CHÚ Ý ĐỐI TƯỢNG THU NHẬP THẤP
Trên thực tế, toàn thành phố chỉ có 3 nhà máy xử lý nước thải với tổng công suất xử lý 171.000m3/ngày, chỉ bằng 13% lượng nước thải trên địa bàn thành phố. Do đó, hiện nay vẫn có đến 1,5 triệu m3 nước thải/ngày chưa được xử lý vẫn đổ ra sông, rạch, trong khi mục tiêu đến năm 2020 phải xử lý được 80% tổng lượng nước thải sinh hoạt đô thị. Song thời điểm dịch bệnh như hiện nay, việc tăng thu để có thêm chi phí cho hoạt động này cũng cần phải cân nhắc về thời điểm để tránh gánh nặng cho người dân.
Được biết, để có nguồn kinh phí, vừa qua, Sở Xây dựng TPHCM đã có tờ trình số 9150/TT-SXD-HTKT ngày 12-8-2020 trình UBNDTP, đề xuất Ban hành giá dịch vụ thoát nước trên địa bàn TP.Hồ Chí Minh giai đoạn 2020 - 2024, thu giá dịch vụ thoát nước (bao gồm phí xử lý nước thải) trên nguồn cung cấp nước sạch, nhằm có thêm nguồn thu để đầu tư và thu hút nguồn xã hội hóa vào duy tu hệ thống thoát nước và xử lý nước thải.
Hệ thống cung cấp nước sạch được đầu tư hiện đại (ảnh CTV)
Theo đề xuất của Sở Xây dựng, mức thu giá dịch vụ thoát nước sẽ dựa giá nước sạch bình quân (đồng/m3 nước sạch). Lộ trình tăng giá dịch vụ thoát nước bình quân trong năm 2020 là 15%, với mức giá dịch vụ thoát nước bình quân là 1.439 đồng/m3 nước thải. Từ năm 2021 đến 2024, mức tăng trung bình sẽ tăng khoảng 5%/năm và giá dịch vụ thoát nước bình quân của năm 2024 sẽ ở mức 4.237 đồng/m3 nước sạch.
Cụ thể, năm 2021, giá dịch vụ thoát nước tăng khoảng 41,2% so với năm 2020, và bằng 20% giá nước sạch nên sẽ ở mức 2.033 đồng/m3. Năm 2022, giá 2.694 đồng/m3, tăng khoảng 32,5% so với năm 2021, và bằng 25% giá nước sạch. Năm 2023, giá 3.426 đồng/m3, tăng khoảng 27,1% so với năm 2022, và bằng 30% giá nước sạch. Năm 2024, giá 4.237 đồng/m3, tăng khoảng 23,67% so với năm 2023, và bằng 35% giá nước sạch.
Do thu vào dựa trên giá nước sạch nên giá nước sạch giai đoạn 2020 - 2024, tăng bình quân khoảng 5,9 - 6%/năm. Cụ thể, năm 2020, giá nước sạch bình quân là 9.590 đồng/m3; năm 2021 sẽ tăng lên mức 10.165 đồng/m3; năm 2022 có giá 10.775 đồng/m3; năm 2023 là 11.422 đồng/m3 và năm 2024 là 12.107 đồng/m3. Được biết, giá nước sạch bình quân năm 2019 khoảng 9.030 đồng/m3, người sử dụng nước sạch phải trả "phí bảo vệ môi trường đối với nước thải", bằng 10% giá nước sạch, khoảng 903 đồng/m3.
Kênh Ba Bò vẫn còn ô nhiễm (ảnh CTV)
Được biết, theo khuyến nghị tại báo cáo "Đánh giá hoạt động quản lý nước thải đô thị tại Việt Nam" do Ngân hàng Thế giới (World Bank) và cơ quan Australian Aid (Australia) tài trợ, Việt Nam cần một cơ chế tài trợ cho hệ thống thoát nước, xử lý nước thải và thu hồi chi phí. Theo đó, Nhà nước nên huy động vốn đầu tư vào lĩnh vực vệ sinh môi trường bằng Chiến lược quốc gia và Chương trình mục tiêu quốc gia về vệ sinh môi trường, có nhu cầu vốn đầu tư rất cao, dự kiến cần đến 8,3 tỷ USD để cung cấp dịch vụ thoát nước cho 36 triệu dân đô thị của cả nước, xây dựng lộ trình tăng doanh thu, tiến tới thu hồi chi phí.
Đơn vị vận hành và chính quyền địa phương cần hành động tích cực để tăng doanh thu và trang trải chi phí vận hành công trình thông qua việc các hộ gia đình phải trả chi phí nước thải. Việc nâng cao mức thu hồi chi phí sẽ giúp thực hiện nguyên tắc "người gây ô nhiễm phải trả tiền" và cải thiện tính bền vững về tài chính. Nguồn thu này sẽ dành để bảo dưỡng định kỳ và khẩn cấp, nhằm đảm bảo tính bền vững của công trình trong các chương trình quản lý tài sản và bảo dưỡng dài hạn.
Theo ý kiến thẩm định của Sở Tài chính TPHCM tại Văn bản số 2985/STC-ĐT ngày 22-5-2020: "Việc triển khai thu giá dịch vụ thoát nước và xử lý nước thải thay thế thu phí bảo vệ môi trường đối với nước thải với mức tăng dự kiến giá dịch vụ thoát nước trung bình là 5%/năm, lộ trình giá 5 năm (2020-2024) như đề xuất của Trung tâm quản lý Hạ tầng kỹ thuật thành phố là cần thiết, phù hợp".
