Đầu tư dự án kè chống sạt lở
Trong tháng 6/2023, UBND TPHCM đã công bố danh mục 32 vị trí sạt lở bờ sông, kênh, rạch nguy hiểm và đặc biệt nguy hiểm trên địa bàn. Theo đó, có 8 vị trí đặc biệt nguy hiểm và 24 vị trí nguy hiểm, gây ảnh hưởng khoảng 1.328 hộ dân. Trong số 8 vị trí sạt lở đặc biệt nguy hiểm, có 3 điểm ở H.Nhà Bè, 2 điểm ở TP.Thủ Đức, 2 điểm ở H.Bình Chánh và H.Cần Giờ có 1 điểm. Trong đó, tại 20 vị trí sạt lở, đã có chủ trương đầu tư dự án kè chống sạt lở, với tổng kinh phí hơn 3.200 tỷ đồng, xây gần 18km bờ kè.
Vừa qua, Sở Giao thông - Vận tải (GTVT) đã đề xuất UBND TPHCM trình HĐND TPHCM thông qua chủ trương đầu tư 3 dự án xây kè chống sạt lở, gồm: kè chống sạt lở bờ phải sông Sài Gòn (P25, Q.Bình Thạnh), tổng kinh phí gần 106 tỷ đồng; nạo vét luồng, xây dựng kè bảo vệ bờ sông Chợ Đệm - Bến Lức (H.Bình Chánh), tổng kinh phí hơn 233 tỷ đồng; kè chống sạt lở bờ phải sông Cần Giuộc (từ cầu Ông Thìn về thượng lưu, H.Bình Chánh), tổng kinh phí là 274 tỷ đồng.
Hiện nay, có 9/32 vị trí sạt lở chưa có chủ trương đầu tư dự án kè chống sạt lở, gồm 2 vị trí ở TP.Thủ Đức, 1 ở H.Nhà Bè, 2 ở H.Bình Chánh, 4 ở H.Cần Giờ. UBND TPHCM giao Sở GTVT sớm tổ chức lập báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư dự án xây dựng kè chống sạt lở bờ sông Đồng Nai (KP3, P.Thạnh Mỹ Lợi, TP.Thủ Đức) và dự án xây dựng kè chống sạt lở bờ phải sông Cần Giuộc (từ cầu Ông Thìn về thượng lưu, H.Bình Chánh).
Băng rôn cảnh báo khu vực nguy hiểm
Đối với các dự án khác, UBND TPHCM giao chính quyền TP.Thủ Đức và các quận, huyện thông báo, cảnh báo cho người dân trong khu vực có nguy cơ sạt lở biết để chủ động phòng tránh; khảo sát, đề xuất giải pháp xử lý sạt lở. Đối với những dự án đang triển khai đầu tư kè chống sạt lở, UBND TPHCM yêu cầu các chủ đầu tư khẩn trương đẩy nhanh tiến độ lập, thẩm định, phê duyệt dự án, sớm triển khai thi công, hoàn thành đưa vào sử dụng để phát huy hiệu quả phòng, chống sạt lở, bảo vệ an toàn tính mạng và tài sản của người dân trong các khu vực bị ảnh hưởng bởi sạt lở.
Các dự án kè trong quá trình chuẩn bị đầu tư phải khảo sát kỹ địa hình, địa chất, quá trình triển khai thi công phải bảo đảm chất lượng, bền vững, an toàn để phát huy hiệu quả phòng, chống sạt lở. Đối với các dự án kè sau khi đầu tư hoàn thành đưa vào sử dụng, phải tổ chức bàn giao cho đơn vị quản lý, vận hành, khai thác, bảo đảm phát huy hiệu quả công trình. UBND TP.Thủ Đức và các quận, huyện tiến hành rào chắn, khoanh vùng, ngăn không cho người và phương tiện vào khu vực sạt lở để bảo đảm an toàn; bố trí cán bộ thường xuyên theo dõi chặt chẽ diễn biến sạt lở, hỗ trợ người dân di dời tài sản đến nơi tạm cư an toàn.
