệ rừng, sử dụng đất lâm nghiệp thuộc về lãnh đạo ban. Bên cạnh đó, còn có trách nhiệm của Sở NN-PTNT trong công tác quản lý nhà nước về quản lý bảo vệ rừng; của cấp ủy, chính quyền H.Đức Cơ trong công tác theo dõi, phát hiện, kiến nghị xử lý vi phạm; của một số lực lượng chức năng khác như Bộ đội Biên phòng trong công tác phối hợp bảo vệ đối với diện tích rừng thuộc khu vực biên giới.
Những cây cổ thụ bị cưa hạ tại xã Ia Dom, huyện Đức Cơ, Gia Lai
Quá trình thanh tra việc quản lý bảo vệ rừng, sử dụng đất lâm nghiệp tại BQL RPH Đức Cơ, đoàn thanh tra nhận thấy sai phạm của ban có dấu hiệu tội phạm. Được sự thống nhất của UBND tỉnh, Chánh Thanh tra tỉnh đã có văn bản kiến nghị khởi tố, chuyển hồ sơ về các hành vi vi phạm có dấu hiệu tội phạm phát hiện trong quá trình thanh tra công tác quản lý bảo vệ rừng, sử dụng đất lâm nghiệp tại BQL RPH Đức Cơ đến Cơ quan CSĐT Công an Gia Lai để xem xét, xử lý theo quy định của pháp luật.
Như Báo công an TP.HCM đã phản ánh trước đó, những cánh rừng dọc hai bên QL14C, đoạn nối hai huyện biên giới Ia Grai và Đức Cơ (Gia Lai) đang bị tàn phá nghiêm trọng. Việc phá rừng diễn ra với quy mô lớn, kéo dài. Đáng nói hơn, những cánh rừng bị phá nằm ngay QL14C, nơi nhiều phương tiện đi lại khiến nhiều người bức xúc.