Một trong những phương pháp để thực hiện mục tiêu trên là từng bước tăng phí nước thải theo mức độ sẵn sàng chi trả của người sử dụng, nhằm dần dần cải thiện mức thu hồi chi phí. Bên cạnh đó, nâng cao nhận thức của người sử dụng dịch vụ về vai trò của vệ sinh môi trường tốt bằng cách tiếp tục thực hiện chương trình thông tin, giáo dục, truyền thông... Việc này sẽ giúp người sử dụng dịch vụ đánh giá được giá trị và lợi ích dịch vụ vệ sinh môi trường mang lại.
Tuy nhiên, các tổ chức này cũng khuyến cáo các chiến lược thu hồi chi phí cần nêu rõ tiêu chí giảm chi phí để tránh trường hợp người tiêu dùng phải gánh chịu các hạn chế này khi trả phí dịch vụ. Công trình thoát nước và xử lý nước thải phải thu hồi chi phí và đảm bảo nguồn tiền mặt để trang trải chi phí vận hành, bảo dưỡng...
LÀM SAO ĐỂ KHÔNG QUÁ SỨC DÂN?
Trao đổi với chúng tôi về đề xuất tăng giá dịch vụ của Sở Xây dựng, ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội BĐS TPHCM cho biết, hơn 20 năm qua, các dự án nhà ở thương mại (cả nhà thấp tầng và nhà chung cư) đều phải xây dựng công trình xử lý nước thải sinh hoạt đạt tiêu chuẩn chất lượng quy định và bàn giao tài sản này cho cơ quan chuyên ngành quản lý vận hành.
Thế nhưng hiện nay có một số dự án vẫn chưa bàn giao được công trình xử lý nước thải sinh hoạt cho cơ quan chuyên ngành, nên người dân trong các dự án này đã phải trả chi phí xử lý nước thải "hai lần". Đó là một lần trả chi phí cho chủ đầu tư để vận hành trạm xử lý nước thải và một lần đóng "phí bảo vệ môi trường" thông qua trả tiền nước sạch.
Nước sạch đã được cung cấp về các huyện ngoại thành (ảnh CTV)
Theo ông Châu, tình hình đại dịch Covid-19 vẫn đang diễn biến khó lường, đa số người dân bị tác động rất lớn, một bộ phận thiếu việc làm, bị thất nghiệp, giảm thu nhập, thậm chí bị mất thu nhập, phải chi tiêu dè sẻn nên việc đề xuất tăng thu phí xử lý nước thải trong năm nay chưa thật phù hợp. Do đó, chưa nên áp dụng "giá dịch vụ thoát nước" (gồm "phí bảo vệ môi trường đối với nước thải") trong năm 2020 theo đề xuất của Sở Xây dựng, mà nên giữ nguyên mức thu bằng 10% giá nước sạch như năm 2019, để giảm bớt gánh nặng cho các hộ gia đình trong tình hình đại dịch Covid-19 hiện nay.
Được biết, hệ thống mạng lưới cấp nước, nhất là tại các vùng ven, huyện ngoại thành từng bước được hoàn thiện. Tính đến đầu năm 2020, trên địa bàn TPHCM, tổng chiều dài đường ống truyền tải là 729km, tăng 177km so với đầu nhiệm kỳ; tổng chiều dài đường ống phân phối là 10.749km, tăng 5.619km so với đầu nhiệm kỳ. Nhờ sự đầu tư này, người dân tại các vùng ven đã có nước sạch sử dụng, tổng số hộ được cấp nước sạch đến cuối năm 2019 gần 2,2 triệu hộ dân.
Tổng Công ty Cấp nước Sài Gòn (Sawaco) đã phát triển các nhà máy nước hiện đại với công suất vận hành khoảng 1,9 triệu m3/ngày, công suất của các bể chứa nước sạch tại các nhà máy nước, điển hình như khu vực Nhà máy nước Tân Hiệp, công suất đã được nâng từ 40.000m3 lên 120.000m3.
Ông Nguyễn Hạ (ngụ Q8):
Việc tăng thêm chi phí để xử lý nước thải cũng sẽ là động lực mỗi thành viên trong gia đình biết sử dụng nước tiết kiệm, giảm chi phí cho gia đình. Tuy nhiên, tình hình dịch bệnh hiện nay, việc tăng giá nước sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến những chi phí thiết yếu của người dân, đặc biệt là bộ phận không nhỏ những người có thu nhập thấp như công nhân, người nghèo có thu nhập bấp bênh hiện đang sinh sống trong các khu nhà trọ, ký túc xá... Do đó, bên cạnh việc tính toán về mức tăng, cần phải tính toán đến thời điểm và có sự hỗ trợ cho các đối tượng này.
Ông Văn Hữu Nhân (ngụ Q10)
Theo tôi được biết, hiện nay số tiền phí bảo vệ môi trường đối với nước thải sinh hoạt là 10% đơn giá nước sạch. Trong số tiền này đơn vị cung cấp nước sạch được giữ lại 10% cho đơn vị và 25% cho UBND xã, phường, thị trấn để trang trải chi phí cho hoạt động thu phí... Phần còn lại, sau khi trừ số tiền phí được trích để lại theo quy định đối với nước thải sinh hoạt và nước thải công nghiệp, đơn vị thu phí có trách nhiệm nộp vào ngân sách địa phương để sử dụng cho công tác bảo vệ môi trường...
Song thực tế tại TPHCM, do tốc độ đô thị hóa ở TPHCM ngày càng nhanh và hầu như lượng nước sạch cung cấp cho toàn bộ khu vực dân cư tạo ra nhiều thách thức lớn khi mà vấn nạn ô nhiễm nguồn nước ngày càng trở nên nóng bỏng hơn bao giờ hết. Trong đó, nhiều giải pháp được chính quyền thành phố đề ra nhưng hiệu quả mang lại chưa cao.