Bờ kè bị nghiêng ở khu vực Thanh Đa (Q.Bình Thạnh)
Xử lý nghiêm các công trình lấn chiếm
UBND TPHCM còn chỉ đạo tăng cường kiểm tra, kiên quyết xử lý những trường hợp xây dựng công trình, nhà ở lấn chiếm hành lang bảo vệ bờ sông, kênh, rạch, bờ bao, đê bao, bờ kè; bảo đảm an toàn hệ thống công trình phục vụ ngăn triều và phòng, chống sạt lở. Giao Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) chủ trì, phối hợp các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương tăng cường tuần tra, kiểm tra, xử lý triệt để các chủ phương tiện khai thác, vận chuyển cát, sỏi lòng sông trái phép, không phép trên tuyến sông Sài Gòn (khu vực H.Củ Chi), sông Đồng Nai (khu vực TP.Thủ Đức), sông Lòng Tàu, sông Soài Rạp và vùng ven biển H.Cần Giờ.
Trong năm 2022, trên địa bàn TPHCM xảy ra 4 vụ sạt lở bờ sông tại 3 huyện Hóc Môn, Củ Chi, Nhà Bè, tuy không gây thiệt hại về người, nhưng đã làm mất khoảng 2.110m2 diện tích đất. Vì vậy, để chủ động phòng, chống và hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do sạt lở bờ sông, bờ biển gây ra, UBND TPHCM giao Sở GTVT chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, địa phương quản lý chặt chẽ việc xây dựng các bến thủy nội địa, cảng thủy nội địa.
Trước thực trạng trên, Sở GTVT đã có văn bản gửi Thanh tra Sở này, Sở Xây dựng và UBND các quận, huyện, TP.Thủ Đức về tăng cường xử lý các công trình xây dựng không phép trên hành lang an toàn bờ sông, kênh, rạch ở TPHCM. Báo cáo của Trung tâm Quản lý đường thủy (thuộc Sở GTVT), hiện có 107 trường hợp công trình xây dựng, san lấp lấn chiếm và vi phạm hành lang bảo vệ bờ sông, kênh, rạch ở TP.Thủ Đức và 8 quận, huyện.
Nhiều nhà dân dùng bao cát gia cố bờ kè, nhưng hiệu quả không cao
Đơn cử, cạnh những tòa nhà chung cư cao tầng ở khu trung tâm Q4 là những dãy nhà lụp xụp, hầu hết lợp tôn, được xây dựng trên mặt nước của các tuyến rạch Ông Lớn, Xáng, Bàng... Thực trạng hàng nghìn căn nhà xây lấn chiếm trên mặt nước chứ không phải ở hành lang bảo vệ kênh, rạch tại khu vực này đã diễn ra hàng chục năm qua. Đây không phải là khu vực duy nhất, bởi nhiều tuyến kênh, rạch, sông khác ở TPHCM cũng xảy ra tình trạng tương tự, với quy mô và mức độ khác nhau. Như tuyến rạch Xuyên Tâm (Q.Bình Thạnh) cũng nằm ở khu vực trung tâm, được lên kế hoạch cải tạo khoảng 20 năm qua, nhưng không thể thực hiện được vì vướng nhiều căn nhà lấn chiếm ven mặt nước của rạch.
Ngoài tình trạng lấn chiếm rõ ràng và kéo dài như một số khu vực trên, dọc các tuyến sông, kênh, rạch khác ở TPHCM còn bị lấn chiếm làm quán ăn, nhà hàng, quán cà phê... Có nhiều công trình tạm bợ, nhưng gây ảnh hưởng nhiều tới dòng chảy chính. Tình trạng này cũng rất nan giải bởi thời gian qua, TPHCM không có một hành lang bảo vệ sông ngòi, kênh, rạch đủ mạnh nên những hộ dân sinh sống gần sông đã lấn chiếm, xây dựng công trình mà chưa bị di dời, xử lý, cưỡng chế tháo dỡ. Qua khảo sát, địa phương có số trường hợp công trình vi phạm nhiều nhất là H.Bình Chánh (30 trường hợp), H.Nhà Bè (25), TP.Thủ Đức (18), Q12 (8), Q7 (7), H.Củ Chi (7), H.Cần Giờ (5), H.Hóc Môn (4), Q.Bình Thạnh (3).
Một đoạn kênh tại Q7 bị lấn chiếm xây nhà ở
Tình trạng sạt lở bờ sông ở một số nơi đáng báo động
Để phòng tránh tình trạng trên, dự kiến trong giai đoạn 2023 - 2024, TPHCM sẽ cắm mốc hành lang bảo vệ 59 tuyến sông, kênh, rạch, với tổng chiều dài hơn 553km. Trong đó, sông Sài Gòn là tuyến lớn nhất, được cắm mốc trên chiều dài gần 72km, từ khu vực cầu Bình Phước (TP.Thủ Đức) đến giáp ranh tỉnh Tây Ninh. Một số tuyến sông, rạch khác cũng được cắm mốc, như: Soài Rạp dài gần 60km, sông Lòng Tàu dài 32km, sông Đồng Nai hơn 7km, rạch Tôm, kênh Cây Khô, rạch Bà Lớn...
Việc xử lý các trường hợp vi phạm không chỉ bảo đảm an toàn cho hành lang sông, kênh, rạch, mà còn bảo đảm tính mạng, tài sản của người dân sống ven sông, kênh, rạch, khi nhiều khu vực có nguy cơ sạt lở, nhất là vào mùa mưa. Các công trình vi phạm kể trên đa số tồn tại nhiều năm nay, nhưng chưa được xử lý dứt điểm. Sở TN&MT cho rằng không chỉ phòng, chống sạt lở, chống lấn chiếm mà còn cần hạn chế xả nước thải sinh hoạt, công nghiệp chưa được xử lý đạt tiêu chuẩn ra hệ thống kênh, rạch.
Cạnh đó, việc triển khai cắm mốc trong năm 2023 cần được thực hiện đồng bộ, công khai, dân chủ, an toàn về sự ổn định của bờ sông, kênh, rạch, đồng thời bảo đảm hài hòa quyền và lợi ích hợp pháp của các tổ chức, cá nhân có liên quan. Phải được thể hiện trên nền bản đồ địa chính và thực địa, có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan, UBND quận, huyện và TP.Thủ Đức trong tổ chức triển khai thực hiện.
UBND TPHCM yêu cầu Sở TN&MT đẩy nhanh công tác thẩm định, phê duyệt giá bồi thường, giải phóng mặt bằng đối với các dự án kè chống sạt lở trong thời gian sớm nhất. Từ đó, các chủ đầu tư có mặt bằng phục vụ thi công hoàn thành dứt điểm các dự án kè chống sạt lở bờ sông, bảo vệ an toàn khu dân cư. UBND TP.Thủ Đức và các quận 7, 8, 12, Bình Thạnh cùng các huyện Bình Chánh, Nhà Bè, Cần Giờ, Hóc Môn, Củ Chi cần rà soát những vị trí có nguy cơ sạt lở bờ sông, bờ biển trên địa bàn.
Ngoài ra, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TPHCM, các chủ đầu tư khác khẩn trương đẩy nhanh tiến độ thực hiện những dự án kè phòng, chống sạt lở bờ sông, bờ biển đã có chủ trương của UBND TPHCM. Từ đó, sớm hoàn thành, đưa vào sử dụng để phát huy hiệu quả phòng, chống sạt lở, bảo vệ an toàn tính mạng và tài sản của nhân dân.